Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vừa bắt đầu chuyến thăm chính thức 5 ngày tới LB Nga để thúc đẩy quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực.
Ông Sang sẽ có hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin tại khu nghỉ mát Sochi, trên bờ Hắc Hải hôm thứ Sáu 27/7. Trước đó, ông chủ tịch Việt Nam đã gặp Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev ngay sau khi ông đặt chân xuống Nga.
Trước cuộc hội đàm quan trọng giữa hai nguyên thủ quốc gia, các hãng thông tấn đưa tin Nga đang ngỏ ý muốn quay lại sử dụng cảng Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa, mà hải quân Nga từng đồn trú cho tới khi rút đi năm 2002.
Nội dung này có thể sẽ được đặt ra trong hội đàm cấp cao những ngày tới.
Chỉ huy trưởng hải quân Nga, Phó Đô đốc Viktor Chirkov, nói với hãng RIA Novosti rằng Nga đang "tìm cách thiết lập căn cứ hải quân ở nước ngoài".
Các quốc gia mà Nga nhắm tới là Việt Nam, Cuba và Seychelles.
Phó Đô đốc Chirkov nói Nga đang "thảo luận khả năng lập các trung tâm dịch vụ hậu cần và kỹ thuật của hải quân Nga trên lãnh thổ Cuba, Seychelles và Việt Nam".
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định không cho phép nước ngoài mở căn cứ quân sự ở Cam Ranh, nhưng không rõ liệu mô hình 'trung tâm dịch vụ' có thuộc diện này hay không.
'Ưu tiên Nga'
Tối thứ Năm 26/7, ông Trương Tấn Sang đã tham dự buổi lễ tiếp tân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nga và có cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga.
Trong đó, ông khẳng định "tình hữu nghị Việt Nam - LB Nga đời đời bền vững".
Theo ông chủ tịch, hai bên đang hướng tới thắt chặt và nâng cao hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; và với tư cách bạn bè truyền thống của Việt Nam, Nga sẽ được Việt Nam dành cho nhiều ưu tiên.
Ông Sang nói: "Sau khi Liên Xô rút quân khỏi Cam Ranh thì chúng tôi chủ trương Cam Ranh trực tiếp do Việt Nam quản lý, một phần sử dụng vào công tác quốc phòng, một phần cho phát triển kinh tế".
"Cảng Cam Ranh về mặt quân sự chúng tôi không chủ trương liên doanh với bất cứ nước nào, mà Việt Nam làm chủ trong việc xây dựng quân cảng của mình. Nhưng chúng tôi sẽ xây dựng một cơ sở sửa chữa tàu, có thể làm dịch vụ cho tất cả các tàu bè của các quốc gia đến sửa chữa và chúng tôi cung cấp dịch vụ hậu cần tại đây."
Việt Nam hứa cho Nga một số 'ưu tiên cần thiết' ở Cam Ranh
Chủ tịch Sang hứa: "Riêng LB Nga, với tư cách bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược, thì chắc chắn cũng có những sự ưu tiên cần thiết nhất định trong việc hưởng các dịch vụ ở cảng này".
Ông không nói rõ các ưu tiên này là gì.
Ông không nói rõ các ưu tiên này là gì.
Việc mở cơ sở hải quân ở nước ngoài là một trong những tham vọng mà ông Vladimir Putin, người mới quay lại vị trí tổng thống sau cuộc bầu cử tháng Ba vừa qua, đang theo đuổi.
Nga hiện chỉ còn một căn cứ ở Tartus, Syria, quốc gia đang xảy ra chiến sự. Để mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương, Nga rất cần hiện diện thường xuyên tại khu vực này.
Hợp tác năng lượng
Hội đàm giữa hai lãnh đạo Việt-Nga tại Sochi, theo cơ quan báo chí của Điện Kremlin, sẽ "xem xét các vấn đề tăng cường hơn nữa đối thoại chính trị song phương và triển vọng mở rộng hợp tác kinh tế hai bên cùng có lợi".
Việt Nam và Nga đã ký Tuyên bố về đối tác chiến lược tháng 3/2001 trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống Nga.
Nga đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam, và các tập đoàn dầu khí của Nga hợp tác mạnh với Việt Nam.
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền căng thẳng tại Biển Đông, ông Trương Tấn Sang được tin sẽ tìm kiếm cam kết của phía Nga trong việc tiếp tục các dự án dầu khí.
Thương mại cũng là một lĩnh vực hai bên muốn mở rộng hợp tác.
Theo bộ phận báo chí của Điện Kremlin, thương mại song phương năm 2011 đạt 3,06 tỷ đôla và đang tăng mạnh, đăđc biệt là xuất khẩu từ Nga.
Các mặt hàng chính xuất khẩu từ Nga cho Việt Nam là máy móc và thiết bị cũng như kim loại và các sản phẩm công nghiệp.
Việt Nam là đối tác mua vũ khí của Nga lớn thứ hai thế giới. Nga đang chuẩn bị giao chiếc tàu ngầm hạng Kilo đầu tiên cho Việt Nam vào năm 2014.
No comments:
Post a Comment