Friday, March 9, 2012

Xin Đừng Đánh Mất Niềm Tin



Đỗ Văn Phúc - Bây giờ thì cái khí thế bừng bừng của chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư đã lắng xuống. Hàng ngàn đồng bào Việt tị nạn đã trở về thành phố, tiểu bang nhà sau những ngày sôi nổi đấu tranh tại Thủ đô Washington. Người viết bài này đã ký TNT rất sớm ngay giờ phút đầu tiên khi TNT được phát động trên internet; và đã cùng với Ban Chấp Hành Cộng Đồng địa phương hướng dẫn, giúp đỡ đồng hương tham gia ký tên vào ngày Thứ Bảy đầu tiên.

Ngay từ đầu, chúng tôi cũng đã nhìn thấy những vấn đề tế nhị mà không dám viết ra, chỉ dám lạm bàn qua email trong phạm vi một số anh chị em thân tín và hiểu nhau. Đó là do sự dè dặt trước một phong trào đang lên, với một quần chúng hàng trăm ngàn người đang sục sôi nhiệt tình và đặt nhiều kỳ vọng lạc quan, mà một tiếng nói tiêu cực hay ngược lại suy nghĩ chung chỉ mang lại hiểu làm và đem lại cho người viết những tác hại khó gỡ.
Khi cao trào đang lên, người ta chỉ biết đến cảm tính mà không suy nghĩ thuần lý. Vì thế, đã có một cây bút quen thuộc đã quá nhậy bén, viết ra một bài nhận định không phải lúc, nên bị chính anh em đồng hội đồng thuyền đả kích nặng nề. Hôm nay, khi cao trào đã tạm lắng, thì đây mới là lúc chúng ta cùng ngồi lại, bình tĩnh lượng định tình hình, duyệt qua các diễn tiến để tìm ra những ưu và khuyết điểm cho những vận động chính trị trong tương lai.
Chúng tôi đã theo dõi từ đầu diễn tiến của cuộc vận động Thỉnh Nguyện Thư, và hôm nay, được xem video của đài SBTN-DC cuộc phỏng vấn của nhà báo Võ Thành Nhân với ông Trúc Hồ, cũng như đọc bài Lượng Định Thành Quả Của Chiến Dịch Vận Động Nhân Quyền Cho Việt Nam của Ts. Nguyễn Đình Thắng đăng trên Nguyệt San Mạch Sống. Hai ông đều là người khởi xướng cuộc vận động TNT.
Phải thành tâm nhận xét, về phương diện tổ chức, vận động thì lần này đã thành công vượt bực. Chưa bao giờ một thỉnh nguyện thư nào có con số người ký lên tới một trăm ba chục ngàn. Đó là công lao của Trúc Hồ và nhóm đài SBTN, của các báo chí, đài phát thanh đã phổ biến rộng rải đến từng gia đình người Việt tị nạn; Cũng là công lao của nhiều ban Chấp Hành Cộng Đồng đã tổ chức đêm ca nhạc, đi đến tận nhà thờ, chùa, siêu thị… để hướng dẫn đồng hương; Cũng là công lao của hàng trăm anh chị trên các trang web, diễn đàn, email, phổ biến phương thức ký tên, sao chuyển các email gửi đến bạn bè theo cấp số nhân…
Cho dù đàng sau hậu trường, có những vấn đề nào đó, thì chúng tôi vẫn cứ ca ngợi những người khởi xướng. Nếu sau này, việc thành đạt mà ông Trúc Hồ và Nguyễn Đình Thắng tạo thêm nhiều uy tín cá nhân; một ông thì tăng số lượng khán giả cho đài truyền hình, cho băng nhạc Asia, một ông thì tạo mối quan hệ tốt với hành pháp, lập pháp Hoa Kỳ để tiến xa hơn trong công việc; thì chúng tôi cũng xem đó là những phần thưởng cho những người đã dám làm, dám đứng mũi chịu sào trong công việc chung. Miễn mục tiêu phục vụ cho quốc gia dân tộc là chính yếu.
Trên tất cả, là tấm lòng của người Việt hải ngoại hướng về tổ quốc, hướng về những con dân đang bị tù đày tra tấn vì đấu tranh cho Độc Lập, Chủ Quyền, Tự Do và Dân Chủ nơi quê nhà.
Đây không phải là lần đầu tiên mà đồng bào tị nạn VN được vào Toà Bach Cung và Quốc Hội Hoa Kỳ. Chính bản thân người viết cũng đã nhiều lần tham gia các phái đoàn Cộng Đồng trong Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam tổ chức tại các phòng khánh tiết của Thượng Viện Mỹ, cũng từng được các Dân Biểu, Nghĩ Sĩ tiếp đón, nhận thỉnh nguyện thư và hứa hẹn. Vì thế, nếu lấy con số người ký là 100, 1000, 100000 để tiên đoán kết quả rằng chính phủ, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ nghe theo ý mình thì thật quá lạc quan hảo.
Con số này sẽ rất có ý nghĩ, nếu đây là những vấn đề đối nội của Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ rất sợ con số hàng chục, hàng trăm ngàn người da đen, phản chiến, tranh đấu cho quyền phụ nữ, đình công (The March on Washington for Jobs and Freedom (1963) One Million March (October 16, 1995,…)) Vì họ sợ sự phẫn uất của công dân có thể dẫn đến nội loạn. Nhưng trong những vấn đề đối ngoại, thì chúng ta đều biết nguyên tắc bất di bất dịch của Hoa Kỳ (hay bất cứ quốc gia nào) là đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết. Mà nói cho cùng, đó là quyền lực quốc gia và quyền lợi kinh tế. Cứ xem việc Hoa Kỳ giữ thái độ im lặng để cho NATO hành xử trong khi Quaddafi liên tục đánh bom, bắn pháo vào các thành phố do dân nổi loạn chiếm đóng; cũng như hiện nay, vẫn tọa thị xem mỗi ngày Tổng Thống Bashar al-Assad bắn giết hàng trăm dân Syria chống đối đòi dân chủ. Cái lý do chính là các công ty dầu mỏ Hoa Kỳ đã có những hợp đồng với Lybia trước đây; và tại Syria, thì Hoa Kỳ cũng không muốn mất lòng mấy anh bạn giàu có xứ Trung Đông, nơi mà Hoa Kỳ gần như lệ thuộc vào trữ lượng dầu; cũng như cần các căn cứ quân sự để nhanh chóng can thiệp vào Afganistan, Iran…
Những khuyết điểm mà Ban Vận Động đã mắc phải
1.- Thiếu Viễn Kiến
Hơn ai hết, TS Nguyễn Đình Thắng là người từng hoạt động hàng mấy chục năm qua, chắc rất rành rọt về những việc lập diễn trình vận động. Nhưng lần này, do sự phối hợp không sát sao, hay do đồng sàng dị mộng, mà cuộc vận động TNT đã thiếu cái viễn kiến cần có.
Qua phần trình bày trên đài SBTN-DC, thì Trúc Hồ đã nói rằng vì xúc động trước việc bạn trẻ Việt Khang viết nhạc yêu nước và bị bắt mà nẩy ra ý định làm TNT để yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp với nhà nước VC thả Việt Khang. Cũng qua bài viết ngắn của Nam Lộc, so sánh việc các nhà đấu tranh thường được những người trong giới của mình vận động, thì nay Trúc Hồ đứng ra vận động cho Việt Khang. Và theo Nam Lộc: “Chúng ta không thể mong đợi gì hơn những thành quả vĩ đại mà cộng đồng VN tại hải ngoại đã đạt được trong chiến dịch thỉnh nguyện thư vừa qua
Trong thực tế, việc vận động để cứu một nhà đấu tranh bị tù đày bên VN không cần đến một chiến dịch rầm rộ với hàng trăm ngàn chữ ký, và phải vào tận Toà Bạch Ốc gặp gở ông Tổng Thống mới thành công.
