Mã Chiến - Phạm Nguyên Trường dịch
LONDON – Phiên tòa, lời buộc tội và bản án tử hình được hoãn thi hành dành cho bà Cốc Khai Lai, vợ của nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa bị thất sủng tên là Bạc Hi Lai, làm người ta nghi ngờ không chỉ hệ thống pháp lý của Trung Quốc mà còn nghi ngờ cả sự thống nhất của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản nữa.
Xin bắt đầu bằng những vấn đề xuất hiện tại phiên tòa. Bà Cốc tuyên bố rằng bà ta giết doanh nhân người Anh, ông Neil Heywood, là để bảo vệ con mình. Nhưng với quyền lực của Cốc, vợ ông Bạc, thì việc giam giữ hay trục xuất một người như ông Heywood chỉ là một cái búng ngón tay. Không cần tới chất cyanide.
Tuy nhiên, bà ta không chỉ công nhận tội lỗi mà dường như còn coi đó là nhu cầu của lịch sử nữa. “Nhằm củng cố sự trong sáng của pháp luật, tôi sẵn sàng chấp nhận và đối mặt với bất kỳ bản án nào, tôi cũng hy vọng một bản án công bằng và chính trực”, bà ta đã nói với tòa như thế. Từ những phiên tòa có tính trình diễn của Stalin hồi những năm 1930, chưa có bị cáo nào lại ca ngợi quan tòa – người phải kết án bà ta tại một phiên toà mà không có nhân chứng hay bằng chứng nào chống lại bà ta được trình ra – một cách nồng nhiệt đến như vậy.
Phiên tòa xử một cách chóng vánh bà Cốc còn nực cười hơn nữa là bà ta là người hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống pháp lý của Trung Quốc. Sau khi giành chiến thắng ở một tòa án Mỹ, bà Cốc, vốn là một Luật sư, đã viết một cuốn sách, trong đó bà tuyên bố rằng Trung Quốc cung cấp cho người ta “phương pháp xử án công bằng nhất”. “Các Luật sư Trung Quốc không tranh luận lằng nhằng về ý nghĩa của mỗi chữ. Một khi họ tin chắc rằng anh đã giết một người nào đó thì anh sẽ bị bắt giam, bị đưa ra tòa và bị đội lính hành quyết”, bà ta viết như thế.
Nói đúng ra, bà Cốc là biểu hiện của của luật pháp Maoist mà Trung Quốc còn giữ lại sau khi Mao chết đã lâu. Không vượt qua được kì thi vào trường Đại học tổng hợp Bắc Kinh, nhưng bà Cốc lại được đặc cách giảng dạy luật sau khi Đảng cộng sản khôi phục khoa luật học. Trước đó, bà ta bán thịt lợn tại một khu chợ ở Bắc Kinh, ở đây bà ta có biệt danh là “Yi dao zhun” (Nhất đao chuẩn一刀准), nghĩa là chỉ cần một nhát là được đúng miếng thịt mong muốn.
Bà Cốc là một trong những người đầu tiên có giấy phép hành nghề Luật sư. Nhưng từ sau sự kiện xảy ra trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, chính quyền đã xiết chặt sự tự chủ của nghề luật sư. Đảng, thông qua Ủy ban về luật pháp và chính trị trực thuộc Ban chấp hành trung ương (PLAC), đã nắm lại quyền kiểm soát tất cả các khía cạnh của Tòa án.
Cơ quan có tính toàn trị này không có địa chỉ cụ thể, nhưng nó quản lý cảnh sát, công tố và Bộ Tư pháp và bổ nhiệm ban lãnh đạo của những tổ chức này. Tất cả các Luật sư đều bị nó theo dõi. Đặc biệt quan trọng là, Thư ký của PLAC địa phương cũng đồng thời là lãnh đạo cơ quan an ninh địa phương. Không có gì ngạc nhiên là nghệ sĩ Ngải Vị Vị có thể bị giam ở nơi bí mật, Lưu Hiểu Ba bị kết án đến 11 năm tù giam, còn Li Wangya (Lý Uông Dương 李旺阳)thì có thể “tự sát” khi bị giam giữ.
