Đỗ Nam Hải - Phương Nam - “… Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng, mang trên mình còn lắm vết thương, Người vẫn hiên ngang ra chiến trường, vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc Lập - Tự Do!”.
Ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc
đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn
tuyến biên giới phía Bắc. Ngay trong đêm hôm đó, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã
sáng tác kịp thời bài hát “Chiến đấu vì độc lập - tự do”, trong đó có
những lời ca trên.
Hơn 1 năm sau, xuất phát từ
“thực tiễn sinh động” của 2 nhà nước cộng sản “núi liền núi, sông liền
sông” Việt Nam – Trung Hoa, trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp Việt Nam
năm 1980 có đoạn: “…Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng,
đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng
lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay
sai của chúng ở Campuchia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc,
quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam
và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập,
chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Hơn 32 năm sau, tình hình là như sau:
a) Hoạt động gây hấn của phía Trung Quốc:
- Trong những ngày cuối tháng 5
và đầu tháng 6 năm 2011, phía Trung Quốc liên tục có những hành động gây
hấn ở Biển Đông. Cụ thể là Trung Quốc đã huy động nhiều loại tàu xâm
phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines: từ tàu đánh
cá có tàu ngư chính yểm trợ đằng sau, cho đến các loại tàu hải giám và
cả tàu quân sự. Ngoài việc ngang nhiên xâm phạm, những tàu này còn tiến
hành những hoạt động phá hoại như đâm thẳng vào tàu đánh cá, cắt cáp
thăm dò các tàu Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam, bắt ngư dân để đòi
tiền chuộc,…
- Ngay sau đó, phía Trung Quốc
đã ra thông báo bác bỏ những cáo buộc họ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
và Philippines. Họ chối bừa rằng họ chỉ đang tiến hành các “hoạt động
bình thường” tại Biển Đông và “tàu hải giám Trung Quốc đã thực thi các
hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên
vùng biển của Trung Quốc”, rồi khẳng định: “Trung Quốc luôn nỗ lực duy
trì hòa bình trên Biển Đông”. Tướng Trung Quốc là Bành Quang Khiêm còn
tuyên bố: “Tranh chấp Biển Đông tồn tại từ lâu và tình hình đột nhiên
căng thẳng là do Việt Nam và Philippines gần đây liên tục khiêu khích.
Trung Quốc từng dạy cho Việt Nam một bài học. Nếu Việt Nam không chân
thành, tiếp tục diễu võ dương oai, múa trên lưỡi dao thì sớm muộn cũng
có ngày Việt Nam sẽ ngã trên lưỡi dao,...”.
b) Phản ứng của Philippines và thế giới:
Nhiều nhà hoạt động chính trị và
quân sự tại Philippines đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc là “kẻ bắt nạt”
trong khu vực. Báo Philippines Daily Inquirer dẫn lời Nghị sĩ Roilo
Golez cho rằng: “Chúng ta phải quốc tế hóa vấn đề tranh chấp biển Đông
trên kênh chính thức lẫn không chính thức”. Tổng thống Philippines ông
Begnino Aquino cho biết sẽ đệ trình lên Liên Hiệp Quốc chi tiết về các
vụ tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Philippines.
Trong Thông điệp Quốc gia hàng năm đọc trước Quốc hội vào tháng 7/2011, ông khẳng định: “…
Philippines sẽ nâng cấp lực lượng vũ trang hiện nay, bao gồm việc mua
tàu hải quân mới cùng nhiều vũ khí hiện đại. Chúng ta không muốn làm gia
tăng căng thẳng với bất kỳ nước nào nhưng chúng ta phải cho thế giới
thấy rằng chúng ta sẵn sàng bảo vệ những gì thuộc về mình. Philippines
sẽ không cho phép các quốc gia khác áp đặt ý chí riêng vào các tranh
chấp chủ quyền lãnh hải. Đây là lúc chúng ta không chỉ thể hiện sự đáp
trả với những đe dọa một cách rụt rè nữa. Thông điệp của chúng ta với
thế giới là rất rõ ràng: cái gì thuộc về Philippines là của
Philippines!”.
