HÀ NỘI (NV) - Chương trình điện hạt nhân của Việt Nam với rất nhiều tham vọng nhưng giới chuyên viên trong ngành cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiến tới dù không có gì bảo đảm về mặt an toàn.
Theo một bài báo của New York Times dựa vào các cuộc phỏng vấn giới chuyên viên nhiều kinh nghiệm trong ngành, sự hăm hở xây dựng khá nhiều nhà máy điện hạt nhân trong một thời gian ngắn rất nguy hiểm. Chuyên viên về an toàn nhà máy điện hạt nhân huấn luyện vội vã, không có kinh nghiệm lại hoạt động trong một chế độ vốn có truyền thống không nghiêm chỉnh thi hành các biện pháp an toàn về mọi mặt.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân chuẩn bị xây dựng tại Ninh Thuận.
(Hình: Tầm Nhìn.net)
(Hình: Tầm Nhìn.net)
Nếu có một biến cố gì xảy ra, động đất, sóng thần, chiến tranh làm hư hại nhà máy điện hạt nhân, nếu chuyên viên điều hành nhà máy không ứng phó kịp thời, đúng cách, hậu quả sẽ khó lường. Ngay như nước Nhật với số lượng chuyên viên dồi dào, kinh nghiệm và một quần chúng kỷ luật, họ cũng đối phó với thảm họa tại nhà máy Fukushima một cách khó khăn.
“Ðiện hạt nhân quan trọng đối với vấn đề an ninh năng lượng, tức bảo đảm sản xuất đủ điện để dùng. Nhưng cũng giống như lửa, nó có hai mặt.” Một sinh viên tham dự khóa học sơ đẳng về phóng xạ nguyên tử do chuyên viên Nhật Bản hướng dẫn cho biết. “Chúng tôi phải học để lợi dụng cái mặt tốt của nó.”
Chuyên viên Nhật mở khóa huấn luyện sơ đẳng về phóng xạ kéo dài 10 ngày cho khoảng 20 kỹ thuật viên Việt Nam cho cái kỹ nghệ đang phôi thai ở đây.
Trong khi Việt Nam đang chuẩn bị một chương trình điện nguyên tử thuộc hàng tham vọng nhất thế giới, họ đang hối hả xây dựng một đội ngũ chuyên viên từ trứng nước. Họ gia tăng mở các lớp về kỹ sư nguyên tử năng ở các đại học và gửi các kỹ thuật viên trẻ ra ngoại quốc tu nghiệp. Họ nói Việt Nam sẽ có đủ chuyên viên cần thiết để điều hành và kiểm soát một kỹ nghệ dự trù có một lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vào năm 2020 và có đến 10 lò phản ứng vào năm 2030.
Một số chuyên viên người Việt và ngoại quốc nói rằng như thế có quá ít thời giờ để xây dựng được một đội ngũ chuyên gia về luật tắc. Nhất là điều này lại ở một nước nổi tiếng về tham nhũng, tiêu chuẩn luật lệ lỏng lẻo và chính sách không mấy minh bạch. Vì vậy, họ cho rằng một kế hoạch gấp rút với quá nhiều tham vọng có thể dẫn đến những thứ luật lệ không chặt chẽ cũng như sự thông đồng giữa cơ quan điều hành nhà máy và cơ quan kiểm soát, mà đó là dấu hiệu đóng góp thêm vào thảm họa xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm ngoái.
Theo bài viết của New York Times, ông Phạm Duy Hiển, một trong những khoa học gia về nguyên tử năng nhiều tuổi nghề nhất của Việt Nam, và là cố vấn của nhà cầm quyền về vấn đề năng lượng nguyên tử, nói rằng kế hoạch của nhà nước “thiếu những đánh giá mạnh mẽ về những vấn đề cố hữu của điện hạt nhân, đặc biệt là những vấn đề nảy sinh tại những nước kém phát triển”.
Ông Hiển lấy thí dụng về số lượng tai nạn xe cộ chết người quá nhiều ở Việt Nam để chứng minh cho cái “văn hóa an toàn” tồi tệ hiện diện trong tất cả mọi lãnh vực tại Việt Nam.
