Monday, July 23, 2012

Tiền tệ và nô lệ



Nguyễn văn Thạnh - Có một câu chuyện gây tranh cãi bất tận khi được nêu ra: vai trò của tiền bạc đối với cuộc sống con người. Kẻ khinh, người trọng, người cho là tất cả, kẻ không xem ra gì. Kẻ bỏ cả đời cho khát khao có tiền, người xem như không. Nhiều người còn thấy tiền bạc là hình ảnh của lòng tham không đáy, của tư bản xấu xa... Tranh cãi là vậy, nhưng có điều chắc chắn là hiện nay, nhất là ở các thành phố không ai có thể sống mà không có tiền. Tôi rất thích câu nói của một cô người mẫu, rất đơn giản nhưng có thể chấm dứt chuyện tranh cãi về tiền bạc“không có tiền thì cạp đất mà ăn”. 

Rõ ràng tiền rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay. Vậy tiền là gì? Ai cùng biết điều sau: con người sống cần phải lao động, phải làm ra của cải, vật chất. Công lao động được định giá qua mức lương và chi trả thành tiền. Tiền chính là giá trị sức lao động của con người. Lao động đã giúp con người vượt thoát được lớp thú để thành người. Như vậy có thể kết luận: tiền chính là giá trị con người. Một thực tế là nếu anh có tài năng nhưng anh không biến tài năng đó vào lao động, vào sản phẩm và cuối cùng qui đổi ra tiền thì tài năng và khờ khạo là như nhau.
Con người lao động tạo ra của cải vật chất và dùng tiền để ghi nhận lại công lao đó và dùng tiền để trao đổi giá trị lao động với nhau. Một người chuyên làm chiếu và công lao đó được ghi nhận qua tiền, khi cần người đó đổi tiền ra: thức ăn, nhà cửa, thuốc men... Hãy tưởng tượng nếu không có tiền thì làm thế nào? Xã hội chết vì không thể vận hành được. Người làm ra chiếu cũng không thể ăn chiếu mà sống, người làm ra gạo cũng chết vì không có thuốc chữa bệnh,….
Tiền chính là vật trung gian, là mối liên kết mọi cá thể với nhau trong xã hội. Tiền là niềm tin của mọi người với nhau, khoa học tiền tệ có từ “tín dụng” - tín nhiệm và sử dụng - là vì thế. Tiền tự bản thân nó không có giá trị, chính niềm tin về sự trao đổi tạo nên giá trị cho nó. Vậy niềm tin do đâu mà có? Từng con người với nhau thì có thể vì lợi trước mắt mà tráo trở nhau, không thể tin được. Cuối cùng niềm tin được xác lập ở một tổ chức lớn nhất, quyền lực nhất và do mọi người ủy quyền xây nên: chính phủ. Tiền được chính phủ in ra và mọi người dân buộc phải tin vào giá trị của nó để trao đổi. Chính phủ phải bảo đảm giá trị của nó: chống tiền giả.
Nền kinh tế thị trường đã xác lập vai trò của tiền: có tiền là có tất cả: nhà cửa, ăn uống, đi lại, điều trị bệnh, học hành, dịch vụ hầu hạ... Tất cả mọi công sức lao động của con người đều qui ra tiền. Có tiền là có giá trị lao động. Giá trị lao động và tiền được xem như một. Không cần biết anh làm việc gì: phu khuân vác, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, họa sĩ, ca sĩ, chăm sóc người bệnh, bốc mộ... miễn có tiền là có giá trị lao động và được người khác phục vụ. Và luật chơi này chấp nhận luôn một vấn đề vì không thể phân biệt được: tiền có từ cướp đoạt, tội phạm giết người, lừa đảo, tham nhũng... cũng được xem như giá trị lao động nếu hành vi phạm tội không ai biết.
Cuộc vận động của xã hội loài người là do tiền dẫn lối và thúc đẩy. Vì tiền mà người châu Âu mạo hiểm vượt đại dương đến các xứ châu Á buôn bán. Vì tiền mà hàng hóa chảy khắp địa cầu. Các nước mở cửa giao thương thì thịnh vượng (Nhật), nước nào cự tuyệt đóng cửa (Việt Nam, TQ) thì họ (người châu Âu) phải đổ xương máu đánh phá để mở được cánh cửa vào buôn bán. Trên thế thắng, thế mạnh, họ không chỉ buôn bán mà còn nô dịch... tất cả những hành vi đó có một động lực thúc đẩy duy nhất: tiền. Tiền có sức mạnh chi phối tất cả, sai khiến tất cả mọi cá nhân, mọi dân tộc trên toàn cầu này:
