Saturday, September 29, 2012

Việt Nam bị tụt hạng ‘mức độ khả tín để đầu tư’



Trước viễn ảnh hệ thống ngân hàng cần cứu trợ
 HÀ NỘI (NV) -Công ty lượng giá đầu tư quốc tế Moody hôm 28 tháng 9 đã hạ thấp thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng về mức độ khả tín để đầu tư.

Nhân viên ngân hàng ACB chuẩn bị những “cục” tiền do Ngân Hàng Nhà Nước bơm tới, chuẩn bị trả cho thân chủ rút tiền khi nghe tin cả Tổng Giám Ðốc Lý Xuân Hải và cổ đông lớn của nhiều ngân hàng Nguyễn Ðức Kiên bị bắt. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)
Việc này xảy ra trong lúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam tiếp tục đối diện với những nguy cơ sụp đổ vì nợ xấu chồng chất và cần đổ thêm tiền vào tiếp cứu.
Thứ bậc khả tín của Việt Nam bị hạ từ B1 xuống B2, tức là mức đánh giá thấp nhất từ trước đến nay đồng thời Moody cũng hạ thứ bậc khả tín của 8 ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Tám ngân hàng thương mại tại Việt Nam bị Moody hạ bậc từ E+ xuống E là ACB, BIDV, MB, SHB, Sacombank, Techcombank, Vietinbank, và VIB.
Một số ngân hàng này liên quan tới những khoản tiền đầu tư hay sử dụng bất hợp pháp như ACB, Sacombank, Vietinbank dính tới các ông Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Bầu Kiên.
Nợ xấu chiếm tỉ lệ khá lớn đã làm giảm khả năng cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, ảnh hưởng khả năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam.
Tỉ lệ nợ xấu từ 10% đến hơn 20% của hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam, tùy dựa vào nguồn thông tin nào, cũng đều mở ra viễn ảnh về một cuộc đại phẫu không loại trừ giải pháp Ngân Hàng Nhà Nước, hoặc từ một nguồn nào khác, phải đổ vào một số tiền khổng lồ để cứu.
Moody hạ thấp vị thế của Việt Nam chỉ một ngày sau khi có tin công an CSVN loan báo truy tố cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân Hàng Á Châu (ACB) Trần Xuân Giá cùng với 3 người khác liên quan đến số tiền 718 tỉ của ngân hàng này sử dụng bất hợp pháp.
Cũng số tiền đó, tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã bị tống giam từ ngày 22 tháng 8 chỉ hai ngày sau khi ông Nguyễn Ðức Kiên tức bầu Kiên bị bắt.
Tất cả những ông ở trên đều bị truy tố với tội làm trái các quy định về quản lý tài chính gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ngân hàng ACB là một ít các ngân hàng thương mại lớn có đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam. Ngân hàng ACB có 15% vốn đầu tư của Ngân Hàng Anh Quốc Standard Chartered Bank.
Khác với Moody, gần đây, tổ chức lượng giá đầu tư tài chính quốc tế Standard & Poor lại nâng Việt Nam trên bảng thang điểm lượng giá đầu tư của họ vì cho rằng điều kiện kinh doanh của các ngân hàng tại Việt Nam đã cải thiện dù có những nguy cơ đáng kể gần đây trong cán cân thương mại.
Trong khi chuyên gia lượng giá nhìn khác nhau về viễn ảnh của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, ít nhất người ta đã được chứng kiến những gì đã và đang xảy ra.
Tín dụng cấp bừa bãi cho các tập đoàn và tổng công ty quốc doanh, các đám kinh tài tư bản đỏ thì lũng đoạn hệ thống ngân hàng theo kiểu chuyển tiền từ tay phải sang tay trái. Họ vừa là chủ ngân hàng, vừa là chủ một chuỗi nhiều công ty kinh doanh khác nhau. Ðây là cung cách kinh doanh “tư bản thân hữu” hay người nhà dấm dúi cho nhau, bị cấm đoán ở tại các nước có luật lệ minh bạch ngoại trừ Việt Nam.
Hệ quả, những khoản tín dụng lớn lao được đầu tư và kinh doanh bừa bãi, không loại trừ những số tiền lớn bị chui vào túi tham nhũng, dẫn đến thua lỗ, mất khả năng chi trả. Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đưa ra các con số thống kê bất nhất, khi thì hơn 4.16% khi thì hơn 4.7%, khi thì khoảng 8.6% nhưng giới chuyên viên ngoại quốc tin rằng tỉ lệ nợ xấu mà hệ thông ngân hàng tại Việt Nam đang ôm có thể nhiều hơn 20%.
Theo nhận định của Moody, để cải thiện tình hình, chế độ Hà Nội cần có một kế hoạch nhanh chóng nhằm hạ bớt mức rủi ro của hệ thống ngân hàng. Trong đó, sự quản lý chặt chẽ và minh bạch là những cần thiết hầu bảo đảm khả năng cạnh tranh và tăng trưởng.
“Tuy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngân hàng không lớn lắm, nhưng nó tác động tới uy tín tài chính của nhà nước CSVN và khả năng tăng trưởng kinh tế”. Kinh tế gia Jonathan Pincus hiện đang giảng dạy chương trình Fulbright ở Sài Gòn nhận định. Theo ông Hà Nội cũng cần phải hành động sớm hầu giảm thiểu tác động xấu.
Chân dung nguyên Phó Chủ Tịch Nguyễn Ðức Kiên tức bầu Kiên trong ấn phẩm kỷ niệm 15 năm thành lập ACB (tháng 6 năm 2008). Ông Kiên bị bắt ngày 20 tháng 8, 2012 vì một số tội như “kinh doanh (tài chính) trái phép” và “làm trái quy định của nhà nước về quản lý tài chính gây thiệt hại nghiêm trọng”. (Hình: Ðầu Tư Chứng Khoán)
Matt Hildebrandt, kinh tế gia của ngân hàng JPChase Morgan ở Singapore cho rằng Việt Nam có thể còn bị hạ thấp thứ hạng từ 6 đến 9 tháng tới. Theo ông, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang có nhiều nợ xấu và cần sự yểm trợ từ bên ngoài để chống đỡ.
Hồi đầu tháng, khi hãng thông tấn ngoại quốc loan tin có thể Việt Nam cần vay tiền của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) để đối phó với cuộc khủng hoảng ngân hàng, Ngân Hàng Nhà Nước vội vàng phủ nhận. Nhưng đào đâu ra một số tiền khổng lồ từ 250 ngàn tỉ đồng đến 300 ngàn tỉ đồng (tức từ $12 tỉ USD đến $14 tỉ USD) để giải quyết nợ xấu là câu hỏi không thấy có câu trả lời. (T.N.)

No comments:

Post a Comment