Nguyễn Hưng Quốc - Quan niệm cho sự vô cảm của con người tại Trung Quốc cũng như Việt Nam là kết quả của quá trình hiện đại hóa với hai xu hướng nổi bật: đô thị hóa và thương mại hóa dường như rất phổ biến tại cả hai nước hiện nay.
Người ta lý giải hiện tượng này như sau: Ngày xưa, trong xã hội nông nghiệp, tình làng xóm thật đẹp, lúc nào cũng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Sống với nhau, ai cũng coi trọng tình nghĩa và trách nhiệm đối với cộng đồng. Một nhà gặp khó khăn, cả xóm xúm lại giúp. Bây giờ thì khác. Với xu hướng đô thị hóa, người ta sống rất gần nhau nhưng chẳng ai thân thiện với ai cả. Sáng, mở cửa đi làm. Tối, về nhà, lại khóa cửa im ỉm. Ngay cả khi ở cùng một chung cư, người ta cũng hiếm khi gặp gỡ và chuyện trò với nhau. Tình người cứ thế nhạt dần. Lại thêm sự tác động của xu hướng thương mại hóa nữa. Ai cũng đổ xô đi kiếm tiền. Cái lợi trở thành ưu tiên số một. Chuyện tình nghĩa chỉ là chuyện phụ. Và nhỏ.
Ở đây, dù không nói ra, người ta vẫn cho chuyện vô cảm gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Xưa, con người rất có tình. Ngay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, con người đối xử với nhau cũng có tình. Chỉ đến thời “mở cửa”, với kinh tế thị trường, quan hệ giữa người với người mới thành vấn đề. Con người mới trở thành vô tâm và vô cảm. Và bị tha hóa.
Một số người đi xa hơn, phân biệt Tây phương và Đông phương theo tiêu chuẩn: Đông phương thì duy tình và duy nghĩa, trong khi Tây phương thì duy lý và duy lợi. Đông phương thì nhắm đến sự hài hòa giữa người với người cũng như giữa con người và thiên nhiên, trong khi đó, ở Tây phương, người ta chỉ tìm mọi cách để khống chế thiên nhiên và ảnh hưởng đến người khác, biến người khác thành một nguồn lợi cho mình.
Nói cách khác, người ta đổ hết cái xấu về phía Tây phương. Theo cách nhìn ấy, những gì xấu xa ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc hiện nay là đến từ... Tây phương.
Tôi có một số bạn ở Việt Nam, vốn là trí thức và thỉnh thoảng có dịp đi nước ngoài, than thở là quan hệ giữa người và người ở Tây phương sao mà lạnh lẽo và lạnh nhạt quá. Trong nhà, con cái đi học hay đi làm về, cứ vào thẳng trong phòng riêng, có khi khóa cửa lại, chẳng có giao tiếp gì với bố mẹ cả. Bạn bè, khi gặp khó khăn, mới nói xa nói gần, người ta đã “sốt sắng” khuyên nên đến vay tiền ở ngân hàng thay vì, như ở Việt Nam, vào lấy tiền trao ngay cho bạn. Phụ nữ bị chồng đánh đập, chạy đến nhà bạn định trú ngụ vài hôm chờ qua cơn sóng gió sẽ trở về; không ngờ bạn đã không thông cảm, còn nằng nặc bảo gọi cảnh sát. Còn chần chừ, không muốn làm, bạn đã bấm số báo cho cảnh sát biết rồi. Thật phiền! Đó là chưa kể một số câu chuyện được đăng tải trên báo chí: một người già nào đó bị chết một cách cô độc trong một căn hộ trong chung cư nhưng chẳng ai biết cả. Có khi một hai tuần sau mới biết, khi nghe mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ căn hộ. Có khi cả mấy tháng hay thậm chí, mấy năm sau, khi thấy thùng thư phía trước cứ đầy nghẹt. Vân vân.
Những sự kiện nêu trên không có gì sai cả. Nhưng có thật người ta làm thế là do vô tình hay vô cảm không?
Những ai sống ở nước ngoài lâu và tiếp xúc nhiều với người nước ngoài dễ thấy ngay những quan niệm như vậy chỉ là những cách nghĩ ấu trĩ xuất phát từ những ngộ nhận văn hóa thường đến từ các xã hội khép kín. Tôi không muốn nói là người Tây phương tốt hơn chúng ta. Không. Chuyện tốt hay xấu đã khó nói. Chuyện hơn thua lại càng khó nói. Nhưng tôi biết chắc chắn mấy điều.
Thứ nhất, những cái khung duy lý hay duy tình dùng để phân biệt Đông và Tây chỉ là một huyền thoại. Việc khuyến khích người bạn bị chồng bạo hành báo với cảnh sát không phải chỉ là chuyện lý. Mà còn là chuyện tình: Đó mới là cách giúp đỡ hiệu quả nhất. Họ chỉ không thích than thở suông. Họ muốn sự quan tâm của họ có kết quả. Ở Tây phương, những người sống hết lòng với bạn bè chắc chắn không phải ít. Nhưng liên quan đến Việt Nam, có hai chuyện đáng kể nhất.
Một là, có nhiều người Việt Nam đi lính trước năm 1975 đã được một số bạn bè người Mỹ giúp đỡ tận tình để họ được sang định cư tại Mỹ. Bạn bè thân lắm ư? Không. Chỉ là bạn bình thường trong thời gian những người lính Mỹ ấy ở Việt Nam vậy thôi. Vậy mà, mấy chục năm sau, họ vẫn còn nhớ và khi có dịp, giúp đỡ những người bạn Việt Nam khốn khổ một cách tận tụy vô cùng: Bảo lãnh họ sang Mỹ; giúp họ ổn định cuộc sống thời gian đầu, v.v...Đó không phải là tình bạn hay tình người sao?
Hai là, cách đây vài ba năm, trên đài truyền hình Úc chiếu một bộ phim tài liệu rất đáng cảm động. Có ba hay bốn người cựu chiến binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam trước năm 75. Đã về hưu, nhưng họ vẫn không nguôi đau đáu nghĩ về một số bạn bè bị chết và mất xác ở Việt Nam. Cuối cùng họ quyết định sang Việt Nam tìm hài cốt bạn. Không phải dễ. Họ đến địa phương từng xảy ra trận đụng độ, hỏi thăm từng người dân về những người lính Úc chết trận. Rồi xin phép chính quyền cho đào xới tìm hài cốt. Thủ tục giấy tờ vô cùng nhiêu khê. Và tốn kém. Tất cả đều bằng tiền túi của những người về hưu ấy. Sau mấy năm vất vả, họ tìm ra mấy bộ hài cốt, gửi sang Úc nhờ xét nghiệm. Đến lúc biết chắc chắn đó là hài cốt của bạn mình, họ mới liên lạc với thân nhân những người đó để báo tin. Ai cũng sửng sốt. Ngày chiếc máy bay chở hài cốt những người lính Úc từ Việt Nam về lại Úc là một ngày đầy xúc động. Dĩ nhiên đáng xúc động nhất vẫn là tình bạn. Như vậy là duy lý sao?
Thứ hai, tôi không nghĩ là người Tây phương, nói chung, vô cảm. Đối diện với những sự thương tâm hay bất công, không những ở nước họ mà còn cả trên thế giới, phản ứng của họ thường tích cực và quyết liệt hơn chúng ta nhiều. Một số người Việt Nam, thời gian đầu sang định cư tại Úc, những năm 1976, 1977 thỉnh thoảng gặp rắc rối chỉ vì những chuyện lãng nhách. Ví dụ, ra chợ mua vịt sống, theo thói quen, cứ cầm cổ vịt đi lơn tơn ngoài đường. Có người thấy bèn gọi cảnh sát. Lý do: hành hạ súc vật. Con cái bị cảm, bố mẹ cạo gió; khi con vào lớp, thầy cô giáo thấy vết bầm tím trên cổ đứa bé, không nói không rằng, liền gọi ngay cho cảnh sát: Đứa bé bị bố mẹ ngược đãi! Những chuyện nho nhỏ như vậy cho thấy người ta không dửng dưng. Thấy trên cổ đứa bé có vết bầm: người ta không dửng dưng. Thấy một con vịt bị xách cổ: người ta cũng không dửng dưng. Ở tầm rộng hơn, thấy những bất công và bất hạnh trên thế giới, người ta cũng không dửng dưng. Xin để ý điều này: Hầu hết các phong trào nhân đạo lớn trên thế giới đều xuất phát từ Tây phương. Thời chiến tranh Việt Nam, các phong trào phản chiến xuất phát từ lý do nhân đạo phát triển mạnh mẽ nhất là ở Tây phương. Sau năm 1975, các phong trào cứu giúp người Việt Nam tị nạn bằng đường bộ cũng như bằng đường biển cũng xuất phát từ Tây phương.
Ở Tây phương, người ta có thể không biết người hàng xóm chết cô độc trong căn hộ sát mình. Vì họ tôn trọng sự riêng tư của người khác. Tuy nhiên, nếu người ấy, ra đường, vì lý do nào đó, ngã gục và nằm lăn quay dưới đất, tôi dám chắc sẽ không có cảnh người qua đường dửng dưng đứng ngó hoặc đi thẳng.
Xin nhấn mạnh lại điều tôi đã viết ở trên: Tôi không nghĩ và không muốn chứng minh là người Tây phương tốt hơn hay xấu hơn người Đông phương, trong đó có chúng ta. Khái niệm tốt xấu là một khái niệm mơ hồ và hàm hồ. Chuyện hơn thua lại càng mơ hồ và hàm hồ. Điều tôi muốn chứng minh là sự phát triển về kinh tế cũng như xã hội gắn liền với xu hướng hiện đại hóa, đô thị hóa và thương mại hóa không làm cho người ta vô cảm.
Tìm nguyên nhân của sự vô cảm ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, do đó, chúng ta cần phải nhìn theo hướng khác.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment