Friday, February 10, 2012

Tại sao đạo đức nhem nhuốc



Ngô Nhân Dụng - Gần đây trong trang Blog của nhà văn Phạm Thị Hoài có bài phỏng vấn một đảng viên Cộng Sản Việt Nam, lấy tên là La Thành. Trước khi cho biết “Ðầu năm 2011, tôi đã quyết định chia tay với sinh hoạt Ðảng,” ông La Thành đã nói đến “bức tranh văn hóa tăm tối” do đảng của ông tạo ra trong nước Việt Nam.

Ông nhận xét: “Bức tranh văn hóa tăm tối” này có hai thành tố: “Sự mông muội của luật pháp và sự nhem nhuốc của đạo đức.” Trong mục này, bài trước đã giải thích người Việt Nam bây giờ khó tin vào chính quyền cộng sản thay đổi, vì đảng cộng sản đã phá hư cả di sản đạo đức của tổ tiên chúng ta. Ðặc biệt, họ nói dối nhiều quá, nói dối một cách có bài bản, có hệ thống. Cựu đảng viên La Thành cũng nhận thấy như thế.
Ông nói: “Văn hóa đảng cộng sản quả thật có một truyền thống chủ đạo: Sự dối trá.” Ông kể với bà Phạm Thị Hoài kinh nghiệm của hai thế hệ: “Cha tôi, một đảng viên cộng sản có trên 40 năm tuổi đảng, sinh thời từng nói với tôi rằng từ năm mươi năm trước, khi ông còn là một trai trẻ bị cuốn vào cơn bão chính trị do đảng cộng sản khởi xướng, ông đã nhận ra rằng khôn lỏi, dối trá và thủ đoạn luôn luôn là bí quyết thành công dưới chế độ cộng sản.” Vì “khôn lỏi, dối trá và thủ đoạn” là bí quyết để thành công tiến lên trên các nấc thang quyền lực và tài sản của những người tự nhận vai trò “lãnh đạo nhà nước và xã hội” như họ ghi trong điều 4 hiến pháp, cho nên các bí quyết kiểu đó sẽ trở thành những chuẩn mực cho mọi người bắt chước. Hệ quả tất nhiên là đạo đức phải “nhem nhuốc”.
Bên những nhận xét rất chính xác đó, ông La Thành nói một điều có thể coi là sai, khi ông ghép chủ nghĩa Marx-Lenin với Khổng Giáo. Ông nói “Chủ nghĩa xã hội hiện thực trong hơn nửa thế kỷ qua ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam thực chất là sự thực hành Khổng Giáo dưới một hệ thống thuật ngữ mới.”
Nói cho đúng, việc thi hành “Chủ nghĩa Xã hội” ở các nước Á Ðông đã áp dụng một số kỹ thuật của chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc, nhưng tinh vi hơn nhiều. Vì các lãnh tụ cộng sản đã học được các kỹ thuật mới của Cộng sản Quốc tế. Các hoàng đế Trung Hoa đã nhân danh Khổng Giáo; nhưng phương pháp cai trị của họ là các mưu thuật của Pháp gia, một trường phái chính trị vào thời Chiến Quốc. Các kỹ thuật này được Tần Thủy Hoàng áp dụng rồi các vua nhà Hán tiếp tục thi hành vì thấy có lợi nhất để củng cố quyền hành. Thí dụ, Khổng Tử, Mạnh Tử không bao giờ chủ trương người ta phải tuyệt đối trung thành với ông vua; ai chịu khó đọc Luận Ngữ và Mạnh Tử đều biết như vậy. Hai ông Khổng Mạnh không ai nói “trung thần bất sự nhị quân,” như “văn nô” của các ông vua đời sau xuyên tạc. Nếu hai ông trung quân kiểu đó thì họ đã không bôn ba đi gặp hết ông vua này này tới ông vua khác để “tìm việc làm!”
Các hoàng đế Trung Hoa đề cao hai chữ “Trung Quân” để bắt dân phải tuân lệnh một cách mù quáng. Các đảng cộng sản ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam đã áp dụng những kỹ thuật của các ông vua chuyên chế Trung Hoa chứ không “thực hành Khổng Giáo” như ông La Thành nghĩ. Trên đường đi vào thành Bắc Kinh ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao Trạch Ðông để trên xe bộ sử “Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang, trong đó chứa đầy các thuật chính trị của hai ngàn năm lịch sử các hoàng đế Trung Hoa. Trong đó có thể học những trò “khôn lỏi, dối trá và thủ đoạn,” mà ông Mao đã thực hiện. Ông đã thành công, vì các trò đó thích hợp với tâm lý dân Trung Hoa. Các đảng cộng sản Bắc Hàn, Việt Nam cứ việc học tập ông Mao rồi đem áp dụng!
Thí dụ, một khẩu hiệu mà cộng sản đã đưa ra là “Trung với đảng, hiếu với dân”. Người Việt Nam đã quen nghe hai chữ trung, hiếu từ hàng ngàn năm; chấp nhận đó là hai giá trị đáng quý. Hai chữ diễn tả hai bổn phận của con người đối với xã hội Nguyễn Công Trứ viết: Có trung hiếu nên đứng trong trời đất.” Ðối với xã hội, ngày nay loài người đề cao bổn phận: Phải tôn trọng luật pháp. Ðời xưa thì các ông vua nắm toàn quyền, làm ra luật pháp và thi hành luật pháp, cho nên chỉ nói Trung Quân.
Nói “Trung với đảng, hiếu với dân” là một thủ đoạn lợi dụng tâm lý quần chúng đã quen thuộc với một giá trị cũ. Bao nhiêu thế kỷ các triều đình phong kiến đã nhồi sọ dân Á Ðông hai chữ Trung Hiếu theo nghĩa đề cao quyền hành tuyệt đối của vua và cha, người dân rất dễ chấp nhận phải giữ hai bổn phận đó. Cộng sản chỉ thay thế đối tượng của lòng trung thành và lòng hiếu thảo thôi. Hiển nhiên là họ đã mang đảng thế vào chỗ ông vua. Bây giờ có ai thắc mắc tại sao đảng cộng sản lại khinh thường dân như trong những vụ cướp đất ruộng, vụ Bô Xít, vụ Hoàng Sa, thì cứ quay lại nhìn vào cái khẩu hiệu “Trung với Ðảng” là hiểu nguyên nhân tại sao. Họ đã quen Làm Vua từ lâu rồi. Ðưa ra khẩu hiệu trung với đảng; đặt đảng lên ngai vàng thay thế vua, là một “thủ đoạn khôn lỏi,” một trò lường gạt dối trá rất cao tay!
Hiếu là một giá trị khác. Ngày xưa các cụ dậy phải Hiếu Thảo với Cha Mẹ. Nay hô khẩu hiệu mới “Hiếu với Dân,” hệ quả đầu tiên là Cha Mẹ bị mất chỗ trong bảng thang giá trị. Trong 5 điều “Bác Hồ dậy thiếu nhi” không có một điều nào nói trẻ em phải làm bổn phận với cha mẹ cả. Một quan hệ xã hội căn bản, một nền tảng của đạo đức, là bổn phận trong gia đình đã biến mất. Ðạo Ðức Cách Mạng là vâng lời đảng chứ không phải vâng lời Cha Mẹ. Vì thế, các em nhi đồng có thể dò xét cha mẹ, kể tội cha mẹ, con cái đứng ra tố khổ, vu oan cho cha mẹ mà vẫn không bị coi là “Bất Hiếu!”
Nhưng Hiếu với Dân nghĩa là hiếu với ai? Ðây lại là một trò bịp bợm rất tinh khôn. Dân là một danh từ trừu tượng; nói chung chung đến một tập thể rất nhiều người, nhưng không cho biết cụ thể là những người nào cả. Vậy ai là Dân trong khẩu hiệu Hiếu với Dân? Tất nhiên, đảng đã sẵn sàng có câu trả lời: Ðảng bảo ai là “Nhân Dân,” thì quý vị biết đó là “Nhân Dân”. Ngược lại, đảng chỉ tay bảo ai là “Kẻ thù của Nhân Dân,” thì tha hồ bắt, giết. Nhưng tại sao người ta cứ phải nghe theo ngón tay chỉ trỏ của đảng như vậy? Vì đã có mệnh thứ nhất: Trung với Ðảng.
