Sunday, August 5, 2012

Biển Đông, thùng thuốc súng sắp nổ?



Việt Hoàng - Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Ðông chưa kịp lắng xuống thì bão tố lại nổi lên trong quan hệ giữa hai người hàng xóm “đồng sàng” nhưng “dị mộng” Việt Nam-Trung Quốc.

Ngày 21-6-2012, Quốc hội Việt Nam thông qua bộ Luật Biển, một lần nữa tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã phản ứng một cách dữ dội và tức tối bằng cách thành lập huyện Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm hai quần đảo của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, ngày 3-7 truyền hình trung ương Trung Quốc cho chiếu phóng sự về vụ 4 tàu hải giám nước này chặn đuổi tàu của cảnh sát biển Việt Nam gần quần đảo Trường Sa và kết quả là tàu Việt Nam phải rút lui. Chính quyền Việt Nam đã phản ứng tương đối gay gắt xung quanh các sự kiện này.
Ðặc biệt sau một năm xảy ra các cuộc biểu tình trong mùa hè năm 2011, trong hai ngày chủ nhật 1 và 8 tháng 7 vừa qua, nhân dân hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn lại tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc. Tại Hà Nội, hai cuộc biểu tình đều diễn ra ôn hòa và không có các hành động trấn áp mạnh tay của chính quyền, tuy nhiên vào tối ngày 8-7 blogger JB Nguyễn Hữu Vinh đã bị côn đồ hành hung tại nhà ; dư luận cho rằng có bàn tay của chính quyền đứng đằng sau vụ này. Tại Sài Gòn, công an trấn áp dữ dội hơn, đặc biệt là trường hợp hai phụ nữ mà Thông Luận đã đề cập trên trang mạng, đó là bà Lê Ngọc Hồ Ðiệp, vợ nhà văn Uyên Vũ, một thành viên Câu lạc bộ nhà báo tự do và cô Huỳnh Thục Vi, một blogger nhiều người biết đến.
Một thắc mắc mà nhiều người Việt tự hỏi là tại sao Trung Quốc lại hành động như vậy ? Dù lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo Việt Nam cùng theo chế độ cộng sản, cùng cam kết là chung sống hòa bình với nhau ? Trung Quốc một mặt muốn phát triển và chinh phục tình cảm của thế giới trong đó có Việt Nam và các nước ASEAN, một mặt lại hành động rất hiếu chiến trên Biển Ðông ?
Câu trả lời cũng không khó và nhiều người đã đưa ra, đó là một chế độ giàu mạnh không có dân chủ (như Trung Quốc) nhiều khi lại không thể giải quyết được những chuyện đơn giản. Vì không có dân chủ nên đảng cộng sản Trung Quốc không có chính danh ; không có chính danh nên lãnh đạo Trung Quốc phải dùng con bài “chủ nghĩa dân tộc” để làm chất keo kết dính chính quyền và nhân dân ; đồng thời cũng biện minh cho sự lãnh đạo toàn trị của đảng cộng sản.
Trong thực tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn là con dao hai lưỡi, người chơi dao sớm muộn gì cũng bị đứt tay; càng nguy hiểm hơn khi chủ nghĩa dân tộc đạt đến tột đỉnh, chiến tranh chắc chắn sẽ phải xảy ra và người dân nước đó phải hứng trọn mọi hậu quả. Chế độ phát xít của Hít-le dựa trên chủ nghĩa dân tộc đã đẩy cả thế giới vào chiến tranh thứ 2 để rồi nước Ðức bị tàn phá như thế nào chắc ai cũng đã rõ. Hay mới đây nhất, thái độ và tinh thần quá khích của các cổ động viên Nga tại Ba Lan và Ukraina trong Giải bóng đá EURO 2012 vừa qua cũng là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà chính quyền Putin đã phát động và công khai cổ xướng.
Với suy nghĩ của một người bình thường thì, có lẽ tất cả chúng ta đều cho rằng xác xuất để Trung Quốc phát động một cuộc chiến tranh với Việt Nam hay Philippines là con số không : Trung Quốc sẽ mất rất nhiều hơn là được. Tuy nhiên, đối với các cấp lãnh đạo Trung Quốc thì sự lựa chọn tưởng chừng rất đơn giản đó lại không hề giản đơn. Chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ chuyển giao quyền lực của ban lãnh đạo Trung Quốc đương thời cho ban lãnh đạo mới, những tiếng nói ôn hòa đã bị phái diều hâu lấn át và tất nhiên không một cấp lãnh đạo Trung Quốc nào muốn bị mang tiếng là người yếu đuối.
