Thanh Trúc, phóng viên RFA - Theo nguồn tin từ Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, hết 90% những loại hàng giả trên thị trường trong nước đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hàng giả hoặc hàng nhái ảnh hưởng thế nào đến giá cả , tác hại của nó về mặt thuế khóa và kinh tế như thế nào ?
AFP PHOTO. Các loại kính đeo mắt với những nhãn hiệu "xịn" được bay bán đầy mặt đường.
Tình trạng hàng giả hàng nhái đang diễn ra càng ngày càng nhiều ở Việt Nam . Đó là thông tin được Tổng Cục Hải Quan loan báo tại hội nghị về công tác phòng chống hàng giả do Tổng Cục Hải Quan tổ chức vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh.
Loại hàng nào cũng bị làm giả
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu Chuẩn Và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng, cho biết hiện trạng biến tướng từ hàng giả hàng nhái rất khó lường, mọi mặt hàng từ nhỏ đến lớn, từ que diêm cho đến điện thoại di động, mũ bảo hiểm, xe gắn máy, rượu, thuốc tây, mô tơ, ổ cắm điện, tivi, tủ lạnh, vân vân…
Một nhà báo ở Hà Nội xác nhận vấn đề trà trộn hàng giả hàng nhái ở Việt Nam:
Đúng đấy, quần áo thuốc lá thực phẩm rồi hoa quả, đồ chơi các thứ, nhiều lắm, nói chung rất nhiều, chủ yếu là nhập lậu. Những cái mác nổi tiếng thì hàng giả rất là nhiều. Thuốc lá ba số năm này, quần áo hiệu Gucci này, đồ xách tay ví dụ như túi da này, mỹ phẩm này… Nói chung thì Trung Quốc là nó có những công nghệ hàng giả rất tinh vi, mà cũng phải thừa nhận là nó rất giỏi, có nghĩa là nó có thể nhái được tất cả các mặt hàng, mà giống đến khó có thể phân biệt được, nếu nhái một thương hiệu nổi tiếng nào đấy thì mắt thường rất khó phân biệt. Thứ hai nữa khi hàng giả hàng nhái trà trộn thì các doanh nghiệp đích thực có thể phần nào đó do người tiêu dùng hiểu nhầm mà bị mất uy tín, số lượng hàng thật được tiêu thụ bị hạn chế rất nhiều.
quần áo thuốc lá thực phẩm rồi hoa quả, đồ chơi các thứ, nhiều lắm, nói chung rất nhiều, chủ yếu là nhập lậu. Những cái mác nổi tiếng thì hàng giả rất là nhiều. Thuốc lá ba số năm này, quần áo hiệu Gucci này, đồ xách tay ví dụ như túi da này, mỹ phẩm này…Một nhà báo ở Hà Nội
Viagra loại thuốc dễ bán nên bị làm giả rất nhiều. AFP
Theo nhận định của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, 90% hàng giả trên thị trường nội địa có xuất xứ từ Trung Quốc. Rất nhiều sản phẩm điện như công tơ, ăng ten, tivi, bình ắc qui, ổ cắm điện do Trung Quốc sản xuất. Thậm chí hải quan còn phát hiện trên ba chục nghìn ổ cắm điện giả của Trung Quốc được dán tem chống hàng giả của Viện Khoa Học Hình Sự thuộc Bộ Công An Việt Nam, đương nhiên là cả hàng và tem đều giả.
Từ Cam Ranh, ông Thế, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện với một cửa tiệm lớn ở thị xã, xác nhận Trung Quốc làm nhái hàng điện là chuyện có từ lâu, được báo đài trong nước cảnh giác thường xuyên:
Ví dụ như một cái khoan điện Bosth của Đức thì anh Trung Quốc cũng làm cái khoan y như vậy, cũng ghi đúng chữ Bosth, nhưng mà sản xuất tại Trung Quốc. Mặc dầu hãng Bosth có đặt nhà máy tại Trung Quốc, nhưng nếu nó được sản xuất tại Trung Quốc mà chính hãng thì không phải là hàng nhái. Ở đây người Trung Quốc sản xuất ra rồi tung về Việt Nam mình bán thì gọi là hàng giả, tạo sự hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Là người buôn bán nhiều năm mình cũng tìm hiểu thì có thể nói người tiêu dùng mà muốn phân biệt được hàng giả hay hàng thật để bảo vệ quyền lợi cho mình thì tốt nhất nên có kiến thức tiêu dùng. Chẳng hạn một sản phẩm chính hãng mà nhà nước yêu cầu khi mua khi bán phải có hóa đơn chứng từ. Trên bao bì sản phẩm phải ghi rỏ nguồn gốc xuất xứ bằng tiếng Việt. Hàng thật mà không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ thì vẫn bị phạt và bị tịch thu nếu quản lý thị trường của Việt Nam phát hiện được.
Những mặt hàng dược phẩm, tức thuốc tây, cũng bị làm giả bởi Trung Quốc. Ông Giỏi, chủ nhân một tiệm bán dược phẩm ở miền Trung, nói rằng thực sự thuốc tây giả rất dể nhận dạng. Hơn nữa, vẫn theo lời ông, bên cạnh những mặt hàng dược phẩm mà Việt Nam sản xuất được thì thuốc giả cũng không đến nỗi nhiều như cảnh giác của báo chí:
Trung Quốc là nó có những công nghệ hàng giả rất tinh vi, mà cũng phải thừa nhận là nó rất giỏi, có nghĩa là nó có thể nhái được tất cả các mặt hàng, mà giống đến khó có thể phân biệt được, nếu nhái một thương hiệu nổi tiếng nào đấy thì mắt thường rất khó phân biệt.Một nhà báo
Mình biết chứ, vì những hàng đó không được chính thức qua những cơ sở được chính phủ Việt Nam cấp phép. Cái thứ hai là giá thành của nó, ví dụ cái Viagra của Mỹ chẳng hạn, giá thành của nó gấp năm lần loại thuốc giả, nó làm tinh vi mình cũng biết. Viagra của Mỹ là chai ba chục viên, còn hàng Trung Quốc làm giả là cái hộp chỉ bốn viên trong vĩ. Trung Quốc cũng lấy những thương hiệu nổi tiếng nhưng nó không có được giấy nhập khẩu của Việt Nam mình. Cho nên chắc chắn mình sẽ biết hàng đó là hàng giả thôi. Nói là giả chứ trong một ngàn loại thuốc thì nó lợi dụng kẻ hở thôi chứ tràn lan thì không có.
Các băng nhạc phim ảnh lậu bị tịch thu và mang ra thiêu hủy. AFP
Tuy nhiên tại hội nghị về công tác phòng chống hàng giả dịp cuối năm, đại diện Cục Sở Hữu Trí Tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Trương Thị Tuyết Mai, cho biết theo số liệu của Interpol tức Cơ Quan Cảnh Sát Quốc Tế, Việt Nam có số lượng thuốc giả cao thứ nhì khu vực Đông Nam Á, Đây là những loại thuốc pha chế bằng bột mì hoặc dược chất thấp, vì thế không công hiệu và không có tác dụng điều trị.
Ngăn chặn hàng giả còn nhiều bất cập
Số liệu của Tổng Cục Hải Quan cho thấy năm 2011 cơ quan hữu trách tịch thu được nhiều số lượng hàng giả gồm điện thoại di động, rượu, mũ bảo hiểm, nước giải khát tăng lực đóng lon, xe gắn máy, dầu nhớt, thuốc tây, kể cả mỹ phẩm cũng là hàng giả hàng nhái.
Theo ông Trần Việt Hưng, phó đội trưởng Đội Kiểm Soát Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Trí Tuệ thuộc Cục Điều Tra Chống Buôn Lậu trong Tổng Cục Hải Quan, Trung Quốc và Hồng Kông là hai thị trường hàng giả truyền thống của Việt Nam.
Một doanh nhân người Việt đang ở Trung Quốc, ông Thắng, giải thích điều mà ông am hiểu:
Phần lớn hàng giả Trung Quốc bắt nguồn từ vùng giáp Việt Nam mình. Đầu tiên khu vực làm hàng giả chỉ tập trung ở những vùng nông thôn, nơi người ta có thu nhập kém. Sang Việt Nam thì các doanh nghiệp trung bình cũng gọi là kém, do đó người ta thường lấy những hàng mà giá cả nó vừa phải.
Có thể nói hàng giả tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế nói chung cũng như vấn đề chính sách nói riêng, cụ thể là liên quan tới thuế xuất nhập khẩu. Cái thứ hai nữa nếu hàng giả tràn vào thị trường thì nó sẽ bóp chết sản xuất của trong nước về những mặt hàng tương ứng.