Một thí dụ trước mắt cho thấy đảng Cộng sản áp dụng trò lừa bịp này quen tay như thế nào, chúng ta mới thấy trong biến cố Ðoàn Văn Vươn. Các tham quan đem công an và côn đồ du đãng tới giật sập nhà ông Vươn, phá cả cái bàn thờ của người ta. Một quan ở Hải Phòng nhưng giải thích: Ðó là dân phá. Dân bức xúc vì một người dám cưỡng lại nhà nước nên tự động đến phá nhà anh em ông Vươn!
Thời sinh tiền cụ Hoàng Minh Chính, đảng Cộng Sản Việt Nam đã dùng những thứ họ gọi là “Dân” như thế đến phá phách nhà cụ. Họ cũng phá nhà cô ông Nguyễn Thanh Giang, cô Trần Khải Thanh Thủy với những đám “Dân” như vậy. Gọi đám côn đồ đánh thuê là Dân thì tất nhiên những người bị côn đồ hành hạ phải gọi là “Kẻ thù của nhân dân!” Mánh khóe bịp bợm này đã được các lãnh tụ dùng trước đây hơn 50 năm, trước cả thời họ lập ra những Tòa Án Nhân Dân. Ngày nay đám con cháu, những lãnh tụ thuộc thế hệ thứ ba thứ tư, chỉ cần mở “gia phả” ra học tập rồi áp dụng lại!
Những trò bịp bợm đó là thứ hàng nhập cảng, được cộng sản đem từ bên Nga về, chứ trong xã hội Á Ðông xưa kia không mấy ai nghĩ ra. Vì không cần thiết. Vua chúa quan lại đời xưa nói thẳng là họ chuyên chế, họ nắm hết mọi quyền hành. Họ không cần nói dối như các đảng cộng sản. Ngày nay thì phải nói dối. Vì loài người đã trải qua hàng thế kỷ cách mạng dân chủ. Các ông Lenin, Stalin miệng phải nói dân chủ, vì đó là một giá trị mới ai cũng yêu quý. Muốn hành động giống như các Sa Hoàng đời trước, thì phải bầy ra những trò Dân Chủ giả.
Năm 1953 ngày 17 Tháng Sáu, Cộng Sản Ðông Ðức đã đàn áp tàn nhẫn “Dân” Berlin nổi dậy biểu tình. Chủ tịch Hội Nhà Văn tuyên bố “Dân đã làm cho đảng mất tin tưởng. Cần phải lao động gấp đôi để chuộc lại”. Thi sĩ Bertolt Brecht đã chế nhạo trong bài thơ “Giải Pháp” (Die Lòsung), đề nghị rằng: “Tại sao không làm theo cách giản dị hơn: Nhà nước hãy giải tán (cách chức) Nhân Dân đi! Rồi bầu lên một Nhân Dân mới!” Nhà văn Phạm Thị Hoài mỗi lần đi qua con đường mang tên 17 Tháng Sáu chắc có dịp lại mỉm cười với Brecht!
Ðảng cộng sản khắp thế giới đã lạm dụng hai chữ Nhân Dân, một trong những trò dối trá mà thân phụ ông La Thành đã dậy con. Nhưng cộng sản Việt Nam hay Trung Quốc thật ra không cần học nhiều từ các bạo chúa Phương Ðông. Các ông thầy bên Nga đã dậy họ đủ các mánh khóe bịp bợm. Họ biết “áp dụng sáng tạo” các thủ đoạn quốc tế vào hoàn cảnh tâm lý xã hội Á Ðông. Khi dân có truyền thống tôn kính các giá trị Khổng Giáo, thì họ hô các khẩu hiệu cho phù hợp. Các ông vua đời Hán, đời Tống đã lợi dụng Khổng Giáo và đạt kết quả rồi, tội gì họ không bắt chước để xây dựng chế độ độc tài đảng trị? Không nên hiểu lầm mà nói rằng các đảng cộng sản đã “thực hành Khổng Giáo” với ngôn ngữ mới. Họ có thể dùng các ngôn ngữ cũ để làm trò bịp bợm mới.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment