James Holmes - Tự do hàng hải không phải của người Trung Quốc để nước này ban ra hay giữ lại. Nếu nó tách rời khỏi khu vực, để mặc cho Trung Quốc đi đường của họ, Mỹ sẽ có nguy cơ hóa ra mặc nhận trong một tiền lệ nguy hiểm. Nước này có thể để mất quyền tự do thao diễn chiến lược cùng với vị thế là một nước bảo đảm các lợi ích chung toàn cầu....
*
05-10-2011
Quan điểm cho rằng Mỹ nên bỏ mặc
Đông Nam Á cho Trung Quốc là đặt không đúng chỗ. Châu Á không phải là
một Georgia khác, theo James Holmes.
Vài
tháng trước, trên tạp chí Foreign Policy, một đồng nghiệp của tôi là
Giáo sư Lyle Goldstein đã so sánh Biển Đông (nguyên văn: Biển Hoa Nam)
ngày nay với cuộc chiến Nga – Georgia năm 2008. Tóm lại, ông ấy vẫn giữ
quan điểm, rằng Mỹ thật dại dột khi đặt cược uy tín vào một đồng minh
chiến lược cấp ba xa xôi và yếu kém, nằm cạnh bên một đất nước hùng mạnh
hơn nhiều lần vốn đang thèm khát lãnh thổ và sự phụ thuộc chính trị.
Chính quyền Bush đã dồn dập dành cho Tbilisi “sự quan tâm cấp cao và các
cố vấn quân sự“, để rồi chỉ thốt ra mỗi tiếng ‘rên rỉ’ khi Moscow ra
lệnh cho các lực lượng thiết giáp đè bẹp quân đội Georgia và xâm chiếm
phần lớn đất nước láng giềng này. Uy tín của Mỹ đã bị tổn hại nặng nề
khi nước này không thể đảo ngược kết quả. Đứng về phía Georgia rõ ràng
là một sự thất bại trong việc liều lĩnh chính sách ngoại giao.
Ông Lyle đã vẽ ra một bức tranh u
ám. Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ chú ý đến lời khuyên của ông, họ sẽ từ bỏ
gần như tất cả các cam kết ở Đông Nam Á, nơi mà ông mô tả là một khu vực
có tầm quan trọng không đáng kể, cạnh bên một nước Trung Quốc ngày càng
hùng mạnh. Ông cho rằng “Đông Nam Á chẳng có chút ý nghĩa nào trong sự
cân bằng quyền lực toàn cầu“. Nếu không thì Washington có nguy cơ phải
chịu thất bại ngoại giao mới mà không đạt được lợi ích nào có thể hiểu
được.
Cũng như chính quyền Bush không
có “ham muốn gì khi đánh liều một cuộc xung đột lớn hơn với Moscow về
một đất nước thuộc lợi ích chiến lược bên rìa“, chính quyền Obama sẽ
không, thực ra là không nên ràng buộc vận mệnh của mình với các nước
Đông Nam Á yếu kém. Điều này sẽ thêm vào lời cảnh báo chống lại sự ủng
hộ các nước bạn bè nhưng “không quan trọng” vốn đang đấu tranh ở thế bất
lợi. Mỹ không nên cố gắng thực hiện các nỗ lực hão huyền nhằm đảo ngược
tình hình. Tốt hơn là nên giũ bỏ những vướng bận không cần thiết trong
khi hợp tác với Bắc Kinh để chống cướp biển và khủng bố trong khu vực,
với hy vọng xây dựng một mối quan hệ tin cậy trên biển.
Nếu đây là một lời khẩn cầu
thẳng thắn để Washington tránh bị vướng vào những tranh chấp lãnh hải
phức tạp đang gây bất ổn chính trị khu vực, tôi sẽ ủng hộ ngay lập tức.
