Ngô Nhân Dụng - Nếu người dân Việt Nam ai cũng thông minh, hiểu biết như các đại biểu Quốc hội của họ thì Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ chẳng phải lo lắng gì về kinh tế cả. Mạng Vneconomy mới dẫn ra mấy lời tuyên bố của một ông đại biểu Sài Gòn tên là Đỗ Văn Đương.
Theo Vneconomy, ông Đương phát biểu như thế này: “Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực… Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn (đồng Việt Nam), nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục (nghìn)… Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi (lạm phát ở Việt Nam) không phải là cao nhất”.
Đó là ông Đỗ Văn Đương chưa sang du lịch bên Nga
đấy nhé. Ở Saint Petersburg, trong Quán Việt-Cafe chúng tôi được Trần
Nguyên Thắng mời tới ăn cho đỡ nhớ cơm, một đĩa rau muống xào nếu tình
ra tiền Việt Nam giá tới 300 ngàn đồng lận! Gắp một cọng rau muống lên,
cho vào miệng, cứ tưởng như mình đang nhai cả mớ tiền, xót cả ruột!
Đối với dân ăn rau muống, ở Việt Nam sung sướng như trên thiên đường
rồi! Muốn biết lạm phát ở Việt Nam thấp đến thế nào, mời ông Đương thử
qua Đan Mạch chơi.
Trước cửa quán Le Le Nhà Hàng bản thực đơn ghi một
tô phở giá 135 đồng tiền bản xứ, tính ra thành 27 đô la Mỹ. Hơn 350
nghìn đồng Việt Nam một bát phở Trời Đất ạ! Hay là qua Little Saigon,
một ly “cà phê trong suốt” tính đến (nghe nói) 5 đồng đô la, chắc đắt
gấp trăm lần ly cà phê ở Sài Gòn chứ chẳng ít!
Ông Đỗ Văn Đương đã đậu bằng Tiến Sĩ Luật.
Không biết ở trường bọn họ dạy ông những cái gì ngoài Tư tưởng Mác Lê
Nin mà ông lơ mơ về kinh tế đến thế! Nhưng đại đa số người Việt Nam may
mắn không có bằng Tiến sĩ cho nên vẫn chưa đến nỗi lú lẫn. Họ chỉ cần
tính giá mớ rau muống ngày hôm nay so với tuần trước là đủ biết thằng
lạm phát nó cắn vào túi tiền của họ như thế nào.
Sáng 14-9 tại Hà Nội, Ngân hàng phát triển Á
châu (ADB) họp, báo cáo họ dự đoán lạm phát của Việt Nam trong năm
2011 ở mức 18,7%. Mức lạm phát như vậy là có giảm xuống so với năm
ngoái, nhưng vẫn cao nhất trong khu vực Á Châu. Ngân hàng ADB cũng hạ
thấp dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2011. Năm tháng
trước đây họ tính kinh tế Việt Nam sẽ lên thêm 6.1% đến 6.7%, nay nghĩ
lại thấy chắc chỉ tăng được 5.8% mà thôi.
Bình thường, khi tốc độ tăng trưởng của nền
kinh tế xuống thấp hơn thì sẽ giảm áp lực lạm phát, ít khi thấy kinh tế
vừa đình trệ lại vừa lạm phát. Nhưng kinh tế Việt Nam là một trường
hợp đặc biệt. Muốn bớt lạm phát, tất cả mọi người phải giảm chi tiêu.
Số tiền lưu hành trong nước phải giảm xuống. Trong khi nhà nước bớt
nhiều việc chi tiêu phí phạm để kinh tế không phồng lên một cách giả
tạo nữa, thì những người dân bình thường vẫn phải ăn, phải uống, phải
dùng xăng chạy xe ngoài đường, và buổi tối vẫn phải bật đèn điện. Giá
điện, giá xăng đều được chính ông Dũng cho tăng lên; riêng giá thực
phẩm thì tự động tăng không giảm, vật giá vẫn kéo nhau lên, mà không đổ
tội cho một thế lực thù nghịch nào cả. Giá sinh hoạt chung vẫn tăng,
riêng trong đám dân nghèo mà phần lớn tiền kiếm được đều chi vào việc
ăn uống, tỷ lệ lạm phát thật còn cao hơn 20%. Nhưng phần chi tiêu của
Đảng và Nhà nước, nếu nó cứ tăng thì người dân không chịu trách nhiệm!
Đầu tháng Ba năm 2011, ông Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 11 ra lệnh guồng máy tài chánh đẩy tỷ số
lạm phát xuống cho chỉ còn một con số, dưới 10%, khoảng 7%, 8% thôi.
