Saturday, April 30, 2011

'Bà Nhu như tôi từng biết'

Phỏng vấn của BBC - Tin bà Trần Lệ Xuân qua đời được loan báo tới các phương tiện thông tin đại chúng từ luật sư Trương Phú Thứ, một trong số ít người có tiếp xúc, trò chuyện với bà trong những năm gần đây.
Từ Seattle, Hoa Kỳ, ông Trương Phú Thứ cho BBC biết:

LS Trương Phú Thứ: Tôi được biết bà Nhu nằm viện đâu chừng ba tuần lễ trước khi qua đời. Khi bà thấy mệt quá thì bác sỹ họ đưa vào trong nhà thương nằm trong tình trạng rất yếu, gần như không nói được nữa.
Tới Chủ nhật vừa rồi thì tôi nhận được điện thoại của gia đình bà từ bên Rome, nói bà đã qua đời vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Tất cả ba con của bà đều có mặt lúc ấy.

Bà Trần Lệ Xuân và con gái đi xem hát
 Trước khi mất khoảng ba năm, bà Nhu ở nhà với con trai cả là Ngô Đình Trác, tại Rome (Ý). Cô con gái út là Ngô Đình Lệ Quyên cũng ở nhà đó, trong tầng hầm. Cả gia đình ở với nhau rất vui vẻ hòa thuận. Vậy cho nên bà qua đời là cả gia đình có mặt.

Con trai thứ của bà Nhu là Ngô Đình Quỳnh thì sống và làm việc bên Bỉ.

BBC: Vậy thông tin nói bà Trần Lệ Xuân sống một mình trong biệt thự xa hoa lộng lẫy mà bạn của bà tặng thì là tin thất thiệt?

LS Trương Phú Thứ: Tin đó cũng như tin mà một vị tự xưng là sử gia tung ra, rằng bà Nhu có tới 17 tỷ Mỹ kim từ những năm 1960-1961. Tôi chỉ hỏi liệu hồi đó mang cả Sài Gòn ra bán có thu được 17 tỷ Mỹ kim hay không!

Thứ hai nữa, sau vụ đảo chánh 1963 bà Nhu phải ở trong một căn phòng studio chật chội, không có phòng ngủ, với bốn đứa con, chứ làm gì có lâu đài xa hoa như họ nói.

Cũng như là thông tin bà bị mất trộm một số tiền lớn ở Rome, hay năm 1963 bà đi mua đồ trang sức trị giá 30.000 đôla ở New York mà quịt không trả… Toàn chuyện họ bày đặt ra, đâu có được.

BBC: Thưa, lần cuối cùng ông có tiếp xúc với bà Trần Lệ Xuân là khi nào?

LS Trương Phú Thứ: Lần cuối tôi nói chuyện với bà là chừng cách đây hơn hai tháng. Lần ấy bà còn khỏe lắm, tiếng nói khỏe và rất to, trong cuộc nói chuyện bà còn cười rất vui vẻ. Vậy mà tôi cũng không ngờ bà suy sụp mau lẹ như vậy.

BBC: Và các cuộc nói chuyện của ông với bà Trần Lệ Xuân là để bàn thảo về cuốn sách của bà ấy phải không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Vâng, đúng là như vậy. Bà Nhu viết bằng tiếng Pháp vì tiếng Việt bà viết không được giỏi nhưng tiếng Pháp của bà thì anh bạn tôi là Nguyễn Kim Quý, tiến sỹ văn chương Pháp, phải công nhận là lối hành văn của người rất giỏi Pháp văn.

Bà học trường Tây, có tú tài phần hai và cũng sống ở Pháp nhiều năm. Hồi tôi đi thăm bà lần đầu bên Paris năm 2002, bà sống một mình trong một căn hộ bên đó.

Lại nói về điều kiện sinh sống thì căn hộ đó của bà trông cũng rất bình thường, không thể so được với nhiều căn hộ bên Mỹ, mà lại tận trên tầng lầu thứ 11. Người già mà có tiền ai người ta chịu sống như vậy chứ?

Cuốn sách của bà Nhu thoạt ra dự tính sẽ phát hành vào tháng 9 năm nay, thế nhưng với cái chết đột ngột của bà thì chúng tôi phải tạm hoãn phát hành để truy cứu cho thật cẩn thận, không thể vội vàng được.
Vậy cho nên cuốn sách chắc sẽ ra trễ hơn độ dăm ba tháng.

BBC: Lần đầu tiên ông yết kiến bà Trần Lệ Xuân thì ấn tượng của ông như thế nào ạ. Ông có ngỡ ngàng vì người thực khác xa với tưởng tượng không?

LS Trương Phú Thứ: Cái hình ảnh mà hồi xưa chúng ta hay xem trên báo chí là hình ảnh một phụ nữ 28-29 tuổi, trẻ và đẹp. Nhưng hình ảnh của bà Nhu khi tôi gặp bà lần đầu là hình ảnh một bà cụ, tất nhiên là có khác nhau.

