Tuesday, June 5, 2012

Khốn nạn thân các anh, đéo mẹ cha chúng nó.



Phương Bích - Hôm 1/6, trong lúc chờ đợi bà Lê Hiền Đức ở trước cửa Sở Thông tin và Truyền thông (Sở 4T), tôi bỗng nhớ đến một câu trong bài tế viên quan Pháp, người bị giết trong khi diệt quân Cờ Đen từ ngày xửa ngày xưa của cụ Nguyễn Khuyến:

- “Khốn nạn thân ông, đéo mẹ cha nó”
Xin lỗi bà con, là tôi muốn mượn cụ một tý, để nói rằng thì là:
- Khốn nạn thân các anh, đéo mẹ cha chúng nó.
Thiệt tình ai chả biết nói bậy. Tôi cũng rứa, nhưng chỉ là không thích nói thôi, nhưng mà tôi thích câu của cụ Tam Nguyên Yên Đổ quá. Xin mượn cụ tý để thay lời ta thán. Tôi nói ở đây là theo đúng nghĩa đen, chứ ko phải chửi “xéo” như cụ Nguyễn Khuyến đâu ạ.
Mới hôm nọ, một bác than thở trên facebook (lại facebook) rằng Dân Việt giờ CHÁN SỐNG đến thế rồi sao? Hết vào đồn CA tự tử, lại tìm đến trước các bảo vệ dân phố ở ngoài đường" rồi tự ngã gây thương tích" đến mức "đa chấn thương, dập não trái, máu tụ não sâu và tổn thương mắt nặng", rồi giống như Trí Đức là đập mặt đập đầu vào dùi cui v.v...
Chả cứ ai, cái nhà anh Nguyễn Xuân Diện vợ đẹp con khôn thế vẫn còn yêu đời chán. Sợ rằng ai đó bảo anh ta chán sống khi đi làm việc với cơ quan công quyền, cứ nhất định phải có người đi cùng chứng kiến. Và vì rằng, TS Nguyễn Xuân Diện do chỉ giỏi Hán Nôm nên buổi làm việc cần có luật sư đi cùng và có cụ bà Lê Hiền Đức đi chứng kiến là việc làm bình thường, chẳng có điều luật nào của Việt Nam cấm. Bên Thanh tra, ngoài chánh, phó thanh tra còn có công an hộ vệ cơ mà. Biết đem thêm luật sư và thêm người chứng kiến không thuộc điều cấm cũng là một cách phòng thân...
Chuyện tưởng nhỏ như con thỏ. Khi biết Xuân Diện được Sở 4T mời làm việc, mấy anh em thường chơi với nhau đến ngồi gần Sở nọ để chờ. Thâm tâm cũng là tò mò muốn biết cái Sở này có gì liên quan đến lĩnh vực truyền thông của người dân vậy.
Chuyện vặt! Viết blog bày tỏ quan điểm cá nhân, viết bài, đưa tin...chắc chả có vấn đề gì. Tò mò lắm.
Đang ngồi cà phê cà pháo bên kia đường, thấy luật sư Hà Huy Sơn đi ra thì ngạc nhiên quá. Không lẽ làm việc chóng vánh thế?
Chạy sang đường để đón mọi người. Chả thấy ai ngoài luật sư, mặt đang đỏ bừng bừng.
Nghe luật sư tóm tắt lại là họ không đồng ý để luật sư và bà Đức cùng chứng kiến. Muốn có luật sư thì phải làm thủ tục này nọ, mà Xuân Diện thì hẳn mới chỉ có ý có luật sư đi cùng để chứng kiến, chứ chưa có ý định thuê hay ủy quyền cho luật sư trong một vụ việc chưa rõ nội dung lắm. Còn bà Đức “đương nhiên” họ không chấp nhận cho tham dự. Giấy mời thì nói Xuân Diện đến gặp phó thanh tra Sở tên là Hương, nhưng khi đến đó thì ngoài bà Hương này còn có thêm một số người như chánh thanh tra và công an. Hóa ra họ thì được phép đặt ra nguyên tắc cho người khác, còn họ thì chả cần có nguyên tắc gì? Sao làm việc về lĩnh vực truyền thông mà lại phải có công an tham dự thế nhỉ? Điều này khiến bản thân Xuân Diện và bà Đức không yên tâm là phải.
Một nhóm người mặc đồng phục nhưng không có biển tên hay mũ mãng chỉnh tề gì, vào cưỡng bức bà Đức và luật sư ra khỏi phòng. Luật sư Hà Huy Sơn không muốn đôi co  bằng vũ lực nên rời khỏi phòng. Riêng bà Đức thì nhất định yêu cầu phải được ở lại chứng kiến, vậy là họ khiêng bà ra, đánh rơi bà hay cố tình quẳng bà xuống đất thì không biết, nhưng đầu bà bị đập xuống đất, cổ tay bị sái khi bị những gã đàn ông bẻ tay nhằm cướp điện thoại.
Nghe bà nói thế qua điện thoại, tôi và một cậu thanh niên rất lo lắng nên đi vào trong Sở 4T, yêu cầu được gặp bà Đức để xem bà bị đau thế nào. Nhưng mọi nỗ lực tiếp xúc với bà Đức của chúng tôi đều bị từ chối ngay ở khu vực lễ tân.
Tại khu vực lễ tân, có rất nhiều người ở đó với đủ loại trang phục để ngăn chặn chúng tôi. Mặc dù việc chúng tôi vào đây, yêu cầu được gặp bà Đức là công khai, nhưng một tay thanh niên trẻ cứ đứng chĩa camera về phía chúng tôi để quay. Tôi đi thẳng về phía cậu ta, hỏi tại sao cậu ta lại quay tôi thì cậu này chỉ cười một cách trơ trẽn và tiếp tục chĩa camera vào mặt tôi. Tôi cho lối hành xử của một thanh niên trẻ như vậy là rất vô văn hóa, được những người trong cái Sở thuộc Bộ Văn hóa này dung túng. Khi tôi phản đối việc quay phim này của cậu ta, thì tay phụ trách ở đó lại lên tiếng chỉ trích tôi, mà lờ đi hành động quay phim của cậu thanh niên kia.
Một điều đặc biệt là không một ai trong số bọn họ đeo biển tên, khi tôi hỏi tên họ và nhiệm vụ của họ thì chỉ nhận được sự im lặng và bỏ đi khi bị truy vấn.
Hóa ra chuyện có vẻ không nhỏ tý nào. Bình thường ở một cơ quan như cái Sở thông tin và truyền thông này thì cần gì đến mức phải bảo vệ một cách nghiêm ngặt đến thế? Lại còn bố trí hẳn người đứng quay phim ghi hình những người đến đây?
Rõ ràng việc mời Xuân Diện đến làm việc đã có sự chuẩn bị đặc biệt, bằng việc có mặt của công an, ngăn chặn mọi sự tiếp xúc của chúng tôi đối với bà Đức và Xuân Diện đang ở bên trong. Những bộ mặt dường như có dán cái mác an ninh lượn lờ quanh đó rất đông. Họ thì giấu mặt, giấu tên, giấu thân phận trong khi chúng tôi công khai đến đó. Sự việc tưởng như rất nhỏ bỗng khiến chúng tôi cảm thấy như Xuân Diện và bà Đức gần như là bị bắt giữ ở trong đó và đang bị khủng bố về cả tinh thần lẫn thể xác vậy. Đương nhiên chúng tôi không thể làm gì, khi họ sẵn sàng chờ đợi để quy kết cho chúng tôi tội gây rối trật tự để gọi công an có sắc phục đến ngay lập tức.
Hai chị em tôi quay ra sảnh ngồi đợi. Ngoài hai chị em tôi, chỉ có lèo tèo vài người đến nộp hồ sơ ở cửa tiếp nhận hồ sơ, còn lại là những người đàn ông mặc quần áo màu cứt ngựa như kiểu trang phục của dân phòng, đầu trần, dép lê lệt sệt đi lại trong sảnh. Nhìn cái cảnh này, thậm chí tôi băn khoăn tự hỏi, rằng cả cái tòa nhà to vật thế này, với một bộ máy nhân sự cồng kềnh trong đó không biết thực sự có ích lợi cho xã hội hay không?
Quãng hơn 4 giờ chiều thì Xuân Diện ra, không thấy bà Đức đâu. Hỏi thì Diện bảo bà yêu cầu công an đến lập biên bản, đưa bà đi bệnh viện. Hiện nay bà không uống bất cứ loại nước gì của họ đưa ra. Vậy là chúng tôi chạy đi mua sữa hộp, nhờ bọn họ chuyển cho bà Đức, nhưng không một ai nhận lời giúp.
Họ không dám hay cố tình để bà nhịn đói nhịn khát? Tôi hỏi các anh có còn lương tâm không, khi để một bà già 82 tuổi nhịn khát suốt từ trưa đến giờ thì họ chỉ im lặng. Hoàn toàn im lặng.
Chúng tôi chẳng biết điều gì đang xảy ra nữa. Trong quá trình chờ đợi, tôi thấy xe 113 đến đỗ ngoài cửa, hai viên cảnh sát đi vào phòng tiếp dân một lúc rồi trở ra, leo lên xe phóng đi mất.
Lạ quá! Theo như Đài THHN nói là bà Đức gây rối!
Bình thường mà có ai đó gây rối thì họ chả có mặt ngay để gô cổ kẻ đó lại ấy chứ lại tha à? Vậy mà họ đến, rồi lại đi, coi như không biết gì đến vụ gây rối nghiêm trọng đang xảy ra trên tầng 4? Lạ rứa hè?
Lúc đầu thì chỉ có ba bốn kẻ “tò mò” như chúng tôi đến chờ. Sau khi nghe tin bà Đức bị đau khi bị cưỡng chế thô bạo thì một số người bắt đầu kéo đến. Hết giờ làm việc, họ đuổi chúng tôi ra khỏi sảnh và khóa béng cửa lại. Ngày cuối tuần, lại hết giờ làm việc, vậy mà những người bên trong có vẻ mẫn cán khác thường. Mặc dù cửa đã khóa, nhưng họ vẫn án ngữ ở bên trong khá đông.
Quá sốt ruột, ba bốn người phóng xe máy ra công an phường  Cát Linh trình báo sự việc và yêu cầu họ đến lập biên bản để đưa bà Đức đi bệnh viện. Chờ hơn nửa tiếng đồng hồ mới có hai anh công an đi xe máy đến. Đến lúc này, họ mới cho luật sư Hà Huy Sơn đi cùng công an vào trong, theo lối cửa phụ bên phải tòa nhà.
Chỉ khoảng hơn vài chục phút thấy hai anh công an trở xuống lấy xe ra về mà chả thấy bà Đức xuống, mọi người chạy ra hỏi thì các anh bảo trên kia có cả lãnh đạo công an và lãnh đạo Sở giải quyết rồi, họ chả có phận sự gì cả nên về thôi.
Té ra là vậy! Té ra là họ có mặt cả đấy. Lại có cả công an nữa. Họ biết cả nhưng không giải quyết vụ việc. Chỉ là lập biên bản một bà già hơn 80 tuổi đến gây rối theo yêu cầu của chính bà mà sao họ không thể làm?
Luật sư bảo bà Đức đồng ý anh chị em vào đưa bà xuống, nhưng lúc này ngay cả cái việc đó họ cũng không cho chúng tôi vào đưa bà xuống nữa. Gửi sữa vào cũng không nhận. A! Họ định làm gì thế nhỉ? Rốt cuộc, cái Sở 4T này cũng chả khác gì cơ quan công an hay sao?