Trần Ðại Phúc, một chuyên viên điện hạt nhân, hoạt động trong ngành này suốt 4 thập niên ở Pháp, hiện đang là cố vấn của Bộ Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, cơ quan giám sát chương trình điện hạt nhân, cho hay, sự nguy hiểm của chương tình điện hạt nhân Việt Nam không liên quan đến kỹ thuật áp dụng cho các lò phản ứng, mà ở sự “thiếu dân chủ cũng như sự thiếu trách nhiệm của các chuyên viên, một thứ văn hóa về bảo đảm phẩm chất và an toàn tổng quát liên quan tới việc xây dựng và tác động đối với môi trường”.
Nhà cầm quyền Hà Nội sợ tình trạng thiếu điện triền miên sẽ gây trở ngại lớn cho các kế hoạch phát triển kinh tế. Việt Nam hiện tùy thuộc không nhỏ vào điện năng do các nhà máy thủy điện sản xuất, mùa mưa thì có điện còn mùa hè thì hết, dự trù sẽ còn phải nhập cảng thêm nhiều điện từ nước ngoài vào năm 2015.
Nga chiếm được hợp đồng xây dựng lò phản ứng đầu tiên cho Việt Nam. Kế đến là Nhật và nước thứ ba nhiều phần sẽ là Ðại Hàn.
Nhật Bản trúng mối sau nhiều năm vận động ở cấp cao và cả kỹ nghệ điện hạt nhân trong khi tại nước họ thì bị quần chúng chống đối mạnh mẽ sau khi xảy ra thảm họa. Có khoảng 500 người Việt Nam đã được huấn luyện các khóa về năng lượng nguyên tử do Cục Năng Lượng Nguyên Tử Nhật bảo trợ từ năm 2001 đến nay. Toshiba, một công ty chế tạo lò phản ứng hạt nhân, từng giúp tổ chức các khóa huấn luyện kéo dài một tháng từ năm 2006 đã trúng thầu xây cất lò phản ứng.
Như Nga đã cung cấp cho Việt Nam tín dụng từ $8 tỉ đến $9 tỉ USD để xây dựng, Nhật Bản cũng dự trù cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam qua Ngân Hàng Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản. Trong khi chính phủ thì cố gắng xuất cảng, giới dân cử và dư luận Nhật lại đả kích chính sách bất nhất của chính phủ nước họ. Giảm thiểu tối đa các nhà máy điện hạt nhân tại nước Nhật trong khi cố bán kỹ thuật ra nước ngoài.
Nhật đã bỏ kế hoạch xây dựng 14 nhà máy điện hạt nhân trong nước. Cho tới khi xảy ra thảm họa hồi tháng 3 năm 2011, nước Nhật có tất cả 54 nhà máy điện hạt nhân. Bây giờ, chỉ còn 2 nhà máy hoạt động, số còn lại đã ngừng chạy.
“Tôi không hiểu tại sao Nhật Bản lại cố xuất cảng sang những nước chậm tiến như Việt Nam trong khi nó bị chống ở nước họ.” Ông Hiển đặt câu hỏi.
Tadashi Maeda, một viên chức tại Ngân Hàng Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản cho rằng nếu Nhật không bán thì Việt Nam “sẽ mua nó ở một nước khác”.
Theo ông Trần Ðại Phúc, không có gì phải nghi ngờ về kỹ thuật của Nhật Bản. Cái đáng lo là vấn đề luật lệ và kiểm soát. Khi một nhà máy điện hạt nhân hoạt động, cơ quan kiểm soát “phải là cơ quan hoạt động độc lập và luôn cảnh giác”.
Theo ông, hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 30 người đủ trình độ để phân tích các bản phúc trình về an toàn năng lượng nguyên tử. Còn người nông dân ở khu vực dự trù sẽ xây dựng lò nguyên tử của Nhật nghĩ gì?
“Tôi chẳng biết gì về nhà máy điện nguyên tử”. Ông Phạm Phong, 43 tuổi, một nông dân trồng nho ở xã Thái An nói. “Nhưng tôi thấy vụ thảm họa nhà máy Fukushima trên truyền hình nên tôi sợ.”
Ông Phong và gia đình là một trong 700 gia đình bị di dời xa hơn về hướng Bắc hơn 3km để lấy chỗ xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trước khi đối diện với sự an toàn điện hạt nhân, bây giờ ông phải đối diện với chuyện thiếu nước để hoạt động nông nghiệp. Còn những gia đình đánh cá thì trở ngại không kém. (T.N.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=145347&zoneid=1
No comments:
Post a Comment