Trần Bình Nam - Sau nhiều tuần lễ tranh chấp việc tăng mức tiền nợ (debt limit), ngày
3 tháng 8, 2011 quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật cho phép chính phủ phát
hành thêm ngân khố phiếu bán lấy tiền chi dùng.
[TBN: (1) Tại nhiều nước việc in ngân khố phiếu để lấy tiền cho
công quỹ là quyết định của Hành Pháp, nhưng ở Hoa Kỳ cần được
quốc hội
cho phép bằng một đạo luật. (2) Báo chí và các nhà kinh tế thường dùng
nhóm chữ “trần nợ” (debt ceiling hay debt limit) khi nói đến số công
phố phiếu luật cho phép in thêm để bán ra lấy tiền cho công quỹ.Trong
bài này danh từ “phát hành công khố phiếu” hay “nâng trần nợ” có nghĩa
như nhau.]Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ |
Ở đây tôi không bàn về khía cạnh kinh tế của việc in công phố phiếu
bán lấy tiền cho công quỹ để điều hành quốc gia là điều cần thiết hay
không. Nhiều kinh tế gia cho rằng “mắc nợ” kiểu đó không có hại, mà chỉ
là yếu tố kích thích cả nước làm việc. Nước Mỹ càng mạnh, kinh tế càng
sung mãn khi “trần nợ” cao, nhưng nếu vẫn có đủ sức trả lời lẫn vốn
sòng phẳng.
Cũng như mỗi gia đình tại Mỹ (và ở các nước kinh tế thị trường) đều
vay nợ các ngân hàng để tậu nhà, mua xe, đầu tư làm ăn buôn bán… Vì vay
nợ, gia đình nào cũng làm việc cật lực để có thể sống thoải mái với các
tiện nghi và trả nợ. Và đó là nguyên nhân của “dân giàu nước mạnh”.
Vậy tại sao Hoa Kỳ đang có vấn đề?
Trong 10 năm qua ngân sách Hoa Kỳ bắt đầu thâm thủng (chi nhiều hơn
thu) do chiến tranh Iraq và Afghanistan và một phần do chính sách giảm
thuế, do đó “trần nợ” tích lũy càng cao. Ngân sách năm nay (2011) thâm
thủng 1645 tỉ, và trần nợ tích lũy đến 14294 tỉ Mỹ kim.
Tuy nhiên ngân sách thâm thủng thì quốc hội thông qua luật phát hành
công khố phiếu để có đủ tiền chi tiêu. Từ trước đến nay, việc “nâng trần
nợ” hai đảng thường đồng ý với nhau thông qua dễ dàng không có sự
tranh cãi gì đáng kể. Do đó Hoa Kỳ lúc nào cũng trả tiền lời và hoàn
tiền cho công phố phiếu đáo hạn một cách sòng phẳng. Kết quả là công
việc quốc gia tiến hành bình thường, và mua công phố phiếu Hoa Kỳ vẫn
được xem là một sự đầu tư chắc ăn nhất. Các công ty đánh giá “credit”
(hay là chỉ số tin tưởng con nợ) của Hoa Kỳ là AAA (cao nhất).
Từ cuối năm 2008 cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho ngân sách thâm
thủng đậm hơn, trần nợ cao hơn làm cho sự tin tưởng vào công khố phiếu
Hoa Kỳ giảm đi và uy tín Hoa Kỳ và đồng mỹ kim trên thế giới cũng suy
giảm theo.
Các nhà kinh tế Hoa Kỳ và một ít chính khách có viễn kiến thấy rằng
nếu tình trạng này không được chận đứng thì thế hệ sau phải còng lưng
làm chỉ đủ tiền trả nợ. Và đó là một viễn ảnh đen tối cho Hoa Kỳ.
Sau khi đắc cử, một trong những ưu tiên của tổng thống Obama là giảm
thâm thủng ngân sách. Đảng Cộng hòa cũng xem đó là một ưu tiên, chỉ có
giảm thâm thủng cách nào là khác biệt nhau.
Và sự khác biệt ý kiến này trở thành vũ khí tranh giành phiếu cử tri
của hai đảng sau cuộc bầu cử tháng 11/2010 đảng Cộng hòa chiếm lại đa số
tại Hạ nghị viện.
