Phạm Đình Trọng “…Cấm
không được yêu nước! Cứ để đất đai Việt Nam cho người Trung Hoa sát
nhập vào lãnh thổ của họ để họ bảo lãnh cho các quan chức Việt Nam được
trị vì mãi mãi…”
1. Cuộc hẹn bát ngờ, gấp gáp, không thể từ chối
Đúng
ngày khai mạc đại hội 11 đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền,
12.1.2011, 13 giờ 30, tôi nhận được cuộc điện thoại của đại úy cảnh sát
khu vực Dương Tấn Lắm: Cháu đến nhà bác mà đóng cửa. Bác đang ở đâu? Cháu có việc cần gặp bác.
Hơn
năm nay, từ khi tôi từ bỏ đảng Cộng sản và có một số bài viết công bố
trên các trang mạng, ông cảnh sát khu vực Lắm trở nên quan tâm, gần gũi
tôi, vẫn thường hẹn gặp tôi như vậy. Khi thì từ sáng sớm ông đột ngột
xuất hiện ở cửa. Khi thì ông gọi điện bảo tôi lên công an phường. Dạo
tôi làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con gái tôi, công an hộ khẩu quận Tân
Bình hẹn tới hẹn lui, mỗi lần họ lại đưa ra thêm một đòi hỏi làm cho tôi
mất rất nhiều thời gian và quá mệt mỏi! Con gái tôi từ thành phố Hải
Phòng vào ở với tôi đã hơn ba năm và đã có công việc ổn định, có đủ các
điều kiện theo yêu cầu của việc đăng kí hộ khẩu nhưng dường như đòi hỏi
của công an hộ khẩu là vô tận! Tờ giấy bảo lãnh của chủ hộ, tôi viết và
được công an phường xác nhận chỉ có giá trị trong thời gian sáu tháng và
tôi đã phải hai lần lên công an phường làm lại giấy bảo lãnh mà việc
nhập hộ khẩu của con tôi vẫn chưa được! Không đủ kiên nhẫn theo đuổi,
tôi đành bỏ cuộc, cất hồ sơ đi, chấp nhận con gái tôi ở với tôi không
cần hộ khẩu! Đúng lúc đó ông cảnh sát khu vực Dương Tấn Lắm hẹn gặp tôi
và bảo: Bác đưa hồ sơ nhập hộ khẩu của em Trang cho cháu đi làm giúp bác! Tôi lại có thêm vài cuộc gặp ông Lắm về việc làm hộ khẩu này!
Một
buổi chiều ông Lắm hẹn gặp tôi rồi dẫn tôi lên công an quận Tân Bình và
bảo tôi đợi ở phòng tiếp dân của ông quận phó công an Nguyễn Thành Tâm.
Cuộc gặp của ông phó công an quận Tân Bình với tôi, ngoài ông Nguyễn
Thành Tâm, ông Dương Tấn Lắm còn có ba ông cán bộ công an quận và ông
Sơn ở sở công an thành phố Hồ Chí Minh. Các ông đó tự giới thiệu tên và
cấp lãnh thổ hoạt động mà không hề nói tới lĩnh vực nghiệp vụ đảm nhiệm.
Sự lảng tránh đó cho tôi hiểu rằng họ đều là cán bộ an ninh bảo vệ
chính trị, một chuyên ngành công an mới thành lập từ năm 2002 để nhà
nước cộng sản Việt Nam thêm công cụ bảo đảm sự tồn tại của đảng Cộng
sản! Để duy trì sự tồn tại của đảng Cộng sản, bộ máy công cụ công an cứ
phình to mãi! Ngân sách mỏng của đất nước nghèo lại phải dồn thêm tiền
nuôi bộ máy công cụ khổng lồ này và quỹ phúc lợi xã hội cứ tong teo mãi!
Cứ kéo dài mãi nỗi đau khổ ba, bốn người bệnh trên một chiếc giường
trong bệnh viện! Ngày nay, với nhà nước cộng sản, chuyên ngành an ninh
bảo vệ chính trị quan trọng và được vỗ về đến mức trong cuộc sống hòa
bình yên ổn và mới hoạt động được tám năm mà cục Bảo vệ chính trị và ông
đại tá cục trưởng Đường Minh Hưng đã được tôn vinh Anh hùng lực lượng
vũ trang!
Cả sáu ông công an gặp tôi
hôm đó đều mặc thường phục dù trong giờ làm việc và ở ngay trong trụ sở
công an quận. Lí do cuộc gặp chỉ để hỏi thêm một chi tiết trong tờ khai
nhập hộ khẩu của con tôi. Tôi giải thích nhưng dường như các ông công an
không mấy quan tâm đến chi tiết đó. Ông Tâm quận phó công an và ông Sơn
cán bộ công an thành phố Hồ Chí Minh đều nói đến tình cảm cha con và sự
cần thiết của việc con gái tôi nhập hộ khẩu vào với tôi để bộc lộ sự
quan tâm, ưu ái của công an đối với tôi. Tình cảm cha con là lớn lao,
quí giá! Cha con cần được gần gũi nhau để chăm lo, giúp đỡ nhau! Công an
sẽ quan tâm sớm giải quyết cho con gái tôi có hộ khẩu! Lúc tôi ra về,
ông quận phó công an Nguyễn Thành Tâm còn đưa tiễn tôi đi hết hành lang
dài ra tới tận vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ!
Lần
này có việc gì mà ông Lắm hẹn gặp tôi gấp gáp vậy nhỉ? Tôi không có nhà
nên xin ông Lắm lui cuộc gặp lại đến sáng mai. Không được! Lui đến
chiều tối vậy. Cũng không được! Chuyện gấp gáp vậy thì nói luôn trên
điện thoại đi! Nói trên điện thoại không tiện bác ạ! Bác về nhà đi, cháu
đến đón bác ra ngoài quán cà phê ngồi! Tôi vừa về nhà thì ông Lắm đến.
Tôi đi xe máy theo ông Lắm đến quán cà phê trên đường Trường Chinh gần
trụ sở công an phường tôi. Ông quận phó công an Tân Bình Nguyễn Thành
Tâm đang đợi tôi bên li nước trái cây.