Tôi thì không ngỡ ngàng, vì biết ai cũng phải như thế, con người ta ai mà chẳng phải già đi. Tất nhiên vẻ đẹp bên ngoài thì không thể giống như hồi xưa.

Bàn tay người Mỹ

BBC: Thế nhưng còn sự quyền uy của người phụ nữ từng được cho là một thời khuynh đảo chính trường, ông có cảm thấy điều này không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Thực ra, bà Ngô Đình Nhu có quyền lực gì? Giống như một cô ca sỹ, hát một bài có người khen kẻ chê, thì bà Nhu cũng vậy.

Bà là vợ của một ông cố vấn, thậm chí còn không có sự bổ nhiệm chính thức của chính phủ. Vì ông cố vấn là em của ông tổng thống nên ông giúp ông tổng thống mà thôi chứ đâu có giấy tờ gì.

Nói vì bà Nhu khuynh đảo mà chế độ sụp đổ là điều sai lầm.

Quyết định lật đổ chính quyền Đệ nhất Cộng hòa và thủ tiêu anh em ông Tổng thống Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu, không phải là quyết định của người Việt Nam, mà là của người Hoa Kỳ. Đó là quyết định của một nhóm siêu quyền lực đứng sau tòa Bạch ốc của Hoa Kỳ, vì lợi ích của nước Mỹ mà họ làm vậy.

Ông Ngô Đình Diệm hay ai khác lúc đó làm tổng thống thì chắc đều chung số phận ấy cả.
Mà chúng ta thấy, ông Tổng thống J.F. Kennedy, chỉ có trì hoãn hoặc từ chối thi hành đòi hỏi của nhóm quyền lực đó mà cũng bị ám sát chết dưới con mắt chứng kiến của hàng nghìn người. Tổng thống Mỹ còn như vậy, huống hồ là tổng thống của nước Việt Nam?

BBC: Vâng nhưng thưa ông, chúng ta cũng không thể quên rằng bà Nhu được coi như Đệ nhất Phu nhân một thời vì ông Ngô Đình Diệm không lập gia đình, bà còn là dân biểu, Chủ tịch Hội phụ nữ. Và nhiều người cũng chưa quên những câu phát ngôn gây tranh cãi của bà, như trong chiến dịch đối với Phật giáo, vụ Hòa thượng Thích Quảng Đức…

LS Trương Phú Thứ: Tôi thì thấy rằng đa số vụ, người ta muốn nhắm vào ông tổng thống, nhưng không biết làm cách nào. Ông Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải thánh nhân, tất nhiên ông cũng có sai lầm.
Nhưng họ không bới móc tấn công được gì ông ấy, nên họ quay ra tấn công bà Ngô Đình Nhu.

Tuy nhiên, trong các cuộc nói chuyện của tôi với bà Nhu, chúng tôi không bao giờ nói chuyện chính trị cả, ngay cả những chuyện xảy ra với bản thân bà lúc đó.
Chúng tôi nói những chuyện khác, những điều rồi sẽ nằm trong cuốn sách sẽ phát hành trong tương lai.

BBC: Cuốn sách của bà Trần Lệ Xuân, theo như ông nói là không bàn chuyện chính trị, chắc sẽ đề cập tới các chủ đề như cuộc sống, con người, về quan hệ xã hội vv…, có phải không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Cuốn sách của bà Nhu nói về những chuyện cao hơn, xa hơn như thế nữa. Thí dụ các vấn đề tâm linh, sự hiện diện của con người, của Thượng đế…

Bà cũng nói về một vài vấn đề mà mọi người muốn biết, như chuyện gia đình, đời tư của bà từ khi còn nhỏ đi học ở Hà Nội, hay lớn lên đi lấy chồng ra sao. Tôi chắc là độc giả thì nhiều người tò mò, muốn biết những chuyện này.

Nhưng tựu chung, cuốn sách của bà Nhu sẽ nói về những chuyện cao hơn và xa hơn; và phải đợi đến khi nào sách ra thì độc giả mới có cơ hội đọc và chiêm nghiệm.

Nói về quá trình viết sách thì mấy năm qua, lúc hứng thú thì bà viết được nhiều, lúc không hứng thì có khi cả nửa tháng bà không viết chữ nào. Bản thảo đều chuyển cho tôi, và hiện tôi đang có trong tay đây.

Cuốn sách hiện còn trong tình trạng dở dang, chừng độ 500 trang, nhưng phần cuối thì còn chưa hoàn tất.

‘Chỉ biết có mình ông Nhu’

BBC: Dĩ nhiên sẽ có nhiều người tò mò muốn biết liệu khi còn khỏe, cuộc sống riêng tư của bà Trần Lệ Xuân như thế nào.

LS Trương Phú Thứ: Khi ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, thì bà mới có chưa đầy 40 tuổi, cái tuổi có thể gọi là đẹp và mặn nồng nhất của người phụ nữ. Mà bà Nhu, như chúng ta thấy, cũng có sắc đẹp, sinh động, giỏi ngoại ngữ, nói tiếng Anh tiếng Pháp lưu loát, đại để là một người phụ nữ trên mức bình thường.
Cũng có nhiều người, kể cả chính trị gia, vì lúc đó bà Nhu hoạt động chính trường nên quen biết nhiều người lắm, cũng có lòng yêu mến kính trọng bà.

