Thursday, September 1, 2011

Trung Quốc và phản quốc

Trần Gia Phụng"...Từ đó, trước mặt Trung Quốc, đảng CSVN trở nên mềm nhủn, nhu nhược, và liên tiếp ký hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển cho Trung Cộng. Thứ nhất là “Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc” ngày 30-12-1999 (mất ải Nam Quan)..."


 1.- Chuyện dài Trung Quốc

Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt, vì không thể nào thay đổi khu vực địa lý chính trị. Các nhà cầm quyền Trung Quốc, dù bất cứ chế độ nào, luôn luôn tìm cách thôn tính Việt Nam, bành trướng xuống Đông Nam Á. Điều này không cần chứng minh, người Việt Nam nào cũng biết.

2.- Trung Quốc và phản quốc

Chuyện dài Trung Quốc chia thành hai tập rõ rệt. Tập thứ nhất, từ thời lập quốc đến thế kỷ 19, là những thiên anh hùng ca giữ nước của dân tộc, với các chương nổi bật như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Quang Trung… Tập thứ hai, từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, chuyện dài Trung Quốc hoàn toàn đổi chiều, chỉ là những trang thảm sử nhục nhã do đảng CSVN dựng nên. Tập hai này có thể chia làm hai chương chính từ 1924 đến 1954 và từ 1954 đến 1975.

Chương thứ nhất bắt đầu với Nguyễn Ái Quốc. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc (người Việt Nam có tên Nga là Lin hay Linov), ủy viên Đông phương bộ, phụ trách cục phương Nam, một cán bộ lãnh lương của Đệ tam Quốc tế Cộng sản (QTCS), từ Liên Xô qua Trung Hoa để phát triển cộng sản xuống vùng Đông Nam Á. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc với đảng Cộng Sản Trung Hoa (CSTH) và mời Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai đến giảng dạy tại những khóa huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc lập ra để đào tạo cán bộ. Nguyễn Ái Quốc chính là người đại diện QTCS đứng ra thành lập đảng CSVN tại Hương Cảng ngày 6-1-1930 (Sau vâng lệnh đảng CS Liên Xô, đổi thành ngày 3-2-1930.)

Cuộc giao du giữa hai đảng CSVN và CSTH bắt đầu từ đây. Khi đến Trung Hoa lần thứ ba, Nguyễn Ái Quốc đến căn cứ Diên An, nơi đặt bộ chỉ huy CSTH, trong nhiều tuần lễ vào mùa thu năm 1938, có thể để học tập và huấn luyện. Trong giai đọan đầu của cuộc chiến chống Pháp, Việt Minh (một mặt trận của CSVN) thất bại, phải co cụm lên rừng núi và về nông thôn.

Vì vậy, vừa được tin Mao Trạch Đông chiến thắng và thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 1-10-1949, Hồ Chí Minh gởi liền hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy đến Bắc Kinh vào cuối năm đó để xin viện trợ. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tt. 10-15.)

Tiếp theo, đích thân Hồ Chí Minh qua Bắc Kinh và Moscow vào đầu năm 1950. Tại Moscow, Hồ Chí Minh lãnh chỉ thị về thực hiện Cải cách ruộng đất sắt máu theo kiểu cộng sản. Trên đường về, trở lại Bắc Kinh, Hồ Chí Minh ký với các nhà lãnh đạo Trung Quốc Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương giữa hai bên. Từ đó, CSTH cử La Quý Ba sang làm cố vấn cho Hồ Chí Minh, và ào ạt viện trợ cho VM.

Từ tháng 4 đến tháng 9-1950, Trung Quốc viện trợ cho VM 14,000 súng, 17,000 súng tự động, 150 trọng pháo đủ lọai, 2,800 tấn lúa, cùng đạn dược, quân phục, máy truyền tin, thuốc men…(Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập B, Houston: Văn Hóa, 1997, tr. 191.)

Theo tài liệu của CSVN, từ tháng 12-1950 đến tháng 6-1954, “chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng Hòa đã nhận được viện trợ của quốc tế là 21,517 tấn vật chất, bao gồm vũ khí, đạn dược, nguyên liệu quân giới, vận tải, xăng dầu, gạo, thực phẩm, quân trang, quân y, thông tin, công binh (trong đó vũ khí đạn dược là 4,253 tấn; vận tải xăng dầu là 5,069 tấn; gạo, thực phẩm – 9,590 tấn.) Tổng số viện trợ trị giá 136 triệu đồng nhân dân tệ (34 triệu rúp) theo thanh tóan giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong số đó, vũ khí trang bị kỹ thuật gồm có 24 khẩu sơn pháo 75 ly, 24 khẩu lự pháo 105 ly, 76 khẩu pháo cao xạ 37 ly (của Liên Xô), 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6 (của Liên Xô, 715 xe ô tô vận tải (trong đó có 685 xe của Liên Xô).” (Lê Mậu Hãn chủ biên, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Hà Nội: Giáo Dục, 2001, tr. 103.)

Viện trợ nhiều, thì ân tình nhiều. Sau năm 1954, Bắc Việt tiến lên xã hội chủ nghĩa, càng ngày càng nghèo đói, lấy gì trả nợ ân tình? Để đền ơn đáp nghĩa, nhà cầm quyền Hà Nội không có gì ngoài việc lấy của gia bảo là đất đai do cha ông để lại, để hiến dâng cho Bắc Kinh.

Theo tài liệu về phía Trung Quốc, “Vào tháng Sáu năm 1956, hai năm sau khi chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã thành lập tại Hà Nội, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Ung văn Khiêm đã nói với ông Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, rằng theo dữ liệu của Việt Nam thì đảo Tây Sa (tức Paracels, Hòang Sa) và đảo Nansha (tức Spratleys, Trường Sa) là một phần thuộc Trung Quốc theo lịch sử.” (Quan điểm của Bắc Kinh về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, RFA 12-12-2007.)

Tài liệu tuyên truyền của Trung Quốc có thể không đáng tin, nhưng thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng đề ngày 14-9-1956, gởi cho thủ tướng Chu Ân Lai, thì là thật đáng tin vì chứng tích rõ ràng còn để lại, nguyên văn như sau:

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1959 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Chương hai tập hai chuyện dài Trung Quốc từ 1954 đến 1975 được tiếp nối bằng viện trợ của Trung Quốc để tấn công Việt Nam Cộng Hòa.

Trung Quốc chẳng những viện trợ súng ống, đạn dược mà cả quân viễn chinh nữa.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 30-7-1979, một viên chức ngọai giao Trung Quốc cho biết tứ năm 1954 đến 1971, 300,000 binh sĩ Trung Quốc đã chiến đấu bên cạnh binh sĩ Bắc Việt, trong đó hàng ngàn người đã tử trận và hàng chục ngàn người đã bị thương. (Jacques Massu, Jean-Julien Fonde, L’aventure Viet-Minh, Paris: Plon, 1980, tr. 293, phần chú thích.)

Tiết lộ của của viên chức ngọai giao Trung Quốc được một tài liệu của một cựu cán bộ CSVN là ông Nguyễn Minh Cần xác nhận khi ông cho biết Bắc Việt đã mời quân Trung Cộng vào đóng giữ từ khu Việt Bắc xuống tới Hà Nội. (Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, California: Văn Nghệ, 1997, tr. 114.)

Trở lại cuộc họp báo của viên chức bộ Ngọai giao Trung Quốc, ông ta còn xác định số lượng võ khí Trung Quốc viện trợ cho CSVN từ 1950 đến 1977 lên đến 2,000,000 súng hạng nhẹ, 27,000 đại pháo, 270 triệu băng đạn, 18 triệu đạn đại pháo, 179 chiếc máy bay và 145 chiến hạm.(Jacques Massu, Jean-Julien Fonde, sđd. tr. 293, phần chú thích.)

Tuy nhiên tất cả những tài liệu tạm dẫn đó cũng đủ để giải thích vì sao, CSTH rất tức giận khi CSVN quay mặt với Trung Quốc, để chạy theo Liên Xô năm 1978. Sau đó, vì Liên Xô sụp đổ năm 1991, CSVN đành trở lại quy thuận Trung Quốc.

Từ đó, trước mặt Trung Quốc, đảng CSVN trở nên mềm nhủn, nhu nhược, và liên tiếp ký hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển cho Trung Cộng. Thứ nhất là “Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc” ngày 30-12-1999 (mất ải Nam Quan) và thứ hai là “Hiệp ước phân định lãnh hải” ngày 25/12/2000 (mất khoảng 10,000 Km2 mặt biển Vịnh Bắc Việt). Chuyện biên giới là chuyện dai dẳng cả trăm năm chưa giải quyết, mà vì quá nhu nhược trước mặt Trung Quốc, đảng CSVN ký liền hai hiệp ước, làm mất đất đai do tổ tiên dày công xây dựng.

Lễ ăn mừng hoàn thành cốt móc nhượng đất

Như thế, vì tham vọng quyền lực, vì muốn duy trì sự lãnh đạo của đảng CSVN, nên CSVN chạy theo cầu cạnh Trung Quốc, phục vụ quyền lợi Trung Quốc, nhượng đất cho Trung Quốc và phạm tội phản quốc. Nói ngắn ngọn: Đi với Trung Quốc nên phản quốc. Chuyện Tam sa ngày 2/12/2007 chỉ là diễn biến mới trong câu chuyện phản quốc của CSVN. Câu chuyện này chắc chắn sẽ chưa kết thúc nếu CSVN cứ tiếp tục cầm quyền tại Việt Nam.