Không tìm được câu trả lời, tất cả chúng tôi ngồi ngoài kiên trì chờ đợi.
Trời tối dần, chúng tôi thay phiên nhau đi ăn. Có người đem một túi bánh và nước đến tiếp tế cho những người bám trụ.
Rồi trời bắt đầu mưa. Mọi người lui hết lên sảnh. Ban đầu còn cố co cụm vào những chỗ kín, nhưng rồi nước rỏ tong tong ngay sát cửa kính. Mọi người chửi sao cái thằng thiết kế ngu thế, làm cái mái hiên chỉ để tránh nắng chứ không tránh được mưa. Sau rồi thì mặc kệ ướt. Đang chuyện trò thì thấy một chiếc xe cứu thương chạy tới, đỗ lại. Mọi người mừng húm, tưởng họ đến đưa bà Đức đi. Nhưng chỉ sau vài phút, chiếc xe lại chạy đi mất.
20 giờ! 21 giờ! 22 giờ! Mưa vẫn không ngừng. Phố xá thưa dần.
Chúng tôi mặc áo mưa đứng ngoài trời, họ ở trong nhà, hai bên cùng nhòm nhau qua cánh cửa kính. Mỗi bên sốt ruột một kiểu, có lẽ chẳng ai hiểu được ý đồ của ai. Bọn họ cũng đi tới đi lui bên trong, lấy tay chỉ vào đồng hồ tỏ ý bức bối lắm. Chợt nhớ ban nãy có người xách hai túi bánh mỳ đi qua, chúng tôi ồ lên chỉ trỏ, bảo chắc họ gọi bánh mỳ ăn để cố thủ đấy.
22 giờ 30, nhóm anh em trực bên hông nhà chợt trở nên huyên náo. Tôi chạy vội ra. Theo hướng tay chỉ của mọi người, thấy trên cao, trong cái ô cửa sổ duy nhất còn sáng đèn của tòa nhà, cái bóng bé nhỏ của bà Đức đang cầm dép đập vào cánh cửa kính. Cảnh tượng hệt như một cuộc bắt cóc vậy. Hàng phố đổ ra xem. Mọi người bắt đầu gào lên như điên:
- Bà kia kìa, bà đang kêu cứu kìa
- Bà ơi! Bà ơi!....
- Thả bà tao ra, lũ khốn nạn! Chúng mày có còn là con người nữa không hả? Chúng mày có mẹ không? Có bà không? Ai đẻ ra lũ chúng mày hả? Lũ khốn nạn! Thả bà tao ra...
Có người trong cơn bức xúc không kìm được cố đẩy cánh cửa xếp chỗ bảo vệ, nhưng họ cũng cố giữ lại. Có những người bình thường vốn nói năng nhỏ nhẹ, mà lúc này cũng không kìm được chửi bới rầm rĩ. Trong khi tất cả chúng tôi không thể cầm lòng khi nhìn thấy bóng bà Đức bé nhỏ, đang đập cửa kêu cứu một cách tuyệt vọng thì những người canh cửa vẫn một mực im lặng hứng chịu cơn giận giữ của chúng tôi.
Mặc dù trút cơn giận dữ vào mặt họ đấy, nhưng tôi vẫn muốn mượn câu của cụ Nguyễn Khuyến để chửi lên một tiếng:
- Khốn nạn thân các anh, đéo mẹ cha chúng nó.