Vì thế, bắt đầu từ việc xin áp lực thả Việt Khang vớí khẩu hiệu FREE VIET KHANG, ban tổ chức đã tiến đến xa hơn, với tiêu đề STOP EXPANDING TRADE WITH VIETNAM AT THE EXPENSE OF HUMAN RIGHTS; mà không nhìn thấy cái viễn ảnh sẽ ra sao. Hậu quả có khả hữu, như ý hay không?
Qua hàng chục biểu ngữ do các thành viên các cộng đồng khắp nơi trưng ra, thì điều mong chờ của hơn một trăm ba chục ngàn người Việt ký vào TNT và hàng trăm ngàn người khác đang theo dõi ngày đêm cao hơn việc thả Việt Khang nhiều. Nguyện vọng đó là việc yêu cầu Hoa Kỳ áp lực để ngụy quyền CS trước mắt, chấm dứt đàn áp bắt bới người dân vì họ đấu tranh cho nhân quyền và dân quyền, cho chủ quyền đất nước.
Nếu mục đích của chiến dịch TNT là nhân quyền cho dân Việt, thì rõ ràng, chúng ta đã quá thất vọng. Sau khi đạt đươc vài lời hứa hảo của vài ông cấp thấp trong Bạch Ốc, mà viết rằng đây là thành quả vĩ đại, thì người viết phải có óc khôi hài đáng nể.
Thêm điều nữa, là qua Press Release của Toà Bạch Cung, thì họ đưa vào nội dung những điều ngoài thỉnh nguyện chúng ta: “Briefing participants expressed the desire to elevate the “everyday” Vietnamese American, the nail salon worker, the bus driver, the post office worker, the fisherman, or the thousands of individuals who work hard day after day…”(Source: Partnerships for Human Rights, Here and Abroad, Posted by Tuyet G. Duong on March 08, 2012)
2.- Thiếu hiểu biết về hệ thống chính trị Hoa Kỳ (hoặc biết, nhưng vì quá phấn khích mà không nhớ đến?)
- Như đã nói ở trên, căn bản của Chính trị là Quyền Lợi và Quyền Lực. Ai quên hai điểm trên thì khó mà bàn luận về chính trị với họ. Những cái mặt nạ đạo đức, nhân quyền… chẳng qua chỉ để che đậy bên ngoài một khi những khái niệm này trùng hợp với quyền lợi của Mỹ. Việt Nam Cộng Hoà đã được Mỹ âu yếm coi là đồng minh trong cuộc chiến chống bành trước của chủ nghĩa Cộng Sản, là tiền đồn của thế giới tự do. Rồi một ngày đẹp trời, khi Hoa Kỳ không còn thấy cần thiết có lá chắn VNCH, và vì quyền lợi dầu mỏ bên Trung Đông đang được Nga Sô thương thảo, thì anh bạn đồng minh vĩ đại Mỹ phủi tay, bán đứng miền Nam cho CS. Biết bao lời đanh thép của TT Kennedy ““Pay any price, bear any burden, meet any hardship, support any friend…to assure the survival and success of liberty “; của TT Johnson “If we quit Vietnam tomorrow we’ll be fighting in Hawaii and next week we’ll have to be fighting in San Francisco.” của TT Nixon: “Because let us understand: North Vietnam cannot defeat or humiliate the United States” … chỉ là thoảng hương trong gió. Tội nghiệp mấy vị Tổng Thống và 14 triệu dân miền Nam, nhẹ dạ, tin vào anh bạn tóc vàng mắt xanh mà để mất quê hương.
3.- Lập Pháp vs. Hành Pháp – Sự hình thành chính sách đối ngoại. Thực ra, trách cứ mấy anh Tổng Thống Mỹ thì cũng hơi oan. Vì trong diễn trình lập chính sách đối ngoại, quyền hành nằm trong hai viện của Quốc Hội Liên Bang. Ông Nixon có hứa bao điều sắt son với TT Thiệu, thì cũng đành bó thay phụ lòng bạn khi mà Quốc Hội đã nói rằng KHÔNG (Xin đọc Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng.