3.- Dẹp phản quốc để chống Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những đại nạn của lịch sử Việt Nam. Đại nạn này càng gia trọng khi những kẻ phản quốc cầm quyền, luôn luôn manh tâm bán đứng đất nước để mưu đồ quỵền lực và quyền lợi riêng tư. Hãy trở lui với phản ứng của nhà cầm quyền CSVN đối với vụ Tam Sa.

Có ba điều cần nhấn mạnh:

1) Trong sinh họat dân chủ, cấp cao nhất là Quốc hội. Việc Tam Sa do Quốc hội Trung Quốc quyết định. Vậy cấp cao hơn là ai? Phải chăng là Bộ Chính trị đảng CSTH? Bộ Chính trị đảng CSTH cũng nằm trong Quốc hội và điều khiển Quốc hội, thì còn ai cao hơn?

2) Đúng là lịch sử Việt Nam có đủ bằng chứng rằng các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, TRUNG QUỐC nói rằng họ cũng có đủ bằng chứng cho thấy Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, và đảng CSVN đã nhượng các vùng đất và biển này cho Trung Quốc. Đảng CSVN trả lời sao đây? Đối với người Việt Nam, những bằng chứng này là bằng chứng PHẢN QUỐC của đảng CSVN.

3) Nói đến công ước Liên Hiệp Quốc, thì hiện nay, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vừa mới giữ ghế không thường trực hai năm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Giải quyết những vụ tranh chấp, xâm lăng lãnh thổ giữa các nước trên thế giới, nằm trong chức năng của HĐBALHQ. Việt Nam đang ngồi trong Hội đồng mà không dám đưa vấn đề ra Hội đồng. Việt Nam cũng không đưa ra kiện tụng ở Tòa án Quốc tế đặt tại Den Haag (The Hague) (Hòa Lan). Thế thì nói công ước quốc tế làm gì?

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Thế mà CSVN quá sợ Trung Quốc, nên không dám đánh. Quân đội Nhân dân “anh hùng” của CSVN đứng bất động. Không lẽ “anh hùng” Quân đội nhân dân chỉ là công cụ để CSVN đàn áp dân chúng, giúp CSVN bán dần và bán rẻ đất đai của tổ tiên cho Trung Quốc?

Chúng ta cần chú ý rằng nguồn gốc của vụ Tam Sa, hay của những hành động xâm lăng ngang ngược của CSTH, chẳng những do bản chất hiếu chiến và xâm lăng của tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh, mà còn bắt nguồn từ kẻ nội thù của người Việt. Kẻ nội thù đó chính là đảng CSVN, kẻ đã thụ ơn Trung Quốc, làm tay sai cho Trung Quốc, sợ sệt Trung Quốc, từ từ nhượng bộ Trung Quốc hết điểm này đến điểm khác.

Trong khi nhu nhược với Trung Quốc, CSVN hết sức độc tài ở trong nước. Cho đến nay, vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam vẫn chưa có tự do chính trị, chưa có tự do bầu cử, chưa có tự do báo chí, nghĩa là CSVN vẫn duy trì chế độc độc tài. Ở trong nước càng độc tài, càng đàn áp, CSVN càng bị phản đối từ nhiều phía, từ dân chúng trong nước, đến dư luận thế giới. Càng bị phản đối, CSVN lại càng bám gót Trung Quốc để tiếp tục tồn tại. Càng bám gót Trung Quốc, CSVN càng nhượng bộ, càng phản quốc.

Hồ Chí Minh đã từng mượn biệt hiệu Áí Quốc của các nhà cách mạng yêu nước chân chính để làm tên riêng, nhưng khi qua Liên Xô, lãnh lương của ĐTQT, lãnh sứ mạng phát triển cộng sản xuống Đông Nam Á, đưa chủ nghĩa Mác-xít về làm hại đất nước, Ái Quốc trở thành phản quốc.

Học trò của Hồ Chí Minh trong đảng CSVN tiếp tục sách lược của ông, làm tay sai cho Trung Quốc, tiếp tục phản quốc. Vì vậy, muốn chống Trung Quốc hữu hiệu, trước tiên phải dẹp bỏ phản quốc. Chỉ khi nào kẻ phản quốc không còn, thì mới chấm dứt tình trạng nhượng bộ đất đai, mới có thể nói chuyện tập hợp tổng lực toàn dân, chống Tung Quốc một cách hữu hiệu, như trước kia nhà Lý, nhà Trần đã làm.

Trần Gia Phụng

http://ethongluan.org/index.php/trung-quoc-va-phan-quoc.html

No comments:

Post a Comment