Như người phương Nam chúng ta thường nói, Mỹ không “quan tâm” đến việc
ai sẽ kiểm soát đảo, san hô hay đảo đá nào, miễn là cường quốc kiểm soát
chúng tôn trọng tự do hàng hải theo đúng luật pháp thông thường và thỏa
thuận. Do vậy, vấn đề tranh luận giữa các quan chức Mỹ đó là, mối quan
tâm duy nhất của Hoa Kỳ trong chủ đề tranh cãi này là tự do hàng hải đi
qua các vùng biển trong khu vực và thấy những cuộc cãi vã về lãnh thổ
được giải quyết mà không phải dùng đến vũ lực.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu Trung
Quốc có tôn trọng luật biển hoặc kiềm chế sử dụng vũ lực hay không. Nước
này liên tục tuyên bố “chủ quyền không thể chối cãi” ở các vùng biển và
không phận quốc tế nằm trong những đường nào đó trên bản đồ Biển Đông.
Trung Quốc cũng nỗ lực ngăn chặn những hoạt động bay, giám sát quân sự,
và khảo sát quân sự ở những khu vực chung, như các nước ven biển có thể
thực hiện ở “những vùng lãnh hải” của họ.
Vùng lãnh hải này là vành đai
biển 12 dặm ngoài khơi, nơi mà chính phủ ở các nước ven biển thực hiện
đầy đủ quyền thực thi pháp lý. Các quốc gia ven biển không có quyền
thống lĩnh những vùng biển xa hơn, ngay cả khi luật pháp quốc tế cho họ
đặc quyền thực thi pháp lý đối với nguồn tài nguyên nhiên nhiên ở vùng
biển và đáy biển cách bờ 200 dặm (xa hơn nếu địa hình dưới nước cho
phép). Washington hoàn toàn đúng khi chống lại sự xâm lấn lén lút của
Trung Quốc dựa trên quyền của các nước đi biển.
Sự tương tự của Biển Đen không
làm thay đổi điều này, chủ yếu vì các động lực ở đó hoàn toàn khác biệt
so với những gì phổ biến ở Biển Đông ngày nay. Theo tôi, tình huống phải
vượt qua ba cuộc kiểm tra về sự tương đồng giữa Nga – Georgia thì mới
phù hợp. Thứ nhất, phải đưa một nước lớn đấu với một nước nhỏ về lợi ích
ngoại biên của Mỹ. Thứ hai, sự bất đối xứng trong sức mạnh quân sự phải
tới mức mà bên mạnh hơn có thể thực hiện một việc đã rồi, chế ngự đối
thủ yếu hơn trước khi Mỹ và cộng đồng quốc tế có thể tập trung quyết tâm
và vũ lực để can thiệp. Và thứ ba, khoảng cách từ các lực lượng Mỹ tới
nơi xảy ra xung đột phải xa tới mức Washington không thể triển khai lực
lượng kịp thời để tạo ra một sự khác biệt. Quân đội Mỹ sẽ thiếu các căn
cứ ở phía trước để sắp xếp và duy trì vũ khí gần chiến trường. Thật may,
Biển Đông hoàn toàn không không đáp ứng bất kỳ cuộc kiểm tra nào như
thế này.
Trước tiên, cân nhắc sự chênh
lệch về sức mạnh giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn. Rõ ràng
là Trung Quốc áp đảo bất kỳ quốc gia Đông nam Á nào trong một cuộc đấu
nhau một chọi một, và với sự cách biệt khá lớn. Chẳng hạn, Chính phủ
Philippines đã quyết định gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của nước
này, lên tới 2,5 tỷ USD. Quân đội Mỹ sẽ tiêu tốn cỡ đó vào con tàu sắp
tới, tàu khu trục có tên lửa điều khiển, loại Arleigh Burke. Ngược lại,
Trung Quốc dành 91,5 tỷ USD trong năm nay, theo các con số chính thức,
và con số này có thể ít hơn so với thực tế. Số tiền chi tiêu này nhiều
gấp 36 lần ngân sách của Philippines. Một dữ kiện khác: gần đây Lực
lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã chuyển tàu tuần tra, loại Hamilton, năm 1967,
cho phía Philippines. Con tàu tuần tra này đã trở hành niềm tự hào của
Hải quân Philippines, thay thế con tàu khu trục hộ tống, được chế tạo
cho Hải quân Mỹ thời Đệ nhị Thế chiến. Điều này cho thấy rõ sự yếu kém
của Manila trên biển. Không có gì phải ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo
Philippines đã phải viện đến hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines
với hy vọng dụ dỗ Washington ủng hộ các tuyên bố lãnh hải của họ. Họ cần
sự giúp đỡ.
Đơn giản là lực lượng vũ trang
Philippines không thể đọ với những hạm đội mà các cơ quan giám sát hàng
hải của Trung Quốc triển khai, huống hồ gì những hạm đội viễn dương ở
các xưởng đóng tàu mà Hải quân Trung Quốc hiện đang đóng. Giáo sư
Goldstein đã đề cập đến phần nhiều thực tế là Bắc Kinh dựa vào “các tàu
tuần tra không vũ trang” do các cơ quan phi quân sự triển khai “để thực
thi các tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông“. Đây “rõ ràng là
một dấu hiệu” rằng Trung Quốc “không muốn leo thang thành xung đột vũ
trang“. Tất nhiên, Bắc Kinh không muốn leo thang, biến các tranh chấp
lãnh thổ thành xung đột quân sự. Điều mà một chính phủ ôn hòa muốn phát
triển mà không có chiến tranh, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra mà không
gặp phải hậu quả ngoài ý muốn kèm theo chiến tranh là gì? Bằng cách
triển khai những con tàu để bảo vệ các tuyên bố của mình, Bắc Kinh ra
hiệu thực tế là, đơn giản nước này đang thực hiện chính sách chủ quyền
trên biển. Nước này muốn gắn các tuyên bố với tính hợp pháp. Nhưng nếu
các nước Đông nam Á kiên quyết phản đối, chắc chắn là Trung Quốc sẽ cử
các tàu của Hải quân Trung Quốc tới thực thi ý muốn của họ. Như cựu Thủ
tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu dự đoán, “đằng sau những con tàu tuần
tra nhỏ này là hải quân viễn dương” nếu các cơ quan thi hành luật của
Trung Quốc không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Đây không phải là một kịch bản
phi thực tế. Sự chênh lệch giữa Trung Quốc và các nước láng giềng không
lớn tới mức như giữa Nga và Georgia. Tbilisi chỉ có một mình trong thế
bế tắc với Moscow, trong khi các nước Đông Nam Á, được xem như một khối,
có nhiều nguồn lực to lớn. Chẳng hạn như Việt Nam có quân đội không thể
coi thường và đang mua sắm nhiều tàu ngầm loại Kilo của Nga cho hải
quân nước này. Khả năng chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc từ Việt Nam
ngày càng tăng. Nếu Bắc Kinh giữ thói ngoại giao trịch thượng trong khi
cố thực thi luật lệ của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp thì nước
này có thể tạo ra một “cộng đồng lợi ích” giữa các chính phủ Đông Nam Á.
Nếu các nước nhỏ thấy lợi ích chung bị đe dọa ở Biển Đông, họ có thể
hợp sức để tạo ra một đối trọng trước các tham vọng của Trung Quốc. Liệu
các nước láng giềng của Trung Quốc có đoàn kết vì sự nghiệp chung hay
không, phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Bắc Kinh có gia tăng chính sách
“ngoại giao nụ cười”, không đe dọa, hoặc “chiến dịch lấy lòng” trong
khu vực, thay thế cho vẻ mặt dọa dẫm mà nước này thường chường ra trong
những năm gần đây.
Điểm rộng hơn là Đông Nam Á giữ
vai trò còn quan trọng hơn cả lợi ích cận biên đối với Mỹ. Sự tương phản
này hầu như không lộ rõ hơn giữa Biển Đông nằm ở vị trí chiến lược với
Biển Đen hẻo lánh. Biển Đen có thể đúng là một vùng biển chết đối với
chính sách của Mỹ. Điều này dường như nằm ngoài suy nghĩ của Goldstein,
người cho rằng tự do hàng hải “đã trở thành một trụ cột chính trong
chính sách của Mỹ tại khu vực” và rằng điểm được cho là mấu chốt này
“trên thực tế khá là vô lý”. Nhưng tự do của các vùng biển này không
phải là một khái niệm mới lạ nào đó. Nó đã là một trụ cột của chính sách
ngoại giao Mỹ trong nhiều thập niên qua. Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ
đã chỉ ra một cách hữu ích rằng Chương trình Tự do Hàng hải có từ thời
Carter hồi cuối những năm 1970. Kể từ đó, các chính quyền kế tiếp nhau
thuộc cả hai đảng chính trị đều từ chối “đồng ý với những hành động đơn
phương của các nước khác nhằm hạn chế các quyền và sự tự do của cộng
đồng quốc tế về hàng hải, việc bay trên các vùng trời và việc sử dụng
các vùng biển khơi có liên quan khác”.
Ngăn cản các quốc gia ven biển
khỏi việc vây chiếm các phần của chung toàn cầu, gây hại cho tự do trên
biển, chẳng thể là vô lý. Chương trình Tự do Hàng hải “hoạt động trên
một một lộ trình bộ tam, bao gồm không chỉ những thể hiện về ngoại giao
và sự quyết đoán về hành động của các đơn vị quân đội Mỹ mà còn cả những
tham vấn đa phương và song phương với các chính phủ khác trong một nỗ
lực nhằm thúc đẩy sự ổn định hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bộ
máy quân sự và ngoại giao Mỹ thường phản đối các tuyên bố quá thể, luôn
có một cách để củng cố luật pháp quốc tế theo thời gian nếu không có đối
thủ. Bộ Ngoại giao đã nhiều lần đưa ra phản đối với các chính phủ vi
phạm. Các đơn vị Hải quân Mỹ đã chủ ý vượt qua những giới tuyến được vẽ
sai trên bản đồ, phát đi một thông điệp rằng Washington phản đối những
giới tuyến đó.
Nếu tự do hàng hải gần đây mới
trở thành một vấn đề nóng bỏng ở Biển Đông thì đó là bởi vì những xác
nhận của Trung Quốc về “chủ quyền không thể chối cãi” đối với gần như
toàn bộ vùng biển này là một điều khá mới mẻ. Chỉ trong năm 2009, Trung
Quốc đã gửi một bản đồ lên Liên Hợp Quốc mô tả các tuyên bố chủ quyền
trên biển của họ. “Đường 9 đoạn” được vạch ra trên bản đồ bao gần như
trọn Biển Đông. Trong năm 2010, các quan chức Trung Quốc hiển nhiên gọi
vùng biển đó là một “lợi ích quốc gia cốt lõi” – một lợi ích mà Trung
Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để giữ gìn. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã
nhanh chóng phản ứng rằng Washington có một “lợi ích quốc gia” về tự do
hàng hải qua các vùng biển trong khu vực. Nhưng bà Clinton chỉ nhắc lại
các mục tiêu chính sách của Mỹ đã được định rõ từ hàng chục năm trước.
Thật khó để mà phóng đại tầm
quan trọng của Biển Đông đối với chiến lược hàng hải của Mỹ. Chiến lược
Phối hợp Hải lực Thế kỷ 21 năm 2007, thông điệp quyền lực nhất của các
cơ quan hàng hải Mỹ về cách thức họ nhìn nhận môi trường chiến lược và
dự định hưởng ứng điều đó, chỉ rõ khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ
Dương (trong đó có Vịnh Ba Tư) là những sân khấu trung tâm để sử dụng
sức mạnh cứng của Hải quân Mỹ.
Biển Đông nằm giữa đường nối
giữa hai sân khấu này. Nó là một cửa ngõ không chỉ cho tàu buôn mà còn
cả cho các hải quân, tạo thuận lợi về diễn tập chiến lược của các lực
lượng Mỹ. Quân đội Mỹ được triển khai chủ yếu dọc các rìa phía đông và
phía tây của lục địa Á Âu, ở Bahrain, Nhật Bản và Guam. Các lực lượng
vượt biển phải “di chuyển nhịp nhàng” giữa hai đại dương, tập trung
đương đầu với các sự kiện bất ngờ nảy sinh ở một hoặc hai nơi này. Nếu
bị chặn một lối đi qua Biển Đông, quân Mỹ sẽ buộc phải đi vòng xuống
phía nam, quanh các quần đảo Indonesia và Philippines. Sự lanh lẹ của
cường quốc hải quân Mỹ ở sân khấu lớn “Indo – Thái Bình Dương” sẽ phải
chịu cảnh tương tự, làm giảm tính hiệu quả chiến lược của Mỹ.
Thứ hai, vẫn có một câu hỏi để
mở rằng liệu Bắc Kinh có phô sức mạnh để làm mất tinh thần các nước láng
giềng nhanh tới mức đặt Mỹ vào một sự việc đã rồi. Goldstein dường như
có quan điểm nước đôi về sức mạnh hải quân Trung Quốc. Một mặt, ông mô
tả Hải quân PLA là yếu đuối tới mức nước này phải tái bố trí các tàu
ngầm cùng cùng nhiều tài sản khác tới Biển Đông nhằm tránh các lực lượng
Mỹ – Nhật đóng quân ở phía bắc. Mặt khác, ông ngụ ý rằng Quân đội Giải
phóng Nhân dân Trung Quốc gần như vô địch. Một Trung Quốc với quân đội
như vậy có thể thắng thế ở Đông Nam Á trước khi người ngoài có thể can
thiệp. Thế là sao? Điều chắc chắn đúng là các khả năng “chống tiếp cận”
mà PLA đang xây dựng sẽ tỏ ra khó chịu cho bất cứ đối thủ nào của Trung
Quốc. Các tư lệnh PLA có thể đổi hướng các vũ khí như các tên lửa chống
tàu phóng từ ven bờ về phía hải quân các nước Đông Nam Á trong khi ngăn
chặn các nỗ lực can thiệp vào khu vực của Mỹ, Ấn Độ và các cường quốc
bên ngoài khác. Số lượng các lựa chọn của Bắc Kinh tăng lên nhiều lần
khi sức mạnh quân sự Trung Quốc lớn mạnh.
Nhưng cùng lúc đó, sự tăng cường
lực lượng của hải quân và quân đội Trung Quốc vẫn còn là một việc đang
được tiến hành, trong khi Bắc Kinh phải đối mặt với rất nhiều thách thức
to lớn dọc bờ biển châu Á. Từ bắc tới nam, Trung Quốc phải xoay xở với
bế tắc hạt nhân Bắc Triều Tiên, với việc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh sự hiện
diện ở Nhật Bản, các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở Biển Đông Trung
Quốc, nền độc lập thực tế của Đài Loan, mớ bòng bong Biển Đông, các đe
dọa nhằm vào tàu thuyền trên Eo biển Malacca, và các lợi ích ngày càng
lớn ở Ấn Độ Dương. Không một vị tư lệnh khôn ngoan nào lại phân tán lực
lượng dù muốn hay không. Nếu PLA cố gắng làm tất cả mọi thứ, ở khắp mọi
nơi, họ có thể phải kết thúc mà chỗ nào cũng chỉ làm được rất ít. Các
lực lượng vũ trang của Trung Quốc chỉ có thể thống trị được Biển Đông
nếu các tư lệnh sẵn sàng tập trung mọi tài sản của họ tới đó. Nhưng họ
làm thế với một rủi ro rất lớn đối với các lợi ích của Trung Quốc ở
những nơi khác thuộc “các vùng biển gần”. Đối mặt với rất ít thách thức ở
Biển Đen, Nga đã có sự tập trung cao độ chống Georgia, một sức mạnh
trên bộ nằm ngay bên cạnh mà họ có thể đè bẹp trước khi người ngoài kịp
can thiệp. Bối cảnh chiến lược này sẽ không cho phép Trung Quốc có được
sự xa xỉ đó.
Và thứ ba, các lực lượng Mỹ vẫn
tiếp tục bám trụ ở Đông Bắc Á, giúp họ tác động đến các sự kiện một cách
dễ dàng hơn so với Biển Đen. Như Goldstein đã chỉ ra, thực hiện một
hành trình cứu viện tới Georgia sẽ đặt hậu cần Mỹ trước những yêu cầu
khắc nghiệt nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Cũng chính
xác là các thành trì của Mỹ ở Nhật Bản nằm trong tầm bắn của hàng trăm
tên lửa đạn đạo Trung Quốc và các chiến đấu cơ chiến lược. Sức chống đỡ
thời chiến của các căn cứ này ngày càng đáng nghi. Thế nhưng, các biện
pháp trả đũa luôn có sẵn. Chẳng hạn, các đồng minh đang lắp đặt các hệ
thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên các tàu chiến Aegis. Chúng có thể
tăng cường sức mạnh cho các căn cứ quân sự bằng những cách đơn giản (dù
đắt tiền) chẳng hạn như xây dựng các nhà chứa kiên cố cho máy bay và tàu
thuyền. Nói tóm lại, các chính khách và tư lệnh hải quân Mỹ có trong
tay nhiều lựa chọn hơn so với Trung Quốc ngày nay hơn là với Nga năm
2008.
Tóm lại, sự tương đồng Nga –
Georgia có nghĩa như một sự chỉ dẫn cho chính sách của Mỹ về Biển Đông.
Goldstein đúng ở chỗ Mỹ không có lợi ích rõ ràng trong những tranh chấp
lãnh hải và không nên để bị lôi kéo vào. Nhưng Washington cũng không thể
cho phép Bắc Kinh thiết lập quy tắc rằng các nước lớn có thể sửa đổi
hay hủy bỏ luật pháp quốc tế bằng cách tán thành. Tự do hàng hải không
phải của người Trung Quốc để nước này ban ra hay giữ lại. Nếu nó tách
rời khỏi khu vực, để mặc cho Trung Quốc đi đường của họ, Mỹ sẽ có nguy
cơ hóa ra mặc nhận trong một tiền lệ nguy hiểm. Nước này có thể để mất
quyền tự do thao diễn chiến lược cùng với vị thế là một nước bảo đảm các
lợi ích chung toàn cầu.
Goldstein kết luận bài viết của
ông bằng cách viện dẫn học thuyết “Cây gậy lớn” của Theodore Roosevelt,
kêu gọi chính quyền Obama “dịu giọng” qua “ngoại giao mềm dẻo, thiết
thực và kín đáo” ở Đông Nam Á. Đúng là như vậy, “Theodore Roosevelt” là
một người tin tưởng nhiệt thành với chính sách ngoại giao đằng sau hậu
trường. Nhưng đối với ông ấy, vung cây gậy lớn có nghĩa là khéo xử sự
trong khi chẳng nhường gì cả về mặt nguyên tắc. Điều này cũng có nghĩa
là ủng hộ chính sách ngoại giao Mỹ bằng nhiều nguồn dự phòng về sức mạnh
quân sự, chứng kiến hải trình của “Great White Fleet” (*) năm
1907-1909, một hành động đã được thiết kế để ngăn không cho Đế quốc Nhật
tạo ra một khu vực mà họ muốn kiểm soát trên biển ở Tây Thái Bình
Dương. Tự do ở các vùng biển là nguyên tắc không thể thương lượng đối
với Roosevelt, và điều đó phải được tiếp tục cho đến ngày nay. Cây gậy
lớn của ông là một kim chỉ nam tuyệt vời đối với chính sách ngoại giao
Mỹ, chứ không phải theo cách mà Goldstein muốn khuyên chính phủ làm
theo.
Tác giả: ông James Holmes
là phụ tá giáo sư chiến lược ở Trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ. Bài
viết này thể hiện quan điểm của riêng tác giả.
Ảnh: Hải quân Mỹ
Trúc An dịch từ The Diplomat
(*) Ghi chú của BTV: “Great
White Fleet” là tên của hạm đội chiến đấu Hải quân Hoa Kỳ dưới thời Tổng
thống Theodore Roosevelt, do những chiếc tàu chiến này được sơn màu
trắng nên có tên “White Fleet”. Những con tàu này có mặt khắp nơi trên
thế giới, thường là những chuyến viếng thăm, thể hiện thiện chí của Mỹ,
nhưng đôi khi những chiếc tàu này còn hộ tống các viên chức ngoại giao
Mỹ, khi đến nói chuyện với những nước “cứng cổ”, có tham vọng bành
trướng trên biển. Trên bờ, các viên chức ngoại giao thể hiện thiện chí
của Mỹ (củ cà rốt), nhưng ở dưới biển là những chiếc tàu chiến của
“Great White Fleet” đang đậu, với ngụ ý rằng, nếu “cứng cổ” thì sẽ bị ăn
gậy!
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
No comments:
Post a Comment