“Không có việc gì khó, 
Chỉ sợ tiền không nhiều, 
Đào núi và lấp biển, 
Không làm được thì thuê”. 
Vì sức mạnh, sự cám dỗ của tiền mà con người cầm súng chiến đấu, chết để biến một dân tộc thành nô lệ cho mình. Hình thức nô dịch, bị nô lệ như vậy chỉ có ở thời thực dân, hiện nay không còn nữa, tuy nhiên nguyên lý thì vẫn vậy. Chỉ có khác nhau là hình thức được chuyển từ chiến trường sang thương thường. Trong trận chiến này, cá nhân nào, dân tộc nào không trang bị đủ kiến thức để chiến thắng thì chắc chắn sẽ bị biến thành nô lệ.
Nô lệ suy cho cùng là hình thái một cá nhân phải làm việc, phải phục vụ một đối tượng để được sống và mức sống kém hơn rất nhiều so với mức lẽ ra đáng được hưởng. Một dân tộc lao động vất vả cực nhọc, hưởng thụ cuộc sống thấp kém, trong khi thành quả lao động do dân tộc khác thụ hưởng thì cũng là kiếp nô lệ. Lấy một hình ảnh dễ hiểu “hàng triệu nam thanh, nữ tú của dân tộc Việt Nam anh hùng phải lao động quần quật trong các cơ xưởng do người Hàn Quốc, Đài Loan mở ra để chế tạo nên quần áo, giày dép, thiết bị điện tử, đồ nhựa... với mức lương 3 triệu/tháng tức là 150USD (1.800USD/năm). Trong khi họ dùng chính những sản phẩm đó, buôn bán trên thị trường thế giới thu về lợi tức 25.000 USD/năm. Ông chủ là đây, nô lệ là đây. Họ sống với mức sống như ông hoàng: ăn thực phẩm ngon, an toàn, đi lại xe ôtô máy lạnh, con cái được chăm sóc tốt, học hành bài bản, môi trường sống trong lành trong các căn biệt thự. Còn đám nam thanh nữ tú của ra chui rúc trong các khu ổ chuột bẩn thỉu, ăn thực phẩm kém, mất vệ sinh, độc hại. Lao động đến tàn phai nhan sắc, hết tuổi xuân cũng không có tiền để lập gia đình, sinh con nuôi con. Con cái được nuôi dưỡng trong thiếu thốn, suy dinh dưỡng, lớp học tồi tệ, con trẻ bị đánh đập, bạo hành. Kết quả cuối cùng là giống nòi suy kiệt. Chúng ta cũng đừng vội u mê mà nghe lời đảng thiên tài xúi dục rằng họ là loài tư bản xấu xa, là loài bóc lột đến xương tủy công nhân. Họ đã trả cho các bạn gần gấp đôi số thu nhập mà một người dân có thể có được ở cái xứ sở này (1.000 USD/năm), đến giáo viên sau 16 năm ăn học và thêm 2 năm học Thạc sĩ, 5 năm vì lý tưởng cống hiến cũng được đảng thiên tài trả cho mức lương 2.375.000/tháng (gần 120 USD). Chưa hết, hàng triệu nông dân bật máu và nước mắt trên cánh đồng quanh năm với nắng cháy, mưa rào, hay lạnh thấu xương cũng chỉ có lợi tức 600.000đ/tháng mà thôi.
Với lợi tức đó thì người dân sống như thế nào? Không khác gì nô lệ: nơi ở tồi tàn, chật hẹp, môi trường ô nhiễm, bệnh tật không dám đi chữa, ăn uống thì chấp nhận độc hại. Người ta kêu gọi người tiêu dùng thông thái, lựa chọn thực phẩm an toàn nhưng mua đồ tốt thế nào được với số tiền còm cõi như vậy? Chỉ có thể là rẻ nhất, đồ thải, đồ không bảo đảm an toàn mới rẻ mà thôi. Ăn uống thì hì hụp trên vỉa hè đầy ruồi và bụi chứ tiền đâu mà mơ đến hàng quán sạch sẽ, tươm tất. Hệ quả là bệnh tật, hiểm họa ung thư lan tràn xứ sở. Bệnh viện nhóc người, quá tải.
Thảm cảnh vậy, nguyên nhân vì đâu? Có một ngàn lý do có thể chỉ ra. Ở đây tôi muốn đề cập nguyên nhân của não trạng khinh tiền, không hiểu qui luật tiền tệ, không hiểu tiền có thể biến một dân tộc anh hùng thành nô lệ trong ngọt ngào.
Bắt đầu giai đoạn bao cấp: đảng thiên tài đã khinh tiền, xem tiền là hiện thân của tư bản xấu xa, không dính đến tiền mới là tốt, mới XHCN và hệ thống tem phiếu ra đời. Cả dân tộc không ai muốn làm nữa, làm nhiều cũng vậy, khi con người không cần tiền thì không ai sai khiến họ phải nhiệt tình thức khuya dậy sớm. Ruộng lúa cỏ mọc, nhà máy ộp ẹp, sản phẩm tồi tệ. Điều tồi tệ đã đến: dân tộc ăn bobo, thứ mà khi xin viện trợ phải khai báo là dùng cho chăn nuôi.