Ờ! Bọn họ đẩy các anh ra đối mặt với chúng tôi, còn họ thì lẩn trốn trong tòa nhà như một lũ chuột, tắt hết đèn đóm. Ngay cả đèn trong ô cửa sổ bà Đức đập cửa lúc trước giờ cũng tắt ngóm. Cả tòa nhà trở nên tối thui, đen ngòm. Từ một ô cửa tối đen đó có đốm đèn đỏ của máy quay hồng ngoại chĩa xuống. Bên trong cánh cửa xếp bảo vệ, hai thằng trẻ ranh cầm camera chĩa vào mặt chúng tôi quay. Thật khốn nạn quá. Bọn họ được dạy để biến thành những cỗ máy vô cảm, trơ lỳ hay nhâng nháo? Nhưng trong những bộ mặt trơ lỳ đó, tôi vẫn nhận ra có những ánh mắt cam chịu, buồn bã. Hẳn chính họ cũng không hiểu điều gì đang xảy ra. Chỉ biết là họ phải chấp hành mệnh lệnh của những kẻ đang cố thủ ở bên trong kia.
Thú thực là tôi đang vô cùng nóng ruột, khi đi vắng suốt từ 13 giờ 30 đến giờ, để mặc bố tôi đang nằm ở nhà một mình. Mọi người khuyên tôi về từ nãy, nhưng tôi cứ cố nán lại để xem rốt cục họ sẽ giải cái bài toán này thế nào.
11 giờ đêm, tôi không chờ được nữa nên đành để mọi người ở lại. Phố phường trong cơn mưa vắng tanh. Tôi phóng xe như điên, nghe nước mưa quất ràn rạt trên kính mũ bảo hiểm mà lòng dạ cứ cồn cào một nỗi phẫn uất không thể giải thích nổi.
Về đến nhà là 11 giờ 30, muộn quá nên bố dỗi không ăn hoa quả nữa, bảo gần nửa đêm rồi còn ăn cái gì. Tôi thay bộ đồ ướt mèm rồi vào mạng chờ tin tức. 1 giờ sáng mọi thứ vẫn án binh bất động. Tôi cứ để máy tính đó, định bụng chỉ chợp mắt một lúc thôi. Ai ngờ mệt quá ngủ thiếp đi đến gần 5 giờ mới choàng dậy, vào mạng mới biết đến 3 giờ sáng thì họ mới chịu đưa bà Đức đi. Nhờ anh em phóng xe đuổi theo mới biết họ đưa bà Đức vào bệnh viện Việt Xô.
Như vậy một mình bà già 82 tuổi đã ở trong cái Sở 4T ấy suốt mười bốn tiếng rưỡi, không ăn, không uống, không ngủ. Và cùng với bà, cả mấy chục con người của cả phía cũng phải cùng thức với bà. Một người trong chúng tôi đã phải thốt lên, quyết định của một thằng ngu nào đó đã làm cho biết bao nhiêu người phải khổ theo thế này.
Tin vỉa hè là Sở công an Hà Nội cũng bị trên Bộ chửi cho không ra thể thống gì trong cái vụ ngày 1/6 này. Cách giải quyết một sự việc tưởng chừng như rất đơn giản, lại trở nên bung bét như thế, chỉ chứng tỏ sự lúng túng của những kẻ thiếu năng lực, nhưng lại thừa ngộ nhận về quyền lực của họ quá lớn, chưa nói đến cách hành xử thiếu văn hóa và vô lương tâm của họ.
Sự việc chắc chắn sẽ chẳng dừng lại ở đây. Để xem bài học từ vụ Bùi Hằng có lặp lại hay không. Từ hôm trói chân trói tay Bùi Hằng lôi ra khỏi trại, không thấy đài báo nói gì về chuyện này nữa, cứ như thể nó chưa từng xảy vậy. Chả thế mà tôi đã từng nghĩ, cái tay nào tham mưu cách xử lý trong mấy cái vụ này nên cho nghỉ việc hết, làm muối mặt chính quyền quá đi mất.

clip_image001

Khủng bố hay khiêu khích - chĩa vào tận mặt dân để quay

clip_image002
Lúc đầu  - Trời chưa tối
clip_image003
Kiên trì
clip_image004
Đêm mưa vắng lặng
clip_image005
Đợi chờ
clip_image006
Xe cứu thương đến - đỗ lại chừng dăm phút - vẻ phân vân -  rồi đi
P. B.

No comments:

Post a Comment