Nhưng ngay cả hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhất cũng có khe hở. Nếu Vương Lập Quân, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh và là đồng minh thân cận của Bạc Hi Lai, không sợ và không chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô thì bây giờ Cốc có thể vẫn còn đang giúp Bạc cai trị thành phố.
Vương không phải là một người trong sạch. Trước khi trở thành Giám đốc Công an của Bạc, ông ta từng là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý học tại hiện trường (Field Psychology Research Center), nơi những tội nhân bị hành quyết, nội tạng của họ thì bị lấy đi. Bài báo của Vương có nhan đề: “Nghiên cứu việc cấy nội tạng và người nhận nội tạng sau khi hành quyết bằng phương pháp tiêm” đã được trao Giải thưởng đóng góp đổi mới của Trung tâm khoa học kỹ thuật Quang Hoa (Guanghua Innovation Contribution Award). Trong bài báo, ông ta ca ngợi “thành công” của “hàng ngàn trường hợp cấy ghép”.
Nhận thức được sự dã man của hệ thống ở Trung Quốc, chắc chắn Vương biết rằng sau khi ngã ngựa cùng với Cốc và Bạc thì Lãnh sự quán Mỹ là nơi duy nhất ông ta có thể tìm được sự che chở.
Nói cho cùng, liên quan tới những cơ quan an ninh công cộng, tòa án và hệ thống nhà tù, thì Cốc bao giờ cũng có tiếng nói cuối cùng. Bà ta từng là cố vấn của chồng trong việc tiêu diệt tội phạm và tham nhũng và là người chịu trách nhiệm trong việc bỏ tù hai người, trong đó có thư kí PLAC quận Vu Sơn.
Trên thực tế, vài ngày sau khi giết Heywood, Cốc đã khoác lên người bộ quân phục Trung tướng (có thể là của bố bà ta, tướng Gu Jingsheng – Cốc Cảnh Sinh谷景生), rồi tập hợp các sĩ quan công an ở Trùng Khánh và nói dối là bà ta nhận được mật lệnh của Bộ Nội vụ là phải bảo vệ an toàn cho Vương. Bộ quân phục có thể là nhằm dọa công an Trùng Khánh.
Nhưng thật bất ngờ và không thể nào giải thích được là Vương bị đưa từ Lãnh sự quán Mỹ về Bắc Kinh. Ông ta đã trình cho lãnh đạo Đảng bằng chứng làm cho Bạc sụp đổ, còn Cốc thì bị bắt giữ. Nhưng việc phát hiện ra những bí mật động trời của Bạc cũng có nghĩa là phát hiện ra thế giới ngầm của giới “quý tộc đỏ”. Cho nên Vương không thể hy vọng vào sự nhân từ của phiên tòa xử ông ta, một phiên tòa có thể kết thúc bằng án tử hình và lao động khổ sai.
Nhằm bảo vệ giới quý tộc đỏ, trong phiên tòa xử Cốc, PLAC đã không nhắc gì tới hàng loạt tội phạm về kinh tế của bà ta. Cho nên trong cuốn lịch sử được PLAC viết lại, Heywood đã bị giết vì bà Cốc muốn cứu con là Bạc Qua Qua. Còn Vương, trong khi tiết lộ tội ác của Bạc và Cốc, không phải là để bảo vệ thanh danh của Trung Quốc mà là đã tiết lộ câu chuyện của ông ta cho những thế lực thù địch ngoại quốc. Chỉ có trừng phạt ông ta thì mới làm dịu được cơn tức giận của quần chúng.
Nhưng vụ Bạc Hi Lai và Cốc Khai Lai có thể chỉ là khúc dạo đầu vì chỉ có một sự thật được bộc lộ trong vụ này, đấy là Ban lãnh đạo Đảng có thể tan rã. Lũ chó sói bắt đầu quay sang cắn nhau rồi.
Nguồn: project-syndicate.org
P.N.T.
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment