Friday, December 30, 2011

Sao cứ để dân… đoán mò?



PHAN MAI - Suốt mấy tháng qua, hiện tượng ô tô, xe máy bỗng dưng… bốc cháy (hoặc nổ như bom) đã gieo nỗi âu lo lớn cho hàng triệu người tham gia giao thông.

 Đã có nhiều giả thuyết, như chất lượng xe lắp ráp tại nhà máy “có vấn đề”; chất lượng dịch vụ sửa chữa, bảo trì không “chuẩn” và thậm chí thói quen người sử dụng xe máy cũng được đưa ra nhằm lý giải cho hiện tượng bốc cháy đó.
 Thế nhưng xe cháy vẫn cứ… cháy và mối nghi ngờ ngày một lớn là có phải do hóa chất pha xăng hay không?
 Hiện nay một bộ phận dư luận đang rất tin rằng Methanol (hiện được bán phổ biến trên thị trường với giá 7.000 đồng/lít, chưa bằng giá một nửa lít xăng) chính là “thủ phạm” phá hủy các chi tiết và bộ phận của xe theo hình thức ăn mòn. Qua một thời gian nhất định Methanol sẽ hòa tan các chi tiết, làm hở một số chất liệu cao su, nhựa dẻo dẫn đến việc xăng và Metanol thoát ra ngoài, gặp tia lửa, nguồn nhiệt sẽ bốc cháy. Có chuyên gia khăng khăng rằng dù thực tế Việt Nam chỉ có xăng E5 pha 5% Ethanol nhưng ông ta nghi ngờ hàm lượng Methanol – ethanol có thể lên tới 30-40%. Trong khi đó các hãng xe máy không chạy theo kịp vì họ vẫn sử dụng vật liệu như ống dẫn xăng, gioăng cao su chỉ chịu được nồng độ 10%!
 Cũng suốt tuần qua, câu chuyện về sự “mất tích” đầy bí ẩn của một con tàu thuộc Vinalines khiến cho nỗi hy vọng, chờ đợi, lo lắng của thân nhân thuyền viên và dư luận xã hội dồn nén lên từng ngày. Sóng cấp 8, thủy tặc và nhiều lý do mơ hồ khác lần lượt được nhắc tới như những giả thuyết về sự bất tích bí ẩn của con tàu, nhưng đều không đứng vững được.
 Và trong số các giả thuyết về nguyên nhân mất tích, có một phân tích liên quan đến nhiều con tàu khác bị tai nạn khi đang chở quặng Nickel khiến dư luận sửng sốt. Chỉ tính hai năm gần đây, đã xảy ra năm vụ tương tự thế, mà ba con tàu gặp sự cố vào cuối năm 2010 đều là tàu chở quặng Nickel, cùng bốc hàng từ Indonesia, cùng treo cờ Panama.
 Đáng lưu ý là chúng đều chở xô, tức là những tàu chở hàng không đóng bao, hàng được rót thẳng vào hầm và giới vận tải hàng hải đã bàn luận nhiều về thứ hàng hóa được coi là nguy hiểm này từ lâu. Lý do, dù là thứ hàng khô nhưng khi quặng hút ẩm, sẽ xảy ra hiện tượng hóa lỏng. Cơ chế này diễn ra khi tàu chạy trên biển gặp sóng lớn, bị lắc ngang, lắc dọc, trồi lên sụp xuống, khiến khoảng không gian giữa các hạt quặng sẽ giảm đi, làm tăng áp suất nước dẫn tới một trạng thái gọi là điểm ẩm chảy và số hàng quặng khô rời rạc lúc ấy sẽ chuyển sang trạng thái gần như một chất lỏng do mất lực ma sát giữa các hạt. Và cái gì tới phải tới, khi trở thành thứ hàng lỏng nó sẽ xô về một hướng khi tàu lắc và không quay trở về vị trí cân bằng ở trung tâm nữa. Khi tàu lắc tiếp, quặng lỏng tiếp tục dồn sang một bên, khiến góc nghiêng của tàu tăng nhanh và tàu lật nhào rất nhanh, đến mức không kịp phát tín hiệu cấp cứu!
 Vì thế giới vận tải biển vẫn nhắc nhau về việc tuân thủ triệt để Luật Quốc tế về An toàn chở Hàng xô trong đó có những yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm cho phép. Đáng lưu ý hơn là nhiều tai nạn, những bài học đắt giá tương tự thế thường được lưu giữ trong các đơn vị bảo hiểm.
 Thế nhưng hầu như chúng không được dùng để phân tích, nghiên cứu, học tập và cảnh báo phòng ngừa chung.
 Vậy tại sao những vấn đề hệ trọng như hai câu chuyện nói trên không thấy cơ quan nhà nước nào lên tiếng chính thức, mà cứ để dân đoán mò?

No comments:

Post a Comment