Đảng ngợi ca thành tựu vĩ đại của đổi mới. Rõ buồn cười. Một sự ngu ngốc, u mê cần phải sửa, đã sửa không hết, không dứt điểm, tạo ra hậu họa khôn lường, đẩy dân tộc vào đường nô lệ thì được ngợi ca.
Được cởi trói để làm ăn, nhân dân đã tích lũy được sức lao động qua tiền, giao thương buôn bán tài nguyên (than, dầu) cũng có tiền. Một khối lượng lớn đã thu qua thuế. Đó là máu xương của tiền nhân và công sức nặng nhọc của triệu đồng bào. Bắt đầu một bản hoang ca vĩ đại xuất hiện: dự án ngàn tỷ, kế hoạch tỷ đô xuất hiện. Rồi kết quả cuối cùng là món nợ triệu tỷ. Vay mượn, tận thu thuế, bán tài nguyên, tăng giá mặt hàng độc quyền, bóp bụng nhân dân... để có tiền trám cái lỗ thủng không lồ. Tất cả những cách trên cũng thấm gì so với những cái tàu há mồm ngày đêm đòi ăn. Cuối cùng còn một đường hợp pháp nhưng tàn độc: in tiền. Hàng tấn tiến in ra để mua đola, vàng trong dân và hệ quả là lạm phát siêu khủng khiếp. Lạm phát không chỉ bóp bụng, bóp miệng 90 triệu dân mà còn là cơn đại hồng thủy tàn phá nền kinh tế. Hàng trăm ngàn công ty xí nghiệp do người dân vất vả, cực nhọc cả đời gây dựng, giải quyết công ăn việc làm cho bao nhiêu người đều bị giết chết, bị bức tử thảm thiết dưới công cụ tiền tệ: lãi suất 20%/năm. Tại sao có thảm họa như vậy?
Tại vì chúng ta đã xây dựng một chính phủ mà ở đó ngoài trao vũ khí chính danh để trị quốc, chúng ta còn trao vào tay họ một siêu vũ khí, một dây thòng lọng có thể thắt vào cổ chúng ta bất cứ lúc nào: tiền tệ - ngân hàng trung ương.
Ở các nước phát triển, từ lâu người ta đã biết đến siêu vũ khí này, nó không sát thương cho mọi người thấy nhưng nó có thể biến triệu người sống kiếp nô lệ, bán linh hồn cho quỷ dữ, biến triệu người sống nghèo túng còn cực hơn chết. Nếu kẻ nắm chính quyền có nó thì sẽ tạo ra sức mạnh khuynh đảo thiên hạ còn hơn diêm vương. Do đó mà tất cả các ngân hàng TW đều phải độc lập với chính phủ, họ chỉ có nhiệm vụ duy nhất là cung cấp phương tiện thanh toán cho nền kinh tế. Trong trường hợp nền kinh tế cần điều chỉnh thì phải có lệnh từ quốc hội và cực kỳ minh bạch. Tổng thống không có quyền với họ. Nhờ vậy mà không bị giật dây làm theo ý lãnh đạo để kinh tế tăng trường lấy thành tích hoặc lạm phát hủy diệt hoặc dùng để thanh toán phe nhóm, thâu tóm kinh tế.
Ở ta thì như thế nào? Nếu cần thành tích tăng trưởng đẹp để lấy uy tín, chính phủ có thể lệnh ngân hàng TW bơm tiền vào các công ty, các công ty hồ hởi sản xuất theo chỉ đạo mà không biết ngày mai thế nào. Muốn lấy lòng ai, muốn có thành tích tăng trưởng ngành nào chỉ việc rót tiền vô nơi đó. Khi thiếu tiền thanh toán các khoảng nợ nần do siêu công ty gây ra, do lễ hội (hãy để ý sau đại lễ 1000 năm Thăng Long là bùng lạm phát) thì in tiền để mua hàng hóa thật trong dân: vàng, đola, hàng hóa xuất khẩu... và dân nhận được lượng tiền mất giá, lạm phát xuất hiện (đây rõ ràng là một hình thức lửa đảo: tráo hàng có giá trị thành hàng không giá trị). Đó là lý do vì sao nền kinh tế chúng ta có thành tích theo nhiệm kỳ và lạm phát kinh hoàng theo chu kỳ. Trong môi trường này nền sản xuất không kiệt sức, nền kinh tế không què quặt mới là phép lạ.
Rõ ràng kẻ nắm quyền nắm công cụ tiền tệ có thể rút ruột công sức lao động người dân, biến người dân thành nô lệ của chính mình hoặc của ngoại bang. Chúng ta bị làm cho suy yếu bởi chính chính phủ của mình trước khi bị ngoại bang thâu tóm (mua rẻ). Chúng ta bị kiềm tỏa, bị sai khiến, bị nô dịch bởi sự lũng đoạn công cụ tiền tệ của nhóm nắm quyền, điều mà ở các nước tiên tiến, văn minh không thể có. Đây chính là quốc nạn của 90 triệu người dân Việt Nam.
Xót xa thay!


No comments:

Post a Comment