Từ góc độ đấy thì Trung Quốc bắt đầu làm hàng kém chất lượng để phục vụ các tầng lớp khác nhau. Nhưng mà khi thị trường minh bạch hoá dần lên thì người ta sẽ nhìn nhận được và người ta muốn mua những hàng tốt hơn. Thực ra việc này đến giờ mới phát hiện thì nó hơi muộn. Phát hiện ra nó là do sự tình cờ của hải quan mà thôi. Những người Trung Quốc bán hàng sang mình đâu có ít đâu.
Nguồn tin trong nước cho thấy càng gần cuối năm lượng hàng giả về càng nhiều, công việc kiểm tra và phòng chống cũng phức tạp hơn. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia về giá cả và thị trường, phân tích hai mặt của một vấn đề:
Xét về mặt giá cả thì hàng giả thường có mức giá khá là thấp, hai nữa thông qua đường buôn lậu tức không phải nộp các loại thuế, do đó thậm chí giá cả lại còn được hỗ trợ nhờ không phải khoản thu ngân sách nhà nước.
Bất kể loại hàng gì cũng có thể bị làm giả (ảnh minh họa) RFA
Tôi cho rằng hàng giả hàng nhái vẫn tràn ngập Việt Nam thì trước tiên là việc kiểm tra kiểm soát và công tác quản lý để chống nhập lậu vẫn chưa hiệu quả.Tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Rõ ràng trong lúc hàng giả đóng góp phần nào vào chuyện không làm tăng mặt bằng giá cả, tiến sĩ Vũ Đình Anh nhận định tiếp, thì mặt khác lại ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và tác động tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng, chưa kể phải xét lại sức cạnh tranh, chất lượng và mức độ hạn chế nhất định của sản xuất trong nước:
Có thể nói hàng giả tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế nói chung cũng như vấn đề chính sách nói riêng, cụ thể là liên quan tới thuế xuất nhập khẩu. Cái thứ hai nữa nếu hàng giả tràn vào thị trường thì nó sẽ bóp chết sản xuất của trong nước về những mặt hàng tương ứng. Khi sản xuất trong nước bị lấn át bởi hàng giả hàng nhái và hàng buôn lậu thì một lần nữa nhà nước bị thất thu thuế từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo đó là ảnh hưởng đến công ăn việc làm và đời sống của những người lao động trong các lãnh vực sản xuất mà bị hàng giả hàng nhái lấn áp.
Các cơ quan quản lý các cơ quan truyền thông có thể giúp cho người tiêu dùng chống hàng giả hàng nhái thì đây cũng là lãnh vực còn nhiều hạn chế.Tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Được hỏi ông nghĩ sao về nỗ lực kiểm tra của chính phủ trong việc kiểm soát, ngăn chận hàng giả hàng nhái, liệu những biện pháp tịch thu và xử phạt đang thực hiện đối với các công ty tiêu thụ hàng giả nội địa đã thích đáng chưa. Tiến sĩ Vũ Đình Ánh trả lời:
Tôi cho rằng hàng giả hàng nhái vẫn tràn ngập Việt Nam thì trước tiên là việc kiểm tra kiểm soát và công tác quản lý để chống nhập lậu vẫn chưa hiệu quả.
Một điều không thể không quan tâm, ông nhấn mạnh, là công tác quản lý hàng hoá ở vùng biên giới vẫn còn kẽ hở, tạo cơ hội cho hàng giả hàng nhái xâm nhập nội địa, trong lúc thiếu sự liên kết giữa thị trường trong nước với các khu vực hải quan để có thể phát hiện những lượng hàng giả đã xâm nhập vào trong nước rồi.
Điểm thứ tư tôi muốn nói là thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt sự hiểu biết của người tiêu dùng Việt Nam để làm sao phân biệt hàng giả hàng nhái. Các cơ quan quản lý các cơ quan truyền thông có thể giúp cho người tiêu dùng chống hàng giả hàng nhái thì đây cũng là lãnh vực còn nhiều hạn chế.
Tóm lại, ông kết luận, chống hàng giả hàng nhái không phải chuyện đơn giản, cần nhiều biện pháp đồng bộ chứ không chỉ đơn thuần là tăng cường kiểm tra kiểm soát ở biên giới.
T. T.
Nguồn: rfa.org
No comments:
Post a Comment