Hòa Ái, phóng viên RFA - Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vừa công bố bản báo cáo năm 2012 đánh giá tình tình các quốc gia vi phạm nhân quyền trên thế giới.
Một số diễn biến tích cực
Bản báo cáo năm 2012 dài 400 trang của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế nêu rõ tình hình nhân quyền của 155 quốc gia trên thế giới vừa được công bố vào ngày 23/05. Trong bản báo cáo này cho thấy tình trạng vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam tồi tệ hơn trong năm trước.
Một số diễn biến được cho là tích cực trong tình hình nhân quyền trong năm qua đó là quyết định của chính quyền dân sự Miến Điện trả tự do cho hơn 650 tù nhân chính trị và cho phép đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử. Đây được đánh giá là một kết quả lạc quan trong quá trình đấu tranh dân chủ tại quốc gia này. Bên cạnh đó là những phong trào đấu tranh của người dân ở Trung Đông, Bắc Phi về tự do ngôn luận, đòi hỏi dân chủ có chuyển biến tích cực một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, mảng tối trong bản báo năm 2012 của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế nêu ra những là các nhà lãnh đạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chưa đáp ứng được những thách thức của xu thế dân chủ trên thế giới hiện nay. Liệt kê cụ thể trong bản báo cáo bao gồm xung đột ở Afghanistan và Thái Lan, phân biệt đối xử các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia và Pakistan. Công lý cho những người bị cầm tù trong thời Khmer Đỏ ở Campuchia vẫn chưa được làm sáng tỏ, điều tra về xung đột vũ trang trước đây ở Sri Lanka vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu….
Trung Quốc sử dụng toàn bộ lực lượng an ninh để đàn áp phản kháng. Bắc Triều Tiên không có dấu hiệu cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Nhân quyền VN ngày càng tồi tệ
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt nam bị cho là quốc gia có tình trạng nhân quyền bị vi phạm tồi tệ nhất.
Ông Rupert Abbott, chuyên viên đặc trách Campuchia - Lào và Việt Nam của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế nêu lên nhận định của mình sau khi bản báo cáo vừa công bố:
“Việt Nam là quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở khu vực Đông Nam Á hiện nay. Tổ Chức Ân Xá Quốc tế không dùng phương cách so sánh nhưng chính quyền Việt Nam nên cảnh giác với nhận xét này trên trường quốc tế. Tôi hy vọng rằng người dân sẽ làm nên những thay đổi đồng thời các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ phải tôn trọng nhân quyền ở đất nước họ.”
Ông Rupert Abbott cho biết Việt Nam có rất nhiều tù nhân chính trị hay còn gọi là tù nhân lương tâm. Vì thế, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cần khẳng định không thể bỏ qua vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, mà trái lại phải kêu gọi để thế giới chú ý và tạo áp lực cho tới khi nào Việt Nam tôn trọng nhân quyền, phóng thích mọi tù nhân lương tâm, đối xử tử tế với người dân. Cơ bản những điều này phục vụ cho lợi ích của người dân mà chính phủ Việt Nam cần thực hiện.
Trong phần báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2012, Ân Xá Quốc tế nêu rõ tình trạng tiếp tục đàn áp khắc nghiệt những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh trong ôn hòa, hạn chế nghiêm trọng về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo. Các trường hợp điển hình được nêu lên như luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Trần khải Thanh Thủy, Linh mục Nguyễn văn Lý, luật sư Nguyễn văn Đài, nhà báo Nguyễn Hoàng Hải tức blogger “Điếu cày”, những nạn nhân người Thượng, những thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo là Nguyễn Văn Lía và Trần Hòai Ân, các học viên Pháp Luân Công, nhiều dân oan trong các tranh chấp và cưỡng chế đất đai và những người lên tiếng kêu gọi cải cách hoặc phản đối về môi trường đất đai và các quyền lao động…đều bị bắt bớ và giam cầm.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông có 23 người bị kết án tử hình nhưng con số thật sự được cho là có thể cao hơn. Tổ Chức Ân Xá Quốc tế chỉ trích chính quyền Việt Nam sử dụng qui định mơ hồ của Bộ luật Hình sự năm 1999, đặc biệt là điều 79 là “có âm mưu lật đổ chính quyền” và điều 88 “tuyên truyền chống phá nhà nước” để bắt bớ giam cầm người dân một khi họ cất lên tiếng nói đòi hỏi quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến.
Bản báo cáo cũng nêu lên chính quyền Hà Nội ra sức ngăn chặn người dân sử dụng internet, tự do thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter bị đóng cửa và chính quyền yêu cầu các café internet cung cấp cho công an thông tin những người truy cập vào các trang mạng cấm.
Chuyên viên đặc trách Rupert Abbott cho rằng bản báo cáo năm 2012 cho thấy trong năm qua ở tại Trung Đông, Bắc Phi có sự thay đổi rất lớn. Những người dân ở đó đấu tranh bằng cách cất lên tiếng nói cũng như có hành động để đòi hỏi những quyền hạn cơ bản của mình và họ đã rất thành công. Ông Rupert cho là chính quyền Việt Nam nên cần có cân nhắc một cách thông minh khi nhìn thấy những diễn biến này trên thế giới. Ông nói:
“Tại Ủy Ban Nhân Quyền Hạ Viện Tom Lantos, trong buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam ở DC, tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thế giới. Việt Nam muốn có mối quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ và Châu Âu trong ban giao thương mại cũng như nhờ vào các mối quan hệ này để cân bằng hơn trước mối nguy hiểm do Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ của Việt Nam, do đó, để tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ và Châu Âu, Việt Nam cần phải thông minh hơn để ngừng lại, và phải cải thiện tôn trọng nhân quyền. Vì thế, chúng tôi yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng đòi hỏi này.”
Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi các quốc gia trên thế giới mỗi khi thương thảo về mậu dịch với Việt Nam nên đưa vấn đề vi phạm nhân quyền vào chương trình nghị sự. Nếu chính phủ Việt Nam muốn có nhiều quyền lợi hơn khi là thành viên của cộng đồng quốc tế thì chính những nhà lãnh đạo quốc gia phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do tôn giáo và tự do ngôn luận.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/amnesty-international-2012-ha-05242012132305.html
No comments:
Post a Comment