Hành Khất - Trong lãnh
vực thương mại, khi muốn bán được những hàng hóa người ta thường hay
quảng cáo qua những phương tiện truyền thông, từ tờ giấy in, báo chí,
truyến hình, phim ảnh, mạng v.v., ngay cả rỉ tai đến những người mới
quen biết. Tuy nhiên, có một biệt lệ riêng trong vấn đề thương mại là
“không nên quảng cáo” nhưng vẫn thu được lợi, mà lại là món lợi to lớn
hơn những danh hiệu nổi tiếng khác. Biệt lệ đó chỉ dành riêng trong thị
trường “bán nước”.
Trong thị trường
đó, nếu nhiều người biết đến, thì không thể phát triển vấn đề trao đổi
mua bán giữa hai đối tác chính; nên cần sự bí mật, giữ kín, và làm sai
lạc cảm nhận về thông tin đối với người tiêu thụ. Hay nói đúng ra, họ là
những người “phải chịu tiêu thụ” vì không thể có sự lựa chọn nào khác.
Và không những thế, họ phải tỏ ra rất hài lòng với những sản phẩm được
cung cấp theo quy hoạch một cách có hệ thống. Một khi những sản phẩm đó
được tung ra rộng rãi, những hội đoàn bên trong thị trường đó rầm rộ
phát động những phong trào tuyên truyền quảng cáo một cách tích cực.
Người tiêu thụ bị thu hút quay cuồng như lạc vào con xoáy, và càng lúc
càng mê mẩn tâm thần hơn, như đang say thuốc phiện hay bạch phiến. Cái
ảo tưởng tuyệt vời đó vẫn tồn tại lâu dài từ thế hệ nầy qua thế hệ khác,
họ hồ hởi thi nhau hưởng thụ và cổ động những ai chưa biết qua, trong
cũng như ngoài nước.
Quả thật đó là
một sự thành công lợi lộc nhất trong lãnh vực thị trường bán nước, mà
đảng đang tận dụng rất điêu luyện. Đó là cả một thời gian dài trong kinh
nghiệm và học hỏi từ các nước “bạn” như Liên Sô, Trung Cộng. Để có thể
hiểu và nhìn thấy qua một góc nhìn nhỏ nhoi nhất, chúng ta thử xem lại
câu phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh,
bên lề cuộc Đối thoại với báo chí tại Hội nghị An ninh châu Á – Thái
Bình Dương lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) tổ chức tại Singapore,
trong bản tin của http://vietbao.vn, “Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về đề
nghị thay tên biển Đông” ra ngày Thứ hai, 06 Tháng sáu 2011:
“Tôi
khẳng định, Việt Nam không hoạt động ở những vùng biển đang tranh chấp.
Đó là những vùng hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ví dụ như vụ việc
của tàu Bình Minh 02, ngay sau khi sự việc xảy ra, tàu đã khắc phục sự
cố và tiếp tục hoạt động thăm dò. Hải quân nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ
bảo vệ vùng trời, vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, những vụ việc liên
quan tới trách nhiệm dân sự, sẽ do những cơ quan pháp luật giải quyết
vấn đề này”.
Nếu những vùng biển đang
tranh chấp đó hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam (VN), thì tại sao VN
không thể hoạt động ở những nơi đó ? Hoạt động không có nghĩa là phải
đưa quân đội ra dàn trận; như thế chỉ làm nhọc công bộ đội hải quân, và
nhất là đến vị Thứ trưởng Quốc phòng, lại bị hiểu lầm là hiếu chiến. Và
nếu xét sự việc dây cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung cộng
cắt là chỉ là vấn đề dân sự, thì có phải chăng tập đoàn dầu khí VN hoàn
toàn không có sự đầu tư của nhà cầm quyền VN ? Vì lý do đó, sự xét xử là
do cơ quan pháp luật… dân sự giải quyết (?) thì không cần đem cái luật
UNCLOS quốc tế ra bàn cãi chi cho mệt. Mà có gì phải đem cái luật quốc
tế đó ra, khi thị trường bán nước đang quan hệ tốt. Đó có phải là một sự
nhìn nhận mặc nhiên quyền sở hữu của trung cộng trước thế giới, dù chưa
có văn bản nghị quyết ? Điều nầy cũng đã cho biết tại sao những con
thuyền của ngư dân luôn bị bắt bớ, phá vỡ, thậm chí họ bị giết chết,
cũng chỉ là vấn đề… dân sự với Trung cộng; nên không bao giờ có sự bao
che, bảo vệ hay tiềng nói phản đồi từ quân đội hải quân VN.
