Thursday, February 16, 2012

Viễn Tượng Việt Nam: Tự Do, Tri Thức Và Phát Triển



Nguyễn Quang Duy - Tại sao Việt Nam thua kém các quốc gia trong vùng? Làm sao để đưa đất nước thóat khỏi suy thóai từng bước phát triển? Tại sao Việt Nam không có một tầng lớp trí thức? Trả lời được những câu hỏi nói trên sẽ thấy rõ vai trò của người trí thức.

Bài viết lần trước “Người Trí Thức Đưa Đất Nước Đi Lên” tổng hợp các tranh luận cho thấy thiếu một thể chế tự do, Việt Nam không thể có tầng lớp trí thức. Thiếu một tầng lớp trí thức, Việt Nam không thể phát triển hay vươn lên. Việt Nam cần có tự do và hiện nay vai trò của người trí thức là dấn thân để mang lại tự do.
Bài viết trên cũng nhắc đến trường phái lý thuyết tăng trưởng mới (new growth theory) chứng minh được tăng trưởng và phát triển quốc gia tùy thuộc vào tri thức. Từ lâu khái niệm kinh tế tri thức đã được đảng Cộng sản Việt Nam đưa vào các Nghị Quyết, nhưng khái niệm họ đưa ra lại thiếu đi hình bóng con người, yếu tố chính trong tất cả các nền kinh tế. Khi thiếu đi hình bóng con người không một lý thuyết nào có thể trở thành thực tiễn.
Kinh Tế lại là môn khoa học xã hội học nhằm giải thích cách thức các nền kinh tế vận hành qua nối kết giữa các cá nhân với nhau. Bài viết xin giới thiệu đến bạn đọc một mô hình lý thuyết tăng trưởng mới (new growth theory) nối kết giữa những cá nhân cùng sinh họat trong một thể chế tựdo. Mô hình này đã được thuyết trình tại Hội Nghị vềVăn Hóa và Tương Lai Việt Nam do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu tổ chức tại Marrickville Town Hall Sydney vào tháng 6 năm 1995. Bài viết bằng Anh Ngữ đã được phổ biến trên tạp chí Integration. Trong tình hình hiện tại người viết xin cập nhật và phổ biến rộng rãi với ước mong tìm ra một hướng đi cho Việt Nam.
Mô Hình Con Người Tự Do
Khi còn trẻ mọi cá nhân đều có một trình độ kiến thức giống nhau. Mọi trẻ em đều cùng đến trường học tập. Nhà trường giáo dục các em biết suy nghĩ, biết đặt vấn đề, biết tập lựa chọn và biết tự quyết định cho chính mình.
Một trong những lựa chọn cá nhân là ngòai giờ học và ăn nghỉ, các em dành thời giờ còn lại để làm gì. Thời giờ và thể lực của các em đều có giới hạn, các em có thể chọn đi làm kiếm chút ít tiền quà vặt, dành thời giờ giúp cha mẹ hay cộng đồng, hay dành thời gian cho các môn thể thao, vui chơi, giải trí.
Các em cũng có thể dùng thời giờ đó để học hỏi thêm nhằm xây dựng cho mình một kiến thức rộng hơn hay chuyên môn hơn, giúp các em chọn cho mình một sự nghiệp vững chắc hơn. Các em lại thường chọn cân bằng: vừa học, vừa chơi, vừa làm, vừa giúp đỡ gia đình cộng đồng xã hội.
Gia đình và nhà trường lãnh vai trò thúc đẩy, khuyến khích và tạo một môi trường lành mạnh để các em có thể tự phát triển trở thành những người hữu ích cho xã hội. Vì lợi ích chung cho tòan xã hội, nhà nước có bổn phận phải đầu tư cho giáo dục.
Lòng hiếu học, nỗ lực cá nhân và khả năng quyết định ngành nghề tương lai là yếu tố chính quyết định sự nghiệp cá nhân. Khi đã có công ăn việc làm vững chắc, sau giờ làm việc cá nhân lại có quyền lựa chọn để dành thời gian cho gia đình hay vui chơi giải trí.
Cá nhân có thể chọn lựa làm thêm giờ để tăng thu nhập cá nhân. Cũng vì thời giờ và sinh lực của mỗi cá nhân đều có giới hạn, khi cá nhân làm thêm đến một mức độ nào đó năng suất lao động sẽ giảm, có thể dẫn đến sản lượng giảm và có khi ảnh hưởng đến phẩm chất của thành phẩm làm ra. Một xã hội văn minh không khuyến khích cá nhân làm việc thái quá. Người làm việc quá đáng dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”, trường hợp này là phi kinh tế.
Ngược lại nếu cá nhân dành một phần thời gian tiếp tục học hỏi chuyên môn. Với kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên môn được cập nhật, cá nhân có nhiều cơ hội phát hiện những ý tưởng, những điều mới mẻ, những sáng kiến, những phát minh.
Qua các trao đổi cá nhân, các cuộc thảo luận nhóm, các sách báo hay mạng tòan cầu, những điều hay điều mới mà cá nhân phát hiện sẽ nhanh chóng và rộng rãi truyền đạt để biến thành kiến thức chung cho tòan nhân lọai. Những kiến thức mới này lại được các cá nhân khác tiếp nhận và chuyển biến thành những kiến thức mới hơn. Quá trình tích lũy cứ thế diễn tiến, khối tri thức chung cho tòan nhân lọai càng ngày càng được bồi đắp.
Trường phái lý thuyết tăng trưởng mới lập luận rằng tăng trưởng và phát triển là do kết quả việc cá nhân đầu tư cho việc học hỏi trong một môi trường trao đổi kiến thức một cách tự do như đã diễn tả bên trên. Vai trò của những chuyên viên là biết tiếp nhận và chuyển hóa khối kiến thức chung thành những sản phẩm phục vụ con người và đất nước. Những cá nhân có nhiều công trình đóng góp cho xã hội sẽ được xã hội nhìn nhận như những người trí thức.
Khi nói đến phát triển là nói đến thay đổi mặt phẩm xã hội. Còn việc tận dụng sức lực con người, lạm dụng tài nguyên thiên nhiên hay môi trường như hiện nay chỉ làm tăng con số tăng trưởng chứ không tăng mặt phẩm của mức độ tăng trưởng kinh tế. Tài nguyên môi trường có giới hạn, lạm dụng ngày nay là đánh cướp của thế hệ mai sau.
Đây chỉ là một mô hình hết sức đơn giản, điều căn bản là cá nhân được huấn luyện và đào tạo trong môi trường tự do. Họ được tòan quyền lựa chọn và quyết định. Họ chấp nhận sự tồn tại của nhà nước để bảo vệ và xây dựng một môi trường tự do cho họ và cho xã hội. Nhà nước cần đề ra những chính sách để thu hút và gìn giữ nhân tài, những chính sách nhằm phát huy và tận dụng những tài sản trí tuệ nhân lọai, như tuyệt đối tôn trọng tự do ngôn luận, tự do thông tin báo chí, cộng tác và xây dựng một mạng lưới thông tin tòan cầu….
Trái ngược với mô hình bên trên là mô hình kinh tếkế họach hóa cộng sản. Mọi quyết định đều dựa theo những kế họach do đảng Cộng sản đề ra. Cá nhân được đào tạo và làm theo chỉ thị và kế họach đã được đề ra.
Học Để Làm Gì ?
Mô hình đều dựa trên nhiều giả thuyết, việc phá vỡcác giả thuyết sẽ mang mô hình đến gần thực tế hơn. Vẫn biết học là điều kiện căn bản vậy tại sao trong cùng những điều kiện và với nỗ lực giống nhau lại dẫnđến những mức độ thành công khác nhau ? Phải chăng vì mỗi người vì mỗi xã hội có những động lực thúc đẩy học tập khác nhau ?
Từ những năm 1940, Triết Gia Lý Đông A đã nhìn ra sự việc “Học nuôi thân nô tài, Học nuôi trí nhân tài, Học nuôi tâm thiên tài”. Suy ngẫm tư tưởng của ông giúp chúng ta trả lời được câu hỏi.
