Monday, August 15, 2011

Bốn Lý Do Trung Quốc Không Thể Đánh Việt Nam

Dai Duong - Bắc Kinh gia tăng hành động khiêu khích và gây hấn Việt Nam bằng các hình thức quấy nhiễu, phá hoại dụng cụ của tàu khảo sát địa chất; tấn công ngư thuyền; chuẩn bị dư luận Trung Quốc về một trận chinh phạt Việt Nam không thể tránh tại khu vực Nam Hải, tức Biển Nam Trung Hoa (South China Sea), tức Biển Đông, tức Biển Đông Nam Á.


Trung Quốc đã nâng số tàu hải giám lên 4 chiếc và thường xuyên tuần tra tại Biển Đông Nam Á, ngăn chặn, tấn công, bắt bớ ngư dân Việt Nam đang hành nghề.

Hôm 26/05/2011, tàu hải giám của Trung Quốc đã làm đứt dây cáp thăm dò của tàu khảo sát địa chất Bình Minh 2 cách Mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Phú Yên 116 hải lý. Ngư thuyền Trung Quốc được sự yểm trợ của hải gám đã cắt đứt dây cáp Viking 2 đang khảo sát cách Vũng Tàu 270 km vào 9 tháng 6 năm 2011.

Trang mạng “Trung Quốc Binh khí Đại toàn” nêu lên 10 lý do cần phải đánh Việt Nam với cáo buộc phản trắc và xâm phạm vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Bắc Kinh sắp đưa dàn khoan lớn nhất vào Nam Hải để khai thác dầu hỏa và khí đốt.

Sau khi Việt Nam gửi hồ sơ báo cáo về thềm lục địa luật định (legal continental shelf) 350 hải lý lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc vào ngày 13/05/2009 theo đòi hỏi của Luật Biển 1982 thì Bắc Kinh gửi Công hàm phản đối lên cơ quan này có kèm theo bản đồ Đường Lưỡi Bò.

Đường 11 đoạn do một viên chức của Trung Hoa Dân Quốc, Bai Meichu vẽ trong tập bản đồ của mình đã được Chính phủ Tưởng Giới Thạch cho in vào năm 1948. Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc biến đường này thành 9 đoạn và nối thành Đường Lưỡi Bò.

Đường Lưỡi Bò chiếm 75% của 1.7 triệu km2 Nam Hải bao trùm từ phía Nam Đài Loan cho đến Tân Gia Ba, gồm trọn các Quần đảo Pratas (Đông Sa), Paracels (Tây Sa, Hoàng Sa), Spratlys (Nam Sa, Trường Sa); và bãi ngầm Macclesfield (Trung Sa), bãi cạn Scaborough (Hoàng Nham).

Ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc dựa vào hai cột trụ chính: (1) Xác lập chủ quyền biển và đảo. (2) Khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu hỏa, khí đốt, hải sản.

Nếu yêu sách chủ quyền về Đường Lưỡi Bò được cộng đồng quốc tế công nhận thì toàn bộ tài nguyên thiên nhiên trong đó sẽ thuộc về tài sản Hán tộc.

Cơ quản Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết trữ lượng dầu hỏa tại Nam Hải có 28 tỉ thùng dầu thô, nhưng, Bắc Kinh thổi lên 213 tỉ nhằm thúc giục công dân ủng hộ hành động thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trái phép.

Ngược lại, nếu được độc quyền tài phán về tài nguyên thiên nhiên trong Đường Lưỡi Bò thì mặc nhiên các quần đảo, bãi cạn, bãi ngầm sẽ thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Bắc Kinh và Hà Nội đang ra sức tăng cường tiềm lực quân sự, hầm hè nhau, tuy nhiên, có 4 lý do mà Trung Quốc không thể đánh Việt Nam.

Thứ nhất, Bắc Kinh không thể chứng minh Việt Nam xâm phạm chủ quyền Trung Quốc nên chẳng biện minh được lý do gây chiến. Đường Lưỡi Bò không ghi tọa độ địa dư chính xác mà bằng một nét vẽ “đường chu vi lịch sử về chủ quyền” bị các chuyên gia quốc tế độc lập cho rằng “quá lố lăng, chẳng có căn cứ gì trong luật quốc tế thời hiện đại”.

Biển Đông lớn nhất thế giới sau 5 đại dương mà điều 89 của Luật Biển 1982 xác định “việc đòi chủ quyền trên đại dương là vô giá trị” nên vùng nước bên trong Đường Lưỡi Bò không thể gọi là “vùng nước lịch sử bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng biển quần đảo”.