Đi đôi với những lời tuyên bố
trên, Philippines đã cho chiến đấu cơ đuổi tầu Trung Quốc xâm phạm ra
khỏi vùng biển nước này. Tương tự, khi Trung Quốc xâm phạm vùng trời,
vùng biển của mình thì Malaysia cho chiến đấu cơ và tàu chiến rượt đuổi,
Indonesia bắt giữ tàu Trung Quốc và phản đối lên Liên Hiệp Quốc, Nhật
Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm, v.v... Ngoài
ra, nhiều nước ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á như: Philippines, Malaysia, Hàn
Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, đã tiến hành các cuộc tập trận chung với hải
quân Mỹ trên biển Đông. Trước những phản ứng mạnh mẽ và kịp thời như vậy
của các nước trên, Trung Quốc đã buộc phải tạm co vòi lại.
Trong một diễn biến khác, Quốc
hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết lên án việc Trung Quốc dùng vũ lực ở biển
Đông. Đồng thời, kêu gọi một giải pháp đa phương, hòa bình cho các
tranh chấp tại khu vực này. Trong bản Nghị quyết có đoạn: “… Dù không
phải là một trong các nước cùng tranh chấp trên biển Đông, Mỹ muốn bảo
vệ quyền lợi kinh tế và an ninh của mình tại khu vực bằng sự bảo đảm
rằng không bên nào đơn phương dùng đến vũ lực để khẳng định chủ quyền
hàng hải của mình”.
c) Phản ứng của phía lãnh đạo Việt Nam:
- Ngày 25/6/2011, họ cử ông Hồ
Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam sang Trung Quốc gặp các ông
Trương Chí Quân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đới Bỉnh Quốc,
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc. Trong khi các báo đài lề phải ở Việt Nam đưa
tin sơ sài và mập mờ về cuộc gặp gỡ này thì ngày 28/6/2011, tờ Tân Hoa
Xã của Trung Quốc lại đưa tin rất chi tiết. Trong đó có đoạn: “… Cả
hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa
Trung Quốc và Việt Nam, nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn
ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và
sự tin cậy giữa nhân dân hai nước…”.
- Ngày 28/8/2011 tại Bắc Kinh,
trong cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt - Trung cấp thứ
trưởng lần thứ hai, dưới sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí
Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên,
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ông Vịnh
phát biểu: “… Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề giữa
Việt Nam và Trung Quốc vì chính lợi ích của chúng tôi…” và: “…Một thực
tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam
và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền.
Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung
Quốc...”.
Đề cập đến những cuộc biểu tình,
xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam nhằm chống lại những
hành động gây hấn của phía Trung Quốc từ đầu tháng 6/2011 đến nay, ông
Vịnh nói tiếp: “Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam và dứt khoát không để sự việc tái diễn”.
Nói và làm: những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn
đã bị công an đàn áp mạnh trong các tháng 6,7,8/2011. Những người Việt
Nam yêu nước bị bao vây, bắt bớ, bị đánh đập, bóp cổ và bị đạp vào mặt,…
Không những thế, họ còn bị lăng nhục trên các phương tiện thông tin đại
chúng, trong các cuộc họp chi bộ và các buổi họp tổ dân phố, …
- Về phía những nhà lãnh đạo cấp
cao của Việt Nam: cũng như những người tiền nhiệm, các ông Nguyễn Phú
Trọng – Tổng bí thư, Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước, Nguyễn Sinh Hùng –
Chủ tịch quốc hội, Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng chính phủ mới được bầu
trong năm 2011 đều tuyên bố một cách chung chung, đại loại như: “…
Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải giữ vững bằng được chủ quyền quốc
gia và sự ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường hòa bình và điều kiện
thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước…” hoặc: “chủ quyền biển
đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”, v.v…
- Về phía Quốc hội Việt Nam:
Quốc hội khóa mới, bế mạc vào ngày 6/8/2011 như thường lệ vẫn được đánh
giá là “thành công tốt đẹp”! Thế nhưng, phía sau sự “thành công tốt đẹp”
ấy thì: Nghị quyết về biển Đông không có, những nguy cơ khác đến từ
Trung Quốc như: sự nguy hiểm về nhiều mặt trong dự án khai thác bauxite ở
Tây Nguyên đang được hai bên triển khai, việc cho Trung Quốc thuê
300.000 ha rừng - thời hạn 50 năm tại nhiều tỉnh của Việt Nam, việc hàng
hóa độc hại, kém chất lượng, trốn thuế của Trung Quốc được nhập ào ạt
vào Việt Nam, việc lao động phổ thông Trung Quốc sống tại các khu riêng
biệt của người Trung Quốc xuất hiện ngày càng dày đặc từ Lạng Sơn tới Cà
Mau, việc thương lái Trung Quốc thu gom nguyên liệu của Việt Nam, v.v…
vẫn không sao ngăn chặn được. Tất cả những vấn đề trên và nhiều vấn đề
khác nữa, liên quan đến vận mệnh sống còn của dân tộc thì hoặc là không
có trong chương trình nghị sự, hoặc nếu có thì chỉ được đề cập đến một
cách qua quýt, chiếu lệ tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam.
Từ những trình bày trên, có thể rút ra một số nhận xét sau:
1) Dẫu mức độ và sự biểu hiện ra
bên ngoài trong mỗi giai đoạn lịch sử là khác nhau, nhưng có thể khẳng
định rằng: Mưu đồ muốn thôn tính Việt Nam của Trung Quốc là không hề
thay đổi, dù đó là Trung Quốc phong kiến xưa hay Trung Quốc cộng sản
nay. Trung Quốc hiểu rất rõ rằng: trong điều kiện thế giới ngày nay,
việc tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược bằng quân sự toàn diện vào
Việt Nam là rất khó thực hiện. Vì vậy, họ đã tìm một cách xâm lược kiểu
mới đối với Việt Nam, mà trước hết là sự xâm lược về chính trị thông
qua việc tìm cách ve vãn, mua chuộc, chi phối và tiến tới khống chế
được một số kẻ trong Ban lãnh đạo Hà Nội. Họ sử dụng triệt để đám “thái
thú đời mới” này làm tay sai, để từng bước hướng đường lối phát triển
của Việt Nam đi theo ý đồ xấu xa, thâm độc của Trung Quốc.
2) Sau khi đạt được sự xâm lược
bằng chính trị trên đây, Trung Quốc sẽ tiến hành những cuộc xâm lược
tiếp theo về các mặt khác như: kinh tế, văn hóa, xã hội,… khi thì lẳng
lặng, âm thầm, lúc lại ồn ào, cấp tập đối với Việt Nam; kể cả bằng quân
sự nếu thấy cần thiết. Trường hợp thấy không cần thiết, họ sẽ chỉ tiến
hành những hành động đe dọa bằng quân sự lúc động, lúc tĩnh; kết hợp với
những hành động xâm lược cục bộ trên đất liền, trên biển và trên không
sao cho: vừa đủ để răn đe, gặm nhấm nhưng lại chưa đủ để có sự can thiệp
mạnh mẽ của thế giới. Bởi vì họ cũng hiểu rằng: nếu liều lĩnh làm như
vậy thì chính họ sẽ tự chuốc vạ vào thân, mà điều này thì Bắc Kinh luôn
muốn tránh. Hơn nữa, nội tình của một nhà nước cộng sản, độc đảng toàn
trị này cũng đã và đang là một thùng thuốc súng, với hàng trăm ngàn cuộc
biểu tình lớn, nhỏ của nhân dân Trung Quốc để phản đối chế độ nổ ra
hàng năm, buộc họ phải tính toán kỹ lưỡng.
3) Thủ đoạn xâm lược mới trên
đây của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm đối với dân tộc ta. Bởi vì đây
chính là chiến lược dùng người Việt Nam tiêu diệt người Việt Nam mà họ
đã thực hiện thành công tại Campuchia, đẩy dân tộc hiền hòa này vào thảm
họa diệt chủng kinh hoàng như chúng ta đã biết. Nay họ đang quyết tâm
hiện thực hóa nó ở Việt Nam. Nhìn lại giai đoạn 1975 – 1979 tại
Campuchia, chúng ta thấy: khi mà nhân dân và rất nhiều người cộng sản
Campuchia lúc đó nhận thức ra được dã tâm xấu xa của Trung Quốc, cộng
với sự phản bội trắng trợn dân tộc của bè lũ diệt chủng Polpot –
Yengxary thì đã không còn kịp nữa. Lúc đó họ đã bị trói tay, bịt miệng
và cả một dân tộc đã bị tước đoạt hết vũ khí chiến đấu thì số phận của
họ chỉ có thể là để cho những chú Angka choai choai 13-17 tuổi lấy cuốc
bổ vào đầu, rồi hất tất cả xuống hố mà thôi!
Và trách nhiệm lớn lao của đội
ngũ trí thức, của những người đấu tranh dân chủ Việt Nam là phải bằng
mọi nỗ lực làm cho mọi người dân Việt Nam hiểu rõ điều này, trước khi
quá muộn. Đồng thời, phải vạch trần rõ thủ đoạn sau: những người trong
Ban lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh mỗi khi có dịp gặp gỡ với Ban lãnh đạo
Hà Nội thì họ luôn rêu rao về “Phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần 4
tốt”, coi đó là “tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển cho quan
hệ hai nước Việt – Trung trong thế kỷ mới”. Thực chất, đây chính là trò
“bồ câu” ở cấp Trung ương nhưng lại “diều hâu” ở cấp thấp hơn, hòng lừa
bịp dư luận.
4) Nếu như một nước Trung Quốc
cộng sản đã từng gây tội ác với chính dân tộc họ, qua các chiến dịch như
“Đại nhảy vọt”, “Cách mạng văn hóa”, đàn áp ở Thiên An Môn, Pháp Luân
Công, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông hoặc với dân tộc khác như họ đã từng
làm ở nước “Campuchia dân chủ”,… thì Trung Quốc cũng sẽ có thừa sự tàn
ác để làm điều đó với dân tộc Việt Nam! Trung Quốc không chỉ muốn đạt
được tham vọng “đường lưỡi bò” trên biển Đông mà họ còn có tham vọng
thực hiện “đường lưỡi bò” tương tự trên đất liền, với tất cả các quốc
gia có chung đường biên giới với họ, đặc biệt là với Việt Nam. Muốn vậy,
trước hết họ phải thực hiện được thắng lợi kế hoạch “đường lưỡi bò”
trong nội bộ Ban lãnh đạo ở Hà Nội! Bài học ngàn năm xưa về sự mất nước
của An Dương Vương, qua việc bị cha con nhà Triệu Đà – Trọng Thủy lập
mưu đánh tráo nỏ thần là vẫn còn nguyên giá trị!
5) Phải dân chủ hóa đất nước thì
mới xây dựng và bảo vệ được Tổ Quốc! Đó vừa là mục tiêu vừa là mệnh
lệnh của cuộc sống hôm nay! Chính vì Việt Nam không có dân chủ và bị phụ
thuộc nặng nề vào Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước
đây, nên ông Hồ Chí Minh và các đồng chí cộng sản của ông đã thông đồng
với sự buôn bán chính trị bẩn thỉu giữa Trung Quốc với Pháp, trong Hiệp
định Genèvevề Đông Dương, ngày 20/7/1954. Một nước Trung Quốc cộng sản
lộ rõ dã tâm xâm lược Việt Nam là đã có từ ngay sau khi nước Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông được thành lập (1/10/1949), chứ
không phải là gần đây mới có!
Tài liệu “Sự thật về quan hệ
Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” (Nhà xuất bản Sự Thật – Hà Nội –
tháng 10/1979) đã chỉ rõ điều này: “…Cuộc kháng chiến thắng lợi của
nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống thực dân
Pháp đã đưa đến Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Pháp lo sợ
thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ
thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Trung Quốc là nước cung cấp
nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam vào cuối cuộc kháng chiến của nhân dân
Việt Nam chống thực dân Pháp. Những người lãnh đạo Trung Quốc đã lợi
dụng tình hình đó để đứng ra làm người thương lượng chủ yếu đối với đế
quốc Pháp, câu kết với chúng và cùng nhau thoả hiệp về một giải pháp có
lợi cho Trung Quốc và Pháp, không có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân
Lào và nhân dân Campuchia. Họ đã hy sinh lợi ích của nhân dân ba nước ở
Đông Dương để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc ở phíaNam, để thực hiện
mưu đồ nắm Việt Nam và Đông Dương, đồng thời để có vai trò là một nước
lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á…”.
Cũng qua tài liệu trên, chúng ta
cũng nhận rõ thêm một vấn đề nữa là: ngay cả khi ông Hồ Chí Minh còn
sống thì sự phụ thuộc, rồi sau đó là cúi đầu tuân phục trước dã tâm xâm
lược xấu xa của Trung Quốc là đã có, chứ không phải là sau này mới có.
Vì vậy, luận điểm cho rằng: “Để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc thì hôm nay,
Việt Nam cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, biến
nó thành những hành động thiết thực trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
và toàn bộ hệ thống chính trị…” là hoàn toàn sai lầm. Nó đã bị chính
thực tiễn lịch sử đau thương của dân tộc ta trong suốt hơn 60 năm qua
bác bỏ hoàn toàn!
6) Không còn nghi ngờ gì nữa, chính cái chế độ độc đảng, toàn trị ở Việt Nam bao năm qua là vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguy hiểm và thảm trạng bi đát của đất nước hôm nay! Cái chế độ mà “Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa, cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” (thơ Bùi Minh Quốc) lại bắt nguồn từ ngày 2/9/1945, khi mà mục tiêu cao đẹp là giành Độc lập dân tộc đã bị ông Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông ta ngang nhiên đánh tráo thành mục tiêu Cộng sản hóa đất nước.
Lúc đầu là ở miền Bắc, sau ngày 20/7/1954 và cả nước, sau ngày
30/4/1975. Kể từ đó, Quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam đã
hoàn toàn bị thủ tiêu! Đề cập đến vấn đề này, tiến sỹ Hà Sỹ Phu cũng đã
viết: “… Trong cơn khát khao giành Độc lập, một vài dân tộc ít tiếp
xúc với văn minh như dân tộc ta chẳng may đã uống nhầm phải thứ nước
giải khát có chất độc.Lúc đầu rất hả hê vì đỡ khát thật, nhưng rồi tim
gan nhiễm độc không biết chữa cách nào. Dân mất quyền làm chủ thực sự
đất nước thì cũng như mất nước. Mất nước vào tay người đồng bang thì gọi
là Nạn nội xâm. Công và tội thế nào cũng là từ đó, lối ra thế nào cũng là từ đó.”
Để kết luận cho bài viết này,
tôi xin được trích lại một đoạn trong bài “Việt Nam Đất Nước Tôi” của
tôi (viết vào tháng 6/2000), khi đề cập đến mối quan hệ Việt Nam – Trung
Quốc:
“… Chính sợi dây ràng buộc
"cùng ý thức hệ" hiện nay mới là nguy hiểm nhất, nó làm cho thế giới và
các nước trong khu vực nghi ngại chúng ta. Sợi dây ấy có thể đứt bất cứ
lúc nào như nó đã từng bị đứt và bên chịu thiệt thòi vẫn là dân tộc Việt
Nam. Một khi đã biết được dã tâm muốn “đánh tráo nỏ thần” rồi mà vẫn
cho phép họ được "ở rể" thì những kẻ có tội với dân tộc chính là những
“An Dương Vương” thời nay!”.
Tháng 10/2011.
======
Hình đính kèm:
Hai tấm hình này tôi nhờ một
chiến sỹ biên phòng Việt Nam chụp cách đây 20 năm, vào ngày 17/9/1991,
nhân một chuyến công tác lên Đồng Đăng – Lạng Sơn, khi tôi còn làm việc
trong ngành ngân hàng.
Hình 1: Cột cây số: “Hữu Nghị Quan 0 km”.
Hình 2: Đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lúc đó được dựng tạm thời bằng hàng rào dây kẽm gai:
Theo lời người chiến sỹ biên
phòng thì Ải Nam Quan nằm cách đó khoảng 500 m (0,5 km) về phía Bắc và
xung quanh ngôi đường tráng nhựa đã xuống cấp trong ảnh là còn rất nhiều
bom, mìn do quân Trung Quốc cài lại, trong cuộc chiến tranh Việt –
Trung ở biên giới phía Bắc, vào tháng 2 và tháng 3 năm 1979.
No comments:
Post a Comment