Friday, March 23, 2012

Mô Hình Trùng Khánh và Bạc Hy Lai



Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA - ...Bạc Hy Lai khoác áo cải cách với thành tích Trùng Khánh nhưng đề cao tư tưởng Mao...

Tuần qua tin tức dồn dập từ Trung Quốc về vụ ông Bạc Hy Lai mất chức Bí thư Trùng Khánh khiến dư luận chú ý đến một phạm trù được gọi là "Mô hình Trùng Khánh". Vũ Hoàng trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về ưu nhược điểm của chính sách kinh tế áp dụng tại thành phố đông dân nhất địa cầu vì có khi đấy cũng là một trong nhiều lý do giải thích tại sao ông Bạc Hy Lai lại bị thay thế trước Đại hội đảng khóa 18 tại Bắc Kinh.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Theo dõi tin tức trong truyền thông Việt ngữ, chúng tôi thấy hình như ông đã sớm nói về sự thất bại của "Mô hình Trùng Khánh" giữa hai biến cố cũng gay go về kinh tế chính trị tại Trung Quốc là khủng hoảng Ôn Châu và biến động Ô Khảm. Sau khi người được coi là tác giả của "Mô hình Trùng Khánh" là Bí thư Bạc Hy Lai vừa mất chức tuần qua, xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng ta một số đặc điểm của mô hình này. Như mọi khi, xin ông nói về bối cảnh của vấn đề.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là về bối cảnh, có lẽ ta cần nhớ ra vài đặc tính của Trung Quốc.
- Thứ nhất, do địa dư hình thể, lãnh thổ bát ngát của xứ này có ba vùng khác biệt từ đại dương vào bên trong. Miền Đông trù phú, miền Tây nghèo khổ và biên vực hoang vu vây quanh ba góc từ Tây Nam qua hướng Tây lên tới hướng Bắc và Đông Bắc. Đó là khái niệm tôi cứ gọi là "nhất quốc tam kinh", một quốc gia có ba nền kinh tế với bài toán nan giải là bất công xã hội giữa các địa phương, an ninh quốc gia tại vùng phiên trấn và chính sách phát triển ở cấp trung ương.
- Thứ hai, do chế độ độc đảng và chưa có thể chế dân chủ liên bang, tranh luận về chính sách phát triển thích hợp không được công khai hóa trong khi chiến lược kinh tế theo đuổi từ hơn 30 năm nay chẳng những không giải quyết nổi mâu thuẫn bên trong mà còn đào sâu dị biệt địa dư và xã hội, và nhất là gây vấn đề giữa chủ trương của trung ương với đường hướng riêng của các đảng bộ địa phương. Trong hoàn cảnh đó, sáng kiến của ông Bạc Hy Lai về mô thức áp dụng cho Trùng Khánh có một số ưu điểm nhất định đến độ nhiều người cho là mẫu mực khả dĩ áp dụng ở nơi khác.
- Thực tế lại không đơn giản như vậy, mà cá tánh cùng phương pháp của ông ta lại gây vấn đề cho nhiều địa phương hay lãnh tụ khác. Khi họ chuẩn bị việc chuyển giao quyền lực tại Đại hội 18 vào mùa Thu này, mâu thuẫn đó thành công khai. Tôi còn nghĩ rằng vụ Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân bị quản thúc tháng trước chỉ là mặt nổi của các mâu thuẫn căn bản và gay gắt hơn về tương lai của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông đã tóm lược nhiều nan đề của quốc gia phức tạp này. Bây giờ, ta bắt đầu với mô hình hay mô thức Trùng Khánh mà ông cho là có một số ưu điểm nhất định nên đã được nhiều người cho là mẫu mực. Đặc tính của mô hình đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trùng Khánh là một trong năm thành phố do Trung ương quản lý, đông dân nhất với hơn 30 triệu người. Đây là thành phố nằm trong mà biệt lập với Tứ Xuyên, một tỉnh bị khóa trong đất liền, chứ không tiếp cận hải dương như bốn thành phố kia.
- Thời mở cửa 30 năm trước thì vì chế độ bao cấp phá sản, doanh nghiệp nhà nước bị cải tổ, thành phố tụt hậu so với các tỉnh thành duyên hải. Bên trong còn bị thất nghiệp cao và nạn tham ô, cùng cường hào ác bá cấu kết với tổ chức tội ác khiến xã hội bất ổn, cư dân lũ lượt tiến về Đông kiếm việc. Khi được đưa từ Bộ Thương mại về làm Bí thư cuối năm 2007, Bạc Hy Lai tung sáng kiến giải quyết vấn đề kinh tế xã hội của Trùng Khánh.
- Ông ta tách khỏi xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu của các tỉnh thành duyên hải mà phát triển đầu tư và tiêu thụ trong nội địa, đa dạng hóa kinh tế, tập trung xây dựng các dự án hạ tầng và tái phân lợi tức cho dân nghèo. Trong tiến trình đô thị hóa khá mạnh, ông không để xảy ra nạn cướp đất của dân và có chú trọng đến công bằng xã hội. Trùng Khánh trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng được hệ thống công nghiệp nhẹ và hướng về tiêu dùng.
- Khi thế giới bị Tổng suy trầm 2008-2009 và kinh tế Trung Quốc nói chung giảm đà tăng trưởng dưới tốc độ 10% của các năm trước, Trùng Khánh vẫn tiến mạnh với tốc độ trên 16% vào năm qua. Đó là thành tích kinh tế không nhỏ nên người ta mới nói đến một mô hình hấp dẫn.
Vũ Hoàng: Còn về mặt xã hội và chính trị thì mô hình này có gì là đặc biệt?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về xã hội, Bạc Hy Lai được coi là có công phá vỡ hệ thống cấu kết chính trị và diệt trừ tổ chức tội ác mà ta vẫn gọi là các hội kín hay "Tam Hợp", xưa nay tung hoành rất mạnh. Ông cũng mở rộng các dịch vụ xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Năm 2011, lợi tức các hộ gia đình thị dân, là những đơn vị hành chính có hơn hai vạn dân, tăng được hơn 15%, mà của thôn dân tại các làng xã thì tăng đến 22%. Cùng với việc đô thị hóa, hơn ba triệu người đã vào thành thị mà Trùng Khánh không bị động loạn hay khiếu kiện về đất đai. Cho nên, so với nhiều nơi khác thì công bằng xã hội là ưu điểm của Trùng Khánh.
- Về chính trị, Bạc Hy Lai đề cao yếu tố công bằng trong tư tưởng Mao Trạch Đông. Với khẩu hiệu "thanh hồng, đả hắc", hát nhạc đỏ và diệt xã hội đen, ông khôi phục thủ thuật vận động quần chúng kiểu Mao, như "chiến dịch đỏ" và các ca khúc ái quốc. Ông quyến rũ phái "Tân Tả", các phần tử cực tả đang sợ là vì kinh tế thị trường mà xứ sở mất bản sắc cộng sản và chạy theo Tây phương.
- Nhưng nghịch lý là bản thân ông Bạc Hy Lai lại hành xử như một chính khách phương Tây, với áo khăn dịu dàng và cách ăn nói lôi cuốn đầy chất mị dân của người đi tranh cử.
Vũ Hoàng: Thế rồi trung ương có thấy ra những ưu điểm của mô hình Trung Khánh chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi kinh tế sa sút, khu vực duyên hải sống nhờ xuất khẩu gặp trở lực từ quốc tế, nhiều nơi bị động loạn, và tư doanh loại vừa hay nhỏ bị phá sản hàng loạt thì Trùng Khánh vẫn tự cung cấp và đạt mức sung túc cao hơn. Vì vậy, lãnh đạo Bắc Kinh chú ý đến Trùng Khánh như giải pháp áp dụng được cho nơi khác. Nhưng sự thật không hoàn hảo như vậy, chưa kể các mâu thuẫn nội tại trong cơ chế chính trị xứ này.
Vũ Hoàng: Ông muốn nói đến mặt trái của mô thức Trùng Khánh. Thưa ông, đâu là những giới hạn hay phần tiêu cực của phương thức phát triển theo kiểu Bạc Hy Lai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, chuyện Trùng Khánh chỉ là mô hình tập trung nhuốm màu hồng của cách mạng kiểu Mao, đã chẳng áp dụng được ở mọi nơi mà cũng không thể bền vững để được là mẫu mực cho toàn quốc.
- Trước hết, Trùng Khánh có nâng tiêu thụ nội địa là nhờ chính quyền tập trung mọi quyết định về ngân sách, đầu tư và phân phối tài nguyên từ trên xuống. Giống biện pháp tăng chi để kích thích kinh tế của trung ương, chính sách ấy dẫn đến khiếm hụt ngân sách nên thành phố phải đi vay hơm trăm tỷ đô la! Hệ quả chìm là vì tập quyền về đầu tư – của thành phố hay trung ương – chính trường dễ cấu kết với doanh trường và gây ra tệ tham nhũng, nạn tư bản thân tộc và còn khiến tư doanh thấp cổ bé miệng ở dưới bị triệt tiêu - là chuyện cũng đã xảy ra tại Trùng Khánh.
- Thứ nữa, khác với các tỉnh duyên hải là nơi chính quyền địa phương và doanh nghiệp còn tự do xoay trở linh động trong quyết định kinh tế, mô thức của Trùng Khánh chỉ là chủ nghĩa tư bản nhà nước ở cấp địa phương. Nó dễ dẫn tới việc ngộ dụng tài nguyên mà không ai có quyền sửa hoặc ít ra lên tiếng phê bình. Về kinh tế, nếu áp dụng trên quy mô cả nước thì phải bảo đảm sự yểm trợ của trung ương về tài chính lẫn kỹ thuật phối hợp, là điều chưa thể có tại Trung Quốc. Ngược lại, tỉnh thành nào cũng lấy Trùng Khánh làm mẫu mực thì ngân sách quốc gia sẽ bị thiếu hụt nặng.
Vũ Hoàng: Nếu có thể suy ra từ đấy thì mô thức Trùng Khánh không thể áp dụng trên toàn quốc và cho mọi nơi được thứ nhất là vì rất tốn kém cho công quỹ và thứ hai vì nó cần một hệ thống công quyền liêm chính và hữu hiệu cho một quốc gia có đến 2.000 quận huyện. Thưa ông, bây giờ ta bước qua khía cạnh chính trị của vụ này vì yếu tố đặc biệt của cá nhân ông Bạc Hy Lai.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng nếu cứ để nguyên thì với một số thành tích đạt được từ 2009 đến nay, mô thức Trùng Khánh có thể là giải pháp trắc nghiệm áp dụng tại một số thí điểm cho một quốc gia có quá nhiều khác biệt địa phương. Nhưng hai chuyện đã xảy ra.
- Thứ nhất là tiến trình chuyển giao quyền lực vào cuối năm cho thế hệ thứ năm. Theo thông lệ thì bảy trong chín ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ ra về và bảy trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đang nhắm vào vị trí đó, với ảnh hưởng chìm và nổi của các lãnh tụ khác để tạo vây cánh cho mình, kể cả người đã hoặc sắp ra đi, như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào.
- Nhưng vì Trung Quốc không có dân chủ và mọi quyết định đều là kết quả đồng thuận ngấm ngầm nên mỗi phe lại tác động một cách. Nhìn từ bên ngoài thì có vẻ ổn định và êm thắm hơn là lối tranh cử ồn ào của các nước dân chủ trước sự chứng kiến và chọn lựa có khi bất ngờ của người dân. Thực tế lại có nhiều thủ đoạn chính trị khá hiểm độc, với ảnh hưởng rất nặng của tiền tài và thế lực.
- Thứ hai là cá tính Bạc Hy Lai. Trong môi trường kín đáo của đồng thuận, với các lãnh tụ đều ra dáng mẫn cán mà tẻ nhạt ông ta là người trình diễn ồn ào như tận dụng phương pháp tranh cử tại các nước dân chủ vậy! Đây là nghịch lý vì nếu ai cũng công khai nói ra chủ trương của mình như Bạc Hy Lai thì sự thể có khi đơn giản và hấp dẫn hơn. Huống hồ bản thân ông lại có nhiều khuyết điểm và kết tụ ngần ấy mâu thuẫn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Hình như là qua hiện tượng cá biệt của Bạc Hy Lai ông lại nhìn ra những vấn đề thuộc về bản chất của chế độ Trung Quốc. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc đang ở vào một khúc quanh vì phải tìm ra một mô hình phát triển mới sau khi mô hình cũ đã đi hết sự vận hành tương đối tốt đẹp của 30 năm qua. Nếu không, họ sẽ bị khủng hoảng như chính các lãnh tụ của thế hệ thứ tư sắp ra đi đã báo động. Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói đến nguy cơ tái diễn thảm kịch Đại Văn Cách hay Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại, là vụ Mao Trạch Đông vận động quần chúng đánh ngược vào đảng để tranh giành quyền bính,  thì ta biết rằng có cái gì đó rất nghiêm trong đã xảy ra bên trong.
- Đi tìm mô thức mới là tranh luận về tư tưởng và sự hữu hiệu của các giải pháp lẫn nhân sự sẽ thực hiện. Xin tạm nói gọn theo hai hướng, thủ cựu mà cứ gọi là "tả" là cái hướng bảo vệ chế độ, đổi mới mà cứ gọi là "hữu" là cái hướng phát triển xứ sở. Sau thời đại loạn với cao điểm của 10 năm Cách mạng Văn hoá thì từ năm 1981, các lãnh tụ đều thống nhất ý chí là dù theo hướng nào thì tập thể vẫn lãnh đạo chứ không trở lại tệ nạn sùng bái cá nhân hoặc độc diễn kiểu Mao.
- Trong bối cảnh đó, Bạc Hy Lai khoác áo cải cách với thành tích Trùng Khánh nhưng đề cao tư tưởng Mao để nhấn mạnh tới yêu cầu bảo vệ chế độ. Mục đích là tìm hậu thuẫn của nhiều phe phái khác nhau, chưa nói đến bản thân ông là thuộc "Thái tử đảng", là con cháu các nguyên lão đồng chí, một tập thể có nhiều ảnh hưởng mà lại thiếu thống nhất về chủ trương.
- Ông Bạc Hy Lai đánh bạc ở hai cửa, nhưng đánh bạc giả. Vì thực chất thì đã phá vỡ hệ thống cường hào ác bá cũ để xây dựng một thế cấu kết mới, cũng với các tổ chức tội ác mà ông khoe là đã tiêu diệt. Người thi hành kế hoạch "đả hắc" – tiễu trừ xã hội đen – chính là Giám đốc Công an Vương Lập Quân, nhưng ông này có thể thấy ra mặt trái của thượng cấp và gia đình nên sợ bị thanh trừng rồi tìm cách tỵ nạn trong toà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên. Chưa kể là thủ thuật của Bạc Hy Lai cũng làm nhiều lãnh tụ khác phật ý khi mà mọi người đều tích cực và âm thầm vận động ở bên trong.
Vũ Hoàng: Thưa ông, có phải là từ đó nội vụ mới nổ ra ngoài khi dư luận lại có phương tiện truyền thông mới, như các mạng lưới xã hội, hậu quả là một chuỗi chấn động dội lên trung ương khiến ông Bạc Hy Lai bị mất chức Bí thư Trùng Khánh hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa có lẽ như vậy và việc ông Bạc Hy Lai bị mất chức chỉ là phần nổi của một thực tế chính trị và xã hội khác tại Trung Quốc. Đó là một hệ thống đen khoác áo đỏ!
- Dưới cái vẻ ổn định của sự đồng thuận trên thượng tầng là âm mưu quỷ kế để tranh giành đặc quyền đặc lợi bên dưới, y như trong các xã hội đen, các tổ chức tội ác. Nhưng phe phái nào trong các đại gia ấy cũng khoác áo đỏ của cách mạng để duy trì chế độ độc đảng. Ngày nay, khi lãnh đạo phải chuyển hướng – thật ra phải nhìn vào vấn đề thật là cải cách cả hệ thống chính trị thì mới phát triển bền vững – thì chuyện tranh giành ảnh hưởng và thế lực rất dễ bung ra ngoài.
- Vụ Bạc Hy Lai cũng khiến ta chú ý đến chuyện khác vào tuần này là việc bầu lại chức Hành chính Chưởng quan hay Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong. Nhân vật được Bắc Kinh đưa ra thay thế Donald Tsang hay Tăng Âm Quyền là Henry Tang, Đường Anh Niên. Ông tỷ phú họ Đường này là người thân tín của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật đầy hy vọng lên thay ông Hồ Cẩm Đào. Những tai tiếng đầy dẫy của cả hai ông Tang và Tsang, Đường và Tăng, cũng dội ngược lên uy tín của Tập Cận Bình trong việc chuyển quyền hiện nay. Quả là chuyện đỏ đen lẫn lộn!...
Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Nguyễn Xuân Nghĩa & Vũ Hoàng RFA

No comments:

Post a Comment