Tôi được biết có một ông kỹ nghệ gia, làm quản trị cho công ty chế tạo xe hơi Rolls Royce ở London, cũng đề nghị lập gia đình với bà Nhu, nhưng bà đã khước từ.
Cả đời, bà chỉ biết có một mình ông Ngô Đình Nhu mà thôi.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, những người muốn công kích hay phỉ báng bà đã không tìm ra được bất cứ một điều gì về vấn đề tình cảm để mang ra công kích bà.
Bà Nhu sống thầm lặng, một mình, một cách rất đạo đức, kín đáo và đơn sơ.

BBC: Nói chuyện tới giờ, thì có thể thấy luật sư rất có cảm tình với bà Trần Lệ Xuân?

LS Trương Phú Thứ: Đúng thế, tôi rất có cảm tình với bà. Nói đúng ra, tôi kính phục bà.
Bà Nhu là một phụ nữ thông minh, rất thông minh. Bà giỏi, dám nói dám làm.

Nhưng có một điều mọi người nên biết, trong những ngày tháng sau này của bà thì tôi thấy bà Nhu có một đức tính mà ít người có: đó là sự tha thứ.

Bà tha thứ tất cả, cả những người cầm súng bắn vào đầu chồng bà, cả những người đi bày đặt nói xấu bà trên báo chí, trong dư luận… Bà ấy từng nói là nếu có những việc như vậy, thì bà ấy tha thứ hết, không có oán hận chuyện gì.

Đó là sự vị tha, hiếm có trong cuộc đời con người ta, vốn có yêu có ghét, có hận thù. Dường như bà Nhu đã đi xa được hơn những tình cảm bình thường đó.

BBC: Tài giỏi vậy, nhưng bà Trần Lệ Xuân cũng là một người khá cô độc phải không ạ?

LS Trương Phú Thứ: Không phải “khá cô độc” mà là “quá cô độc” thì có. Từ khi chồng chết, phải lưu vong ở ngoại quốc thì bà ấy không còn liên lạc với ai nữa.

Bà chỉ sống ở nhà với mấy đứa con. Theo đạo nên bà đi lễ hàng ngày, nhưng cũng chỉ đến chào hỏi cha cố, rồi các tín đồ ở đó. Bạn bè không có nhiều.

Tôi nhớ bà có một vài người bạn Nhật Bản vì khi nói chuyện với tôi, bà mặc bộ đồ kimono Nhật. Bà ấy nói với tôi rằng đó là do người bạn Nhật gửi tặng, mỗi năm vài cái để bà mặc trong nhà. Thì tôi nghĩ chắc bà ấy còn liên lạc với một số ít bạn thân thiết, ngoài ra chẳng có ai đâu.

Con cái của bà thì họ lớn lên ở ngoại quốc (ông bà Ngô Đình Nhu có bốn con, hai trai là Ngô Đình Trác và Ngô Đình Quỳnh, hai gái là Ngô Đình Lệ Thủy – tử nạn giao thông năm 1968; và Ngô Đình Lệ Quyên). Họ có những suy tư và lối hấp thụ văn hóa khác, tuy họ đều yêu thương và kính trọng mẹ.

Vậy nên tôi cũng không nghĩ họ có thể chia sẻ với bà về những suy tư hay thăng trầm của cuộc đời bà. Nhất là những chuyện quá khứ, thì khi đi khỏi Việt Nam họ còn rất nhỏ nên tôi cũng không nghĩ họ biết để mà nhắc tới.

Bà Nhu cũng là người rất độc lập, ngay cả về vật chất bà không nhờ vả gì con cái.

Những năm 63-65, gia đình bà ấy khá túng thiếu, cho tới tận sau này, có một ân nhân ẩn danh cho bà một số tiền rất lớn và bà mua được hai căn apartment ở bên Paris, quận 16 gần trung tâm.
Bà Nhu ở một cái, một cái cho mướn để lấy tiền sinh sống.

BBC: Cơ duyên nào mà ông lại có điều kiện tiếp xúc và cộng tác với bà Trần Lệ Xuân trong khuôn khổ cuốn sách của bà ạ?

LS Trương Phú Thứ: Gia đình tôi biết gia đình của bà Nhu từ khi tôi còn bé, ở Việt Nam. Hồi ông bà ở Dinh Độc Lập thì tôi mới mười mấy tuổi đầu, nhưng bà vẫn còn nhớ.

Tôi rời Việt Nam năm 1975. Sau này ra ngoại quốc tôi liên lạc lại, bà ấy mời tôi qua chơi. Tôi cũng may mắn được bà Nhu quý mến và cho phép dịch cuốn sách của bà.

http://www.danchimviet.info/archives/33354

No comments:

Post a Comment