Thursday, February 16, 2012

ĐOÀN VĂN VƯƠN – NGƯỜI BẮN VỠ BỨC TƯỜNG « SỢ CHẾ ĐỘ », « SỢ QUYỀN LỰC »



LÃO MÓC - Phải nói chưa bao giờ những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam phải đối đầu với một tình huống khó xử như trường hợp xảy ra trong vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng ngày 5 tháng 1 năm 2012.

Khi hàng trăm công an, bộ đội vũ trang tận răng để tiến chiếm mục tiêu là đầm nuôi thủy sản của anh « kỹ sư nông dân » Đoàn Văn Vươn, đã bị sự phản kháng quyết liệt bằng vũ khí tự tạo. Những người bị cướp đất đã dùng bom tự chế và súng hoa cải bắn trả, gây thương tích cho 4 công an và 2 bộ đội.
Xin mượn bài thơ « Ai về Tiên Lãng » của tác giả Hoàng Thanh Trúc để độc giả có thể thấy rõ toàn cảnh vụ cưỡng chế đầm tôm của « kỹ sư nông dân » Đoàn Văn Vươn – người đã bắn vỡ bức tường « sợ chế  độ », « sợ cường quyền » :
« Ai về Tiên Lãng mà coi
Hiền « huynh », Liêm « đệ » một đôi cường hào
Huyện trên xã dưới cùng nhau
Đè dân cướp đất nhuộm màu « mafia »
« Phá nhà đi,… của nó kia
Bắt vợ con nó… cùng phe với chồng.
Chống cưỡng chế ? sẽ mọt gông
Luật ? Tao là luật biết không ? chúng mày.
Khôn hồn thì cút đi ngay
Đát của nhà nước ông đây thu hồi
Chẳng cãi, chầy cối lôi thôi
Luật tao, tao luật nói rồi rõ chưa ?
Thích thì cứ việc đi thưa
Ủy Ban Tiên Lãng, ông thừa lệnh đây
Công lao mặc xác tụi bây
Ông thì ông thích đất này từ lâu.
Hai thằng Vươn, Quý trốn đâu ?
Công an truy bắt gông đầu về ngay.
Tội giết người, chống lệnh này
Anh em tao trị chúng mày thẳng tay
Vinh Quang, Tiên Lãng hôm nay
Lòng dân xót tựa thời Tây xích xiềng
Đám cường hào – chẳng cử kiêng
Lòng dân luật nước, pháp quyền, sĩ, liêm
Giữa ban ngày… tựa ban đêm ».
Vì tác giả bài thơ sống ở trong nước nên chắc là không muốn làm buồn lòng ai đó nên mới so sánh ciá cảnh cướp ngày của quan huyện Tiên Lãng, quan xã Vinh Quang giống tựa « thời Tây xích xiềng ».
Đây cần phải trở lại « thời Tây xích xiềng » cho xa xôi ! Xin mời độc giả cùng chúng tôi quay trở lại
thời Cải Cách Ruộng Đất do ông Hồ Chí Minh phát động từ thập niên 1950, coi có giống như chuyện cướp đất gây ra cảnh « tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây » mà  Đảng CSVN ngày nay đã gây ra.
Trong bài viết trước đây về vụ cưỡng chế, chúng tôi đã trình bày những cảnh đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất. Trong bài viết này xin trình bày tiếp chính sách « Thuế Nông Nghiệp » là một hình thức đầu tiên của Cải Cách Ruộng Đất.
Khi chính sách thu thuế thành công, nghĩa là mọi người giàu cũng như nghèo đều không còn ai đủ tiền, đủ thóc để đóng thuế thì «Bác» Hồ đưa tới «đấu tranh chính trị». Có nghĩa là xã tập họp dân tới hội trường đã có để sẵn thừng, hèo, gậy và những dụng cụ tra tấn khác.
«Những người thiếu thuế không kể ít hay nhiều, đều bị bắt, điệu ra trước hội nghị và tra tấn không phải để biết tại sao  không nộp được thuế, mà chỉ cần biết kẻ nào đã xúi dục không nộp thuế. Chủ tịch cuộc họp không hỏi lơ mơ : «Ai xúi mày không nộp thuế ?» mà hỏi một cách rõ ràng : “Có phải thằng Ất xui mày không nộp thuế, phải không ? Nói mau! » và tức khắc đánh đập, kềm kẹp, tra tấn cho đến lúc nạn nhân chịu không nổi, đuối sức, chỉ khẽ gật đầu. Nếu không gật đầu, nạn nhân có thể bị tra tấn suốt đêm đến chết… Hễ nạn nhân gật đầu tỏ ý là tên Ất nào đó đã xui không nộp thuế thì những người này bị bắt tức khắc. Sự thực thì những người này đã được VC ghi tên trong sổ đen; chủ tịch buổi họp chỉ việc chọn lựa từng tên một rồi tra tấn những người thiếu thuế bắt phải khai đúng tên những người trong sổ, để sẵn trước mặt.