Ông Dũng dùng tất cả các khí cụ ông nắm trong tay để đẩy: Ngân hàng Nhà
nước, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp nhà nước, vân vân.
Tất cả cùng nhau đẩy. Nhưng, như chúng ta thấy, sau 6 tháng, tác dụng
của cái Nghị quyết 11 cũng giống như người ta cố đẩy một sợi dây thừng
vậy. Nó nhích đi được một chút, rồi thun lại, ỳ ra, không nhúc nhích,
không còn công hiệu nào nữa.
Tình trạng bi đát đến nỗi một nhà phân tích
kinh tế trong nước vừa mới nhận định: “Kinh tế Việt Nam thật sự đang
ngắc ngoải trong tình trạng đình lạm” (stagflation, tức là sản xuất
đình trệ trong khi lạm phát vẫn cao, hai hiện tượng thường không xảy ra
cùng một lúc). Nhà kinh tế này còn tiên đoán: “Chính phủ Việt Nam đang
rất tuyệt vọng, từng bước thăm dò phản ứng để có thể kết hối (tịch thu
USD) và kết kim (tịch thu vàng) bất cứ lúc nào”. Để dẫn chứng cho mối
lo tịch thu vàng, bài nhận định trên nêu ra bản tin (Vnexpress,
23/8/2011) nói Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nguyễn Văn Bình đã “gợi
ý” rằng: “Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ vàng giùm cho dân”. Một câu nói đó
có thể khiến cho vàng cũng mọc cánh bay thật nhanh ra ngoại quốc, tất
nhiên chỉ những người có tài chắp cánh cho vàng mới chạy thoát!
Nghị quyết 11 đã được khen là “một bước
ngoặt lớn về chính sách” vì ông Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ chính sách cũ là
cứ tung tiền ra cho các doanh nghiệp nhà nuớc chi tiêu thoải mái. Bây
giờ, các ngân hàng kiềm chế lại, số tiền cho vay không được tăng tới
20% so với năm ngoái; ngân sách nhà nước phải tăng thu khoảng 7% - 8%
vân vân. Và bản Nghị quyết cũng không quên căn dặn: “Đẩy mạnh thông tin
- tuyên truyền;” cho guồng máy kinh tế nó lắng nghe rồi chạy theo
tiếng hô các khẩu hiệu.
Nhưng guồng máy kinh tế nó điếc. Phương pháp
điều hành kinh tế bằng khẩu hiệu thời ông Mao Trạch Đông không còn
hiệu quả nào trên kinh tế cả.
Muốn bớt lạm phát thì phải giảm bớt chi
tiêu, hàng hóa sẽ bớt tăng giá hung hãn. Có hai khâu chính trong việc
sử dụng tiền ở nước ta, là Nhà nước và dân. Ông nhà nước ra lệnh cho
các ông nhà nước khác bớt chi tiêu, nhưng chưa chắc họ đã làm được. Còn
những anh chị dân đen thì phần lớn những món chi tiêu của họ là “tối
thiểu,” không chi không sống được. Nhu cầu của một gia đình dân, những
ăn uống, quần áo, xăng dầu, không tăng hay giảm theo Nghị quyết của Nhà
nước. Còn về phần các bộ phận của nhà nước, thì có khi họ muốn mà cũng
không giảm chi tiêu được.
Thí dụ, ngân sách Chính phủ vẫn thâm thủng
120 ngàn tỷ đồng Việt Nam, tức là tiền chi ra nhiều hơn tiền thu vào,
nhưng không bỏ được. Nhà nước lại chi ra 15 ngàn tỷ đồng để cứu mấy
ngân hàng nhỏ bị đe dọa phá sản, không chi cũng không được. Lại còn cứu
các thị trường chứng khoán nữa. Lo cho các đại gia mua chứng khoán
đang bị lỗ, Nhà nước đã bỏ ra 70 ngàn tỷ đồng để nâng giá các cổ phần.
Ngoài ra, còn những món tiền mà Ngân hàng Nhà nước đem chi hoặc cho
phép các ngân hàng thương mại đưa vào thị trường, ngoài tất cả dự liệu
của Nghị quyết 11, phải nói là phản lại bản nghị quyết này!
Theo lệ cũ, các ngân hàng thương mại chỉ
được đem 80% tiền ký thác của thân chủ mà cho vay. Nhưng theo Thông tư
số 22 của Ngân hàng Nhà nước mới đổi, từ ngày 1 tháng 9, 2011, các ngân
hàng và các tổ chức tín dụng khác sẽ được đem tất cả tiền người ta gửi
ra cho vay. Như vậy thì không khác gì cho số tiền lưu thông tăng vọt
lên nhiều lần, không còn thấy cái giới hạn 20% của ông Nguyễn Tấn Dũng
đâu nữa! Theo Công ty Bảo Việt thì với Thông tư 22 này, từ đây tới cuối
năm, số tiền được phép tung ra cho vay sẽ lên tới 460 ngàn tỷ đồng!
