Saturday, November 19, 2011

Steve Jobs và chuyện đứa bé bị bỏ rơi


Đà0 Tuấn - Khi thiên tài Steve Jobs qua đời vào ngày 5-10, tất cả các bài báo, các cuốn sách viết về ông, dù vô tình hay hữu ý, đều nhắc đến chi tiết ông là một đứa trẻ bị cha mẹ “cho con nuôi”, chính xác hơn là “bị bỏ rơi”, khi mới 2 tuần tuổi.
Sau này, chính Jobs cũng đã từng gọi mình là “mộtt đứa bé sinh ra không mong đợi”.
Trong cuốn “Steve Jobs, thiên tài gàn dở và câu chuyện thần kỳ về quả táo”, nhà báo Leander Kahney đã dẫn lại bài nói chuyện của ông trong lễ trao bằng tốt nghiệp của trường đại học Stanford. “Tôi chưa bao giờ có bằng tốt nghiệp đại học”- ông nói. Sự thật là Jobs đã bỏ học chỉ sau 6 tháng. Ông chấp nhận ngủ nhờ dưới sàn nhà, mua đồ ăn bằng 5 USD kiếm được bằng cách trả lại các chai CocaCola và đi 7 dặm mỗi tuần để được một bữa ăn ngon miễn phí, khi biết được rằng “Tất cả tiền tiết kiệm của bố mẹ đã phải dành để đóng học phí cho tôi”.
Steve thương cha mẹ nuôi, những người không có công sinh thành nhưng có công dưỡng dục.
Ở Việt Nam, câu chuyện những đứa trê bị bỏ rơi lại được xới xáo suốt tuần qua, khi trên một diễn đàn dành cho bà mẹ, trẻ em xuất hiện tin rao bán con. Một cô gái, tự xưng là sinh viên, cho biết đã mang thai 7 tháng, nhưng “Vì tôi còn là sinh viên nên việc nuôi con khá vất vả, với lại gia đình tôi thì chưa biết nên tôi muốn cho con tôi”.
Bản tin này được “bà mẹ sinh viên” nọ đưa trong mục “Rao vặt”.
Nhìn lại thì thấy câu chuyện bán con giờ đã quá phổ biến. Người ta có nhiều lý do khác nhau. Và cũng có nhiều cách bỏ rơi khác nhau với những “đứa bé sinh ra không mong đợi”. Bỏ lại trước cổng bệnh viện. Trong thùng rác các nhà WC ở các khu công nghiệp.
Đem đến các nhà Dục Anh, những ngôi chùa, những Trung tâm bảo trợ xã hội. Hoặc tệ hơn, vất ở một vườn hoang mặc kệ cho kiến cắn, chó ăn mất một chân và bộ phận sinh dục- như trường hợp bé Thiện Nhân. Gần đây nhất là một cặp vợ chồng “ve chai” ở Biên Hòa- Đồng Nai rao bán con ruột, kiểu đồng nát, với giá 10 triệu đồng. Suy cho cùng, cách nào thì bản chất vẫn là chuyện nhẫn tâm. Nhưng vỗ ngực xưng là sinh viên rồi đem sinh linh còn chưa kịp chào đời lên mục rao vặt thì câu chuyện không đơn thuần chỉ là sự nhẫn tâm của nhưng bà mẹ ít học, bị số phận đưa đẩy nữa. Hóa ra sự nhẫn tâm không vì chuyện người ta có học, hay vô học. Hóa ra, những đứa con, ngay cả khi chúng chưa thành hình, đã bị người ta, dù tự coi mình là có học- coi là những của nợ.
Liệu những người cha, người mẹ, cũng là sinh viên, luôn nhấn mạnh mình là sinh viên, đang rao bán con hôm nay đang hy vọng điều thần kỳ của số mệnh, rằng đứa con mình sẽ được nuôi dạy tử tế, sẽ trở thành một thiên tài, một phù thủy công nghệ như Jobs?
Xung quanh Steve Jobs, từ lâu báo chí đã đề cập đến chuyện người cha ruột của ông, Abdulfattah “John” Jandali, một người xuất thân quý tộc ở Syria, một người cha đã nhẫn tâm “đoạn”, đã chối bỏ đứa con từ khi nó còn đỏ hỏn của mình.
Khi Jobs lâm bệnh hiểm nghèo, Abdulfattah “John” Jandali đã gửi thư điện tử vào hòm thư của Steve Jobs, chỉ với vài chữ làm lành đơn giản “Chúc mừng sinh nhật”, “Chúc mau lành bệnh”.
Chẳng ai biết Steve Jobs có trả lời các bức thư điện tử ấy không.
Sau này, trả lời báo chí, Jandali coi việc được con trai bắt liên lạc là mong ước lớn nhất của cuộc đời ông.”Giờ tôi chỉ hy vọng rằng trước khi chuyện đã quá muộn, nó sẽ liên lạc với tôi. Bởi vì chỉ một lần được ngồi uống cà phê với nó cũng đủ để biến tôi thành con người quá đỗi hạnh phúc”- Người cha tội lỗi nói.
Nhưng ngay cả đến khi Jobs mắc bệnh ung thư, ngay cả trước khi ông qua đời, người ta vẫn tin là ông chưa bao giờ gặp mặt cha mình.

No comments:

Post a Comment