Từ trước 13/05/2009, Trung Hoa Dân Quốc cũng như Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc chưa hề chính thức yêu sách hay giải thích về Đường Lưỡi Bò. Nhưng, khi Trung Quốc chính thức công khai thì bị Indonesia gửi công hàm ngày 8 tháng 7 năm 2011 lên Liên Hiệp Quốc phản đối Đường Chữ U; hôm 27/01/2011, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ bản đồ có Đường Lưỡi Bò đưa lên mạng 9 ngày trước; Phi Luật Tân lên tiếng ngày 5 tháng 4 năm 2011.

Thứ hai, Khối ASEAN sẽ áp sát Tây Phương hơn vì chính sách trổi dậy trong hòa bình của Trung Quốc đã bị đảo ngược. Hà Nội và Manila đã thất bại khi giải quyết vấn đề Biển Đông Nam Á với Bắc Kinh bằng đàm phán song phương. Môi hở răng lạnh như Việt Nam mà Trung Quốc không tha thì sá chi các nước khác.

Hồi tháng 3-2011, tàu ngư chính của Trung Quốc đã quấy nhiễu hoạt động động thăm dò dầu, khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. Manila cũng tố cáo lực lượng Trung Quốc đã 6 lần xâm phạm chủ quyền kể từ tháng 2/2011 đến nay và ít nhất có một vụ bắn vào ngư dân Phi Luật Tân.

Thượng đỉnh ASEAN 18 tổ chức ở Jakarta đầu tháng 6-2011 đã thúc giục các bên tranh chấp Trung Quốc, Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunei và Mã Lai Á nhanh chóng ký kết các nguyên tắc, và bắt đầu đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh thông qua phát biểu công khai của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì vẫn không chấp nhận đàm phán song phương nên khó tin Trung Quốc sẽ áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử nếu có phải ký kết.

Ngày càng có nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á hợp tác chặt chẽ hơn theo khuyến cáo của Hoa Kỳ để đấu tranh ngoại giao với Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông.

Thứ ba, các cường quốc trên thế giới không muốn Trung Quốc coi Biển Đông như cái ao nhà để áp dụng luật pháp tùy tiện, coi thường công pháp quốc tế, gây bất ổn cho hải trình nối liền vùng Đông Bắc Á với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Vì thế, họ  sẽ tìm mọi cách để dập tắt ngòi lửa chiến tranh.

Mạc Tư Khoa đã đồng ý xây căn cứ tiềm thủy đỉnh đầu tiên tại Vịnh Cam Ranh và phụ trách huấn luyện cho thủy thủ đoàn của 6 chiếc Kilo mà Việt Nam mua của Nga cùng với 2 tuần dương hạm Gepard, 4 hỏa tiển hạm Tarantul I, 30 Su-30 trị giá 4.5 tỉ USD.  Đồng thời, Nga xây một nhà máy sửa chữa tàu biển cho ngành hải vận quốc tế cũng tại Cam Ranh. Năm 2010, Nga đã cung cấp cho Việt Nam một hệ thống tên lửa Bastion. Hôm 12 tháng 8 năm 2011, Việt Nam được vay tín dụng của Nga để mua hệ thống phòng thủ cơ động Bation-P có trang bị hỏa tiển siêu âm đất-đối-biển Yakhont với tầm bắn 300 km để bảo vệ bờ biển.

Việt Nam tuy dè dặt mà cũng đã thao dượt phi-quân-sự với Đệ thất hạm đội Mỹ hồi giữa tháng 7. Các quan chức cao cấp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thăm các hàng không mẫu hạm tối tân của Mỹ ở ngoài khơi Đà Nẵng.

Khu trục hạm USS Chung-Hoon đã được đưa vào Tây Thái Bình Dương để thao dượt với Hải Quân Phi Luật Tân vào cuối tháng 6 nhân dịp hạm đội Trung Quốc tập trận liên miên trên Nam Hải.

Hàng không mẫu hạm nguyên tử lớn nhất thế giới, USS George Washington đang vào Tây Thái Bình Dương trong nhiệm vụ huấn luyện Mùa Hè cùng với các Hải Quân bè bạn.

Thứ tư, Trung Quốc không thể đánh mất những thành quả kinh tế, chính trị, quân sự được khổ công xây dựng hơn 30 năm qua. Trung Quốc không còn bị cô lập như thời Mao Trạch Đông. Quốc tế hoan nghênh sự trổi dậy hòa bình của Trung Quốc, nhưng, cũng sẵn sàng hợp tác chống kiểu siêu cường hung hãn.

Bắc Kinh có thể mất một đồng minh, đồng chí duy nhất làm suy yếu vị thế của Trung Quốc tại Đông Nam Á và trên thế giới.

Úc Đại Lợi đã đề nghị quốc tế nên đánh Trung Quốc khi nước này còn suy yếu về quân sự.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn giữa tháng 5-2011 thừa nhận Hải Quân Trung Quốc chưa đủ sức đương đầu với Đệ thất hạm đội.

Bắc Kinh đe dọa phát triển loại hỏa tiễn DF-21D chuyên diệt hàng không mẫu hạm cách xa 1,000 km thì Hoa Kỳ cho biết kế hoạch trang bị phi cơ không người lái trên hàng không mẫu hạm với tầm hoạt động trên 2,700 km.

Trên thế giới có 20 hàng không mẫu hạm mà Hoa Kỳ chiếm 11 chiếc nguyên tử so với 1 chiếc bé tí teo của Trung Quốc chỉ dành để huấn luyện. Hoa Kỳ dự trù đóng thêm 3 siêu hàng không mẫu hạm nữa và chiếc đầu tiên sẽ hạ thủy vào năm 2015.

Áp lực Trung Quốc sẽ tiếp tục đè nặng lên Việt Nam, khâu yếu nhất trong khối Đông Nam Á nên Hà Nội phải tìm cách hóa giải. Nhóm Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, từng sống bên dưới vĩ tuyến 17 và chống Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và đang được Hà Nội dựng lên trong mấy tháng qua hầu thu hút sự ủng hộ của người miền Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại.

Dân tộc là nguồn nhân lực cho chiến tranh, sức ép lên đối phương nên Hà Nội phải để cho dân chúng tự động tổ chức biểu tình rầm rộ chống ý đồ xâm lăng của Trung Quốc. Nhà nước không nên trực tiếp hay gián tiếp nhúng tay buộc người biểu tình như phải trương cờ đỏ sao vàng, mặc áo đỏ gắn sao vàng mà làm giảm đi sức mạnh đoàn kết của dân tộc.

Nếu Việt Nam nhượng bộ áp lực của Trung Quốc thì các hãng dầu hỏa quốc tế sẽ chấm dứt hợp đồng khai thác.

Việt Nam phải chính thức phản đối các hành vi xâm lấn của Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc chứ không chỉ dựa vào công hàm song phương.

Các học giả trong nước hãy mạnh dạn dùng chứng cớ bảo về chủ quyền Việt Nam trên biển của triều Nguyễn Gia Long và Việt Nam Cộng Hòa trong khi lập luận để bảo đảm yếu tố chủ quyền liên tục.

Giáo sư Hoàng Việt dùng sự kiện Hội nghị San Francisco tháng 9-1951 đã khước từ trao trả Paracels và Spratlys cho Trung Hoa Dân Quốc để bác bỏ lập luận chủ quyền lịch sử do phía Bắc Kinh nêu ra.

Tại Hội nghị này, phái đoàn Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại) tuyên bố chủ quyền trên hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không một ai phản đối, kể cả phái đoàn Trung Hoa.

Việt Nam phải dứt khoát từ bỏ kiểu đàm phán song phương mới được sự ủng hộ và hợp tác từ các nước Đông Nam Á cũng như cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc sẽ không dám động binh khi biết Việt Nam mạnh về lý, biết đoàn kết dân tộc, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Bắc Kinh đang gián tiếp gây áp lực quân sự tại biên giới như vụ tập trận qui mô rộng lớn tại tỉnh Quảng Tây từ đầu tháng 8-2011 buộc Việt Nam phải tăng cường biệt động quân tại 12 tỉnh biên giới phía Bắc.

Bắc Kinh cũng đẩy mạnh chiến tranh kinh tế được sự yểm trợ đắc lực của cán bộ Việt Nam nhằm phá nát tiềm lực kinh tế của đồng chí “môi hở răng lạnh”.

Hà Nội đang đẩy nhóm Mẫm-Đằng cầm đầu các vụ biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước và gián tiếp thúc giục người Việt hải ngoại, vốn mang mối thù truyền kiếp với bọn xâm lăng Phương Bắc, làm ngoại vận và chống Trung Quốc theo sự điều khiển từ xa của đảng cộng sản.

Bất cứ vụ giao dịch nào cũng có kẻ mua, người bán. Vì thế, người Việt Nam yêu nước chân chính, bất-vụ-lợi phải chống nhà cầm quyền Việt Nam quyết liệt để bóp chết mưu đồ bán nước rồi mới chống Trung Quốc.

ĐẠI-DƯƠNG


vietthuc.org

No comments:

Post a Comment