Sunday, August 28, 2011

Thưa chuyện với công cụ bạo lực chuyên chính vô sản (3)

Phạm Đình Trọng “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người! Thế mà chỉ vì để giữ vị trí độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản, học thuyết đấu tranh giai cấp lại tước đoạt quyền tự do dân chủ của người dân!..”


 Tiêu chí chống áp bức, chống bất công của chủ nghĩa Marx Lénine rất phù hợp với cách mạng giải phóng dân tộc vì xâm lược chính là áp bức dân tộc, là bất công ở cấp quốc gia. Chưa bị bóp méo, chưa bị biến dạng, chưa bị lợi dụng cho những mục đích dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa Marx Lénine trung thực, nguyên sơ đến với cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã hội tụ được sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại, đưa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.

Nhưng chủ nghĩa Marx trong kinh tế là công hữu hóa tư liệu sản xuất, hành chính hóa hoạt động kinh tế, triệt tiêu sức sáng tạo trong lao động sản xuất, làm trì trệ, ngưng đọng cả nền kinh tế, làm nảy sinh những bất công mới sâu sắc, nặng nề gấp nhiều lần những bất công do bóc lột tư bản tạo ra!

Chủ nghĩa Marx trong đời sống xã hội là đấu tranh giai cấp đẫm máu và nước mắt để giành và giữ độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản bằng bạo lực! Máu và nước mắt cứ xối xả, triền miên trong suốt quá trình tồn tại của Nhà nước chuyên chính vô sản. Đấu tranh giai cấp thực chất là xóa bỏ vai trò cá nhân và từ bỏ lợi ích dân tộc, nói cách khác, với đấu tranh giai cấp, chỉ có vai trò của những cá nhân lớn và lợi ích của dân tộc lớn. Chỉ có con người có quyền lực trong đảng Cộng sản mới có cá nhân và ý chí cá nhân của họ trở thành ý chí của đảng Cộng sản cầm quyền, trở thành ý chí của Nhà nước Cộng sản. Còn lại, người dân dù là nhà khoa học, nhà văn hóa lớn cũng chỉ là đám đông lao xao, không có cá nhân, không có quyền tự do dân chủ. Đám đông lao xao ấy chỉ được nghĩ theo, nói theo, răm rắp làm theo sự dẫn dắt của người có quyền! Ai nghĩ khác, nói khác đều bị đẩy sang Các – Thế - Lực –Thù – Địch, bị trừng trị bởi công cụ bạo lực của đấu tranh giai cấp: công an, tòa án, nhà tù, trường bắn! Trong Nhà nước chuyên chính vô sản đấu tranh giai cấp, con người lại trở về bày đàn, không có cá nhân, con người bầy đàn của xã hội trước tư bản!

Phương Tây của ông Marx trước tư bản là chế độ phong kiến lãnh chúa, hầu như toàn bộ của cải, toàn bộ tư liệu sản xuất đều tập trung vào số ít lãnh chúa, chủ đất giàu có. Người lao động nông nghiệp, về số phận hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đất, về công việc phụ thuộc vào thiên nhiên, cuộc sống bấp bênh, thân phận con ong, cái kiến! Người lao động chỉ như một công cụ sản xuất của chủ đất, không có vai trò gì trong xã hội, chỉ là đám đông lao xao, không có cá nhân! Những phát minh khoa học tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên của loài người cũng tạo ra cuộc cách mạng xã hội kết thúc vai trò lịch sử của giai cấp lãnh chúa, chủ đất, đưa giai cấp tư sản công nghiệp lên chủ thể xã hội. Nông nô được giải phóng trở thành công nhân công nghiệp. Không còn bị cột vào đất đai, không còn là công cụ sản xuất của chủ đất, không còn phụ thuộc vào thiên nhiên, người lao động công nghiệp làm chủ lấy cuộc đời họ. Máy móc xuất hiện ngày càng nhiều, được sử dụng trong mọi hoạt động sản xuất, kĩ thuật ngày càng hoàn thiện, năng suất lao động ngày càng cao, người lao động ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Họ không còn lẫn trong đám đông lao xao nữa. Họ đã tách ra thành những cá nhân độc lập, có đời sống riêng, có đòi hỏi, khát vọng riêng, được xã hội biết đến qua tên gọi riêng, qua cá tính riêng. Họ có ý thức rất rõ về sự có mặt của họ trong xã hội với tư cách là những chủ thể, những cá nhân công dân trong xã hội. Đó là ý thức về cái Tôi, ý thức cá nhân. Chỉ đến chủ nghĩa tư bản con người mới có ý thức về cá nhân, mới có cái Tôi thiêng liêng! Cái Tôi thiêng liêng là con người phải được Tự do và Bình đẳng. Tự do và Bình đẳng trở thành tuyên ngôn của cuộc cách mạng đưa giai cấp tư sản lên chủ thể xã hội! Tự do và Bình đẳng trở thành quyền công dân, trở thành luật pháp Nhà nước tư sản! Đó là một bước tiến lớn, một cột mốc chói lọi trong lịch sử giải phóng con người, nâng cao tính NGƯỜI của con Người. Bước tiến đó đã được Marx ghi nhận: Ý thức về cá nhân là đóng góp vĩ đại của chủ nghĩa tư bản đối với lịch sử!

