Phạm Toàn - Tội nghiệp giới nhân sĩ đến phút cuối
cùng cứ vẫn còn ảo tưởng: ngoài Hà Nội phiên phúc thẩm tuyên y án nhằm
“xức dầu thánh” cho cuộc xét xử sơ thẩm nhục nhã ngày 4 tháng 4, thì từ
Sài Gòn vẫn còn có nhà trí thức gọi điện ra “đúng không… đúng không… Vũ trắng án chứ?… Có thế chứ!”.
Cù
Huy Hà Vũ là người biết rõ phiên phúc thẩm có ý nghĩa gì với số phận
dấn thân của riêng anh. Anh đã dặn vợ đăng lời cám ơn đồng bào từ trước
khi phiên phúc thẩm diễn ra: tức là chẳng chờ đợi gì hết, nói ra cho hết
đi, để đồng bào được cùng nhau thống nhất thêm về nhận thức. Nâng cao
nhận thức về nguyên nhân cuộc đụng độ: tại sao người ta phải đàn áp Hà Vũ cho tới cùng?
Câu trả lời trong thư cám ơn của Hà Vũ đã nói rõ: vì có 2 phe, một phe
trùng trình cố tình không pháp chế hóa đất nước – và phe bên kia thì cứ
thẳng thừng vạch hết tẩy của trò bịp tự do, dân chủ, công bằng, văn minh
và đủ thứ hứa hẹn chết tiệt chỉ dẻo mỏ và không bao giờ thực thi trong
đời sống.
Nói đi, cần nói lại: vậy
nguyên nhân của sự trùng trình pháp chế hóa đất nước này là ở đâu? Vì
sao lại có cuộc khủng hoảng chính trị một mất một còn này? Rất dễ để có
câu trả lời ít sai lầm: những người chân đất kém văn hóa sau vô vàn
hy sinh – họ hy sinh thật! – nay cần giữ lấy quyền lợi bằng mọi cách
thức phù hợp với tầm văn hóa của họ.
Sau
thắng lợi, họ cố tạo ra đạo quân “trí thức” riêng. Stalin cũng từng
dùng Lysenko để tạo ra “nền khoa học vô sản”, kể cả phải dùng đến giết
chóc thì cũng cố mà có nền khoa học của riêng mình. Kết quả là, đất nước
đã có vô vàn người có bằng cấp, thế nhưng vẫn chưa có những nhà trí
thức. Đất nước có vô vàn Nghệ sĩ nhân dân, nhưng vẫn chưa có nghệ sĩ
đích thực và công trình nghệ thuật để đời. Đất nước có vô vàn Nhà giáo
nhân dân, nhưng hãy nhìn vào kỳ thi vừa qua với những điểm thi môn lịch
sử, và ta sẽ rõ. Nào, nói đi, trẻ em bây giờ có bài hát nào chúng có thể
thích thú nghêu ngao suốt ngày? Thanh niên có bài thơ nào chép truyền
tay nhau trong nhịp tim hồi hộp? Có bức tranh nào để những đại gia bỏ
hết tiền túi ra mua tặng một Viện bảo tàng để lưu giữ cho muôn đời con
cháu?
Không gì hết. Một số không tròn trĩnh.
Hà
Vũ và nhiều người như anh đã nhận thức ra cuộc khủng hoảng văn hóa kia.
Họ hành động theo nhiều cách, kể cả dùng kiến nghị để cố tạo ra một
cuộc Cách mạng văn hóa thực thụ cho một thời Khai sáng sẽ được diễn ra trên quê hương thân yêu.
Những
sáng kiến văn hóa đó đã bị bóp méo bằng nhiều thủ đoạn kể cả hai cái
bao cao su ghê tởm cũng không từ, để dùng đó làm ra những thành tựu bảo
vệ một chế độ xã hội được quy định là đẹp hơn cả thiên đường nơi hạ
giới!
Ôi giời! Những chú bé suốt đời
là những bé em học trò lười con nhà giàu nổi và đầy quyền lực hãy nhớ
câu dặn dò của người xưa nêu ra như một câu hỏi: Bé không học, nhớn làm gì?
Dân gian bây giờ có câu: bé không học, nhớn làm đại úy. Dân còn nói nhiều: thấy mặt, tắt ti vi. Dân
còn nói nhiều nhiều nhiều nữa kia. Nhưng các người có bằng cấp làm nghề
xã hội học lại không dám tập hợp những tiếng xầm xì. Các nhà báo thì sợ
bọn Đinh Tặc hơn sợ cha chết.
Rất
đáng buồn: Cù Huy Hà Vũ chân thành đưa ra những giải pháp lớn, anh có ý
san sẻ trình độ văn hóa – nhưng người ta mới chỉ quen lá lành đùm lá
rách và đùm những của cải vật chất cụ thể như gói mì ăn liền. Cù Huy Hà
Vũ mong nhìn thấy người Anh hùng Thất học sẽ trang bị những gì cần thiết
cho cuộc hành trình mới vào Thời Hiện đại và vào công cuộc Hòa hợp Hòa
giải cho cái dân tộc đã quá ư đau khổ này. Cù Huy Hà Vũ vẫn còn quá
nhiều ảo tưởng.
Không một ông thầy
giáo nào lại không có ảo tưởng tạo ra cả đàn học trò giỏi giang. Nhưng
có bao nhiêu ông giáo thành công? Lịch sử chép là ông giáo giỏi và khôn
ngoan như Khổng Khâu mà cũng suýt bị chết đói… vì bọn mũ cao áo dài lười
học không chịu đóng học phí.
Chuyện có thật, ai không tin, xin cứ đi hỏi đồng chí Nhan Hồi.
2 tháng 8 năm 2011 – ngày sẽ đi vào lịch sử
P.T.
No comments:
Post a Comment