Vì vậy, cho dù khó xoay chuyển được khuynh hướng đối ngoại Hoa Kỳ, thì việc vận động cần phải tập trung vào Quốc Hội thay vì vào Bạch Ốc. Và không thể vào đó lobby với hai bàn tay trắng và những lời thuyết phục. Xin nhắc nhỏ: Các ông Nghĩ sĩ và dân biểu cần phiếu và tiền mỗi kỳ tranh cử. Tuy mang tiếng là đang sống trong chế độ dân chủ, nhưng ai cũng hiểu họ đại diện cho các thế lực tài phiệt là chính. Họ là những kịch sĩ đại tài. Họ sẽ kiên nhẫn lắng nghe chúng ta, nhưng cuối cùng chỉ là hứa hẹn và cao lắm là một bản Resolution công nhận này nọ, chỉ có giá trị để khoe ra loè thiên hạ.
4.- Quá lạc quan và nhiều ảo tưởng.
Chính vì ban đầu chỉ dự trù đạt 25000 chữ ký, mà chỉ trong vòng vài ngày, con số lên nhanh đến độ chóng mặt. Ban Vận Động đã tỏ ra quá lạc quan và đặt quá nhiều kỳ vọng. Khi chí mới nhận được lời mời của Toà Bạch Cung, những người tổ chức đã tưởng lần này Bạch cung sẽ hoảng sợ vì con số trăm ngàn, nên đã buông lời cao ngạo “Tòa Bạch Ốc (White House) đã chính thức xin được tiếp xúc và gặp gỡ cộng đồng người Việt” như một đoạn trong lá thư của Nam Lộc trích dẫn dưới đây.
Ngay từ những phút đầu tiên, Với sức mạnh thể hiện qua số lượng chữ ký thỉnh nguyện thư, Tòa Bạch Ốc (White House) đã chính thức xin được tiếp xúc và gặp gỡ cộng đồng người Việt về vấn đề nhân quyền cho VN cùng những quan tâm đến các nhà tranh đấu và tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở trong nước. Cuộc tiếp xúc sẽ được diễn ra vào lúc 12 giờ trưa Thứ Hai, ngày 5 tháng 3, 2012 tới đây. Qua ngày 6 tháng 3 chúng ta sẽ gặp gở quý vị dân cử ở Quốc Hội HK. Toà Bạch Ốc cũng xin được nghe và tìm hiểu nội dung cùng ý nghĩa của hai bài hát mà nhạc sĩ Việt Khang đã vừa sáng tác, đó là Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai, cùng một số sáng tác khác ở hải ngoại, thể hiện tinh thần yêu nước và tranh đấu cho nhân quyên của người Việt tự do”.
Vì thế, khi cả 165 người Việt lặn lội từ khắp các Tiểu Bang về DC vào Toà Bạch Ốc chỉ để gặp các vị Giám Đốc (cấp Phòng, chứ không ở cấp Nha, Sở), thì sự thất vọng đã thể hiện qua khuôn mặt nhiều người, nhất là Việt Dũng, Trúc Hồ. Họ coi việc được tiếp bởi các viên chức cấp thấp là sự vô lễ của Bạch Cung. Trong khi đó, Nguyễn Đình Thắng thì có viễn kiến hơn, đã nói trước rằng không chắc gì được Obama tiếp kiến.
5.- Trúc Hồ, qua phát biều nhiều lần trên các chương trình truyền hình, đã tỏ ra ý đồ quá rõ rệt là vận động ủng hô cho Barack Obama trong kỳ bầu cử nhiệm kỳ mới. Anh đã lập đi lập lại câu hứa sẽ cùng đi với Obama.
“Chúng ta sẽ đoàn kết với nhau, tạo thành một sức mạnh cộng đồng trong mùa bầu cử này. … Nếu chúng ta có 30000 cử tri… và nếu TT Obmama là người đã đưa ra một đạo luật, một ngày lễ gọi là Humanrights Week, thì ông phải là người tôn trọng nhân quyền… Sau ngày 8 tháng 3, chúng ta sẽ ký tên tiếp và lập một hồ sơ để dâng lên Tổng Thống; nói với ông rằng trên nẻo đường nào ông đio, từ đây cho đến ngày ông tranh cử, chúng tôi sẽ cùng đi với ông…”
Trúc Hồ đã đi quá xa trong việc này. Anh không có quyền đem số người ủng hộ ra để mặc cả trong việc bầu cử. Việc hơn trăm ngàn người ký vào TNT không có nghĩa là họ sẽ bấu cho Obama. Trúc Hồ cũng đã để lộ quan điểm chính trị không giống quan điểm của người Việt chống Cộng khi anh nói gần như mặc nhiên thừa nhận sự chính danh của cái gọi là “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Và kêu gọi cùng hợp tác với cái gọi là “Quân Đội Nhân Dân” để đánh Tàu. Điều mong muốn của anh là hai nước Mỹ và Việt Nam Cộng Sản gần nhau
“…Chính quyền Hoa Kỳ mang chính quyền CSVN gần lại với tự do… giúp cho những người lãnh đạo Hoa Kỳ làm việc với CSVN làm sao cho họ gần với mình…”
(Source: Video Phỏng vấn Trúc Hồ do Võ Thành Nhân thực hiện, đài STN-DC)
Những này làm chúng ta liên tưởng đến Thư Ngỏ đầy ảo tưởng trật chìa của nhóm tự nhận là 35 trí thức hải ngoại!
Sau hai tuần sôi nổi hào hứng, kỳ vọng cao, để rồi cả ngàn người Việt từ già (80, 90 tuổi) đến các em bé lên ba; từ các thành phố ở Hoa Kỳ cho đến những người nhiệt tình từ Canada, Âu Châu; từ những cá nhân tích cực đến các hội đoàn, tổ chức cộng đồng quy tụ về Thủ Đô chỉ nhận được những câu trả lời đầy tính chất xã giao, sáo ngữ của ông Michael Posner (Phụ Tá Ngoại Trưởng về Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động); ông Eric Barboriak (Giám Đốc Văn Phòng Đông Nam Á Sự Vụ), và ông Tom Carson (Giám Đốc Văn Phòng Hoạt động Công Cộng).
Và điều đáng buồn nữa, đó là những câu ông Trúc Hồ bất bình đối với ông Nguyễn Đình Thắng. Điều này cho người ta đoán rằng hai người khi bắt đầu chương trình, đã có những dự tính riêng tư cho bản thân, hay phe nhóm mình. Thành công thì chưa biết sẽ ra sao. Nhưng không thành công thì bắt đầu cấu xé nhau.
Điều đáng lo cuối cùng, là liệu sau này, có những vị nhiệt tâm nào đứng ra vận động đồng hương, sẽ còn bao nhiêu người đặt long tin vào mà ủng hộ?
Dù sao, không lấy sự không thoả mãn lần này mà thất vọng. Tuy không đạt được sở nguyện, thì ít ra, sự tham gia đông đảo của đồng bào cũng tạo ra được một khí thế, tạo được tiếng vang trước chính quyền và công luận Mỹ.
Ít ra đây là một tín hiệu đáng mừng khi những người Việt tị nạn đã ý thức sức mạnh của mình và tham gia vào sự nghiệp chung. Xin hãy lấy cái mốc 130000 người tham gia TNT để tạo thêm hy vọng vào một tập thể tị nạn đang quẩy mình tham gia vào công việc chung mà làm bàn đạp cho tương lai.
Ít ra, đây cũng là một thông điệp để những nhà anh chị em đang tranh đấu bên nhà ấm lòng, biết đồng bào hải ngoại vẫn luôn hướng tâm trí và chia sẻ khổ nạn với các anh chị.
Xin biết ơn các ông bà, anh chị đã sốt sắng tham gia chiến dịch này.
March 8, 2012
Đỗ Văn Phúc
http://baotoquoc.com/2012/03/09/xin-d%E1%BB%ABng-danh-m%E1%BA%A5t-ni%E1%BB%81m-tin/#more-36467

No comments:

Post a Comment