Tự do và Bình đẳng cũng là cái đích mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam hướng tới. Vì thế Hồ Chí Minh đã trích dẫn đoạn văn là linh hồn của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 ngay trong phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Người ta sinh ra Tự do và Bình đẳng về quyền lợi và luôn được Tự do và Bình đẳng về quyền lợi.

Trong Tuyên ngôn đảng Cộng sản, Marx và Engels, những người khai sinh ra chủ nghĩa Cộng sản cũng nhận thức rất đúng về Tự do cá nhân: Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người! Thế mà chỉ vì để giữ vị trí độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản, học thuyết đấu tranh giai cấp lại tước đoạt quyền tự do dân chủ của người dân! Trong Nhà nước chuyên chính vô sản luôn sôi sục đấu tranh giai cấp, người dân chỉ là đám đông lao xao, chỉ là “quần chúng cách mạng”, được quyền lực sử dụng làm công cụ trong đấu tranh giai cấp! Con người lại trở về là công cụ, không có cá nhân! Chỉ có cá nhân của người nắm quyền lực trong đảng Cộng sản, như xã hội trước tư bản, chỉ có cá nhân của lãnh chúa, chủ đất! Rõ ràng đấu tranh giai cấp đã kéo lùi lịch sử trở về thời trước cách mạng công nghiệp đầu tiên! Kéo lùi dân tộc Việt Nam trở về thời phong kiến nhưng không phải thời phong kiến Lý – Trần huy hoàng mà là thời phong kiến một nhà nước hai bộ máy quyền lực cưỡi trên cổ dân đen! Đồng tiền thuế nghèo của dân phải nuôi hai bộ máy quyền lực quan liêu khổng lồ, bộ máy đảng trùm lên bộ máy nhà nước cùng đè xuống đầu dân! Đó là thời vua Lê, chúa Trịnh, thời đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam độc lập, không bị nước ngoài cai trị, thời đau khổ của dân tộc Việt Nam!

Chỉ riêng học thuyết đấu tranh giai cấp đã cho thấy sự mâu thuẫn, chông chênh, bất ổn của chủ nghĩa Marx. Để đến với lí tưởng Cộng sản cao cả nhưng huyễn hoặc, ảo tưởng, loài người phải cắn răng, nhẫn nhục đi qua chặng đường dài bất tận của đấu tranh giai cấp đầy máu và nước mắt, người dân chỉ còn là công cụ trong tay nhà nước chuyên chính vô sản! Để đến với nhân đạo Cộng sản không có thật, phải chấp nhận cuộc sống có thật vô cùng nghiệt ngã, vô nhân đạo, mất tính người!

Đấu tranh giai cấp trong nội bộ một dân tộc là: Chỉ có cái Tôi của người nắm quyền lực trong đảng Cộng sản, còn dân chúng chỉ là một bày đàn! Đấu tranh giai cấp trên phạm vi thế giới thì các dân tộc nhỏ cũng là một bày đàn dưới sự bảo hộ, áp đặt của một dân tộc lớn! Trước năm 1989, dân tộc lớn bảo hộ cho cả hệ thống Cộng sản thế giới là Liên Xô. Dưới ách bảo hộ đó nhân dân các nước liên tiếp nổi dậy để trở về với bản ngã dân tộc mình. Năm 1953, cuộc nổi dậy của nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1956, cuộc nổi dậy của nhân dân Hungari. Năm 1968, cuộc nổi dậy của nhân dân Tiệp Khắc. Những cuộc nổi dậy của người dân tay không đều bị xe tăng và lưỡi lê của quân dội Liên Xô dập tắt! Từ 1989, các đảng Cộng sản ở Liên Xô và một loạt nước Đông Âu đồng loạt sụp đổ, mất quyền thống trị xã hội! Các dân tộc trong Liên bang Xô Viết và các dân tộc Đông Âu mới được giải thoát khỏi chủ nghĩa Cộng sản không tưởng và đẫm máu của ông Marx! Vài nước Cộng sản ít ỏi còn lại muốn duy trì sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản đều phải hướng về nước Cộng sản lớn nhất còn lại là nước Trung Hoa.

