Ngày 6/9, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ
tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gởi thư ngỏ
cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu làm sáng tỏ hai sự việc. Trước
hết là chủ trương cấm các cuộc biểu tình ôn hòa chống các hành động
bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, đàn áp, bôi xấu những người
biểu tình đặc biệt là các nhân sĩ trí thức. Thứ hai là việc Thứ trưởng
Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh hứa hẹn với Trung Quốc không để tái diễn
«vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam».
Những
người biểu tình ở Hà Nội ngày 21/8/11 chống các hành động của Trung
Quốc tại Biển Đông cầm biểu ngữ có hình nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao
Trạch Đông và nhà độc tài Đức Hitler. Reuters
Lá thư ngỏ này khi được các trang mạng đăng
lên đã nhanh chóng thu hút được rất nhiều ý kiến phản hồi, hầu hết là
đồng tình, có trang nhận được đến trên 700 lời bình luận. RFI Việt ngữ
đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hiếu Đằng về vấn đề trên.
Kính
chào ông Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, lá thư ngỏ của ông gởi các nhà lãnh
đạo Việt Nam từ hồi đầu tháng, đến nay đã có phản hồi chưa?
Sau khi gởi thư ngỏ vào ngày 6/9, cho đến
nay tôi vẫn chưa được trả lời từ các vị lãnh đạo. Khi viết lá thư này,
tôi cũng dự đoán được tình hình đó, có nghĩa là cũng sẽ không được trả
lời. Bởi vì cái này đã trở thành thói quen của các vị lãnh đạo chúng ta
rồi.
Ngay đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vấn đề
bauxite Việt Nam, vấn đề phá hội trường Ba Đình để xây hội trường mới
cho Quốc hội, thì thư của Đại tướng và rất nhiều thư của các đồng chí
cách mạng lão thành, tướng lãnh cũng không được trả lời.
Do đó khi viết lá thư ngỏ đó, tôi ý thức về
việc đặt ra trách nhiệm của các vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, của
Đảng, trong hai vấn đề mà tôi đã nêu. Và phần nào đó, đã nói thư ngỏ
tức là tôi muốn công khai hóa, đưa ra trước công luận những vấn đề đó,
để các tầng lớp nhân dân ở trong cũng như ngoài nước xem xét.
Sau khi lá thư ngỏ được đưa lên các trang
mạng thì cho đến nay đã có trên 700 comment, mà đại bộ phận là hưởng
ứng, cho rằng đặt vấn đề như vậy là đúng, là nghiêm túc, hợp lý. Chúng
tôi cũng hy vọng là trong tương lai, các vị lãnh đạo có thể không trả
lời trực tiếp cho tôi, nhưng nói rõ trước nhân dân về hai vấn đề này.
Chủ trương bắt bớ, đàn áp biểu tình là một
chủ trương tôi cho là không hợp lòng dân. Bởi vì thật ra ở đây người ta
biểu tình vì lòng yêu nước, chống những hành động bành trướng của Bắc
Kinh, thì có thể nói là hậu thuẫn cho Nhà nước. Tại sao Nhà nước lại đi
ngăn cấm, bắt bớ, rồi nhất là lại đi bêu xấu, gán ghép các trí thức,
nhân sĩ yêu nước ở Hà Nội. Đó là những người đã có quá trình đấu tranh
vì độc lập, tự do cho tổ quốc cũng như xây dựng đất nước trong mấy chục
năm nay, như anh Nguyên Ngọc, giáo sư Huệ Chi, giáo sư Chu Hảo, anh
Nguyễn Xuân Diện…là kẻ xấu, là phản động…Tuy rằng nói lập lờ thôi,
nhưng làm như vậy cũng rất xúc phạm đến danh dự và lòng tự trọng của
các vị đó.
Nếu là một Nhà nước quang minh chính đại,
thì sẽ cho đối thoại một cách công khai về vấn đề này, trên tinh thần
xây dựng. Tôi nghĩ đó mới là sự đồng thuận thật sự. Chứ nếu đồng thuận
mà không có đấu tranh, không có phản biện, thì đó là đồng thuận giả
tạo. Mà tôi rất lo ngại vì hiện nay trong xã hội Việt Nam, thật sự có
một sự đồng thuận giả tạo như vậy. Tôi đã từng ở trong guồng máy nên
tôi biết. Trong cuộc họp thì nói rất là đúng đường lối, lập trường,
nhưng mà ra ngoài cuộc họp lại nói khác đi. Một xã hội nói dối, không
trung thực sẽ rất là nguy hiểm, sẽ làm cho lòng tin của người dân bị
mất đi đối với chính nghĩa của chúng ta.