Cơ hội tranh cãi là việc “nâng trần nợ” trước ngày 3/8, ngày bộ Tài
chánh cho biết ngân sách Hoa Kỳ hết tiền. Đến cận ngày hai đảng mới
chịu thỏa thuận thông qua luật nâng trần nợ lên 900 tỉ mỹ kim hoàn tất
trước tháng 9/2011, và gắn theo luật đó là lòng thòng nhiều điều khác
nữa.
Vấn đề chi tiêu được tạm giải quyết. Nhưng sự tranh cãi cho thấy nếu
đến ngày 3/8 trần nợ chưa được phép tăng, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không có
tiền để trả lương cho công nhân viên (trong đó có quân nhân lương vốn đã
ba cọc ba đồng) và nhất là không có tiền trả tiền lời và công phố phiếu
đáo hạn . Một vấn đề hiện ra: thì ra mua công khố phiếu của Hoa Kỳ
cũng không “chắc ăn”như vẫn tưởng. Công ty Standards & Poors
(S&P), đánh giá “credit” của chính phủ Hoa Kỳ từ AAA xuống AA+. AA+
cũng còn quá tốt nhưng tác dụng tâm lý làm cho các cơ sở kinh tế tài
chánh và các quốc gia đầu tư mất sự tin tưởng tuyệt đối gây ảnh hưởng
không tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ đang trên đà phục hồi sau vụ khủng
hoảng kinh tế cuối năm 2008.
Vậy hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tranh cãi những gì và cuối cùng họ đã dung hòa như thế nào?
Giảm thâm thủng ngân sách cho những năm tới. Muốn giảm thâm thủng thì
cần: (1) tăng thuế và (2) giảm chi. Sự khác nhau chính yếu giữa hai
đảng Cộng hòa và Dân chủ là: Cộng hòa không muốn tăng thuế và muốn giảm
chi nhiều nơi các chương trình lớn như Hưu bỗng, An sinh xã hội và Y tế
như Medicare, Medicaid. Dân chủ thì muốn tăng thuế các đại công ty và
thành phần có lợi tức cao và tránh cắt gỉảm các chương trình An sinh và Y
Tế. Tuy vậy lúc nào hai đảng cũng tìm được một điểm thỏa thuận ở giữa
để thông qua ngân sách và nâng trần nợ theo nhu cầu ngân sách.
Lần này với đa số tại Hạ nghị viện (trong đó có khoảng 60 dân biểu
thuộc nhóm Tea Party cực hữu) đưa điều kiện, họ chỉ sẽ biểu quyết cho
phép “nâng trần nợ” nếu đảng Dân chủ và Hành Pháp cam kết không tăng
thuế và cắt giảm tối đa các chương trình an sinh và y tế. Đảng Dân chủ
không thể chấp nhận các điều kiện phi lý như vậy nên giằng co mãi đến
gần ngày 3/8 trước áp lực dữ dội của dân chúng và báo chí hai đảng mới
tìm được một dung hòa.
Luật “nâng trần nợ” tổng thống Obama ký ban hành ngày 3/8 gồm chính yếu các điểm sau:
(1) Phát hành ngay 400 tỉ công khố phiếu, và sẽ phát hành thêm 500 tỉ
mỹ kim trong tháng 9 này, nâng trần nợ lên thêm 900 tỉ mỹ kim .
(2) Cắt giảm dần chi tiêu tổng số 917 tỉ mỹ kim trong 10 năm tới (nhưng không tăng thuế như yêu sách của Cộng hòa và không cắt các chương trình An sinh, lương bổng công nhân viên liên bang, ngoại trừ 2% Medicare như yêu sách của Dân chủ.
(3) Quốc hội thành lập một Ủy ban lưỡng đảng 12 người, 6 Cộng hòa, 6 Dân chủ để nghiên cứu và trình Quốc hội thông qua trước ngày 23/12/2011 một kế hoạch giảm chi trong 10 năm tới. Kế hoạch giảm chi này được đụng chạm đến bất cứ khoảng nào trong ngân sách như: tăng thuế, cắt chi phí quốc phòng, cắt các chương trình An sinh và Y tế như Medicare, Medicaid.
Nếu Ủy ban giảm chi được từ 1500 tỉ mỹ kim trở lên, tầng nợ sẽ được nâng dần thêm 1500 tỉ mỹ kim.