Trong
thương trường, dịch vụ làm vừa lòng người mua luôn là điểm quan trọng.
Sự phục vụ đó bày tỏ lòng hiếu khách, cũng như mua chuộc sự mến mộ, ưa
thích của đối phương. Thí dụ, khi khách đặt mua vài ngàn áo lông mắc
tiền, và yêu cầu nhãn hiệu trên đó là của công ty nhập hàng. Qua thương
lượng vì lợi ích giữa hai bên, nên khách hàng được như ý. Và điều nầy
cũng không ngoại lệ trong thị trường bán nước, mà chúng ta có thể hiểu
qua lời phát biểu trước đó của vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng qua câu hỏi
của báo chí theo nguyên văn như sau:
-
(Phóng viên):” Tôi được biết một nhóm người Việt ở Ca-li-pho-ni-a (Mỹ)
có vận động đề nghị đổi tên Biển Đông mà tiếng Anh là South China Sea
(biển Hoa Nam) thành Southeast Asia Sea (biển Đông Nam Á). Tôi thắc mắc,
liệu đây có phải là nguyện vọng chung của toàn dân Việt Nam?”
(Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng) : “Cùng một vùng biển, Trung Quốc gọi biển Hoa
Nam, chúng tôi gọi Biển Đông. Đó chỉ là cái tên gọi. Còn đề nghị từ một
nhóm người Việt Nam nào thì tôi cho đó cũng là xuất phát từ lòng yêu
nước, nhưng tôi không cho đấy là một vấn đề lớn. Tôi không cho đó là
nguyện vọng chung của Việt Nam. Việt Nam chỉ có một nguyện vọng là vùng
biển nào theo luật pháp quốc tế là của Việt Nam thì phải được thừa nhận
là lãnh thổ Việt Nam.”
Chắc chắn một
điều là vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ta, nghe và hiểu được câu tiếng Anh
“South China Sea”, vì với cương vị đó, không ai dám nói vị Thứ trưởng…
không biết đến một tên gọi thông thường trên bản đồ thế giới như thế.
Hai chữ “thông thường” ở đây có nghĩa là hàng chữ “South China Sea” luôn
luôn được viết trên bản đồ, theo thói quen tên gọi của Tây phương để
chỉ về một vùng biển trong vùng Đông Dương, mà không có hàm chứa ý nghĩa
nào về chủ quyền thuộc về Trung Quốc (hay trung cộng theo tên gọi hôm
nay). Tuy nhiên, không bao giờ thấy hai chữ “Biển Đông” – được dịch ra
là “Southeast Asia Sea” – trên bất kỳ bản đồ thế giới nào.
Dĩ
nhiên, dân Việt Nam muốn gọi tên vùng biển đó ra sao cũng được, hay dân
Trung Quốc gọi thế nào cũng chẳng sao, như vị Thứ trưởng nói ở trên.
Nhưng vấn đề trong câu hỏi không phải chỉ đơn giản như vị Thứ trưởng đã
nghĩ như thế, mà là vấn đề xác minh lại tên gọi trong tất cả bản đồ trên
thế giới, khắp mọi nước, trong tất cả học viện, giáo dục, nghiên cứu
khoa học, kinh tế, luật, hành chánh, v.v. Đó là một nghị định ảnh hưởng
sâu rộng theo chiều dài lịch sử của nhân loại và tương lai. Một sự thay
đổi nhận thức đúng ý nghĩa theo tên gọi vùng biển đó, không chỉ giới hạn
trong hai nước Việt Nam và Trung Quốc qua nhiều thế hệ sau nầy. Hơn
nữa, dòng chữ “Southeast Asia Sea” được dịch lại theo xác chữ và nghĩa
của hai từ “Biển Đông” – như theo ý muốn tên gọi mà Thứ trưởng muốn –
hơn là “South China Sea”:
Thứ nhất,
trong dòng chữ “South China Sea” không có chữ nào có nghĩa hướng Đông
(East). Thứ hai, nó mang chữ “China” (Trung Quốc) lại càng làm sai lạc
hai từ “Biển Đông”. Thứ ba, trong dòng chữ “Southeast Asia Sea” chỉ định
rõ phương hướng vùng biển đó qua từ “Southeast” (Đông Nam) và xác minh
vị trí trong vùng Á Châu qua từ “Asia” (Á Châu). Cũng như danh từ “Đông
Nam Á” (Southeast Asia) tự nó đã nói lên ý nghĩa chính xác nhất theo địa
lý, mà dân Việt Nam, cả người ngoại quốc, đang dùng trong sách.