Bên cạnh đó còn có một số trường hợp
những người đã tham gia biểu tình bị đuổi việc, bị gây áp lực để đuổi
nhà…Đây cũng là những cách đối xử đáng thất vọng?
Đúng rồi. Tôi cũng được nhiều anh chị đã ký
trong tuyên cáo hay kiến nghị cho biết là công an có đến làm việc. Tất
nhiên là chưa bị bắt, nhưng cũng bị làm phiền hà. Hoặc là có một số em
sinh viên đi biểu tình thì các trường lại đặt vấn đề đuổi học, hay thế
này thế kia…Tôi cho rằng điều đó là không nên. Bởi vì người ta đi biểu
tình một cách công khai, nhằm mục tiêu rất là xây dựng, không khuyến
khích thì thôi, chứ sao lại đi xử phạt hay là đe dọa, làm áp lực đối
với người ta.
Tôi nói ví dụ như trường hợp anh Huỳnh Tấn
Mẫm hay anh Cao Lập… có thể nói là bây giờ cũng bị theo dõi. Nhưng mà
chúng tôi xem những việc đó là trách nhiệm của người công an làm, bộ
máy an ninh làm, còn chuyện chúng tôi thì chúng tôi làm một cách công
khai, minh bạch. Và khi thể hiện những hành động yêu nước này thì chúng
tôi sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm, kể cả tù tội.
Hiện nay trong xã hội Việt Nam có cái không
khí sợ hãi, ngay cả trong tầng lớp trí thức, tôi thấy cần phá vỡ cái
này. Bởi vì mình thực hiện nghĩa vụ của người công dân, bảo vệ độc lập
tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trước âm mưu bành trướng của
nhà cầm quyền Bắc Kinh, thì tôi nghĩ đó là việc làm chính đáng, không
ai có thể ngăn trở được.
Còn việc ông Nguyễn Chí Vịnh hứa hẹn với
Trung Quốc không để tái diễn các cuộc tụ tập đông người ở Việt Nam, nếu
không phải là chủ trương chính thức của Nhà nước thì liệu ông Vịnh có
thể tự do phát biểu như vậy ?
Tôi nghĩ là về phía cấp lãnh đạo cao nhất
của Đảng và Nhà nước Việt Nam không dại gì mà đi nói với Trung Quốc
những cái điều đó. Một nước độc lập tự chủ thì không thể nào một vị đại
diện cho Nhà nước Việt Nam lại nói công việc nội bộ của Việt Nam cho
một nước láng giềng như vậy được. Điều đó chứng tỏ là không có độc lập
gì cả.
Do đó trong trường hợp ông Nguyễn Chí Vịnh
tự động nói, đây là ý kiến riêng của ông ta, thì đó là một sai lầm lớn
trong công tác đối ngoại. Nhất là đối với một nước đang có nhiều hành
động xâm lấn vùng lãnh hải, bách hại ngư dân của chúng ta liên tục.
Ngoài ra trên mặt trận dư luận họ cũng phát động việc đánh Việt Nam,
nói Việt Nam vô ơn bội nghĩa…tức là phát động hận thù dân tộc. Tôi nghĩ
là đối với một nước như vậy thì chúng ta phải có thái độ thích đáng.
Trong việc tuyên truyền ở dưới cơ sở hiện
nay, tôi cũng biết là có nhiều vị nói rằng, trước đây tổ tiên của chúng
ta cũng phải đi triều cống Trung Quốc. Nhưng nên nhớ rằng tổ tiên
chúng ta, với tinh thần hòa hiếu, chỉ cho sứ giả qua để thực hiện đường
lối ngoại giao hòa hiếu đó sau khi đã đánh vỡ mặt bọn xâm lược phương
Bắc! Tức là sau khi đã đánh thắng rồi thì chúng ta mới cho sứ qua.
Chứ không phải như bây giờ, họ quấy nhiễu, họ bức hại ngư dân của chúng
ta, cắt dây cáp các tàu thăm dò dầu khí của ta, thì chúng ta lại cho
hai ông sứ giả đấy – tức là ông Hồ Xuân Sơn trước đây và bây giờ là ông
Nguyễn Chí Vịnh – cả hai đều có những lời nói, việc làm hết sức xúc
phạm đến lòng tự trọng của dân tộc.
Bởi vì một dân tộc như Việt Nam đã có quá
trình đấu tranh dựng nước và giữ nước rất là hiển hách, mà đi quỵ lụy,
đi chiều lòng Trung Quốc như vậy, thì tôi cho là không nên. Mà như vậy
tức là anh đã vượt quyền, đã làm mất thể diện quốc gia. Trong trường
hợp như vậy thì tôi cũng có đề nghị với các vị lãnh đạo cao cấp của Nhà
nước là phải kiểm điểm trách nhiệm, và có những biện pháp xử lý nhất
định đối với những người lộng quyền hay lạm quyền, có những việc làm,
lời nói vi phạm đến độc lập, tự chủ của đất nước Việt Nam chúng ta.
Thưa ông nhưng hiện nay thế của Trung
Quốc rất mạnh trên thế giới đặc biệt về kinh tế, có thể vì vậy mà Nhà
nước Việt Nam phải chịu nhún?
Thật ra thế mạnh của Trung Quốc không chỉ về
kinh tế mà còn về quân sự nữa. Nhưng về kinh tế, họ cũng có những vấn
đề của họ, và ngay cả xã hội cũng có nhiều vấn đề. Hàng loạt những cuộc
nổi dậy, bạo động của Trung Quốc chứng tỏ cái xã hội Trung Quốc bây
giờ cũng lắm vấn đề chứ không phải là ổn định đâu. Trong một Nhà nước
toàn trị như của Trung Quốc như vậy thì sức phản ứng của người dân cũng
rất là mạnh mẽ. Trung Quốc tuy mạnh, về kinh tế về quân sự thì hơn
Việt Nam, nhưng mà bên trong cũng có những cái yếu.
Dù vậy, chúng ta đang ở trong một thời đại
mà đang có các dòng chảy về tự do, công bằng, dân chủ hiện nay trên thế
giới. Thì chúng ta phải dựa vào sức mạnh của thời đại, sức mạnh của
các nước trong khu vực, trên thế giới, để tạo một cái thế quốc tế trong
vấn đề Biển Đông, trong mối quan hệ với Trung Quốc. Và nhất là chúng ta
có cái thế mạnh lòng dân, thì phải sử dụng cái thế mạnh này. Thay vì
cấm đoán người dân biểu tình, thì giữ gìn trật tự an ninh cho họ đi
biểu tình. Mà chúng tôi nghĩ phải xem biểu tình như một hoạt động bình
thường, như tại tất cả các nước cũng như vậy thôi. Không nên đàn áp,
bắt bớ, tạo nên một hình ảnh rất xấu của Việt Nam trước thế giới. Thế
mạnh của chúng ta là quốc tế, kể cả luật pháp quốc tế, và thế mạnh lòng
dân, thì chúng ta phải sử dụng triệt để hai thế mạnh đó. Chứ không nên
nói chuyện song phương, bởi vì nói song phương thì rõ ràng là Trung
Quốc sẽ ép chúng ta rất là dữ.
Mà có thể nói đây là bản chất của họ. Theo
những tiết lộ mới đây, họ đã ép ta trong hiệp định Genève về Việt Nam,
họ ép ta trong quá trình chống Mỹ, rồi họ tấn công ta năm 1979 ở biên
giới, và cùng với bọn tay sai Pôn Pốt tấn công chúng ta ở biên giới Tây
Nam. Rồi đánh chiếm Hoàng Sa và chiếm một số đảo ở Trường Sa, và nay
thì tiếp tục có những hành động gây hấn, bách hại ngư dân chúng ta.
Thành ra nếu mà chúng ta mơ hồ về việc này thì rất là nguy hiểm, sẽ làm
cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam chúng ta bị lấn dần.
Ngay vấn đề lao động Trung Quốc hiện nay
sang đây không phép, thì tôi nghĩ là không phải chính quyền Việt Nam
không biết, nhưng tại sao lại để tình trạng như vậy ? Sẽ có những cái
làng Trung Quốc, những vùng Trung Quốc mà người Việt Nam không thể vào
được. Đó là những nhân viên dân sự hay là quân sự ? Ai mà biết được họ
làm cái gì trong đó !
Thì vấn đề đấy không phải là vấn đề kinh tế
mà còn là vấn đề an ninh chính trị, vấn đề quốc phòng, mà chúng ta lại
lơi lỏng. Điều này rất là nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Xin rất cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
Nguồn: RFI
No comments:
Post a Comment