Saturday, July 7, 2012

Tôi đang sống ở thời đại nào?



Phương Bích -Những ngày này tôi thường tự hỏi: mình đang sống ở thời đại nào?
Vốn quen nghĩ rằng trong cuộc sống, mọi việc đều diễn tiến theo logic – hợp lý và tất yếu, nhưng rốt cuộc những gì tôi nghe thấy, những gì tôi nhìn thấy lại khiến tôi ngẩn ngơ. Dường như nó đã vượt qua cả trí tưởng tượng vốn quen với những câu chuyện giả tưởng của tôi. Và nó không tuân theo bất cứ một thứ logic nào cả.

Ngày 1/7 vừa rồi, trong khi ở Hà Nội không ai trong chúng tôi bị đàn áp khi đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược thì ở Sài Gòn lại xảy ra đàn áp ở các vùng lân cận. Trong khi ở Hà Nội phần lớn họ chỉ tìm cách vô hiệu hóa “mềm” một số đối tượng mà họ có thể ra tay được, thì trong Sài Gòn lại xảy ra bắt bớ, thậm chí đánh đập, cốt không để cho họ có thể nhập vào đoàn biểu tình có các nhân sĩ trí thức đi đầu.
Chuyện ngăn chặn, bắt người có ý định biểu tình lên xe, chở ra chỗ khác thật xa trung tâm rồi thả, hoặc lấy lời khai như một tội phạm cốt để khủng bố tinh thần là chính, không còn xa lạ gì. Trò gì diễn mãi cũng sẽ nhàm. Một khi nó là nhu cầu cuộc sống thì nó cứ sẽ diễn ra, không thể giải quyết bằng việc ngăn chặn nó. Luật pháp được đặt ra cũng chỉ để phục vụ cho cuộc sống. Cuộc sống không ngừng tiến hóa thì luật pháp cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của nó, chứ không phải đặt ra để ngăn chặn nó, thậm chí kéo lùi sự phát triển…
Vậy tại sao nhà cầm quyền không giải quyết những phát sinh trong cuộc sống mà cứ loay hoay tìm cách ngăn chặn nó? Thậm chí mức độ ngăn chặn ngày càng tệ hại hơn, thô bạo và trắng trợn hơn. Bịt miệng không cho dân kêu. Chính danh không được thì dung túng (người ta có quyền nghi ngờ là thuê) xã hội đen để đàn áp dân.
Thật tệ là tôi chưa hề đọc một bài viết nào của cô gái có tên Huỳnh Thục Vy và cha cô ấy. Chỉ biết mang máng về chuyện gia đình cô ấy đang bị nhà cầm quyền o ép dữ dội vì những bài viết hết sức thẳng thắn của họ về thực trạng của xã hội, được nhiều người đánh giá cao. Đương nhiên chẳng nhà cầm quyền nào lại ưa bị chỉ trích cả. Nhưng chuyện ưa hay không ưa đâu phải là cơ sở để một chính quyền chính danh điều hành xã hội. Vậy mà nó cứ diễn ra hàng ngày hàng giờ, ở mọi nơi mọi lúc. Nhà cầm quyền chưa đưa được cha con Huỳnh Thục Vy ra tòa để bỏ tù, thì cũng không muốn cho họ sống yên thân.
Cái cách mà họ dùng số đông và danh nghĩa của nhà cầm quyền để o ép, bắt giữ, khám xét và thu giữ tài sản một cách tùy tiện thật đáng sợ. Dường như trong cái xã hội văn minh và dân chủ này, quyền con người chỉ là con số không. Nó giống như trong các phim cao bồi về miền Tây hoang dã của những năm 30 ở Mỹ, nơi mà luật pháp thuộc về những kẻ hung bạo… Nhưng ít ra ở đó, người dân còn có quyền tự vệ, trừng trị những kẻ hung bạo đó. Còn trong xã hội này, tự vệ đồng nghĩa với việc chống người thi hành công vụ. Chả có ai xét xem cái công vụ ấy có bị lạm dụng hay không, và công vụ luôn trở thành một cái lá chắn vững chắc cho những kẻ đi trấn áp bất kể sai hay đúng. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về pháp luật hay sự sợ hãi đã khiến sự phản kháng của một số đông người dân trở nên tê liệt.
Tôi chỉ nhìn vào những hình ảnh để tự hỏi mình: Tôi đang sống ở thời đại nào?
Hình ảnh một con chó đáng thương bị một kẻ bất lương buộc vào xe máy kéo lê trên đường, thân thể con chó rách nát trơ đến tận xương đều khiến cộng đồng mạng hết sức phẫn nộ. Nhưng nếu đó là một phụ nữ công giáo bị đánh vỡ sọ, máu me be bét hay một người nông dân bị đánh gãy chân gãy tay thì đa phần là nín thinh, lảng tránh. Nỗi sợ đã khiến sự hèn nhát của họ trở thành đồng lõa với cái ác, chứ không hẳn là họ vô cảm.
Không thể nói rằng những việc đó không liên quan đến mình. Mắt đã nhìn, tai đã nghe thì tim không thể không đau, đầu không thể không nghĩ và miệng không thể không nói, sao có thể làm ngơ được chứ?
Mặc dù trong những ngày qua, sau khi bị tướt đoạt quyền tự do đi lại một cách vô lối thì Bùi Hằng và Huỳnh Thục Vy cũng đã trở về nhà, nhưng những gì xảy ra với họ vẫn là một câu hỏi nhức nhối chưa có lời giải đáp. Những âm mưu và nguy hiểm vẫn luôn rình rập để bức hại họ bất cứ lúc nào.
Còn những ai nữa không bị bắt bớ nhưng bị o ép, khủng bố, triệt hạ bằng nhiều cách như mẹ con Nga Thuy ở Nam Hà Phủ Lý, như Trương Minh Tam ở Đông Anh Hà Nội…? Đấy là chốn thị thành sầm uất, không xa các cơ quan đầu não là mấy mà còn vậy thì thử hỏi dân đen ở chốn thâm sơn cùng cốc, có lẽ chết mất xác cũng chả ai biết tới hoặc đoái hoài.
Tôi chợt nhớ hôm qua, có câu nói trên mạng: nước mất rồi, cá có chết khô?
Nghe vậy lại hình dung về một chậu nước đựng những con cá. Khi những con cá quẫy, nước bắn tung tóe cho đến khi nước vơi dần và trơ cạn, lúc đó những con cá bắt đầu ngáp. Logic là ở chỗ đó?

No comments:

Post a Comment