Đi
xa hơn nữa, khi dòng chữ “South China Sea” được Trung cộng dùng như một
lợi khí trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông. Họ dựa vào đó và
lý luận rằng vùng biển Đông đã được quốc tế hoá sự nhìn nhận chủ quyền
thuộc về Trung cộng, với chữ “China” trong dòng chữ trên, dù không có
văn bản chính thức. Để bày tỏ sự phản đối từ phía VN nói riêng, và cộng
đồng khối ASEAN nói chung, nghị định thay đổi nêu trên cũng là một
phương diện về mặt tâm lý chống lại sự đòi hỏi chủ quyền phi lý của
Trung cộng. Và nếu được quốc tế nhìn nhận, thì đó cũng là một bước thắng
lợi trong vấn đề tranh chấp.
Chữ
“nếu” sở dĩ được đưa ra vì vị Thứ trưởng cho là nghị định thay đổi đó
không phải là nguyện vọng chung của VN, dù nhà cầm quyền chưa bao giờ
công bố và thăm dò dân ý. Có nghĩa, đảng đã quyết định dùm dân về nguyện
vọng đó. Có lẽ, cũng chỉ vì nghị định đó là do… nhóm người Việt bên
Cali nào đó, đã “cả gan” đưa ra mà không tham khảo ý và thông qua lệnh
đảng, nên dù là một ý kiến hay, “xuất phát từ lòng yêu nước” (như vị Thứ
trưởng nói), thì chẳng bao giờ được đảng nhất trí. Đó chỉ là nghị định
của nhóm Việt “tài lanh” xen vào việc đảng! Không phải là đảng luôn giáo
dục nhân dân qua câu nói “đừng lo, cứ để nhà nước lo” được lập đi lập
lại từ trên thông suốt tận cùng quần chúng sao?
Trở
lại vấn đề thương trường và nhãn hiệu qua thí dụ trên. Khách hàng Trung
cộng trong thị trường bán nước, muốn giữ lại cái nhãn hiệu mà họ ưa
thích nhất là “South China Sea” để phủ trùm những vùng hải đảo Hoàng Sa,
Trường Sa, mà chúng là sản phẩm của VN. Vì vậy, VN luôn phải làm vừa
lòng người khách trong chủ trương “cùng nhau phát triển”. Tuy nhiên,
trên mạng vnexpress.net, ra ngày Thứ tư, 29/6/2011, với tiêu đề “Học giả
Việt Nam nói về Biển Đông trên truyền hình Trung Quốc”, đăng lại nội
dung của chính tác giả là tiến sĩ Vũ Cao Phan, về những đối đáp của ông
với phỏng vấn viên Đài truyền hình Phượng Hoàng, Hong Kong, Trung Quốc,
có đoạn như sau :
- (Phỏng vấn viên) :
“Bản chất của sự tranh chấp Trung – Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế
hay chủ quyền? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai
thác” như thế nào?”
(Ts Vũ Cao Phan) :
“Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu
sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan
thì thấy Trung Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng
về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích
được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc “gác tranh chấp, cùng
khai thác”.
Ta thử phân tích xem tại
sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi. Lý do thứ nhất là tài
nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên
quan đến nó là lý do thứ hai: “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà các
bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà
nguyên văn là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, có
đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác
rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ
quyền”! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài
nguyên?”
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh
cũng đã khẳng định theo đường lối đảng, như những cấp lãnh đạo khác, là
Việt Nam theo đuổi chính sách giải quyết căng thẳng bằng đối thoại hòa
bình. Qua bài viết trên http://vietbao.vn, với tiêu đề “Tướng Vịnh: Nếu
bạo lực vũ trang thì QĐ sẽ tham gia”, ra ngày Chủ nhật, 05 Tháng sáu
2011, cũng trong cuộc phỏng vấn với báo chí tại diễn đàn an ninh châu Á –
Thái Bình Dương ở Singapore,
-
(Phóng viên) : “Thưa Trung tướng, trong tất cả các cuộc họp từ khi diễn
đàn khai mạc tới nay, vấn đề biển Đông luôn được nhắc đến với hàm ý
không đồng tình về sự vô lý của Trung Quốc (TQ). Ông có nghĩ rằng, ngay
tại hoặc sau diễn đàn, TQ sẽ có những điều chỉnh phù hợp?”
(Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng) : ” … Tiếng nói của cộng đồng quốc tế tại đây,
theo tôi hiểu, là họ nói vấn đề chung đó, rằng đây là “sân” chung, trước
hết phải tôn trọng chủ quyền của các nước theo luật pháp quốc tế, không
ai được quyền giữ làm “sân” riêng của mình, không ai được quyền khống
chế biển Đông, không ai được quyền tài phán ở các khu vực tranh chấp.
Tôi
nhắc lại, đưa ra tòa án quốc tế cũng là một lựa chọn. Nhưng trước hết
và sau cùng vẫn là giải quyết với TQ. Và vì vậy, sự lựa chọn của Đảng và
Nhà nước ta sẽ giải quyết được vấn đề, dù là rất lâu dài.
Trước
hết, TQ đâm tàu, cắt cáp của ta, ta phản đối, đòi bồi thường, sửa xong
ta lại tiếp tục thăm dò ở chỗ ấy, ta có bỏ chỗ ấy đâu!”
Vị
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dường như… hay “quên” những gì đã phát biểu
trước đó, làm người đọc thêm nhiều nghi vấn, hay là vị Thiếu tướng ta
chưa có một định kiến rõ ràng về vấn đề chủ quyền vùng quần đảo, nên lúc
bấy giờ còn xem đó chỉ là “sân” chung (?), và tin tưởng trong vấn đề
giải quyết song phương với Trung cộng, như là sự thương lượng mặc cả
trong thương trường, kẻ bán người mua, kẻ trao người đổi, thêm hai bớt
một, hơn là đưa ra trước quốc tế phân giải. Trong những “gặt hái” vừa
qua, giữa những thương lượng song phương với Trung cộng, từ Hiệp ước
biên giới (30/12/1999) đến Hiệp định Vịnh Bắc bộ (25/12/2000), đảng đã
“chia sẻ” với Trung cộng bằng những dãy đất, và thác “biếu không”, và
Vịnh Long Vĩ cũng “nhờ” nước bạn giữ hộ, bao gồm vùng đánh cá đặc quyền
của VN.
Sự quấy phá tàu Bình Minh 02
từ phía Trung cộng, được xem như là một sự “lầm lẫn” nào đó, “vô tình”
gây nên sự bức xúc từ dư luận VN. Đó không phải là một sự sỉ nhục về thể
diện quốc gia, như bọn “kích động” hay rêu rao, lợi dụng thời cơ phá
hoại, bôi nhọ “16 chữ vàng”. Đảng cũng đã lên tiếng… than phiền nước bạn
bằng văn thư, như một biện pháp phản đối đủ tích cực (“…Tóm lại, tôi
muốn nói, hãy nhìn sự kiện 26/5 một cách tích cực về phía VN”), vì kèm
theo đó, là sự đòi hòi bồi thường (dù Trung cộng không buồn trả lời VN,
hay nói đúng hơn là không thèm điếm xỉa đến văn thư đó).
Để
minh chứng cho thái độ của mình, nên ngày 9/6/2011, Trung cộng lại tái
diễn màn cắt dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Viking II phía VN mướn,
trước mặt vị thuyền trưởng ngoại quốc, với một kỹ thuật điêu luyện hơn
lần trước.
(Xin được ngừng lại ở đây
để nhảy đến phần kết luận một cách vội vã hơn, vì nếu viết thêm, chắc
chắn sẽ dài hơn 10 trang, và vì còn quá nhiều chi tiết khó có thể khơi
ra hết trong vài ngàn chữ. Và nhất là khiến bạn đọc mệt mỏi)
Thị
trường bán nước luôn nóng bỏng, dù nó được che đậy rất kín đáo bằng
nhiều hình thức khác nhau tùy theo tình hình thay đổi, và qua những ngữ
vựng được sử dụng một cách khéo léo trong những lời phát biểu trước báo
chí, để đánh lạc hướng những cái nhìn dư luận, và sự tò mò của những kẻ
phản động. Thật ra, thị trường nầy đã hình thành từ lâu đời, để thoả mãn
vấn đề cung cầu. Vì vậy dù hình thức có nhiều thay đổi, nhưng trong
cùng mục đích là làm sao thu được nhiều lợi nhất, qua bản chất vẫn giống
nhau là bán nước.
© Hành Khất
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment