Dân biểu Chris Smith, tác giả của dự luật về Nhân quyền Việt Nam, mang ký hiệu H.R. 1410
Trọng Nghĩa ( RFI) - Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam lại nổi cộm lên tại Quốc hội Hoa Kỳ. Trong phiên họp hôm qua, 07/03/2012, Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện đã thông qua dự luật thường được gọi là “Nhân quyền Việt Nam”. Văn kiện này dự trù việc hạn chế các khoản viện trợ của Mỹ cho Việt Nam, trừ phi chính quyền Việt Nam đạt tiến bộ trong lãnh vực nhân quyền.
Mang ký hiệu H.R. 1410, dự luật này cấm không cho chính phủ Mỹ tăng viện trợ cho Việt Nam lên cao hơn mức của năm 2011, ngoại trừ các khoản viện trợ nhân đạo, trừ phi bộ Ngoại giao xác nhận là chính phủ Việt Nam đã đạt “tiến bộ đáng kể” trong lãnh vực dân chủ và nhân quyền.
Được Ủy ban Đối ngoại nhất trí thông qua, như vậy dự luật Nhân quyền Việt Nam sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở phiên họp toàn thể Hạ viện, và nếu được thông qua, sẽ được chuyển lên Thượng viện. Vào năm ngoái, Hạ viện Mỹ cũng đã từng thông qua một dự luật Nhân quyền Việt Nam, nhưng văn kiện này sau đó đã không được Thượng viện chuẩn y.
Theo dân biểu Đảng Cộng hòa Chris Smith, tác giả dự luật, thì tại Việt Nam, các vụ “truy bức tôn giáo, chính trị, và sắc tộc” vẫn tiếp diễn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước. Theo dân biểu Mỹ, “chính phủ Hoa Kỳ phải gởi thông điệp rõ ràng tới chế độ ở Việt Nam là cần phải chấm dứt các hành vi xâm phạm nhân quyền đối với công dân của họ”.
Dự luật cũng đề ra một số điều kiện mà Việt Nam cần phải thực hiện để được viện trợ thêm, từ việc tôn trọng tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do tụ tập và lập hội … cho đến việc trả tự do cho các tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị …
Theo hãng tin Pháp AFP, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang càng lúc càng chặt chẽ hơn, vào lúc Hà Nội và Bắc Kinh có tranh chấp về chủ quyền ở vùng Biển Đông. Chính quyền Obama đã thúc đẩy hợp tác với Hà Nội trong mọi lãnh vực, kể cả trong địa hạt quốc phòng, quân sự, nhưng vẫn thường xuyên kêu gọi Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền.
Theo số liệu của cơ quan viện trợ Mỹ USAID, trong năm tài chính 2010, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam 134 triệu đô la viện trợ. Hơn một nửa trong các khoản viện trợ này được dành cho việc cải thiện sức khỏe và đời sống thiếu nhi. Cho năm 2012, USAID yêu cầu một ngân sách 125 triệu đô la cho Việt Nam.
T. N.
Nguồn: Viet.rfi.fr
No comments:
Post a Comment