Dưới xã hội cộng sản cá nhân học chỉ để có chỗ đứng trong guồng máy cộng sản, có chỗ nuôi thân, mất hẳn động lực: học để thăng tiến. Một số rất ít người có trí tiến thủ thì lại mất tự do, mất quyền suy nghĩ và mọi thứ đều không nằm trong kế họach đã được đề ra. Khó có cơ hội để họ hòan tất những công trình đóng góp cho xã hội, khó trở thành người trí thức và vì thế đất nước luôn trong tình trạng suy thóai. Đây là hậu qủa chung đã xẩy ra tại tất cả các quốc gia cộng sản.
Ngay tại Hoa Kỳ mãi đến những năm 1980, nền giáo dục vẫn đặt nặng vai trò hướng nghiệp, nhưng thị trường nhân dụng càng ngày càng trởnên đa dạng hơn, khó tiên đóan hơn. Gây ra chuyện nhiều người có chuyên môn nhưng lại không có việc làm hay không có việc làm xứng đáng.
Nền giáo dục hiện đại đào tạo cá nhân biết suy nghĩ, biết đặt vấn đề, biết tập lựa chọn và biết tự quyết định cho chính mình. Giáo dục khai phóng càng ngày càng được áp dụng từ gia đình đến học đường và xã hội.
Nói cách khác khuynh hướng giáo dục hiện đại là đào tạo những con người có trí. Khi có trí con người sẽ dễ dàng tiếp nhận sự hiểu biết, dễ dàng chấp nhận sự khác biệt, dễ dàng đối thọai với xã hội, dễ dàng chấp nhận những thay đổi luôn xẩy ra cho họ và cho xã hội. Nhờ đó họ có khả năng thực sự cống hiến cho xã hội, nói theo triết gia Lý Đông A họ là những nhân tài chođất nước.
Một nhân tài thiếu tâm hay không chịu nuôi dưỡng chữ tâm sẽ không có được những đóng góp thực sự cho nhân quần xã hội. Họ sẽ không bao giờ được xã hội xem là trí thức.
Mở đầu Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ chúng ta thấy được chữ Thiên trong đó: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cụ Lý Đông A có lẽ đã nghiền ngẫm tư tưởng tạo hóa đã ban cho con người quyền tự do để từ đó cụ có thể mang chữ thiên vào tư tưởng của cụ “Học nuôi tâm thiên tài”.
Tâm đây chính là cái tâm yêu chuộng các quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mình và của những người chung quanh. Theo đó người trí thức phải luôn hướng tới và đấu tranh để có được một thể chế tự do.
Chữ Tâm đi cạnh chữ Thiên thật ra cũng gắn liền với tôn giáo, với văn hóa và với lịch sử dân tộc Việt Nam. Những người sọan ra Tuyên Ngôn Độc Lập 2-9-1945 (chữ chúng tôi được dùng trong bản Tuyên Ngôn này) cũng đã sao chép lại những lời vàng ngọc từ Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ. Điều này cho thấy một tầng lớp trí thức yêu chuộng tự do đã trưởng thành ngay trong thời Pháp thuộc là nhờ tâm của họ đã giác ngộ được tạo hóa ban cho con người các quyền tự do. Những người này cũng hướng đến Hoa Kỳ như một chuẩn mực đưa đất nước đi lên.
Tiếc cho đất nước, người đọc Tuyên Ngôn Độc Lập 2-9-1945 Hồ chí Minh lại là người cộng sản chủ trương tiêu diệt các quyền tự do mà tạo hóa đã ban cho con người. Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trốc tận rễ. Cụ Lý Đông A, cụ Trương Tử Anh, cụ Tạ Thu Thâu và hằng ngàn trí thức không theo Hồ chí Minh đều bị tiêu diệt khi đảng Cộng sản cướp được chính quyền. Những người trí thức theo Hồ chí Minh nếu không bị công sản tiêu diệt trong các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, thì cũng chẳng có được đóng góp nào đáng kể cho dân tộc.
Gần đây nhiều người có học thức cao và địa vị trong xã hội đã biểu lộ tấm lòng yêu tự do, như Doanh Nhân kỹ sư Trần Hùynh Duy Thức, Luật Sư Lê Công Định, Tiến Sỹ Cù Huy Hà Vũ, Bác Sỹ Phạm Hồng Sơn, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê thị Công Nhân, Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung và nhiều người khác, họ đều xứng đáng được chúng ta xem như những người trí thức. Họ đang kết nối để hình thành một tầng lớp trí thức tự do sửa sọan cho một thể chế tự do.
