Song Chi - Vụ Tiên Lãng coi như đã tạm xong sau cuộc họp của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với các bộ ngành để đưa ra kết luận vào ngày 10 tháng 2, 2012.
Gọi là “tạm xong” bởi vì còn phải chờ xem những kết luậntrên giấy của ông thủ tướng sẽ được cấp dưới, cụ thể là chính quyền Hải Phòng, thực hiện như thế nào. Các quan chức Tiên Lãng và Hải Phòng làm sai trong vụ cưỡng chế đất lẫn phá nhà ông Vươn, cũng như bản thân anh em ông Vươn sẽ bị xử ra sao, người dân Tiên Lãng có được tiếp tục thuê đất nữa không…
Quan trọng hơn, từ sau vụ Tiên Lãng này nhà cầm quyền VN có tích cực xem xét và sửa đổi luật đất đai như mong mỏi của hàng triệu triệu người dân VN hay không.
Có vẻ như bản kết luận của ông thủ tướng đã tạm thời xoa dịu được tình hình, làm giảm nhiệt cơn sốt Tiên Lãng trong dư luận từ hơn một tháng qua.
Rất nhiều tờ báo Việt Nam đã chạy những tin, bài tràn ngập những lời ca tụng, cảm kích của người dân đối với ông thủ tướng.
Nào “Vợ Ðoàn Văn Vươn cảm ơn thủ tướng” (VietNamNet), “Người dân xã Vinh Quang hoan nghênh kết luận của thủ tướng” (VOV), “Người dân Tiên Lãng: Lòng tin của chúng tôi đã hồi sinh” (VNExpress), “Người dân vỡ òa niềm vui, lãnh đạo Hải Phòng ‘tâm phục’ (Bee.net.vn), “Kết luận công bằng, tạo niềm tin cho nhân dân cả nước” (Pháp Luật TP. HCM), v.v.
Quả là ông Nguyễn Tấn Dũng đã rất khôn ngoan khi nhảy vào can thiệp vụ Tiên Lãng. Tạo một cú làm bàn gỡ lại uy tín vốn đã sứt mẻ trầm trọng qua tình hình bết bát về kinh tế lẫn hồ sơ nhân quyền tệ hại của VN dưới thành tích lãnh đạo của ông Dũng trong 6 năm qua.
Về phía người dân, cũng dễ hiểu cho cái cảm giác vui mừng này. Nhân dân Việt Nam vốn dĩ đã bị đảng và nhà nước cộng sản VN “lừa” quá nhiều lần. Họ toàn phải nghe các ông lãnh đạo nói một đằng làm một nẻo, hứa cuội, chém gió… rồi sau đó mọi việc vẫn như cũ. Họ cũng đã và đang phải chứng kiến hàng ngàn vụ việc, nặng nề hơn vụ Tiên Lãng nhiều, chỉ riêng trong lĩnh vực đất đai, đã từng có những vụ hàng trăm hàng ngàn người dân đi khiếu kiện, biểu tình, kể cả nổi dậy, mà nào có ăn thua gì.
Thế nên, chỉ cần nghe ông thủ tướng kết luận trong vụ Tiên Lãng, chính quyền đã sai toàn diện, cần phải nghiêm khắc xử lý, kiểm điểm cán bộ làm sai, thu hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, làm thủ tục cho ông Ðoàn Văn Vươn sử dụng đất theo đúng quy định của luật đất đai, đình chỉ công tác những cán bộ đã chỉ đạo phá dỡ nhà của ông Vươn… Làm người ta mát lòng hởi dạ, “vỡ òa niềm vui”, “lấy lại niềm tin đã mất”…
Trong một quốc gia độc tài nơi mà người dân chỉ như con sâu cái kiến, mọi thứ đều là của nhà nước, nhà nước có toàn quyền quyết định mọi việc còn người dân được ban cho cái gì hay cái nấy, thì chỉ cần nhà nước tỏ ra công bằng một chút cũng đã làm người dân vui mừng khôn xiết!
Thật ra, những kết luận của ông thủ tướng cũng chỉ là trong tình thế không thể bao che hơn nữa cho vụ việc khi dư luận đã đến mức đó, và cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề.
Nghĩa là dăm ba cán bộ quan chức huyện Tiên Lãng, kể cả Hải Phòng sẽ bị xử lý, hai anh em ông Vươn ông Quý thì vẫn bị xét xử về tội “giết người, chống người thi hành công vụ”, có thể nhờ dư luận mà không đến nỗi bị tử hình nhưng cũng không thể nhẹ hơn 7, 10 năm, người dân huyện Tiên Lãng có thể vẫn được tiếp tục thuê đất… Nhưng còn hàng triệu vụ cưỡng chế thu hồi đất khác đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra thì sao, nếu luật sở hữu đất đai không thay đổi?
Vụ Tiên Lãng, có những khía cạnh không bất ngờ và ngược lại, hoàn toàn bất ngờ.
Bản chất của vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn, xung đột về đất đai giữa nhà nước với nông dân là chuyện cũ mèm từ bao nhiêu năm nay. Thứ hai là bản chất và quan trí của phần lớn các quan chức VN từ xã, huyện, thành phố, cho đến trung ương-sự dốt nát, thói quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm, quen thói hiếp đáp dân lành, ngồi xổm lên pháp luật, lòng tham vô đáy và trình độ lẫn năng lực quản lý kém cỏi… Cũng là chuyện không có gì lạ.
Nhưng khi báo chí vào cuộc thì chỉ trong một thời gian ngắn, cái bản chất lẫn quan trí này của các quan chức huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng được phơi ra cho người dân tha hồ “bình loạn”.
Những phát ngôn bất nhất, nói lấy được, rồi thì “ông nói gà bà nói vịt” giữa ông này với ông kia, đến khi dư luận quá nóng thì quay sang cãi chày cãi cối, bao biện đến cùng. Hết đổ tội cho nhân dân, đổ thừa cho nhau, lại đổ thừa báo chí, giới blogger đưa tin không đúng, rồi kẻ xấu, các thế lực đứng ngoài nhân vụ Tiên Lãng mà âm mưu nói xấu chế độ… Những luận điệu rất quen, vẫn được các quan đem ra xài từ xưa đến nay.
Cả bản chất vụ việc, bản chất chế độ lẫn bản chất quan chức đều không còn là “chuyện bây giờ mới biết”.
Cái bất ngờ ở đây là từ cách phản ứng của anh em ông Vươn-chọn biện pháp manh động dùng bạo lực chống đối lệnh cưỡng chế, một hành động mà chính họ cũng biết, dễ dẫn đến tội chết. Còn chính quyền huyện xã thì lại sử dụng biện pháp cưỡng chế quá thô bạo, huy động cả công an, quân đội hàng trăm người, nên mới dẫn đến hậu quả có máu đổ làm rung động cả nước.
Cái bất ngờ nữa là sự đồng thuận của dư luận, giữa giới blogger và báo chí chính thức của nhà nước, sự lên tiếng của nhiều nhân vật tên tuổi, có vai vế trong chính quyền khiến vụ việc không còn có thể chìm xuồng một cách lặng lẽ êm thắm nữa. Vụ Tiên Lãng lại xảy ra giữa lúc lòng dân đã quá chán ngán chế độ, uy tín của đảng cầm quyền đã xuống quá thấp, ngay chính ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải kêu lên cần phải “chỉnh đốn đảng vì sự tồn vong của chế độ”.
Nhiều người đã khẳng định công đầu trong vụ Tiên Lãng là thuộc về những người cầm bút-cả giới blogger của nền báo chí nhân dân, “báo chí ngoài lề” cho đến các nhà báo của “báo chí trong lề”. Ðể thấy rằng khi báo chí, bất kể thuộc lề nào, hợp lực cùng nhau lên tiếng thì sẽ là một sức mạnh lớn, vụ việc cỡ nào cũng sẽ phải đưa ra ánh sáng.
Anh em ông Vươn dù nhà cửa bị san bằng, bản thân bị tù tội nhưng vẫn là may mắn, vì họ có cơ may được xét xử công bằng hơn, được tiếp tục cho thuê đất.
Còn hàng triệu triệu nông dân khác bị cướp trắng mảnh đất do chính ông bà tổ tiên bao đời đổ mồ hôi xương máu khai hoang hoặc bỏ tiền túi dành dụm ra mua được. Khi vùng đất đó rơi vào diện quy hoạch, đám cường hào, tư bản đỏ liền mua lại với giá rẻ như bèo để chia chác hoặc bán lại cho các tập đoàn đầu tư… Bao nhiêu ngôi nhà bị san bằng, bao nhiêu người bị mất tài sản, phải đi kiện, bị tù vì tội quấy rối công cộng, chống lại chính quyền, gia đình tan nát, có người phát điên, có người tự tử vì quá uất ức…
Lịch sử rồi sẽ phải ghi thêm một tội ác nữa của nhà cầm quyền VN chung quanh những vụ cưỡng chế đất đai, giải phóng mặt bằng này.
Nếu còn một chút liêm sỉ, lương tri, ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các ông trong Bộ Chính Trị phải cảm ơn vụ Tiên Lãng. Ðã giúp họ nhận ra mâu thuẫn có liên quan đến đất đai trong xã hội VN đã trầm trọng, sâu rộng đến mức nào, có nguy cơ là tử huyệt của chế độ ra sao. Giúp họ nhận ra, dù muộn màng, sức mạnh của công luận, của người dân. Ðây cũng là cơ hội để cho họ tháo bỏ ngòi nổ lớn nhất trong xã hội, là sửa chữa luật đất đai, sửa đổi luật pháp, tôn trọng vai trò độc lập của tòa án, của báo chí…
Và trên hết là tôn trọng nhân dân. Cái đám nhân dân luôn luôn xuất hiện ở khắp mọi nơi, được ưu ái nhắc đến trong mọi văn bản, trên ngôn ngữ đầu môi chót lưỡi của các quan từ trên xuống dưới, nhưng lại hoàn toàn vô hình đối với họ.
No comments:
Post a Comment