Tuesday, October 25, 2011

Nổ Súng Hãm Thanh?


Trần Khải - Ai sẽ nổ súng ở Biển Đông trước? Có phải đó là lời hăm dọa mới đưa ra một cách không chính thức của Trung Quốc qua tờ báo ở Bắc Kinh?
Và nổ súng sẽ diễn ra thế nào, thí dụ, Hải Quân TQ sẽ đổ bộ các đảo do Việt Nam còn đang trấn giữ  trong quần đảo Trường Sa? Và nổ súng vang dội hay chỉ nổ súng hãm thanh? Hay thực tế TQ đã cho nố súng với nòng hãm thanh bằng cách cắt dây cáp tàu dầu VN, đụng chìm tàu ngư dân Việt, cho 500 tàu cá TQ vào vét ngư trường Quảng Ngãi và Quảng Nam?
Chuyện taù lạ đụng chìm tàu ngư dân Việt lại mới xảy ra hôm Thứ Hai 24-10-2011 tại ngư trường Việt Nam, chỉ gần 10 ngày sau khi ông Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng ký bản văn có tên là “Tuyên bố chung hai nước Việt Nam và Trung Quốc.”
Thông tấn VnExpress hôm Thứ Bảy 15/10/2011, đã đăng bản tin về lời thề non hẹn biển giữa hai đảng CSVN và CSTQ, trích như sau:
“Ngày 15/10, tại thủ đô Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Nội dung tuyên bố chung như sau...(...)
... Hai bên nhấn mạnh tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau là kinh nghiệm quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh; khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt-Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau.
Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt,” từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài.
... thúc đẩy thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước; tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ; triển khai thí điểm tuần tra chung biên giới đất liền vào thời điểm thích hợp; tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; tăng cường hợp tác trong các mặt như tàu hải quân hai nước thăm nhau....
... Hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; nhấn mạnh ý chí và quyết tâm chính trị thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông; cho rằng điều này phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ tầm cao chính trị và chiến lược, kịp thời chỉ đạo xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển....”(hết trích)
Tình hữu nghị đời đời Việt-Trung? Đúng là bản văn nói như thế, y hệt như trong tiểu thuyết tình cảm khi chàng và nàng gặp nhau, và có thể là sắp xa nhau. Vậy rồi vụ đụng chìm taù hôm Thứ Hai 24/10/2011 sẽ giải thích ra sao... khi ngư dân Việt không thấy “tuần tra chung” nào hết, không thấy cả Hải Quân VN và dân quân biển VN nào theo bảo vệ hết.
Bản tin thông tấn Bee hôm 25/10/2011 kể chuyện như sau:
“Bị tàu lạ tông, 12 ngư dân gặp nạn
Chiều 25/10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang điều tra làm rõ vụ một tàu cá ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, bị tông, làm một ngư dân bị thương.
Được biết vào khoảng 22h30 ngày 24/10, tại vùng biển xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, chiếc tàu cá mang số hiệu QNG 9222 TS, của ông Trần Ngọc Nga, ở cùng địa phương, trên tàu có 12 ngư dân, đã bị một tàu lạ đâm, làm một ngư dân rơi xuống biển và bị thương; còn thân tàu bị hư hỏng nặng, đồng thời làm khoảng 2000 lít dầu tràn ra khoang.
Để tàu khỏi bị chìm, cùng với bơm toàn bộ số dầu tràn xuống biển, ngư dân đã phải sửa chữa phần thân bị hư hỏng. Đến sáng sớm 25/10, chiếc tàu chạy và cập cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, an toàn.
Vụ tai nạn đã làm thiệt hại khoảng 150 triệu đồng, ông Nga cho biết.”
Tại sao đụng chìm tàù ngư dân Việt mà không chịu cứu vớt các ngư dân té xuống biển? Có phải đó là hữu nghị đời đời chăng?
Tuy nhiên, người ta dễ dàng hiểu được “sự cố” đụng chìm taù ngư dân Việt vừa mới sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng là qua bài viết rất vang dội từ  Bắc Kinh.
Đài RFI hôm Thứ Ba 25/10/2011 loan tin:
“Vào hôm nay, 25/10/2011, Bắc Kinh lại bật đèn xanh cho báo chí hù dọa các láng giềng. Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), đã nêu đích danh Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc, để cảnh cáo các nước đang tranh chấp chủ quyền trên các vùng Biển Đông và biển Hoa Đông với Trung Quốc là phải thay đổi lập trường, nếu không muốn chịu cảnh binh đao.
Trong bài xã luận viết bằng cả Anh ngữ lẫn Hoa ngữ, mang tựa đề «Đừng xem phương thức tiếp cận hòa bình là điều được hưởng mãi mãi», tờ báo này đã tố cáo các láng giềng của Trung Quốc là đã lợi dụng «đường lối ngoại giao hiếu hòa» của Bắc Kinh để thủ lợi cho riêng mình. Do đó, tờ báo cho rằng : «Nếu không thay đổi thái độ, các nước này sẽ phải chuẩn bị tinh thần để nghe thấy tiếng đại pháo», và chính quyền Trung Quốc cũng phải sẵn sàng cho biện pháp «phản công» quân sự, vì đây có thể là biện pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp.
Dù có đề cập đến Hàn Quốc, nhưng Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc đặc biệt gay gắt với Philippines và Việt Nam bị họ cho là «Tưởng rằng Trung Quốc đang bị sức ép nhiều phía, nên nghĩ rằng thời cơ đã đến để buộc Trung Quốc phải từ bỏ quyền lợi của mình» ở Biển Đông. Đối với tờ báo này, chính quyền Bắc Kinh cần phải tính đến một số biện pháp quân sự, nếu «tình hình xấu đi».
Đây không phải là lần đầu tiên mà tờ Hoàn cầu Thời báo có lời lẽ hung hăng với Việt Nam và Philippines. Cuối tháng 9 vừa qua, tờ báo này đã từng đăng bài của một tác giả ký tên là Long Đạo, kêu gọi Trung Quốc nên đánh phủ đầu Việt Nam và Philippines, hai nước đã dám chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Global Times không phải là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho dù trực thuộc Nhân dân Nhật báo. Tuy nhiên, tờ báo này được cho là diễn đàn của các thành phần diều hâu trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.
Theo giới phân tích, không phải là ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại bật đèn xanh cho tờ Hoàn cầu Thời báo đe dọa các láng giềng vào thời điểm này. Nhân vòng công du châu Á đầu tiên của mình khỏi sự từ chủ nhật 23/10, tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lên tiếng xác định trở lại với các nước trong vùng là Hoa Kỳ sẽ không cắt giảm lực lượng quân sự tại châu Á, cho dù ngân sách quốc phòng Mỹ sắp bị thu hẹp.”(hết trích)
Cũng không phải tình cờ cho vụ đụng chìm tàu ngư dân Việt, khi chúng ta đọc được bản tin trên VOA hôm 25/10/2011 rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa và người đồng nhiệm Việt Nam, Tướng Phùng Quang Thanh đã ký kết một biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Bản tin nói ký kết này diễn ra trong khuôn khổ cuộc hội đàm giữa ông Ichikawa và ông Thanh tại Tokyo của Nhật Bản ngày hôm Thứ Hai, và “trong cuộc hội đàm này hai bên đã đề cập đến việc Trung Quốc nhiều lần cản trở các hoạt động hàng hải của các nước khác, trong đó có cả Việt Nam, và đồng ý về tầm quan trọng của việc thắt chặt quan hệ song phương trong bối cảnh đó.”
Biển Đông thực sự đã nổ súng, tuy là với nòng hãm thanh nhưng đã là vang dội khắp Việt Nam rồi. Hãy ngưng mọi ảo tưởng, và hãy thấy ai thực là những người bạn khả tín cho VN.

1 comment:

  1. Nhìn các nước chung quanh biển Đông,hầu hết đều là đối nghịch với Trung cộng. Tôi nghĩ rằng tổ cha thằng Trung cộng cũng không dám nổ súng trước

    ReplyDelete