Hai
giờ chiều. Quán vắng. Bốn người đều mặc dân sự ngồi hai bên chiếc bàn
nhỏ giữa những chiếc bàn trống. Cạnh tôi là ông Lắm. Cạnh ông Tâm là một
ông khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Ông Tâm không một lời giới thiệu về
nhân vật này và tôi cũng không hỏi. Suốt cuộc gặp gần hai giờ, nhân vật
này không nói một lời, không tỏ ra lắng nghe, thái độ khinh khỉnh như
người ngoài cuộc, chỉ đôi lần thoáng tỏ ra khó chịu trước ý kiến của
tôi. Lúc cuộc gặp kết thúc, nhân vật này lẳng lặng ra trước lấy xe máy.
Tôi bước nhanh đến bắt tay và chào từ biệt: Chào anh! Đáp lại vẫn là sự
im lặng! Không có nổi một cái chào bằng nhếch mép! Văn hóa giao tiếp của
công an và ứng xử của công cụ chuyên chính vô sản với dân như vậy đó!
Trở
lại cuộc gặp. Ông Tâm nói như để giải thích cách xưng hô với tôi: Em
năm mươi tuổi! Từ cuộc gặp tôi lần đầu ở trụ sở công an quận Tân Bình,
ông Tâm đã thân tình, cởi mở kêu tôi là anh và xưng em. Ông Tâm hỏi về
cuộc sống của tôi. Tôi cũng hỏi thăm về ông Tâm và được biết ông Tâm quê
Tây Ninh nhưng từ trẻ, bố ông Tâm đã đến Sài Gòn làm ăn, lấy vợ người
Sài Gòn và sinh ông Tâm ở Sài Gòn. Ông Tâm làm việc ở công an quận Tân
Bình đã ba mươi năm, từ 1981 đến nay, đã học trường trung cấp công an
thuộc sở công an thành phố Hồ Chí Minh và trường đại học An ninh thuộc
bộ công an nhưng trường ở ngay Thủ Đức. Năm mươi tuổi. Ba mươi năm trong
ngành công an, được đào tạo bài bản, chính quy, lại là phó trưởng công
an quận, hẳn ông Tâm phải mang hàm đại tá!
2. Tôi viết không vì tiền
Sau
màn dạo đầu thăm hỏi, ông Tâm vào chuyện: Một lần tình cờ vào mạng, em
thấy tên anh. Không biết có phải bài của anh hay chỉ là sự trùng tên?
Ông Tâm định mở đường cho tôi từ bỏ những bài viết của tôi chăng? Tôi
xác nhận ngay rằng những bài viết trên mạng kí tên tôi đều là những bài
tôi viết. Ông Tâm hỏi tôi nhuận bút những bài viết đó. Đó, mối quan tâm
thực sự của công an đó!
Tư duy vị vật
chất tầm thường của bộ máy công cụ công an và bộ máy công cụ tuyên
truyền của nhà nước này là: Những người nói tiếng nói khác biệt với
chính thống, những người viết bài, trả lời phỏng vấn ngoài hệ thống
chính thống, nói tiếng nói dân chủ, nói lên khát vọng của cuộc sống về
dân chủ, về quyền con người, nói ý chí của dân tộc về độc lập, toàn vẹn
lãnh thổ đều do Các – Thế - Lực – Thù – Địch giật dây, đều nhận tiền của
Các – Thế - Lực – Thù – Định! Tiền đó là nhuận bút bài viết, là tiền
giải thưởng này, giải thưởng kia, là tiền tài trợ, giúp đỡ!
Đẩy
tiếng nói dân chủ, nhân quyền, tiếng nói độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh
thổ sang phía thù địch là bộ máy chuyên chính vô sản đã đẩy tiếng nói
trung thực, khảng khái của nhân dân sang phía thù địch! Dù tiếng nói của
họ khác biệt với thể chế, khác biệt với chính quyền thì những người nói
tiếng nói trung thực khảng khái đó cũng là những nhân cách lớn. Những
nhân cách lớn Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Trần Lâm, Lê
Hồng Hà, Nguyễn Thanh Giang, Trần Nhơn, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Tiêu
Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo, Tô Hải, Lê Phú Khải, Tống Văn
Công, Vi Đức Hồi, Vũ Cao Quận, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê
Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Hoàng Tiến, Vũ Hùng, Nguyễn Thượng Long,
Nguyễn Phương Anh, Phạm Hồng Sơn, Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,
Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn... và còn rất nhiều người khác
nữa tôi không thể kể hết tên. Họ đều là những người Việt Nam nặng lòng
yêu nước thương nòi. Họ đều là Nhân Dân thân yêu. Coi họ là Nhân Dân thì
đối thoại với họ phải là cơ quan tư tưởng, cơ quan tuyên giáo của thể
chế, của hệ thống chính trị! Coi họ là thù địch nên đối thoại với họ là
công an, là bộ máy bạo lực, là công cụ! Và tôi đang đối thoại với ông
quận phó công an quận Tân Bình, thành phố Sài Gòn!
Đẩy
sang phía thù địch tiếng nói chính đáng của người dân đòi dân chủ, đẩy
sang phía thù địch tiếng nói yêu nước của người dân đòi độc lập toàn vẹn
giang sơn, công cụ bạo lực chuyên chính vô sản đối xử với người dân nói
tiếng nói trung thực đó như đối xử với kẻ thù giai cấp! Bạo lực được sử
dụng tùy tiện, lạnh lùng, tàn nhẫn, bất chấp pháp luật và văn hóa ứng
xử! Thanh niên, sinh viên tập hợp để khẳng định với kẻ bành trướng xâm
lược đã cướp Hoàng Sa, Trường Sa rằng: Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Cuộc tập hợp của lòng yêu nước đó đã bị công an dùng bạo lực giải tán!