Đảng Cộng sản Trung Hoa phát động cuộc chiến tranh biên giới đánh Việt Nam ác liệt suốt mười năm, 1979 – 1989. Tháng chín, năm 1989, Trung Hoa vừa ngừng đánh Việt Nam thì tháng chín năm 1990 các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vội hấp tấp sang gặp các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa ở tỉnh lẻ Thành Đô cầu thân với Trung Hoa để dựa vào Trung Hoa duy trì sự thống trị xã hội của đảng Cộng sản Việt Nam, mở đường cho Trung Hoa trở lại tiếp tục công việc đồng hóa chính trị để xâm lược kinh tế và lãnh thổ Việt Nam mà họ đã thực hiện ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, tháng mười, năm 1949 và sau khi Việt Nam quét sạch quân Pháp khỏi đường số Bốn, năm 1950, mở thông biên giới Việt – Trung! Đặt lợi ích của đảng Cộng sản Việt Nam lên trên lợi ích dân tộc Việt Nam, coi sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam cao hơn sự tồn tại của Tổ quốc Việt Nam, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã làm một việc vô cùng nguy hại cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam, mở đầu cho những việc làm nguy hại ngày càng lớn sau này như nhân nhượng cho Trung Hoa lấn đất, lấn biển Việt Nam, nhân nhượng cho Trung Hoa vào khai thác bauxite ở Việt Nam! Từ tháng chín, năm 1990, đảng Cộng sản Việt Nam lại đưa dân tộc Việt Nam đến trước một hiểm họa ngày càng rõ, hiểm họa Bắc thuộc!

7. Đòn đấu tranh giai cấp đầu tiên đánh vào khối thương yêu đùm bọc dân tộc Việt Nam

Thất bại cay đắng qua hàng ngàn năm chinh phục Việt Nam đã dạy cho đế quốc phương Bắc biết rằng muốn khuất phục dân tộc Việt Nam, muốn thôn tính đất nước Việt Nam, phải phá tan rã khối keo sơn đùm bọc dân tộc Việt Nam, xóa sạch nền văn hóa Việt Nam, làm băng hoại đạo lí Việt Nam. Cơ hội để đế quốc phương Bắc thực hiện được mưu đồ đó khi Việt Nam và Trung Hoa cùng đi con đường Cộng sản, cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng thực hiện chủ nghĩa Marx Lénine đặt giai cấp lên trên dân tộc, coi đấu tranh giai cấp là tối cao, là lí do ra đời và tồn tại của đảng Cộng sản và đấu tranh giai cấp cũng là nghĩa vụ hàng đầu của các đảng Cộng sản đối với quốc tế vô sản. Vì thế, ngay sau chiến thắng biên giới năm 1950 của cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất mở toang biên giới Việt - Hoa, lập tức học thuyết đấu tranh giai cấp như một đại dịch từ Trung Hoa tràn vào Việt Nam!

Từ đây, cùng với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dân tộc Việt Nam nhỏ bé, nghèo khổ, còn ở nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, chưa có giai cấp công nhân lại phải gồng mình lên gánh thêm cuộc cách mạng vô sản thế giới, cuộc cách mạng của giai cấp công nhân công nghiệp, để phải nhận lấy tai ương: Càng giải phóng được nhiều đất đai của tổ tiên khỏi sự chiếm đóng của đội quân xâm lược thì nhân dân Việt Nam càng bị nô dịch vào tư tưởng đấu tranh giai cấp khốc liệt, mất tính người, phản văn hóa, phản đạo lí Việt Nam, khối thương yêu đùm bọc dân tộc Việt Nam càng bị đánh phá tan nát!

Từ đây, giải phóng dân tộc không còn là mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam nữa. Mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam bây giờ là cách mạng vô sản thế giới! Giải phóng dân tộc chỉ để chứng minh cho sức mạnh của học thuyết Marx Lénine, chỉ để chứng minh cho thắng lợi của cách mạng vô sản thế giới, chỉ để ngọn lửa đấu tranh giai cấp lan rộng ra khắp thế giới! Vì thế, cách mạng giải phóng dân tộc phải chấp nhận hi sinh cả mục tiêu giải phóng dân tộc, chấp nhận những mất mát đau thương quá lớn vì lợi ích của cuộc cách mạng vô sản thế giới, thực chất là vì lợi ích của nước Cộng sản đàn anh!

Lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ tình thế trong chiến cuộc đông xuân 1953 – 1954. Hệ thống đồn bốt của Pháp ở Nam Bộ bị xóa từng mảng và đang tan rã theo tác động đôminô. Binh đoàn cơ động chủ lực của Pháp ở Trung Bộ bị đánh tan tác trên đèo An Khê. Ở miền Bắc, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tập trung gần như toàn bộ sức mạnh quân sự của Pháp ở Đông Dương, tập trung cố gắng cao nhất và là cố gắng cuối cùng của bộ máy chiến tranh nước Pháp bị tiêu diệt, toàn bộ gần hai mươi ngàn lính Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bắt sống! Cơ hội giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam đã đến rất gần, đã ở trong tầm tay những người Cộng sản Việt Nam. Nhưng sức ép của những người đồng chí Cộng sản Trung Hoa buộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải dừng lại, phải ngậm ngùi kí hiệp định Geneve chấp nhận nỗi đau chia cắt đất nước, dẫn đến cuộc chiến tranh chống Mĩ, thực chất là cuộc nội chiến Nam – Bắc tương tàn, cuộc chiến tranh chia rẽ từng gia đình Việt Nam, vạch trận tuyến trong từng con người Việt Nam, trong từng gia đình Việt Nam!

Đế quốc Cộng sản Trung Hoa không chấp nhận cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam thắng lợi hoàn toàn để có một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, tập trung vào xây dựng đất nước hùng mạnh, vuột khỏi tầm ảnh hưởng, tầm khống chế, vuột khỏi sự ban phát của họ! Với họ, Việt Nam phải mãi mãi chia cắt thành hai mảnh nhỏ bé, xung đột nhau và chỗ chia cắt phải ở vĩ tuyến 17, dứt khoát không chia cắt ở vĩ tuyến 13 theo khẩn cầu của Chính phủ Hồ Chí Minh và với tương quan lực lượng lúc đó, những người Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thể áp đặt được đòi hỏi buộc phía bên kia phải chấp nhận! Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam rỉ máu đau thương chia cắt sẽ bất ổn lâu dài và nửa phía Bắc Cộng sản trong tầm chi phối của nước Cộng sản đàn anh Trung Hoa sẽ là tấm lá chắn, khu đệm an toàn cho Trung Hoa và mãi mãi phụ thuộc vào Trung Hoa!

Cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ thắng lợi trọn vẹn nếu không bị hai đòn thọc gậy bánh xe của Cộng sản Trung Hoa. Đòn thứ nhất: Chia cắt đất nước! Đòn thứ hai: Cải cách ruộng đất!

Trong chiến dịch đông xuân 1953 – 1954 lịch sử, khi những đại đoàn chủ lực quân đội Nhân dân Việt Nam, đại đoàn 308, đại đoàn 312, đại đoàn 316 vừa thành lập gấp rút hành quân lên Tây Bắc, sang Thượng Lào rồi bí mật lặng lẽ dồn cả về điểm quyết chiến Điện Biên Phủ thì những đoàn ủy cải cách ruộng đất dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Hoa cũng hối hả bủa về những làng quê của vùng kháng chiến trung du Bắc Bộ và khu Bốn. Trên những sườn núi bao quanh thung lũng Mường Thanh, các đại đoàn 308, 312, 316 nổ súng đánh lấn từng căn cứ quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì ở các làng quê trong vùng khang chiến, các đoàn ủy cải cách ruộng đất cũng đốt đuốc thâu đêm phát động quần chúng đấu tranh giai cấp! Từ đây khối thương yêu đùm bọc dân tộc làm nên sức mạnh Việt Nam bị phân chia thành giai cấp đối kháng không đội trời chung, thanh toán nhau một mất một còn: giai cấp địa chủ bóc lột và giai cấp nông dân bị bóc lột!

