Saturday, October 29, 2011

ĐÔNG NAM Á ĐANG NGÀY CÀNG HƯỚNG TỚI DÂN CHỦ


Theo đánh giá của các chuyên gia, Đông Nam Á hiện đang có những thay đổi mang tính tích cực trên con đường hướng tới dân chủ. Từ vài tuần qua, thế giới vẫn tập trung chú ý tới việc Chính quyền Mianma đang nới lỏng sự kiểm soát đối với người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là diễn biến mới nhất của quá trình thay đổi đang diễn ra trong mùa Hè năm nay tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Xinhgapo, sau cuộc bầu cử vào tháng 5/2011, Đảng Hành động Nhân dân (PAP), vốn cầm quyền từ lâu, vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước này. Tuy nhiên, việc dân chúng bất mãn trước các chính sách thiếu hiệu quả của PAP trong vấn đề kiềm chế giá cả hàng tiêu dùng cũng như chính sách di trú đã khiến số phiếu dành cho đảng này tụt xuống mức thấp nhất từ trước tới nay: Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố cuộc bầu cử là bước ngoặt lớn và đã làm thay đổi cục diện chính trị của Xinhgapo.
Tại Malaixia, Thủ tướng Najib Razak đã bãi bỏ hai bộ luật an ninh vốn tác động lớn tới đất nước này, đồng thời nới lỏng các biện pháp hạn chế truyền thông. Trước đó, công luận Malaixia tỏ ra phẫn uất trước cách hành xử của cảnh sát đối với một cuộc biểu tình có đông đảo người tham dự ở thủ đô Cuala Lămpơ vào thán 7/2011, nhằm yêu cầu chính phủ gia tăng năng lực quản lý đất nước.
Tại Thái Lan, đảng của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội. Đây là thắng lợi của phe Áo Đỏ, những người ủng hộ ông Thaksin. Trong năm 2010, phe Áo Đỏ từng tham gia những cuộc xung đột đẫm máu với lực lượng an ninh nước này.
Sự thay đổi có bước đột phá ở Mianma
Sau khi giới lãnh đạo quân sự Mianma được giải thể, chính phủ dân sự mới hình thành ở đất nước này đã thực hiện nhiều thay đổi mang tính đột phá, trong đó có việc Mianma trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, đối thoại với nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, kêu gọi đối thoại với phe nổi dậy thuộc các nhóm thiểu số đồng thời bãi bỏ việc xây đập thuỷ điện Myitsone trị giá 3,6 triệu USD do Trung Quốc tài trợ.
Tuy nhiên, ông Simon Tay, Chủ tịch Học viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Xinhgapo cho biết, tất cả những thay đổi trên là do Chính phủ Mianma tự thực hiện chứ không phải do áp lực từ phía dân chúng. Điều này không giống như những sự kiện diễn ra ở Xinhgapo, Malaixia và Thái Lan. Theo ông Tay, các thể chế chuyên quyền cần phải quan tâm nhiều hơn tới ý kiến của dân chúng. Vấn đề là liệu những người dân nằm ngoài vòng  quyền lực ở Xinhgapo, Malaixia và Thái Lan có thể chống lại các thể chế cầm quyền hay không.
Mặc dù tình hình ở Mianma trước đây từng được xem là đã ‘chính muồi’ cho một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, theo đánh giá, những sự kiện diễn ra ở Trung Đông là tác nhân cho các thay đổi hiện nay ở Mianma.
Theo lời ông Della-Giacoma, Giám đốc Dự án Đông Nam Á của Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG), tiến trình cải tổ đang diễn ra ở Mianma được quản lý chặt chẽ, có chủ đích và phương pháp. Sau khi Tổng thống Thein Sein có vẻ như đã giải quyết được một số tranh chấp chính trị nội bộ, ông đã thực hiện công cuộc cải tổ ở mức độ nhanh chóng khiến nhiều người ngạc nhiên.
Ông Della-Giacoma cho rằng việc diễn ra cải tổ ở Mianma không phải vì chính quyền lo sợ tác động của các cuộc nổi dậy ở Trung Đông có thể diễn ra tại đất nước này mà vì mối quan ngại đất nước có thể bị tụt hậu sau các quốc gia khác. Ông nói: “Tình trạng bị cô lập trong khoảng 20 năm qua đã khiến Mianma bị các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á bỏ xa trong vấn đề phát triển cũng như sự hưng thịnh. Vì vậy, hiện Mianma muốn đuổi kịp những nước đó”.
Hiệu ứng Air Asia
Cách đây hơn 25 năm, nhiều  quốc gia Đông Nam Á nằm dưới sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo chuyên quyền hoặc các tướng lĩnh quân đội.
Những nhân vật lật đổ Tổng thống Ferdinand Marcos ở Philíppin năm 1986 và Tổng thống Suharto của Inđônêxia vào năm 1998 đã mang lại nhiều thay đổi cho những đất nước này. Kể từ đó, sự thay đổi bắt đầu phát triển và lan rộng một cách vững chắc tại nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Các chế độ dân chủ bị kiểm soát ở Xinhgapo và Malaixia hiện đã trở nên tự do hơn. Trong khi đó, các chế độ cai trị dưới sự hậu thuẫn của quân đội ở Thái Lan và Inđônêxia đã nhường chỗ cho những chính phủ do dân bầu lên. Hai nước này hiện được xem là những quốc gia đa nguyên nhất trong khu vực châu Á.
Brunây hiện vẫn còn là một vương quốc nơi người dân bị kiểm soát chặt chẽ trong khi Campuchia và Lào vẫn còn một ‘quãng đường dài’ trên con đường tiến tới dân chủ. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Jim Della-Giacoma, đã có rất nhiều xu hướng thay đổi diễn ra tại những đất nước này. Ông Della-Giacoma cũng cho rằng ‘Hiệu ứng Air Asia’ đã thúc đẩy tiến trình cải tổ chính trị trong khu vực Đông Nam Á.
Air Asia là tên một hãng hàng không giá rẻ tại châu Á. Tên gọi ‘Hiệu ứng Air Asia’ bao hàm ý nghĩa rằng nếu việc người dân có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ để đi lại đã giúp họ có được tầm nhìn rộng lớn và bao quát hơn, đồng thời có thể so sánh tình hình chính trị tại các quốc gia.
Châu Á hướng tới dân chủ
Phó Giáo sư Jaime Davidson, chuyên ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Xinhgapo cho biết các sự kiện diễn ra ở Đông Nam Á trong thời gian qua thể hiện khuynh hướng dân chủ và “đang hướng tới việc giải phóng chính trị” tại khu vực này. Tuy nhiên, hiện đang có sự giằng co giữa các thành phần lãnh đạo bảo thủ trong khu vực và các thành phần này đều cố gắng kiềm chế các hoạt động hướng tới dân chủ.
Trên thực tế, tiến trình hướng tới dân chủ đã âm ỉ từ nhiều năm qua và trong ngắn hạn, các chính thể sẽ khong luận phiên ‘đổ’ hàng loạt theo kiểu hiệu ứng đôminô./.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment