Wednesday, October 5, 2011

“Đã đến lúc Trung Quốc đánh trả”



Jason Miks - Các nước Đông Nam Á giống như “lũ muỗi” cần phải được dạy cho một bài học, theo Hoàn Cầu Thời báo, phụ trương của tờ Nhân dân Nhật Báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một nhà báo dùng bút danh Long Tao (có nghĩa là lời giáo huấn của Rồng), viết: “Philippines, giả vờ yếu đuối và ngây thơ, đã tuyên bố rằng những con muỗi không cần thận trọng trước sức mạnh của voi Trung Quốc. Voi sẽ biết kềm chế nếu chính những con muỗi biết đối xử khéo. Nhưng giờ đây dường như chúng ta có một câu chuyện hoàn toàn khác, vì lũ muỗi thậm chí còn mời một con đại bàng (Mỹ) tới dự bữa tiệc đầy tham vọng của chúng. Tôi tin rằng việc xâm phạm và tập trận quân sự liên tục là cái cớ tốt nhất để Trung Quốc đánh trả“.



Lời cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc căng thẳng gia tăng ở biển Đông đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và các nước khác tuyên bố chủ quyền. Mùa hè này, cả Việt Nam và Philippines đã kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài để đương đầu với điều mà họ gọi là sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc, trong đó có việc quấy rối các tàu đánh cá và cố ý cắt cáp tàu của Petro Việt Nam trên biển.

Long viết: “Thật buồn cười khi thấy một số nước này đe dọa, thậm chí đối đầu với Trung Quốc bằng vũ lực, chỉ vì Mỹ tuyên bố ‘đã trở lại châu Á. Căng thẳng chiến tranh đang leo thang từng giây từng phút nhưng thế chủ động không nằm trong tay chúng ta. Trung Quốc sẽ tham gia khai thác dầu khí ở Biển Hoa Nam (nguyên văn: Biển Đông)… Đối với những kẻ xâm phạm chủ quyền của chúng ta để ăn cắp dầu, chúng ta cần phải cảnh cáo chúng một cách lịch sự, rồi sau đó hành động nếu chúng không đáp lại“.

Thông điệp cuối cùng có thể nhắm tới là Ấn Độ. New Delhi không phải là một nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng đã thông báo nước này có ý định tham gia khai thác dầu khí ở vùng biển giàu tài nguyên này với Việt Nam.

Theo bà June Teufel Dreyer, giáo sư tại Đại học Miami và là một chuyên gia về Trung Quốc, bài viết nói trên rất quan trọng, không những thể hiện ý định của Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn là dấu hiệu về chính trị cấp cao ở Trung Quốc.

Bà cho biết: “Biệt danh của tác giả xuất phát từ Sáu Giáo lý Quân sự Bí mật. Tôi được kể rằng một trong số đó là, một người muốn tạo dựng ưu thế về quân sự thì phải tiêu diệt những kẻ không quy phục ở cấp cao nhất. Tôi cho rằng thông điệp của Long Tao mang tính ẩn dụ: hạ gục những ai luôn muốn phần ‘hòa bình’ của ‘sự trỗi dậy hòa bình’. Anh ta cảm thấy rằng, đã đến lúc Trung Quốc thôi giữ kín vốn quý của họ, như Đặng Tiểu Bình đã khuyên dạy, và khẳng định mình trên trường quốc tế. Điều đó dường như có sự liên quan trực tiếp với vấn đề kế vị lãnh đạo hiện nay đang diễn ra ở Bắc Kinh”.

Ý kiến cho rằng ‘đã đến lúc chúng ta… tấn công trước tiên, trước khi mọi thứ dần dần vuột khỏi tầm tay’ nhắc tôi nhớ về ‘gió đông thổi bạt gió tây’ của Mao với thông điệp là nếu chúng ta không chớp lấy thời cơ, ngọn gió sẽ đổi chiều ập vào chúng ta“, bà nói thêm.

Khi được hỏi, điều gì có thể xảy ra tiếp, bà Dreyer trả lời rằng, bà dự đoán vài ngày tới sẽ chứng kiến một nỗ lực ở cấp quan chức nhằm xoa dịu tình hình, chẳng hạn một thông điệp dịu giọng từ Bộ Ngoại giao rằng Trung Quốc đã luôn và tiếp tục mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, mặc dù cũng có thể có một sự phô trương sức mạnh dưới dạng các tàu tuần tra trong khu vực.

Tôi không chắc người Việt Nam sẽ có bất kỳ hành động nào, và tôi lạc quan rằng điều duy nhất Manila sẽ làm là phàn nàn với Mỹ“, bà đánh giá.

Tuy nhiên có thể Trung Quốc sẽ tự bắn vào chân mình khi nói như vậy?

Rủi ro đối với Trung Quốc qua việc liên tục có những tuyên bố lớn tiếng – và như bạn biết đấy, nhiều tuyên bố từ các nhân vật cấp cao, trong đó có các sĩ quan cấp đô đốc trong Quân đội Trung Quốc – đó là, một số thành viên ASEAN có thể tìm kiếm các mối quan hệ quốc phòng thân thiết hơn với Ấn Độ và Nhật Bản. Quân đội Việt Nam và Indonesia rất đông và được trang bị khá tốt. Quân đội Ấn Độ cũng vậy, nước này đang rất lo ngại về Trung Quốc“.

Về tác giả: Jason Miks là nhà báo ở Tokyo và là Tổng biên tập báo The Diplomat, một tạp chí online tập trung về các vấn đề khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là Thư ký Tòa soạn của Website Trung tâm về Các mối quan hệ Quốc tế, Diễn đàn Các vấn đề Quốc tế.

Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ.
Trúc An dịch từ The Diplomat
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

No comments:

Post a Comment