Nguyễn Bắc Truyển - Nhiều tù nhân hầu như đã bị quên lãng vì nhiều lý do, họ tồn tại như không tồn tại. Sống im lặng trong nhà tù với cái án nặng "như cái núi", không thăm nuôi, không thư từ bên ngoài và họ đã sống như thế hơn chục năm với nỗi mặc cảm. Đành rằng khi dấn thân, sa chân vào tù họ chấp nhận mọi khó khăn. Nhưng nên chăng chúng ta cần có một Ngày để nhớ về những Tù nhân chinh trị Việt Nam...
*
Có lẽ cách gọi của tôi không
được đồng thuận với nhiều đọc giả. Khi nói đến tù nhân chính trị Việt
Nam, tôi muốn nói đến những Nhà tranh đấu cho Tự do - Dân chủ - Nhân
quyền, những Nhà bất đồng chính kiến, các Blogger (nhà báo tự do), các
Nhà đấu tranh cho quyền tự do Tôn giáo, những Luật sư Luật gia lên tiếng
cho công lý, Dân oan khiếu kiện đất đai...tất cả đã bị Nhà nước CHXHCN
Việt Nam bắt giam vì các tội danh an ninh quốc gia hay là các tội danh
khác. Thói quen của cách gọi này là khi tôi đi tù, được giam chung với
các tù thường phạm khác, họ gọi chúng tôi là "Tù chính trị", ngay cả một
số cảnh sát trại giam cũng gọi như thế. Vì không thể giải thích thế nào
là tù chính trị, tù tôn giáo và cũng không cần thiết lắm, nên tôi đồng
thuận theo cách gọi của tù thường phạm. Tổ chức Ân xá quốc tế thì có
cách gọi nghe nhân văn hơn: Tù nhân lương tâm (Prisoner of consience).
Trước khi cuộc bầu cử Tổng thống
và Quốc hội nước Miến Điện vào tháng /2011, công luận quốc tế còn hồ
nghi với cam kết cải cách chính trị tại đất nước này. Các nhà lãnh đạo
Miến Điện né tránh những ngôn từ Tù nhân chính trị, Tù nhân lương tâm và
không công nhận là đất nước họ có một nhóm tù nhân này.
Trong một động thái gần đây, Nhà
nước Miến Điện đã công bố sẽ thả khoảng 6.000 tù nhân và trong đó sẽ có
hàng chục Tù nhân lương tâm. Như vậy họ đã công nhận đất nước họ có Tù
nhân chính trị mà bấy lâu nay họ phủ nhận tất cả. Trong số những tù nhân
chính trị được phóng thích, bao gồm những luật sư, nhà báo, nghệ sỹ,
Nhà tu...thành phần sao mà na ná những Tù nhân chính trị tại Việt Nam.
Nhân dân Miến Điện có được cái
may mắn hơn người dân Việt Nam, khi mà các lãnh đạo đất nước đang tiến
hành cải cách toàn diện từ chính trị đến kinh tế. Vừa qua họ còn ngưng
việc hợp tác với Trung quốc xây dựng một con đập thủy điện trị giá trên 2
tỷ USD vì sự phản đối của người dân. Thật vui lòng khi thấy Nhân dân
Miến Điện đang từng bước xây dựng những viên đá đầu tiên cho nền dân chủ
của họ.
Nhìn đất nước Miến Điện mà chạnh
lòng mình. Ở Việt Nam, con số tù nhân chính trị cũng hàng trăm người,
đa số được giam giữ tập trung tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), Thủ Đức
(Bình Thuận), Đầm Đùn (Thanh Hóa), Ba Sao (Nam Hà)...và một số trại
giam khác. Trong đó, đồng bào người dân tộc thiểu số cũng hơn con số 100
người. Tất cả bị bắt, bị kết án...vì họ đã lên tiếng hiện tình đất
nước, những bất công của xã hội và cả những chính sách không được lòng
dân.
Cũng như các nhà nước theo chủ
nghĩa cộng sản: Trung quốc, Bắc Hàn, Lào, Cu Ba, nhà nước Việt nam cũng
không công nhận là có Tù nhân chính trị hay Tù nhân lương tâm. Những
người này bị kết án theo bộ luật hình sự,ở một số trại giam còn áp đặt
chính sách cưỡng bách lao động, khi bệnh tật hiểm nghèo thì hiếm khi
được cho về nhà chữa bệnh và ngay cả khi chết thì gia đình cũng không
được mang xác về nhà vì trại giam viện dẫn lý do "an ninh". Tù nhân
chính trị Việt Nam bị phân biệt đối xử là một thực tế không thể che đậy
được ở các trại giam của Việt Nam.
Cựu đại úy QL VNCH Nguyễn Hữu
Cầu với năm thứ 34 trong nhà giam (trại giam Xuân Lộc); cố Trung úy QL
VNCH Trương Văn Sương vừa qua đời tại trại giam Ba Sao, cũng gần 34 năm
hay ông Nguyễn Văn Trại cũng vừa mất tại trại giam Xuân Lộc cũng trên 10
năm tù đày, mà khi ông mất nhiều người mới biết là đã có một tù nhân
chính trị mang tên Nguyễn Văn Trại. Còn rất nhiều những tù nhân khác khi
tôi nêu tên, đọc giả sẽ nghe như là lần đầu tiên. Đó là sự tồn tại của
những Tù nhân chính trị tại Việt Nam. Nhiều tù nhân hầu như đã bị quên
lãng vì nhiều lý do, họ tồn tại như không tồn tại. Sống im lặng trong
nhà tù với cái án nặng "như cái núi", không thăm nuôi, không thư từ bên
ngoài và họ đã sống như thế hơn chục năm với nỗi mặc cảm. Đành rằng khi
dấn thân, sa chân vào tù họ chấp nhận mọi khó khăn. Nhưng nên chăng
chúng ta cần có một Ngày để nhớ về những Tù nhân chinh trị Việt Nam.
Sài gòn, 12/10/2011 - Ngày Nhà nước Miến Điện phóng thích Tù nhân chính trị.
Tù nhân chính trị đang bị quản chế.
No comments:
Post a Comment