Những người bị khai – nói đúng hơn là bị buộc tội xui không nộp thuế – bị tra tấn một mức gắt gao hơn và phải trả lời câu hỏi: « Mày ở trong tổ chức phản động nào ? Và trong tổ chức phản động của mày có thằng (Bính, Đinh) không ? Về câu hỏi thứ nhất thì người bị tra khảo có thể bịa ra bất cứ đảng phái nào. Có người tự nhận là đảng Việt Gian. Và có một nông dân quýnh quá, nghĩ không ra đảng, khai ngay là «Đảng Cộng Sản» vì từ bé anh ta chỉ nghe nói lờ mờ có «đảng Cộng Sản», không rõ là cách mạng hay phản động. Về câu hỏi thứ hai thì người bị tra hỏi không được khai lung tung, phải khai đúng tên mà chủ tịch hội nghị đã mớm.
Tất cả những người « phản động » có tên trong sổ đen lần lượt bị khai, bị bắt và bị tra tấn. Họ thuộc đủ thành phần, không cứ giàu nghèo, và sự thật cũng không phải « phản động » (nói đúng ra thì phần đông họ chỉ có thái độ « lưng chừng ». Đối với CS thì « lưng chừng» cũng nặng tội như phản động).
«Anh em ta quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Địa hào, đối lập ra tro
Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi
».
Xin thưa những câu thơ sắt máu trên chính là của nhà thơ Xuân Diệu đã làm theo lệnh Đảng vì Đảng quyết tâm đánh tan xương những phần tử phản động và lưng chừng vì hài cốt họ không còn nguyên vẹn sau khi bị đánh chết.
Nói về việc tra tấn thì thường có mấy phương pháp điển hình xã nào cũng áp dụng:
Nạn nhân phải quỳ, hai tay giơ lên đỡ một thùng đá đặt ngay trên đầu.
Nạn nhân bị treo hai chân, hoặc hai tay vào một sợi thừng sắt qua xà nhà. Một lúc lại kéo lên, kéo xuống, vừa đánh vừa hỏi, thỉnh thoảng buông rơi « cái bịch».
Sự thật về miền Bắc như thế đó. « Bác » Hồ đã cho lập sổ đen, phân loại dân chúng thành bần cố nông, phú hào, điạ chủ v.v… để tiêu diệt những người đó từ năm 1950.
Và người cha là một cụ đồ ở ngoại thành Hà Nội đã phải cúi đầu nhận tội với con gái của mình trong một cuộc đấu tố qua diễn tả của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện như sau :
« Được nghe bà kể khổ
Con thấy đời con thực là đáng chết!
Con đã đi bóc lột nuôi bà
Con bây giờ không dám nhận là cha
Dù bà là do con đẻ ra
Con, thành phần địa chủ thối tha
Trước nhân dân, trước Đảng
Xin thành khẩn cúi đầu chịu tội ».
Đó là lời một cụ đồ ở ngoại thành Hà Nội
Trước đấu trường giăng giối với con.
Và khi nhuộm đỏ miền Nam, CSVN cũng đã áp dụng cùng một chính sách như miền Bắc, nhưng tinh vi hơn.
Sau 61 năm cai trị miền Bắc bằng Cải Cách Ruộng Đất và 36 năm cai trị miền Nam bằng hình thức « tắm máu trắng» với các thủ đoạn Tập Trung Cải tạo « ngụy quân, ngụy quyền », vùng Kinh Tế Mới, đánh Tư Sản Mại Bản, « xuất cảng » người để lấy vàng qua hình thức  bán bãi vượt biên, CSVN đã hoàn thành chỉ tiêu:
-Lưu manh hóa xã hội ;
-Bần cùng hóa nhân dân ;
-Nô lệ hóa con người
Như chính cố đảng viên cao cấp của CSVN là Trần Độ đã nhận xét như trên.
Đây chính là tội ác tày trời của đảng CSVN vì đã dùng biện pháp ĐẤU TỐ TRONG CHIẾN DỊCH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT, CON « ĐẤU » CHA, VỢ «TỐ» CHỒNG  biến dân tộc Việt Nam trở thành những con người hèn hạ, sợ sệt, vô cảm cam tâm cúi đầu sống kiếp nô lệ, không được hưởng  tự do, dân chủ và nhân quyền vốn là những quyền mà họ phải được hưởng.
*
« Yếu tố thành công của « Mùa Xuân Ai Cập » là sự dũng cảm đồng loạt của toàn dân để đạp đổ quyền lực, dập tắt hào quang hão của chế độ ; người Ai Cập đã vượt qua bức tường « sợ chế độ », « sợ quyền lực » để đi đến dân chủ… ». Đây là một nhận xét rất chính xác.
Nhà cầm quyền CSVN đã hoảng loạn trước phản ứng bất ngờ trong tiến trình đi cướp đất mà họ đã chủ trương từ trước tới nay. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải đích thân giải quyết sự việc với mục đích xoa dịu dư luận quần chúng đang phẫn nộ cùng cực. Chuyện bóng đổ đồng, đồng đổ bóng của nhà cầm quyền CSVN trong biến cố Tiên Lãng cho thấy rõ sự tha hoá cùng cực của chế độ.
Tiếng súng của anh « kỹ sư nông dân » Đoàn Văn Vươn đã bắn vỡ bức tường « sợ chính quyèn », « sợ quyền lực » !
Hơn lúc nào hết toàn dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước đang hy vọng một Mùa Xuân Dân Chủ sẽ về trên đất nước Việt Nam.
LÃO MÓC

No comments:

Post a Comment