Tiếng nói Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tiếng nói của lịch sử mở
nước và giữ nước bằng máu của nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị sức mạnh
công cụ bạo lực dập tắt! Người tổ chức in hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa
của Việt Nam lên áo, người mặc áo mang hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa của
Việt Nam bị công an bắt bớ, giam cầm! Người nói tiếng nói dân chủ, bộc
lộ chính kiến khác biệt với chính thống bị gán tội tuyên truyền chống
nhà nước, bị tù tội! Những bản án tù nghiệt ngã, phi pháp, bất lương
dành cho đại tá quân đội Phạm Quế Dương, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư
Lê Thị Công Nhân, luật sư Phan Thanh Hải, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà văn
Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, nhà
hán nôm học Trần Khuê, cô gái trẻ Phạm Thanh Nghiên . . . với nhiều tội
danh khác nhau nhưng thực chất “tội” của họ chỉ là yêu nước, yêu lẽ
phải. Tòa án xét xử họ, nhà tù giam cầm họ là đã xét xử, giam cầm lương
tâm và khí phách dân tộc Việt Nam. Chính quyền chống lại họ thì chính
quyền đó thực chất không còn là chính quyền của nhân dân Việt Nam nữa!
Đẩy
tiếng nói trung thực, khảng khái sang phía kẻ thù để trừng trị, người
dân không dám sống thật, nói thật! Xã hội chỉ còn tiếng nói xu thời, giả
dối và người xu thời, giả dối, ăn theo, nói leo được tin dùng, trở
thành mẫu người thành đạt, thành khuôn mẫu xã hội! Sự giả dối thắng thế,
thống trị xã hội! Đó là thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay! Xã hội mà
sự giả dối thắng thế thì dứt khoát không phải là xã hội lương thiện, dứt
khoát không thể có dân chủ, công bằng, văn minh! Cái gì cần mà không có
thường được nhắc đến với tần số cao vọt vừa là nỗi khát khao, vừa là sự
an ủi. Thời đất nước còn giặc ngoại xâm, chưa có độc lập thật sự, câu
khẩu hiệu Không có gì quí hơn Độc lập Tự do như tiếng nói bật ra từ đáy
lòng mỗi người dân, có sức lay động, động viên, thôi thúc rất lớn. Giặc
đã tan, nước đã độc lập, câu khẩu hiệu kia không còn sức lay động nữa!
Nếu vẫn trương câu khẩu hiệu đó lên thì như phủ nhận nền độc lập đang
có! Ngày nay từ Dân chủ, Công bằng, Văn minh xuất hiện trong đời sống
với tần số cao hơn hẳn từ Độc lập, Tự do thời đất nước chưa có độc lập
thật sự đã là chỉ số về sự thiếu thốn và nỗi khát khao Dân chủ, Công
bằng, Văn minh!
Với tư duy vị vật
chất tầm thường, không biết đến giá trị nhân văn và trách nhiệm công
dân, trách nhiệm xã hội của con người, bộ máy công cụ công an không hiểu
được rằng, chúng tôi viết vì nỗi đau đáu trong lòng chúng tôi, vì nỗi
xót xa cho thân phận người dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã phải chịu
bao đau thương, mất mát, đã phải tốn bao nhiêu xương máu cho nền độc lập
của đất nước Việt Nam. Nhà tan cửa nát cũng ừ / Đánh thắng giặc Mĩ khổ
chừ, sướng sau (Câu ca dao thời chiến tranh chống Mĩ ở Quảng Bình) Đã
đánh hết giặc Pháp đến giặc Nhật, đánh hết giặc Mĩ đến giặc Pôn pốt,
giặc bành trướng! Nhà nào cũng có người bỏ mạng ngoài mặt trận! Nhà nào
cũng có người mẹ mất con, vợ mất chồng! Mấy thế hệ con trai, con gái mất
cả thời tuổi trẻ đẹp đẽ cho chiến tranh! Hi sinh lớn đến thế để có độc
lập! Nhưng nước độc lập rồi mà người dân vẫn không được hưởng quyền tự
do dân chủ! Đến quyền cơ bản nhất, thông thường nhất là quyền tự do ngôn
luận cũng không có! Thời Pháp đô hộ, nước mất, dân nô lệ mà dân ta vẫn
có quyền ra báo tư nhân, lập nhà xuất bản tư nhân! Ngày nay nước có độc
lập mà dân không được quyền ra báo tư nhân! Không thể có tự do ngôn luận
khi không có báo tư nhân! Sao người dân Việt Nam khốn khổ đến thế, hỡi
Trời!
Ở các nước công nghiệp, người
dân được hưởng quyền tự do ngôn luận từ thế kỉ XVIII, thế kỉ mở ra kỉ
nguyên Ánh sáng, kỉ nguyên cá nhân được nhìn nhận, kỉ nguyên thức tỉnh ý
thức cá nhân ở mỗi người, quyền của cá nhân trong xã hội được pháp luật
bảo vệ. Trong những quyền cá nhân thì quyền được nói, được bộc lộ tư
tưởng chính kiến không những quan trọng với cá nhân mà còn rất quan
trọng, cần thiết cho sự phát triển xã hội loài người. Vì thế Voltaire,
1694 – 1778, nhà tư tưởng lớn người Pháp của kỉ nguyên Ánh sáng đã viết:
Tôi không thích điều anh nói nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền
được nói của anh! Xã hội Việt Nam hôm nay sau Voltaire ba trăm năm mà
người dân vẫn chưa được hưởng quyền được nói, quyền được bộc lộ tư tưởng
chính kiến, quyền tự do ngôn luận! Dù Hiến pháp cho người dân đầy đủ
những quyền đó! Hiến pháp năm 1992, điều 69 ghi: Công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp,
lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật. Nhưng thực tế những
quyền đó người dân đều không có! Sao người dân Việt Nam khổ thế, hỡi
Trời!
Không có tự do ngôn luận nên
tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ phát biểu chính kiến khác với chính thống liền bị
bắt, tống giam, bị khép tội tày đình: Tuyên truyền chống nhà nước! Vì
không có tự do ngôn luận nên tôi chỉ viết mấy bài trên trang báo mạng
bộc lộ nỗi niềm của tôi về đất nước, về thế sự mà con trai tôi, một kiến
trúc sư làm việc trong công ty tư nhân liên tiếp nhận được những cuộc
điện thoại răn đe khi nhẹ nhàng, khi gay gắt: Muốn yên ổn làm ăn thì bảo
bố đừng viết bài trên mạng nữa!
Loài
người đã bước vào thời văn minh tin học kì diệu, chỉ một click chuột,
người ta có thể tiếp cận với mọi nền văn minh, tiếp cận với mọi tư
tưởng, mọi thông tin mà ở xã hội Việt Nam quyền tự do ngôn luận vẫn chỉ
có trên giấy, quyền tự do ngôn luận vẫn là một thứ quá xa xỉ, quá cao
xa, người dân không được phép với tới! Người dân chỉ vì sử dụng quyền tự
do ngôn luận mà phải trả giá quá đắt bằng những năm tháng tù đày! Không
hiểu được rằng chúng tôi viết vì nỗi đau đó của người dân Việt Nam nên
bộ máy công cụ chuyên chính vô sản cho rằng chúng tôi viết chỉ vì tiền!
Tôi
lại cay đắng nhớ đến nhà văn VL, bạn tôi. Không phải chỉ là bạn văn
chương, anh còn là đồng đội của tôi trong chiến tranh. Chúng tôi cùng là
những thằng lính chiến, đã nếm trải đủ cung bậc trần ai, đói khổ, sốt
rét, bom đạn ở mặt trận miền Nam. May mắn sống sót sau chiến tranh, nên
chúng tôi quí nhau lắm. Trở thành nhà văn, có tác phẩm nào được xuất
bản, anh cũng tặng sách cho tôi. Anh còn nồng nhiệt và chân tình viết
lời giới thiệu đầy cảm hứng cho lần xuất bản đầu một tập truyện của tôi,
tập Một Thuở, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, 2008. Không trực tiếp tiếp
xúc với thông tin mạng, chỉ nghe dư luận bạn bè nói về những bài viết
trên mạng của tôi, anh nói với nhà thơ bạn chung của chúng tôi: Sao ông
Trọng phải tự đánh bóng mình thế nhỉ! Trời ơi, ông bạn lính của tôi còn
nghĩ về tôi như vậy thì những ông công an như ông Tâm nghĩ rằng tôi viết
bài trên mạng chỉ vì tiền, cũng là điều dễ hiểu!
Sau
một số bài viết của tôi đăng trên một số trang báo mạng, tôi đã nhận
được hàng trăm cuộc điện thoại từ các đài phát thanh, các báo tiếng Việt
ở Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Úc xin phỏng vấn nhưng tôi đều từ chối. Nhà báo
Mặc Lâm ở đài RFA, Mĩ, phôn cho tôi nhiều lần, nể quá, tôi phải nói lại
đôi điều về một bài viết của tôi mà ông Lâm quan tâm. Chỉ một lần đó
thôi. Nếu cần đánh bóng tên tuổi thì đăng đàn trả lời phỏng vấn trên
sóng phát thanh và báo chí tiếng Việt trên khắp thế giới là cơ hội tốt
nhất. Vậy mà tôi đã từ chối những cơ hội đó! Ngày 31.7.2010, tôi nhận
được email của một người Việt ở Paris là một nhà hoạt động chính trị có
uy tín và có tầm ảnh hưởng rộng thông báo sẽ đề nghị đưa tôi vào danh
sách xét tặng giải thưởng Nhân quyền năm 2011 và ông đề nghị tôi cung
cấp một số tư liệu về cá nhân để làm hồ sơ tuyên dương người nhận giải
thưởng. Tôi cảm ơn thiện chí của ông và ban xét giải thưởng dành cho tôi
nhưng tôi từ chối không nhận giải. Đây là một giải thưởng đứng đắn và
một số tên tuổi người Việt Nam đáng kính đã được trao giải. Hai nhà văn
Mĩ sống ở nửa đầu thế kỉ trước, nhà văn Dashiell Hammett, 1894 – 1961 và
nhà văn Lillian Hellman, 1905 – 1984, đã dành gia tài của họ làm quĩ
cho giải thưởng tặng cho những nhà văn có đóng góp tích cực cho cuộc đấu
tranh vì tự do dân chủ. Nếu cần đánh bóng tên tuổi và ham hố tiền bạc,
tôi đã không từ chối cơ hội vừa có tiếng, vừa có miếng này! Bài viết của
nhà báo Mặc Lâm về cuộc trao đổi giữa tôi và ông Mặc Lâm trên điện
thoại, được ông Mặc Lâm gửi đăng trên báo Người Việt, phát hành ở Mĩ,
ông Lâm phôn cho tôi hỏi địa chỉ để gửi tiền nhuận miệng của tôi, tôi
cũng từ chối. Không, tôi viết không vì tiền và những trang báo mạng đăng
bài của tôi, ngay cả trang báo mạng lớn nổi tiếng thế giới là trang
mạng BBC cũng không trả nhuận bút cho người viết vì báo mạng không có
nguồn thu từ người đọc. Tôi thưa với ông Tâm điều đó và nói thêm rằng
cuộc sống của tôi tuy không giàu nhưng không thiếu thốn! Tôi viết không
phải vì tiền!
3. Nỗi đau nỗi nhục của người Việt nam hôm nay
Tôi
vào bộ đội trước khi cuộc kháng chiến chống Mĩ nổ ra và tôi rời quân
ngũ khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt mười năm trời,
1979 – 1989, vừa kết thúc. Cuộc đời lính của tôi gánh trên vai trọn vẹn
ba cuộc chiến tranh, chống Mĩ, chống Pôn pốt và chống bành trướng. Chiến
tranh chống Mĩ tôi có mặt ở Tây Nguyên. Trong chiến dịch đánh đuổi bọn
Pôn pốt giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, tôi là nhà
văn đi với tàu chiến của hải quân, lên tàu từ cảng An Thới đảo Phú Quốc
đổ bộ lên cảng Công pông xom, Campuchia. Trong cuộc chiến bảo vệ biên
giới phía Bắc và giữ quần đảo Trường Sa, tôi có mặt ở mặt trận Cao Bằng,
mặt trận Hà Giang và quần đảo Trường Sa. Cả tuổi trẻ của tôi đã hiến
dâng cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ nhà nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa. Nhưng những gì đang diễn ra của chính sự hôm nay cho tôi
cảm nhận rằng những người lãnh đạo đất nước hôm nay đang phản bội lại
máu những người lính đã đổ ra hôm qua!
Nhiều
mảnh đất của tổ tiên người Việt để lại đã thấm đẫm máu nhiều thế hệ
người Việt Nam đã không còn là đất đai Việt Nam nữa! Đặc biệt đất đai
biên cương phía Bắc càng thấm đẫm nhiều hơn máu những người lính và cả
nước mắt cha, mẹ, vợ, con người lính! Tháng ba năm 1987, chiến tranh
biên giới Việt – Trung đang còn ác liệt, tôi ngồi cùng ô tô với phó tư
lệnh Đặc công, Anh hùng, đại tá Đỗ Văn Ninh đưa mẹ con chị Nguyễn Thị
Định là vợ và con của liệt sĩ thượng úy đại đội trưởng Cao Hoàng Việt
lên viếng mộ anh Việt vừa hi sinh trước đó ít ngày trong cuộc chiến đấu
giành lại điếm cao Xê Ba (C3) ở Vị Xuyên, Hà Giang. Đại đội đặc công của
anh Việt vừa giành lại điểm cao Xê Ba thì pháo từ Trung Hoa bắn sang.
Đạn pháo xé làm thân thể anh Việt không còn nguyên vẹn. Một phần thân
thể người lính Cao Hoàng Việt đã lẫn ngay vào đất đá trên mỏm núi đá Xê
Ba. Người đàn bà trẻ, nhân viên đánh máy viện Văn học Việt Nam mới ngoài
hai mươi tuổi, vợ liệt sĩ Cao Hoàng Việt, khóc lặng lẽ bên nấm mộ còn
tươi màu đất mới đắp trên sườn đồi hoang lạnh. Chị khóc cho cuộc đời tận
tụy hi sinh cống hiến cho đất nước mà quá ngắn ngủi của anh! Chị khóc
cho thân phận góa bụa còn quá trẻ của chị! Chị khóc cả cho đứa con trai
côi cút mới bốn tuổi còn chưa biết khóc cha. Cho đến nay giọt nước mắt
của người vợ liệt sĩ khóc chồng ở sườn đồi hoang lạnh biên giới phía Bắc
vẫn còn mặn chát trong lòng tôi!
Các
ông thứ trưởng bộ Ngoại giao Lê Công Phụng và Vũ Dũng nối tiếp nhau làm
trưởng phái đoàn đàm phán phân định biên giới Việt – Trung đã không
biết cái giá máu và nước mắt của từng tấc đất biên cương! Các ông lại
không thuộc lịch sử Việt Nam nên không nhớ lời dặn của tổ tiên, của lịch
sử: Một thước đất, một tấc sông của ta lẽ nào có thể vứt bỏ? Phải kiên
quyết tranh biện, chớ để cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe còn có thể
sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem
một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru
di! Lời vua Lê Thánh Tôn nói với sứ thần nhà Lê cũng là lời của khí
thiêng sông núi Việt Nam, lời của khí phách dân tộc Việt Nam nói với mọi
thế hệ con dân nước Việt! Không biết giá máu của đất đai, không nhớ,
không thuộc lịch sử đất nước, không có khí phách dân tộc, lại không có
cái tâm sáng vì dân vì nước, các ông Lê Công Phụng, Vũ Dũng đã nhân
nhượng thỏa hiệp cho Trung Hoa lấn được quá nhiều đất đai của tổ tiên
người Việt ở biên giới phía Bắc qua hiệp định phân định biên giới Việt –
Trung mà ông Phụng, ông Dũng đàm phán và chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa
kí kết!
Thác Bản Giốc hùng vĩ tráng
lệ ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của tổ tiên giao lại nay theo hiệp
định biên giới vừa kí kết với Trung Hoa, một nửa thác Bản Giốc, phần
trên cao hùng vĩ nhất đã thuộc lãnh thổ Trung Hoa rồi!
Thời
Pháp độ hộ nước ta, cửa ngõ phía Bắc đất nước thuộc tỉnh Lạng Sơn, Pháp
xây những tòa nhà, những công trình làm trụ sở làm việc và nhà ở cho
gia đình những người trông coi cửa ngõ quốc gia, đối mặt với những công
trình tương tự của nhà Thanh phía bên kia biên giới. Dù được xây dựng
dưới thời Pháp đô hộ, những ngôi nhà, những công trình đó cũng thuộc về
lịch sử Việt Nam, là cửa ngõ, là cánh cổng quốc gia của đất nước Việt
Nam, là bằng chứng lịch sử hùng hồn về đất đai lãnh thổ Việt Nam. Nhưng
theo hiệp định phân định biên giới vừa kí kết với Trung Hoa, những ngôi
nhà, những công trình đó đã thuộc lãnh thổ Trung Hoa rồi!
Thỏa
hiệp để Trung Hoa chiếm mất những công trình của lịch sử Việt Nam! Thỏa
hiệp để Trung Hoa chiếm mất nửa thác Bản Giốc hùng vĩ! Thỏa hiệp để
Trung Hoa chiếm mất những ngọn núi của tổ tiên người Việt đã thấm đẫm
máu và nước mắt lớp lớp thế hệ người Việt Nam! Tội của các ông Lê Công
Phụng, Vũ Dũng lớn hơn rất nhiều tội của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống!
Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chỉ nộp linh hồn của họ cho giặc. Ông
Phụng, ông Dũng đã cắt cả đất đai thiêng liêng của tổ tiên người Việt
nộp cho giặc! Làm tới thứ trưởng bộ Ngoại giao, hưởng ơn dân, lộc nước
đã dày mà ông Phụng, ông Dũng nỡ phản nước, hại dân như vậy sao? Lịch sử
Việt Nam và các thế hệ người Việt Nam mãi mãi ghi khắc tội bán nước của
những người có trách nhiệm quản lí đất nước hôm nay!
Nhà
nước phong kiến quản lí đất đai Việt Nam hàng ngàn năm không làm hao
hụt một tấc đất mà còn mở rộng lãnh thổ Việt Nam từ châu thổ sông Hồng
tới châu thổ sông Cửu Long, ra tới tận Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc,
Thổ Chu! Thực dân Pháp xâm lược độ hộ Việt Nam cả trăm năm mà đất đai
sông núi biển trời Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn! Người cộng sản Việt Nam
quản lí đất đai Việt Nam mới mấy chục năm đã để mất quá nhiều đất đai
sông núi đã thấm đẫm máu của tổ tiên người Việt! Sao đau đớn, nhục nhã
thế, hỡi Trời!