Việt Nam Sẽ Bắt Kịp Thời Đại Hay Bị Bỏ Rơi ?
Thể chế tự do chỉ là khởi điểm, Việt Nam cần xây dựng một nền giáo dục đào tạo cá nhân biết suy nghĩ, biết đặt vấn đề, biết tập lựa chọn và biết tự quyết định cho chính mình, đào tạo những cá nhân biết yêu chuộng tự do. Có thế Việt Nam mới nhanh chóng vươn lên hòa nhập vào thế giới văn minh.
May thay, Tạo Hóa cũng ban cho hay Ông Bà Tổ Tiênđã truyền lại mỗi con người Việt chúng ta một tấm lòng cầu tiến và hiếu học. Khi có điều kiện mọi người luôn tận dụng khả năng cá nhân để vươn lên theo kịp thờiđại. Vì thế khắp năm châu có rất nhiều nhân tài gốc Việt đang làm việc trong mọi ngành nghề. Nhiều người đã trở thành những trí thức tên tuổi trong xã hội họ đang sống như Phó Tòan Quyền tiểu bang Nam Úc Tiến sỹ Lê văn Hiếu. Khối nhân tài này sẽ đóng góp không ít cho một Việt Nam Tự Do.
Nhận ra điều trên để thấy người Việt trong nước khi có cơ hội cũng sẽ sẵn sàng vươn lên để theo kịp thời đại. Các bạn trẻ đã và đang du học rồi cũng sẽ quay về khi họ có cơ hội để thực sự phụng sự quốc gia.Vì thế viễn tượng cho một Việt Nam giàu đẹp văn minh nằm trong tầm tay người Việt.
Mô Hình Mở Rộng
Mô hình được thảo luận bên trên không phải chỉ thích hợp với những người chuyên môn mà còn thích hợp cho những người thợ, những nông gia … Trừơng hợp của ông Đòan văn Vươn là một ví dụ điển hình.
Ông Vươn đã tự học hỏi và thực hành những điều học hỏi để ngăn sóng, lấp biển, biến các bãi lầy thành nông trại. Ý tưởng và kết quả việc ông làm được những người khác noi theo biến cả một khu vực sình lầy rộng lớn thành các trang trại. Đóng góp của ông cho Việt Nam vô cùng to lớn. Xã hội biết ơn ông và nhiều người xem ông như một trí thức nông dân.
Ông Vươn còn chấp nhận rủi ro cao để đầu tư trí tuệ đầu tư công của vào ý tưởng xây đập ngăn sóng lấp biển. Trường phái lý thuyết tăng trưởng mới đánh giá cao vai trò của những nhà doanh nhân (entrepreneurs) những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để biến những ý tưởng thành những sản phẩm phục vụ xã hội. Thiếu bóng doanh nhân khối tri thức nhân lọai không được khai thác và không thể mang lại lợi ích kinh tế. Vì vậy những doanh nhân mới thực sự tạo ra tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Vì hòan cảnh đất nước, một trí thức một doanh nhân hiếm có như ông Vươn đã sử dụng súng để bảo vệ công lao mà ông và gia đình đã gầy dựng. Sự phản kháng đó đang lan rộng và báo hiệu đã đến lúc người dân bằng mọi phương cách đang đứng dậy để giành lại các quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc mà họ đã mất khi cộng sản cướp được chính quyền.
Mô Hình Về Thực Tế
Lý thuyết xem ra rất phức tạp nhưng nếu chúng ta nắm được cốt lõi của vấn đề thì vô cùng dễ hiểu. Ngay đầu bài người viết cho biết khái niệm kinh tế tri thức đã được đưa vào các Nghị quyết của đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng vì thiếu hình bóng con người tự do nên kết quả đang đi ngược với đường hướng mà đảng Cộng sản đã tuyên truyền.
Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 5-2-2012 vừa qua cho đăng bài “Chuẩn bị khả năng đề kháng của quân nhân”có nhấn mạnh đến ảng hưởng thông tin mạng như sau: “… như việc truy cập thông tin trên mạng internet, chỉ cần một quân nhân vô tình đọc được những thông tin “ngoài luồng” rồi “rỉ tai” đồng đội thì liền sau đó sẽ có nhiều quân nhân khác đọc theo. Và lập tức những thông tin này âm ỉlan truyền như những tế bào độc cư trú ngay trong tư tưởng mỗi quân nhân rồi phát triển, “di căn”… Như vậy, đủ thấy tác hại khó lường của “tự diễn biến”,nó tạo ra hiệu ứng tiêu cực về mặt tư tưởng, tâm lý, tiềm ẩn ngay trong suy nghĩ, hành động, việc làm chủ quan, mất cảnh giác hằng ngày của mỗi quân nhân.”
Các thông tin khoa học cũng thế, các công ty các kỹ nghệ để tối đa lợi nhuận thường muốn giữ kín các phát minh. Nhưng nếu bị tiết lộ rò rỉ sẽ nhanh chóng biến thành kiến thức chung cho tòan nhân lọai. Thời đại Thông tin tòan cầu là thế.
Mạng tòan cầu Internet là kho chứa khối tri thức nhân lọai và cũng là phương tiện để trao đổi để truyền đạt ý tưởng và kiến thức đến người sử dụng. Chính thể tự do không lo sợ “đề kháng” tin xấu, vì mỗi cá nhân đều làm chủ được chính mình.
Nhà cầm quyền cộng sản thì ngược lại chỉ muốn dựng lên những tin tốt để tuyên truyền cho chế độ. Người lính người dân thì lại thường muốn nghe muốn xem những tin tức trung thực và khách quan. Đã là con người ai lại không biết suy nghĩ và không muốn tự do. Internet trở thành một phương tiện để mọi người tự học hỏi, tự suy nghĩ, tự đặt vấn đề và tự quyết định. Và như thế chẳng có “Đảng” nào còn có thể lãnh đạo được họ. Bộ Chính Trị đang cố công cậm cự với diễn biến hòa bình, vì đa số các đảng viên cộng sản ngày nay đều tự diễn biến hay tự chuyển hóa trở về với dân tộc về với xã hội văn minh.
Như đã nói bên trên mô hình này đã được xây dựng từnhững năm 1995 khi ấy Việt Nam chỉ mới bắt đầu thử nghiệm Internet. Người viết đã tiên đóan đảng Cộng sản chỉ có 2 con đường lựa chọn: tự cô lập đến chết hay sẽ phải trao trả tự do cho tòan dân. Báo Quân Đội Nhân Dân tiết lộ, Quân Đội đang tìm đường đứng về phía nhân dân để giành lại những quyền tự do tạo hóa đã ban cho con người.
Tiếng súng của ông Đòan văn Vươn đã làm rúng động Bộ Chính Trị, đến độ ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải công khai chấp nhận nhà cầm quyền cộng sản đã làm trái pháp luật do chính họ đặt ra. Quân Đội chuyển đã tín hiệu đứng về phía nhân dân. Bộ Chính Trị chỉ còn con đường là trả lại quyền tựdo cho dân tộc hay sẽ bị đào thải như đã xẩy ra tại Đông Âu và Liên Sô.
Tạm Kết
Trong tình hình hiện tại chúng ta có thể xem lại lời tiên đóan của ông Trần Xuân Bách: ”…quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.”
Ông Trần Xuân Bách xem chính trị và kinh tếlà cặp chân của một người. Hành Động của một người tự do là từ bộ não. Hiến Pháp Quốc Gia chính là bộ não của một con người tự do. Có một bộ não hợp thời hợp người, chúng ta mới có thể đứng lên bước tới theo kịp thời đại.
Đã đến lúc người Việt khắp nơi hãy cùng lên tiếng vận động thiết lập một Quốc Hội Lập Hiến, sọan thảo một Hiến Pháp Mới, xây dựng một thể chế tự do cho Việt Nam. Có thế Việt Nam mới có thể vươn lên hòa mình vào cộng đồng thế giới tự do.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
14/2/2012

No comments:

Post a Comment