Miền Bắc Việt Nam thời thuộc Pháp không có lãnh chúa, chủ đất lớn, chỉ có chủ đất nhỏ. Chỉ là chủ đất nhỏ, họ cũng là nông dân chân lấm tay bùn, một sương hai nắng. Vừa có sức lao động: Tháng giêng dắt trâu đi cày / Tháng hai vãi mạ ngày ngày siêng năng. Vừa biết lo liệu, tính toán, tổ chức làm ăn: Một người biết lo bằng một kho người hay làm. Lại biết chắt chiu, tằn tiện, tích lũy: Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện. Đó là ba phẩm chất, ba đòi hỏi không thể thiếu làm nên cơ nghiệp nhà nông. Nhưng nông dân không phải ai cũng có đủ ba phẩm chất đó. Có người chỉ có thể lao động cơ bắp thì chỉ có thể đi làm thuê và không thể tạo nên cơ nghiệp. Thành quả của người chỉ biết lao động cơ bắp đương nhiên phải thấp hơn thành quả của người biết lo liệu, tổ chức công việc cho nhiều người. Sự khác biệt, chênh lệch mức sống nảy sinh từ đó. Sự chênh lệch này, ở chế độ xã hội nào, thời nào và ở đâu cũng có. Sự chênh lệch có tính hợp lí, công bằng, tạo ra sự ổn định, bền vững xã hội. Người có tư liệu sản xuất, biết lo liệu, tổ chức công việc, tạo việc làm nuôi sống người chỉ có thể lao động cơ bắp là nhân đạo xã hội. Xóa bỏ sự hợp lí công bằng này, đưa người không biết lo liệu, chỉ có thể lao động cơ bắp lên lo liệu tổ chức công việc cho cả xã hội là đã tạo ra bất hợp lí, bất công, bất ổn định xã hội mới to lớn, nguy hại cho cả xã hội! Cái nguy hại này đang tồn tại ở ta từ cải cách ruộng đất đến nay!

Thời cải cách ruộng đất dân số Việt Nam mới có hai mươi lăm triện người. Ruộng hoang trong làng, bãi hoang ven sông, ven biển, đất hoang bìa rừng, đồi hoang trung du, nơi nào cũng bạt ngàn mênh mông. Ruộng hoang nhiều đến nỗi ngổn ngang cả trong ca dao: Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang / Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu. Trong điều kiện tự nhiên đó, chỉ những người lười biếng, lêu lổng, bê tha cờ bạc, rượu chè hoặc không có đầu óc tính toán tổ chức, chỉ có cơ bắp làm thuê mới nghèo đói ở dưới đáy xã hội. Sự nghèo khổ đó được đội cải cách ruộng đất qui kết là do bóc lột và những người nghèo khổ là những người có thù giai cấp sâu sắc, có tinh thần cách mạng triệt để! Từ cải cách ruộng đất những người cùng khổ được tin cậy đưa lên làm cốt cán trong đấu tranh giai cấp rồi trở thành chủ thể xã hội như cách mạng tư sản châu Âu thế kỉ XVIII đưa giai cấp tư sản lên chủ thể xã hội! Nhưng cách mạng tư sản giao xã hội cho những người giàu có của cải, giàu có trí tuệ. Còn cách mạng vô sản thì làm ngược lại! Trong khi lớp người đông đảo nhất, tinh hoa nhất, tiêu biểu nhất cho nông dân Việt Nam thời cải cách ruộng đất là trung nông, những người có đầu óc, biết tổ chức làm ăn, có đức cần cù, chắt chiu. Trong bài viết Nỗi Đau Dân Chủ, tôi đã lí giải và chứng minh rằng trung nông chính là những người đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. No đủ về kinh tế, Trung nông luôn có khát khao vươn lên về trí tuệ và có khả năng thực hiện được khát khao đó. Phải ở tầng lớp trung nông mới có đủ khả năng kinh tế theo đuổi việc học và mới học được. Trung nông chính là nguồn lực lớn nhất của cách mạng Việt Nam. Nguồn lực con người. Nguồn lực của cải. Nguồn lực trí tuệ, tài năng. Những người lãnh đạo cách mạng Việt Nam và chỉ huy quân đội cách mang Việt Nam thời kì đầu đều từ nguồn tài trí này. Lớp người đã sáng tạo cho dân tộc Việt Nam kho tàng văn hóa dân gian cũng chính là lớp người đã làm nên đội ngũ trí thức, nghệ sĩ của cách mạng Việt Nam.

Biết làm ăn, chịu thương chịu khó, chắt chiu, cần kiệm, họ trở thành trung nông, có bát ăn bát để. Nền tảng văn hóa cho họ lòng yêu nước bằng tự giác. Khi đất nước có giặc, họ đi đầu cầm súng đánh giặc. Buổi đầu, nhà nước kháng chiến chỉ có hai bàn tay trắng, không có một hạt thóc nuôi quân! Những trung nông có bát ăn bát để lại trút bát để và sẻ cả bát ăn nuôi đội quân đánh giặc. Nhưng trong cải cách ruộng đất, khoảng cách giữa trung nông và địa chủ rất mong manh, hầu như không có khoảng cách. Phân định giai cấp trong cải cách ruộng đất theo chỉ tiêu, tỉ lệ do cố vấn Trung Hoa áp đặt và theo cảm tính yêu ghét của cốt cán là những người bần cùng trong xã hội, trong lòng luôn mang nặng đố kị, hằn học giai cấp. Thế là hàng loạt trung nông có chút bát ăn bát để đã mang cả tính mạng, của cải, tài trí ra cống hiến cho cách mạng liền bị đội cải cách qui kết là địa chủ, cường hào, gian ác, kẻ thù giai cấp của cách mạng! Họ không có tội thì đội cải cách sẽ tạo ra tội cho họ! Những người cùng khổ, đầy hằn học, đố kị người có của, những cốt cán không có tri thức phần lớn mù chữ được kích động về lòng căm thù giai cấp nhảy lên đài đấu tố. Càng xưng xưng đơm đặt ra nhiều tội cho kẻ bị đấu tố thì càng có thành tích, càng có thù giai cấp, càng được tin cậy, càng thăng tiến! Người nông dân Việt Nam vốn chân chất, hiền lành, bao dung mà lòng bao dung là bản tính của dân tộc nhỏ bé tồn tại bằng thương yêu đùm bọc. Bao dung là thế ứng xử của con người sống hòa thuận trong tình làng nghĩa xóm. Bao dung nhường nhịn là điều ông bà cha mẹ dạy con cháu trước hết, là câu nói hàng ngày đã trở thành tục ngữ dân gian: Năm bỏ làm ba, chín bỏ làm mười. Một điều nhịn, chín điều lành... Đến cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất, Người nông dân hiền lành, bao dung, nhường nhịn ngày nào, bị liều thuốc độc đấu tranh giai cấp kích động, bỗng như có ma nhập, trở nên hung hãn, sắt máu, gian dối, điêu toa, nhỏ nhen, độc ác và sự gian dối, độc ác đã làm chủ đấu trường đấu tố, làm nên tội trạng cho người bị đấu tố, dẫn đến những bản án tử hình nhanh chóng, đơn giản!

Trong cải cách ruộng đất, số phận hơn chục triệu nông dân miền Bắc Việt Nam được quyết định bởi hai thế lực: Những cố vấn Trung Hoa âm thầm chỉ đạo, phán quyết ở phía sau và những người cùng khổ gào thét trên đài đấu tố! Hàng trăm ngàn nông dân lao động lương thiện tạo ra cuộc sống ổn định, bền vững cho làng quê, những người đã hiến dâng cả của cải, tính mạng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, những tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ đã sáng tạo và gìn giữ kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam, những người nông dân cao quí đó bị điệu lên đài đấu tố trở thành những tên địa chủ có nợ máu phải nhận tội chết bởi những tòa án mông muội không xét xử theo luật vì không có luật và cũng không cần luật mà xử theo chỉ đạo của cố vấn Trung Hoa và theo cảm tính của những cốt cán. Đấu trường đấu tố đã phơi bày sự khốn cùng về nhân cách của lớp người khốn cùng về kinh tế được đưa lên chủ thể xã hội từ cải cách ruộng đất! Và ngón đòn đấu tố hiểm độc trở thành quen thuộc trong sinh hoạt chính trị lớn nhỏ, được sử dụng thường xuyên đến tận hôm nay!

(xem tiếp phần 4)

Phạm Đình Trọng
Nguồn: Dân Luận

No comments:

Post a Comment