Tôi viết vì nỗi đau đớn, nhục nhã đó!
Dải
đất Tây Nguyên thiêng liêng là căn cứ thần thánh của những cuộc kháng
chiến giữ nước thời hiện đại. Kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống
Mĩ, rừng núi Tây Nguyên đều là căn cứ kháng chiến, giặc bất khả xâm
phạm. Với tôi Tây Nguyên là những năm tháng sốt rét, đói cơm, thèm từ
cọng rau xanh và thiếu cả viên thuốc nivaquine trị sốt rét nhưng đất
rừng Tây Nguyên mãi mãi thiêng liêng và thân thiết như máu thịt cuộc đời
tôi. Các dân tộc sống trên bán đảo Đông Dương còn giữ được Tây Nguyên,
còn làm chủ được Tây Nguyên là còn làm chủ được cả bán đảo Đông Dương.
Nay đất rừng Tây Nguyên không còn của các dân tộc Tây Nguyên nữa rồi!
Đất rừng Tây Nguyên đã trở thành công trường khai thác bauxite của người
Trung Hoa rồi! Hàng ngàn người Trung Hoa cùng với công cụ khai mỏ Trung
Hoa, cùng với công cụ đồng hóa Trung Hoa, cùng với mưu chước Trung Nam
Hải đã làm chủ Tây Nguyên rồi! Đất rừng Tây Nguyên, cội nguồn của một
trong những dòng văn hóa đặc sắc nhất tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nay cây rừng Tây Nguyên đã bị tàn phá trống trơ như sa mạc và đất rừng
Tây Nguyên đã bị đào bới như bãi bom B52 thì văn hóa Tây Nguyên đã bị
triệt hạ tận gốc rồi! Với tôi, Tây Nguyên là căn hầm dưới tán rừng đại
ngàn, là con suối cho chúng tôi món canh môn thục những ngày thiếu đói,
là góc rừng nơi chúng tôi chôn những đồng đội chết vì sốt rét ác tính,
chết vì trận bom bất ngờ dội xuống trong bữa cơm chiều! Báo vừa đưa tin:
Người dân thị xã Kon Tum đào móng làm nhà phát hiện hai bộ hài cốt liệt
sĩ. Nhờ những vật dụng còn lại cùng với hai bộ hài cốt cơ quan chức
năng đã xác định được đơn vị, thời điểm hi sinh, từ đó lần ra tên tuổi
hai liệt sĩ! Người Trung Hoa đào bới mênh mông đất rừng Tây Nguyên chắc
chắn sẽ gặp rất nhiều những bộ xương liệt sĩ như vậy nhưng họ cũng coi
như xương thú rừng, dửng dưng vất bỏ mà thôi! Rước người Trung Hoa vào
đào bới bauxite Tây Nguyên là phản bội lịch sử đất nước, phản bội sự
sống của dân tộc, phản bội văn hóa Tây Nguyên, phản bội quá khứ, phản
bội cả tương lai, phản bội máu những người lính đã chết và phản bội cả
những người lính còn sống!
Tôi viết vì nỗi đau khi bị phản bội đó!
Tàu
đánh cá Trung Hoa va vào tàu tuần tiễu Nhật Bản trên vùng biển hai nước
đang tranh chấp. Thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Hoa bị tàu tuần tiễu
Nhật Bản bắt giữ. Lập tức cả đất nước Trung Hoa nổi bão táp phản đối
Nhật Bản. Chính phủ Trung Hoa quyết liệt làm mọi việc có thể làm đòi
Nhật Bản trả người Trung Hoa bị Nhật Bản bắt giữ! Được phía Nhật Bản trả
người, chính phủ và người dân Trung Hoa đón ông thuyền trưởng tàu cá từ
Nhật Bản trở về như đón người Anh hùng dân tộc. Đó là tư thế quốc gia
của Chính phủ Trung Hoa, là nghĩa vụ với dân của Nhà nước Trung Hoa tồn
tại bằng tiền thuế của người dân Trung Hoa. Đó là danh dự, phẩm giá
người dân Trung Hoa trước thiên hạ. Nhìn cách Chính phủ Trung Hoa thực
hiện nghĩa vụ với người dân, nhìn cách Chính phủ Trung Hoa bảo vệ danh
dự và phẩm giá chính trị người dân Trung Hoa lại ngậm ngùi đau xót cho
thân phận người dân Việt Nam! Dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển Việt
Nam, bị tàu chiến Trung Hoa xả súng bắn, chín người dân Ngư Lộc, Hậu
Lộc, Thanh Hóa chết mất xác. Trên biển Việt Nam những năm tháng này cứ
lặp đi lặp lại tình cảnh đau xót và tủi nhục: Đội hình tàu chiến Trung
Hoa lừng lững lao thẳng vào tàu dân Việt Nam đánh cá. Con tàu mỏng manh
của dân nghèo Việt Nam, chiếc vỡ toác chìm nghỉm đáy biển, chiếc bị tàu
chiến Trung Hoa bắt giữ! Máy móc trang thiết bị trên tàu cùng cá đánh
được bị lính Trung Hoa cướp, người bị lính Trung Hoa bắt giam đòi tiền
chuộc! Nỗi đau mất tính mạng, mất tài sản của dân, nỗi nhục quốc thể của
cả dân tộc cứ kéo dài hết năm này đến năm khác! Mỗi lần như vậy chỉ có
người phát ngôn bộ Ngoại giao xuất hiện thoáng chốc trên đài truyền hình
với vẻ mặt bình thản, dửng dưng nói mấy lời phản đối lấy lệ với câu chữ
khuôn mẫu muôn thuở!