Một lý do nữa khiến phái diều hâu trong chính quyền Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước là muốn phục hồi vết thương tinh thần chưa lành của người Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19. Hơn một thế kỷ bị ngoại bang, Nhật và của quốc gia phát triển phương Tây, xâm chiếm và làm nhục vẫn còn ám ảnh người dân Trung Quốc. Văn hóa Khổng Giáo “luôn hoài niệm về ánh hào quang của quá khứ”, quốc gia trung tâm (Trung Quốc) với lịch sử 5000 năm, khiến người dân tiếc nuối và muốn khôi phục lại sức mạnh và sự vinh quang đã đánh mất, tâm lý này càng được thổi bùng lên theo sự phát triển của Trung Quốc hơn 30 năm qua. Các cấp chính quyền Trung Quốc vẫn chưa vượt qua được mặc cảm tự ti của mình để bỏ lại sau lưng hành trang nặng nề của văn hóa Khổng Giáo, trong đó có chủ nghĩa Đại Hán và văn hóa bành trướng bằng cách xâm chiếm đất đai của các nước lân bang. Có lẽ sẽ còn rất lâu Trung Quốc mới có thể trở thành một quốc gia bình thường như các quốc gia phát triển khác trên thế giới.
Sức mạnh của một cường quốc trong thời đại ngày nay đến từ “sức mạnh mềm”, nghĩa là khả năng gây ảnh hưởng từ kinh tế, văn hóa, các giá trị tiến bộ về quyền của con người, tự do cho mỗi cá nhân…, hơn là đến từ “sức mạnh cứng”, nghĩa là số lượng lớn các vũ khí có khả năng giết người hàng loạt. Không tôn trọng các quyền của con người thì không thể có được sức mạnh mềm. Sức mạnh cứng của Trung Quốc càng lớn thì càng bị nhiều quốc gia ghét bỏ và lo sợ. Những người Trung Quốc hiểu biết (giới thương gia) đã từng lên tiếng cảnh báo nhưng tiếng nói của họ không được lắng nghe, kết quả là hơn 60% những người giàu có Trung Quốc đã phản ứng bằng cách bỏ nước ra đi, đến những quốc gia có tự do dân chủ sinh sống. Người dân Trung Quốc, cũng như người dân Việt Nam, bị tuyên truyền một chiều nên chỉ biết một chiều. Tự cho mình là một dân tộc lớn, người Trung Quốc dễ bị kích động bởi niềm kiêu hãnh của quá khứ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan do đó vẫn còn đất sống.
Một cuộc “tiểu chiến” trên Biển Ðông do Trung Quốc phát động là điều hoàn toàn có thể xảy ra do tình hình nội bộ Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Nhất là khi hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng sút giảm do khủng hoảng kinh tế kéo dài trên khắp thế giới, nhất là tại Châu Âu, khách hàng chính của Trung Quốc, chưa có dấu hiệu kết thúc. Gây hấn với bên ngoài để tạo đoàn kết trong nội bộ đảng cộng sản và đánh lạc hướng dư luận trong nước là điều hoàn toàn “hợp lý” với phái diều hâu của Trung Quốc. Nói tóm lại, trên vấn đề Biển Ðông, không ai biết chính quyền Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào vì không thể có một giải pháp thích hợp, tất cả tùy thuộc vào hiện tình bên trong của Trung Quốc.
Vấn đề của Trung Quốc sẽ do người Trung Quốc quyết định, vấn đề của Việt Nam phải do người Việt Nam quyết định.
Mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Việt Nam là chuyện có thật và đang hiện hữu. Chính quyền Việt Nam và người dân Việt Nam phải chuẩn bị cho một tình huống xấu có thể xảy ra, nghĩa là bị Trung Quốc tấn công. Ðiều đầu tiên mà tất cả mọi người, từ chính quyền đến nhân dân cần phải làm là rũ bỏ quan niệm xem Trung Quốc là người “bạn vàng” của Việt Nam, như khẩu hiệu “4 tốt và 16 chữ vàng” mà ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường ca ngợi.
Chính quyền Việt Nam cần công khai, minh bạch và có một lập trường rõ ràng trong thái độ cũng như trong hành động đối với nhà cầm quyền Trung Quốc. Thứ nhất là mạnh dạn và liên tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền và lẽ phải của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị chiếm đóng bất hợp pháp cho người dân Trung Quốc cũng như dư luận thế giới biết đến càng nhiều càng tốt. Thứ hai là tăng cường khả năng phòng thủ các hải đảo và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa, nhất là phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với những hy sinh và đóng góp của lực lượng hải quân Việt nam nói riêng và quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Chúng ta không nên cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam là hai dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý. Chỉ có chính quyền cộng sản Trung Quốc mới đáng lên án và cảnh giác.
Một luồng suy nghĩ thiển cận và nhu nhược của một số người trong nước cần phải vạch mặt chỉ tên, đó là tư tưởng : “Việt Nam là nước nhỏ, Trung Quốc là nước lớn, đánh nhau với Trung Quốc chỉ bị thiệt hại, là bất lợi…”. Nên nhớ, không một người Việt Nam bình thường nào kêu gọi đánh nhau với Trung Quốc. “Ðánh nhau với Trung Quốc” và việc “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Dù lớn hay nhỏ, khi tổ quốc bị xâm lược thì bất cứ dân tộc nào cũng phải chống trả, nếu không muốn bị coi là hèn nhát và bị xóa sổ.
Trong quá khứ, và có lẽ trong cả tương lai, Việt Nam không bao giờ hùng mạnh hơn Trung Quốc. Gần bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông chúng ta luôn phải đối phó với âm mưu thôn tính của các triều đại phong kiến phương Bắc. Cũng đã nhiều lần cha ông chúng ta phải cầm vũ khí để chống lại các cuộc xâm lăng từ Trung Quốc, cho dù có những lúc Trung Quốc cực kỳ hùng mạnh, như thời Nguyên-Mông. Ðội quân tinh nhuệ của Thành Cát Tư Hãn lúc đó đã thôn tín hầu hết Châu Á và gần nửa Châu Âu, thế nhưng khi xua quân vào xâm chiếm nuớc Nam, đội quân đó đã bị vua tôi nhà Trần và danh tướng Trần Hưng Ðạo đánh bại. Nếu cha ông ta thời đó cũng có suy nghĩ là nhà Nguyên mạnh, nhà Trần yếu, do đó phải nhịn nhục và qui phục thì có lẽ đnh Việt Nam ngày nay đang là một quận huyện nhỏ của Trung Quốc.
Phải làm gì trước các nguy cơ gây hấn từ Trung Quốc?
Ðiều quan trọng nhất mà nhân dân Việt Nam cần phải làm là nhanh chóng dân chủ hóa đất nước.
Chỉ khi Việt Nam có dân chủ thì mới có thể chống được tham nhũng. Chỉ khi chống được tham nhũng thì chúng ta mới có thể huy đồng tiền tài mua sắm và trang bị những loại vũ khí hiện đại để đối phó với các nguy cơ đến từ Trung Quốc. Chỉ riêng lượng tiền thất thoát từ vụ Vinashin và Vinalines, hơn 6 tỉ đô la, có thể mua được hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot, trực thăng chiến đấu Black Hawk, máy bay chiến đấu F-16 cũng như nhiều tàu ngầm hiện đại của Mỹ, như Ðài Loan vừa mua năm ngoái. Và Việt Nam cũng chỉ có thể mua được các loại vũ khí hiện đại đó từ Mỹ nếu có dân chủ.
Chỉ khi Việt Nam có dân chủ thì mới có thể đoàn kết được mọi thành phần dân chúng lại với nhau, sẽ không còn những chuyện cực kỳ vô lý như khi người dân đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn lại bị chính quyền đàn áp thô bạo.
Chỉ khi Việt Nam có dân chủ thì mọi tiếng nói của người dân mới được lắng nghe và từ đó chính quyền mới có thể chọn lựa được những chính sách thích hợp để đối phó với Trung Quốc.
Chỉ khi Việt Nam có dân chủ thì dân chúng Việt Nam mới có thể chọn được những người lãnh đạo thật sự có tài, có tâm và có tầm nhìn chiến lược để đối phó với Trung Quốc.
Chỉ khi Việt Nam có dân chủ thì đất nước Việt Nam mới nhận được sự ủng hộ chân thành của bạn bè và dư luận thế giới trước một Trung Quốc hùng mạnh và hiếu chiến.
Hình ảnh của Việt Nam ngày hôm nay trong con mắt của bạn bè quốc tế là một đất nước nghèo khó, độc tài, tham nhũng và đầy rẫy bất công. Và cũng chỉ khi Việt Nam có dân chủ, mỗi người dân Việt Nam được hưởng những quyền lợi chính đáng và đầy đủ của con người thì khi đó người Việt Nam mới thấy yêu tổ quốc và có trách nhiệm với đất nước.
Chỉ khi có dân chủ chúng ta mới có thể đề cao tinh thần liên đới giữa người Việt với nhau để chia sẻ một tương lai chung, một tương lai mà mỗi người Việt Nam đều có cơ hội và chỗ đứng ngang nhau, một tương lai mà mọi người cùng chấp nhận được và cùng ủng hộ.
Vai trò dấn thân của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là từ tầng lớp trí thức trẻ, những người dám tiên phong làm đổi dòng lịch sử sẽ được ghi nhận và vinh danh xứng đáng.
Một lựa chọn bắt buộc để Việt Nam đứng dậy và đi tới đó là cần nhanh chóng rủ bỏ gánh nặng của quá khứ, của văn hóa Khổng Giáo để hội nhập thật sự vào thế giới văn minh. Một việc làm mà báo chí “lề phải” cũng như “lề trái” có thể làm được ngay và nên làm thường xuyên, đó là mạnh mẽ lên tiếng phê bình những mặt trái của văn hóa Khổng Giáo mà ảnh hưởng của nó đang cản đường tiến tới của chúng ta. Việt Nam cần thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nghĩa là thoát ra khỏi tư duy cũ kỹ, lạc hậu của chính chúng ta để vươn lên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Singapore và Hồng Kông.
Không có cuộc cách mạng về nhận thức và văn hóa, Việt Nam không thể tiến lên phía trước.
Nguồn: Ethongluan.org

No comments:

Post a Comment