Wednesday, October 5, 2011

CUỘC CÁCH MẠNG CÓ TÊN LÀ MINH BẠCH?



Nguyễn Trọng Tạo - Ngày 20.9.2011, khi nghe bộ trưởng Vương Đình Huệ nói về tính minh bạch của giá xăng dầu, cũng là sự minh bạch của nền kinh tế, tôi bỗng nhớ đến hai từ tiếng Nga:
перестройка (perestroika) có nghĩa là cải tổ, cải cách hoặc tái cấu trúc, và гласность (công khai) cũng có nghĩa là làm cho trong suốt… Đó là 2 từ đã làm thay đổi Liên bang Xô viết để trở thành các nước độc lập tự chủ như hiện nay. Điều đó chỉ là một linh cảm của tôi khi chứng kiến đất nước mình qua nhiều thời kỳ mà đặc biệt là thời hiện tại. 

Tại sao tính minh bạch hiện nay lại quan trọng đến thế? Bởi vì minh bạch ngược lại với bưng bít.

Và câu chuyện “cãi nhau” giữa 2 Bộ Công Thương và Tài Chính đã làm nổ ra cái từ minh bạch này qua lời nói mang đầy hy vọng của Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Chuyện lỗ hay lãi trong cuộc tranh cãi ấy là một câu chuyện tuy nhỏ, nhưng nó đã vén lên bức màn bí mật mà bấy lâu che phủ. Tưởng đó chỉ là câu chuyện riêng của doanh nghiệp và nhà nước, hóa ra đó lại là câu chuyện của toàn dân. Cách đặt vấn đề của Bộ trưởng Vương Đình Huệ dựa trên lợi ích của toàn dân và cả nền kinh tế (chứ không phải chỉ vì doanh nghiệp) là hoàn toàn đúng đắn. Sự minh bạch – công khai là cốt lõi của tinh thần dân chủ, đáp số của một xã hội dân chủ mà lâu nay chúng ta đang tìm kiếm.

Hôm kia tình cờ tôi gặp Nguyễn Lộc An, người đối kháng với quyết định giảm giá xăng của Bộ tài chính, tôi cho rằng, An cần bình tĩnh, và hãy cùng Bộ Công Thương làm rõ vấn đề đã nêu ra, nghĩa là phải dám làm đúng sự thật chứ không phải là tìm cách đối phó lẫn nhau. Bộ Tài Chính cũng vậy, hãy công tâm chứ không phải đối phó. Nếu cả 2 Bộ cùng tiến tới sự thật thì cũng chính là cùng tiến tới tính minh bạch trong vấn đề này. Sự dối trá thì nhiều, nhưng sự thật chỉ có một. Và khi sự thật được hiển lộ thì trong cuộc đối thoại này chả riêng ai thắng hay thua, mà chỉ có sự minh bạch là chiến thắng. Nếu được như thế thì cả hai Bộ đều có công châm ngòi nổ cho cuộc cách mạng mới có tên là Minh Bạch.

Nếu cuộc cách mạng Minh Bạch được tiến hành sau sự kiện 20.9.2011 thì giặc tham nhũng sẽ không còn chỗ để ẩn nấp. Giặc lậu thuế sẽ phải cúi đầu chịu truy thu. Giặc bán nước sẽ được trừng trị. Giặc cơ hội sẽ bị lên án…
Sự kiện Bộ Tài Chính kiểm tra chi cục thuế quận 1 thành phố HCM vừa rồi, phát hiện 1.441 tỷ đồng từ 2007 đến nay chưa nộp vào tài khoản Kho bạc nhà nước là một dấu hỏi lớn về tính minh bạch. Nước ta có bao nhiêu quận, huyện như thế? Không đếm hết.

Sự kiện EVN nợ PVN và TKV 12.000 tỷ đang là “nợ khó đòi” cũng vừa được công khai…

Chao ôi là những nghìn tỷ mà cứ như chuyện nhỏ bỏ túi? Biết bao nhiêu nghìn tỷ đang ẩn nấp đâu đó, và nó có nguy cơ chuyển đổi thành vàng, thành đô rồi bay ra các nhà bank nước ngoài, cũng chả là chuyện hiếm.

Nhà nước cũng đã từng “khoanh” bao nhiêu nghìn tỷ cho những vụ “bất khả kháng”, và “không bất khả kháng”? Nhiều kẻ ngu dốt, tham nhũng đã làm mất tiền dân như thế, liệu đã được minh bạch trừng phạt hay chưa? Hay là vẫn chễm chệ trên những chiếc ghế đã được mặc định?…

Nếu có một cuộc cách mạng Minh Bạch thực sự, chắc chắn sẽ có lợi cho dân cho nước thật nhiều.

Phải chăng, đấy sẽ là công cuộc “Đổi mới lần thứ hai” như nhiều người hy vọng? Vâng, nếu có cuộc “Đổi mới lần thứ hai”, tôi nghĩ, đó chính là “Cuộc cách mạng Minh Bạch” có thể diễn ra trên đất nước chúng ta.
4.10.2011


Theo Nguyễn Trọng Tạo.0rg

No comments:

Post a Comment