Dân đóng thuế
nuôi bộ máy nhà nước để bộ máy nhà nước đồ sộ với đủ các cơ quan có chức
năng chăm lo cho dân, bảo vệ dân. Dân ta còn quá nghèo khổ. Cụ ông 98
tuổi ở Hà Nội hàng ngày vẫn phải đội mưa mùa hè, phơi mặt ra gió rét mùa
đông gò lưng đạp xích lô kiếm miếng ăn từng bữa. Cụ bà 76 tuổi ở Khánh
Hòa ngày nào cũng phải dậy từ lúc còn tối đất ra bãi biển mò con ốc dạt,
chộp con cua lạc kiếm sống. Trên những bãi rác khắp nước, nơi nào cũng
có những đứa trẻ suốt ngày bới rác kiếm ăn không được đến trường. Đất
nước nghèo như vậy mà quan chức nhà nước cấp cao sống vương giả hơn
nhiều quan chức cấp cao nhất ở các nước giàu nhất thế giới! Nhưng dân ta
làm ăn trên biển của ta bị lính Trung Hoa bắn giết thì nhà nước bỏ mặc
dân! Dân Việt Nam tập hợp phản đối Trung Hoa sát nhập quần đảo Hoàng Sa,
quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào đơn vị hành chính Trung Hoa thì lập
tức nhà nước Việt Nam huy động lực lượng lớn công an hung hãn giải tán,
đánh đập, bắt bớ người dân bộc lộ lòng yêu nước! Đó là sự đớn hèn ở
phương diện quốc gia! Là sự rẻ rúng danh dự, phẩm giá Tổ quốc Việt Nam!
Là sự rẻ rúng danh dự phẩm giá người dân Việt Nam! Một Nhà nước, một
Chính phủ như vậy không xứng đáng với lịch sử Việt Nam, không xứng đáng
với dân tộc Việt Nam. Nhà nước đó, Chính phủ đó đã đem lại cho người dân
Việt Nam hôm nay nỗi đau xót tủi nhục sâu sắc!
Tôi viết vì nỗi đau xót tủi nhục đó!
4. Đừng viết nữa!
Ông
quận phó công an Tân Bình Nguyễn Thành Tâm gặp tôi bằng được, tưởng
rằng tôi sẽ được nghe ông Tâm nói. Hóa ra tôi lại là người nói nhiều hơn
cả. Hơn lúc nào hết, lúc này đảng Cộng sản Việt Nam càng phải huy động
tối đa hai công cụ chuyên chính vô sản, công cụ tư tưởng và công cụ bạo
lực, tuyên giáo và công an. Nghiệp vụ của tuyên giáo là nói. Nói xưng
xưng! Nói lấy được! Nói như ông Đinh Thế Huynh khi sắp bước vào bộ Chính
trị: Nhân dân Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát
không đa nguyên, đa đảng là nói lấy được! Nói theo mong muốn của đảng
đang độc quyền thống trị chứ không nói theo đòi hỏi của cuộc sống, không
nói theo tất yếu của lịch sử! Nghiệp vụ của công an là hỏi, là khai
thác, lấy cung! Dù ông Tâm hẹn gặp tôi ở quán giải khát thì vẫn là cuộc
gặp của nghiệp vụ công an, vẫn là những câu hỏi và vẫn có người đi cùng
ông Tâm làm nghiệp vụ kĩ thuật công an!
Có câu hỏi của ông Tâm tôi chỉ cần nói ngắn gọn như khi ông Tâm hỏi về bài viết gần đây nhất của tôi. Tôi nói rằng đó là bài Thưa Ông Bộ Trưởng
đăng trên nhiều trang mạng khoảng giữa tháng mười một, năm 2010, tôi
viết phản bác ý kiến của ông Bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Phạm
Khôi Nguyên nói trước Quốc hội bộc lộ kiến thức văn hóa xã hội trống hụt
quá lớn lại hàm hồ, hung hăng nói lấy được, quen thói cả vú lấp miệng
em của người có quyền! Tuyệt đối tin tưởng vào Chính phủ, vào cấp trên,
ông Tâm bảo tôi: Làm Bộ trưởng là phải có kiến thức cao, hiểu biết rộng,
làm sao anh phản bác được? Dựa vào đâu anh phản bác? Tôi nghĩ thầm:
Trời ơi, các ông Bộ trưởng nhà ta mà có kiến thức cao, hiểu biết rộng
thì dân mình đã không khốn khổ như thế này. Nhưng tôi cố nén không nói
ra điều đó. Tôi bảo ông Tâm: Tôi có một tủ sách đủ tra cứu những vần đề
tôi quan tâm. Riêng với ý kiến ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, chỉ cần
những kiến thức thường trực có sẵn trong tôi, đủ để tôi phản bác mà ông
Bộ trưởng không nói lại được!
Còn
những vấn đề khác ông Tâm nêu ra đã gợi cho tôi rất nhiều điều muốn trao
đổi với ông Tâm. Dù người nói chủ yếu là tôi nhưng lúc ngồi với ông Tâm
tôi vẫn chưa nói được rõ, chưa nói được đủ ý. Khi ông Tâm bảo tôi rằng:
Thôi đừng viết nữa! thì tôi càng muốn nói lại với ông Tâm. Nhưng ông
Tâm gặp tôi dường như chỉ để nói câu đó! Ông Tâm đã nói được câu cần nói
rồi nên cuộc gặp cũng kết thúc!
Anh
yêu em! Người đang yêu nào cũng muốn được nói câu đó đến ngàn lần, vạn
lần với người mình yêu! Người đang yêu nào cũng luôn có nhu cầu được bộc
lộ, giãi bày các cung bậc tình yêu! Trìu mến, tha thiết là một cung bậc
của tình yêu! Đau khổ, giận hờn, cả bất bình, phẫn nộ trước những nỗi
cay đắng của người yêu cũng là một cung bậc tình yêu! Tôi yêu nước Việt
Nam tươi xanh gấm vóc của tôi! Mảnh đất tôi đã chiến đấu giữ gìn và lao
động xây dựng! Mảnh đất có mồ hôi, xương máu những người thân yêu của
tôi. Màu xanh của đất nước tôi đang bị tàn phá! Máu xương của cha ông
tôi đang bị mang ra đổi chác cho lợi ích của những phe nhóm mờ ám, bất
lương! Làm sao tôi có thể dửng dưng im lặng! Tôi yêu nhân dân Việt Nam
ruột thịt của tôi! Những người dân hiền lành, chịu thương chịu khó đã
làm nên nền văn minh lúa nước lung linh hồn người góp vào sự rực rỡ của
văn minh nhân loại! Những con NGƯỜI chân chính cao cả đó đến nay vẫn
chưa được thực sự có những quyền cơ bản, thông thường của con người, làm
sao tôi có thể trơ lì im lặng! Những trang viết là những cung bậc tình
yêu của tôi với đất nước Việt Nam máu thịt, với nhân dân Việt Nam thân
yêu của tôi!
Đừng viết nữa! Đó là
lệnh cấm người con trai đang yêu không được nói Anh yêu em! Không được
bộc lộ tình yêu! Cũng như hành động của công an giải tán, bắt bớ người
dân biểu tình phản đối Trung Hoa sát nhập quần đảo Trường Sa, quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Hoa là ngôn ngữ nhà nước Việt
Nam nói với người dân rằng: Cấm không được yêu nước! Cứ để đất đai Việt
Nam cho người Trung Hoa sát nhập vào lãnh thổ của họ để họ bảo lãnh cho
các quan chức Việt Nam được trị vì mãi mãi, dù bất tài, tham nhũng đến
đâu cũng vẫn ngang nhiên trị vì!
Ở
tuổi quàng khăn đỏ, tôi được học năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi: Yêu Tổ
quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật
tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt, Khiêm tốn, thật thà, dũng
cảm! Đừng viết nữa! Đó là lệnh cấm tôi không được yêu Tổ quốc! Không được yêu Nhân dân! Cứ sống đớn hèn, an phận, giữ lấy cuộc sống thong dong cho bản thân và sự bình yên cho cuộc sống lao động làm ăn của con cái, của người thân!
Trí thức dứt khoát không thể
là kẻ giá áo túi cơm! Trí thức không phải chỉ là mấy cái học hàm học vị
đọc lên nghe loảng xoảng như gõ thanh la não bạt! trí thức là người suốt
đời canh cánh món nợ phải trả cho dân cho nước: Một thân lẩn quất đường
khoa mục / Hai chữ mơ màng việc quốc gia / ... / Quân thân chưa báo
lòng canh cánh / Tình phụ cơm trời, áo cha (Nguyễn Trãi) Ơn vua chưa
chút báo đền / Cúi trông hổ đất ngửa lên thẹn trời (Nguyễn Khuyến). Nhà
văn không phải chỉ ở cái danh, không phải chỉ để viết mấy tập thơ ngâm
vịnh, mấy tập truyện tình lâm li, mấy tập truyện anh hùng ca về thời
chiến tranh cách mạng! Nhà văn là phần thức của tâm hồn dân tộc. Bình
sinh độc bão tiên ưu chí / Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên (Nguyễn Trãi).
Dịch: Bình sinh đơn độc cùng cái chí lo trước / Ngồi ôm chăn lạnh không
ngủ suốt đêm. Tấc dạ kẻ sĩ đau đáu trong đêm: Nhà ngặt đèn xanh, con mắt
xanh (Nguyễn Trãi) làm sao có thể im lặng trước tanh bành bùn đỏ
bauxite trên đỉnh cao nguyên phía Tây, trước ngập ngụa nợ nần Vinashin ở
cửa biển phía đông, trước họa mất nước đang diễn ra, trước nỗi đau
người Việt bị chính người Việt nô dịch!
Kẻ
vô sỉ lúc trẻ cần học hành, rèn rũa trí lự và nhân cách thì không chịu
học và cũng không học được liền nhanh chân nhập vào dòng người xuất khẩu
lao động tìm đường kiếm sống cho bản thân bằng cơ bắp làm thuê. Đến khi
nhờ thời thế, ông bố có quyền lực quốc gia, kẻ làm thuê cơ bắp đó liền
được cơ cấu vào câu lạc bộ hai trăm chính khách nắm vận mệnh quốc gia!
Quốc gia trong tay những người như thế làm sao không khốn cùng! Quốc gia
trong tay những người như thế nên gần bốn mươi năm hòa bình xây dựng
đất nước mà Tết Tân Mão 2011 vừa rồi Nhà nước vẫn phải rải gạo cứu đói
cho nhiều vùng! Bình thản làm ngơ trước thân phận đất nước, thân phận
nhân dân như vậy, đâu còn là người lương thiện!
Đừng
viết nữa! Điều cấm đó đã vi phạm Hiến pháp, chống lại Hiến pháp. Hiến
pháp hiện hành là Hiến pháp 1992. Đã có ít nhất ba điều của Hiến pháp
1992 cho người dân quyền được nói, được viết, được có ý kiến về những
vấn đề của đất nước.
Điều 8:
Các cơ quan Nhà nước, cán bộ viên chức Nhà nước phải tôn trọng Nhân
dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý
kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân.
Điều 53:
Công dân có quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội, tham gia thảo
luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan
Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý.
Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...
Hiến
pháp là ý chí của Nhân dân, là bộ luật khung để triển khai các bộ luật,
các văn bản, qui định pháp luật khác. Các văn bản, qui định pháp luật,
các hành vi của Nhà nước trái với Hiến pháp là vi Hiến, chống lại ý chí
Nhân dân. Hiến pháp cho tôi được viết, được bộc lộ chính kiến, được có ý
kiến về những vấn đề của đất nước và xã hội. Hiến pháp cũng buộc quan
chức Nhà nước phải lắng nghe tôi, chứ không được phép cấm tôi bộc lộ
chính kiến!
Nhưng đảng Cộng sản độc
quyền thống trị xã hội, độc quyền thống trị Nhà nước nên thực tế quyền
đảng cao hơn Hiến pháp! Quyền đảng áp đảo ý chí Dân! Quyền đảng thủ tiêu
Hiến pháp! Từ thế kỉ XVIII, người dân các nước công nghiệp châu Âu đã
thực sự có quyền tự do ngôn luận. Ba trăm năm sau, sang thế kỉ XXI rồi
mà người dân Việt Nam vẫn chưa có quyền căn bản này!
(Xem tiếp phần 2)
(Xem tiếp phần 2)
Phạm Đình Trọng
Nguồn: Dân Luân
Nguồn: Dân Luân
No comments:
Post a Comment