Cái Thông tư 22 coi như đã hủy bỏ mọi tác dụng của Nghị quyết 11! Cho
nên, Ngân hàng Standard Chartered tiên đoán trong bốn tháng cuối năm
nay lượng tiền tệ lưu hoạt (M2) ở Việt Nam sẽ tăng tới 196 ngàn tỷ, so
với năm ngoái chỉ có 172 ngàn tỷ. Càng có nhiều tiền trong kinh tế thì
lạm phát càng cao. Người dân biết vậy, cho nên ai có tiền cũng lo đi
mua vàng, mua đô la!
Rồi lại thêm chính sách lãi suất nữa. Ông
Thống đốc Ngân hàng trung ương ra Chỉ thị số 2, bắt các ngân hàng
thương mại không được trả lãi suất trên 14% cho các người gửi tiền.
Giữa tháng Chín, các ngân hàng báo cáo người ta ào ào rút tiền ra khỏi
ngân hàng. Trong một tuần, có ngân hàng bị rút 1,000 tỷ đồng. Chưa tới
cảnh “tiền bỏ chạy” (bank run) nhưng cũng mấp mé. Nhưng họ rút hàng tỷ
đồng rồi đem đi đâu? Không ai báo cáo, nhưng ai cũng hiểu: Người ta đi
mua vàng và đô la. Các đại gia bán vàng và đô la rồi họ đem tiền cất đi
đâu, sao không thấy chúng trở lại với các ngân hàng? Cái này thì chỉ
các đại đại gia mới biết!
Nhưng khi ngân hàng trung ương bắt các ngân
hàng thương mại “giảm lãi suất” xuống dưới 14% thì đó là một bước hoàn
toàn đi ngược lại với mục tiêu chống lạm phát của Nghị quyết 11. Vì xưa
nay, khi muốn chống lạm phát thì ở đâu người ta cũng tăng lãi suất cho
người ta bớt vay được tiền mà chi tiêu, không ai giảm lãi suất bao
giờ! Chắc chỉ có đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương mới có thể nghĩ ra cách
chống lạm phát bằng cách giả lãi suất, sau khi đi Thượng Hải nếm rau
muống Tàu!
Cái chỉ thị đặt mức lãi suất tối đa (trần
lãi suất) đã vô hiệu, vì nhiều ngân hàng vẫn lén trả lãi suất cao hơn
14% để có tiền kiếm ra tiền khác, nhất là các ngân hàng ở xa thì không
sợ ai cả. Các quan đầu tình cũng không sợ lệnh từ trung ương. Họ phải
phê duyệt càng nhiều dự án trong địa phương mình càng tốt. Càng nhiều
dự án thì càng thêm cơ hội chấm mút, trước khi phải đổi đi nơi khác.
Quan đầu tỉnh bảo ngân hàng trong tỉnh cho vay thì ai dám cãi. Chỉ tiêu
lạm phát là mấy phần trăm cũng chẳng ai cần biết tới!
Nhìn thấy những nghị quyết và thông tư với
khẩu hiệu và hành động trái ngược nhau, cuối cùng không biết ai đang
cầm tay lái cho con tàu kinh tế Việt Nam. Có thể gọi là một nền kinh tế
không người lái. Trong khi đó thì những nguồn ngoại tệ đang giảm, số
đầu tư trực tiếp của nước ngoài cho tới số tiền người Việt ở ngoài gửi
về đều bớt đi. Cán cân thương mại trong tám tháng đầu năm 2011 đã bị
thủng 10 tỷ đô la, so với khoảng 8 tỷ trong cùng thời gian năm ngoái.
Ông Tomoyuki Kimura của Ngân hàng phát triển
Á châu, mới nói trong phiên họp ở Hà Nội, rằng muốn “giải quyết những
nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao thì phải có những nỗ lực
lớn hơn trong việc cải cách cơ cấu nền kinh tế”. Nhưng nếu không thay
đổi chính trị thì ai thay đổi cơ cấu kinh tế bây giờ? Những đại biểu
Quốc hội như Tiến sĩ Đỗ Văn Đương có sẵn sàng đứng ra lèo lái con tàu
kinh tế nước nhà hay không?
N.N.D.
Nguồn: diendantheky.net
No comments:
Post a Comment