Nếu Ủy ban giảm chi được từ 1200 tỉ mỹ kim đến 1500 tỉ mỹ kim thì tầng nợ được nâng lên thêm bằng số cắt giảm.
Nếu Ủy ban chỉ cắt giảm được dưới 1200 tỉ mỹ kim hoặc không đồng ý
nhau một chương trình cắt giảm nào cả thì tầng nợ được tự động tăng 1200
tỉ mỹ kim, đồng thời chi phí cũng được tự động bị cắt gỉảm 1200 tỉ mỹ
kim chia đều 50% chi phí quốc phòng, 50% chi phí không quốc phòng.
Trong trường hợp này việc cắt giảm tự động chỉ có hiệu lực từ năm 2013.
(4) Từ đây đến cuối năm 2011, quốc hội sẽ thông qua một Quyết nghị tu
chính Hiến Pháp bó buộc phải cân bằng ngân sách hằng năm. Nếu tu chính
Hiến Pháp được thông qua, trần nợ sẽ được phép nâng thêm 1500 tỉ mỹ kim .
Các nét chính của luật “nâng trần nợ” ngày 3/8 cho thấy gì?
Điểm (1) và (2) tạm giải quyết vụ tranh chấp trước khi Hoa Kỳ hết
tiền. Cả hai đảng đều thấy có nhu cầu tạm thỏa thuận để Hoa Kỳ tiếp tục
có tiền nếu không các đại diện dân ở Hạ nghị viện và Dân chủ sẽ lãnh đủ.
Thỏa thuận mà không đảng nào từ bỏ nguyên tắc của mình (Cộng hòa không
tăng thuế, dân chủ không cắt các chương trình xã hội).
Điểm (4) ghi ra như một yêu sách vô hại của đảng Cộng hòa, vì thủ tục tu chính Hiến Pháp có thể kéo dài nhiều năm.
Còn điểm (3) đẩy vấn đề tranh cãi ra sau cho một Ủy ban. Với không
khí dàn thế trận cho cuộc tranh cử tháng 11/2012 giữa hai đảng hiện nay,
phía Cộng hòa quyết giành lại Bạch ốc và hai viện quốc hội; phía Dân
chủ ông Obama quyết đắc cử nhiệm kỳ 2, duy trì đa số tại Thượng nghị
viện và chiếm lại đa số tại Hạ nghị viện, nên không có hy vọng gì Ủy ban
lưỡng đảng đi đến một thỏa thuận cắt giảm ngân sách.
Cho dù Ủy ban lưỡng đảng có thỏa thuận được một chương trình cắt giảm
ngân sách (trong đó ắt phải có tăng thuế) nhóm Tea Party gồm khoảng 60
dân biểu cực hữu chủ trương triệt tiêu thâm thủng ngân sách mà không
tăng thuế cũng không để cho nó thành luật.
Trước mắt là bế tắc. Và trong khung cảnh kinh tế đang gặp khó khăn
sự bế tắc chính trị tại Hoa Thịnh Đốn càng làm cho sự phục hồi kinh tế
khó khăn hơn, kết quả là làm cho Hoa Kỳ càng ngày càng mất thế đứng trên
thế giới.
Tại sao Hoa Kỳ có thể rơi vài tình trạng này? Hoa Kỳ có một nền dân
chủ tam quyền phân lập, một nền kinh tế thị trường đã giúp mang đến cho
nhân dân Mỹ một đời sống tự do và đầy đủ tiện nghi vật chất và biến Hoa
Kỳ thành một quốc gia hùng mạnh trong suốt thế kỷ 20.
Nhưng các chính trị gia càng lúc càng xa rời lý tưởng phục vụ quốc
gia. Họ khai thác bất cứ nguyên tắc dân chủ nào để bảo vệ chiếc ghế của
mình hơn là dùng vị trí của mình để phục vụ đất nước.
Điều này cho thấy hệ thống dân chủ Hoa Kỳ giống như một chiếc xe tốt
lâu ngày do người sử dụng không biết bảo trì đang trở thành một chiếc xe
cọc cạch lắm bệnh đòi hỏi một sự tu sửa toàn diện.
Các nhà chính trị học định tu sửa hệ thống chính trị Hoa Kỳ như thế nào là một đề tài tôi không bàn trong giới hạn bài viết này.
Aug. 15, 2011
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment