Mạc Văn Trang - Mình
sống tại Hà Nội, ở quận Ba Đình hẳn hoi, mà chỉ nghe tin đồn Hà Nội có
biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, chứ cấm thấy tin tức,
hình ảnh cụ thể, chính thức nào trên các báo (lề phải) và bản tin Thời
sự trên VTV1 hàng ngày.
Lại nghe
nhiều tin đồn quanh chuyện biểu tình: nào là các chi bộ, tổ dân phố,
công an khu vực đều nhắc nhở, răn đe người dân không được đi biểu tình;
nào CA nổi, CA chìm theo dõi, ngăn cản, bắt bớ, cả đánh đập, truy hỏi,
ghi vào sổ đen… những người biểu tình. Thế mà các cuộc biểu tình yêu
nước vẫn cứ liên tục diễn ra vào các sáng chủ nhật đến chục lần rồi.
Lại
nghe đồn ông Giám đốc CA Hà Nội tuyên bố trước báo chí: CA không đàn áp
những người “biểu tình tự phát có tính yêu nước”, thế mà suýt mất chức
(?).
Lạ thật, biểu tình có gì mà ghê
gớm thế? Ở các nước người ta biểu tình bảo vệ hổ, bảo vệ gấu, bảo vệ chó
mèo… cũng tập hợp hàng ngàn người đi rầm rộ, có sao đâu! Dân ta biểu
tình bảo vệ Tổ quốc, chống xâm lược mà sao rắc rối, kỳ cục quá vậy? Lạ
quá, phải “mục sở thị” một cái mới được!
Lại
nghe “biểu tình tự phát”… Ôi, hai tiếng “TỰ PHÁT” nó mới hấp dẫn làm
sao! Xưa nay trong chế độ ta, biểu tình bao giờ cũng do đảng chỉ đạo,
các đoàn thể tổ chức, các cơ quan chức năng hỗ trợ… có kịch bản được
duyệt kỹ càng, có khi còn phải tập dượt mấy lần và có chế độ bồi dưỡng
hẳn hoi! Chế độ này coi cái gì “tự phát” là “ngoài luồng”, “vô tổ chức”,
“bát nháo, lộn xộn”, “tiêu cực”, “chả ra cái thể thống gì”!… Quan niệm
“tự phát” như thế đã ăn sâu vào đầu óc đảng viên và người dân, thành
định kiến xã hội mất rồi! Ngay cả cứu đồng bào bị bão lụt đang trong đói
rét, cũng không được tự phát, phải chờ các đồng chí cấp trên xếp hàng
bỏ phong bì vào hòm, quay phim, chụp ảnh trưng ra, cấp dưới mới lần lượt
làm theo! Vậy thì “biểu tình yêu nước tự phát” sẽ ra sao? Có phải “quân
hồi vô phèng, bát nháo” chăng?
Thế là sáng Chủ nhật 14/8/2011, tôi quyết định đi xem biểu tình một cái.
Khoảng
9 giờ tôi đi xe máy ra Hồ Gươm, đến quá nhà Thủy tạ thì thấy đoàn biểu
tình đi ngược chiều lại. Họ trưng lên rất nhiều biểu ngữ với đủ loại
kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng, có cả khẩu hiệu viết bằng tiếng Anh, tiếng
Pháp, tiếng Hoa… đúng là “tự phát”! Nhưng toàn là khẩu hiệu phản đối
Trung Quốc xâm lược; Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; phản đối tham
vọng của Trung quốc về đường “lưỡi bò”… Đúng là tự phát yêu nước! Họ đi
một đoàn mấy trăm người, chẳng phân biệt ra các đoàn thể nào cả, lẫn lộn
trong đó nhiều cụ già tóc bạc phơ (nghe nói có nhiều giáo sư, nhà văn,
lão thành cách mạng…) sát cánh cùng các thanh thiếu niên, sinh viên, các
bà các chị đủ các lứa tuổi, các bác trung niên (nghe nói trong đó có
nhiều cựu chiến binh). Đúng là một tập hợp người có tính tự phát! Nhưng
đó là tính tự động, tự phát, tự nhiên chân thực xuất phát từ nhu cầu
bức thiết muốn biểu thị lòng yêu nước của các tầng lớp xã hôi mà họ tập
hợp nhau lại. Tự phát tập hợp vì lòng yêu nước, vượt trên mọi toan tính,
sợ hãi!
Biểu tình lần thứ 10 ở Hà Nội. Ảnh Anhbasam
Tôi
dừng xe ngắm họ đang hô vang những khẩu hiệu yêu nước, lòng trào dâng
niềm xúc động khó tả. Nhưng ngay lúc đó mấy CA đến gần hất dùi cui ra
lệnh không được dừng xe! Các loại ô tô, xe máy đều phải đi, nhưng đi từ
từ để ngắm nhìn, vẫy tay, ghi hình những người biểu tình.
Tôi
nhìn nhanh thì thấy trên vỉa hè rộng lớn quanh Bờ Hồ có rất đông người;
nhiều người vẫy tay vui vẻ, hoan hô đoàn biểu tình; có những đôi nam nữ
ngồi trến ghế đá mải ngắm mặt hồ hay chuyện gì đó, không quay đầu lại
nhìn những người biểu tình phía sau; có mấy thanh niên đang cắm cúi đánh
bài, có người đàn ông đứng vẫy tay tập gì đó và mấy người vô tư di dạo…
cũng không để ý đến đoàn biểu tình. Không hiểu sao những người đó có
thể vô tâm đến thế!?
Tôi đi xe vòng
Bờ Hồ ngược với đoàn biểu tình để sẽ đón gặp đoàn ở chỗ đền Ngọc Sơn.
Nhìn ngắm Bờ Hồ dưới nắng Thu rực rỡ, đẹp mê hồn. Biểu tình vòng quanh
Bờ Hồ dưới những tán cây xanh mướt, soi bóng lung linh trên mặt nước
xanh, đi qua những dấu ấn văn hóa lịch sử, nơi “lắng hồn núi sông ngàn
năm” thật ý nghĩa. Những cuộc biểu tình này xứng đáng để Tháp Bút “tả
thanh thiên”; để ghi vào quyển sách mở “Thăng Long – Hà Nội 1000 năm,
đặt trước đền Ngọc Sơn…
Đang ngắm
cảnh, nghĩ ngợi thì nghe “tuýt”, lại một CA sắc phục và hai dân phòng ra
gõ dùi cui vào xe, yêu cầu không được dừng xe! Tôi phải dắt xe dựng vào
trước quầy hàng bên đường, mua chai nước uống. Bà cụ bán hàng quên cả
khách, cứ đứng nheo mắt nhìn về phía đoàn biểu tình đang đến gần. Tôi
hỏi: “Có gì thế bà?”. Bà cụ bảo: “Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược
đấy bác ạ. Khổ, nắng nôi, vất vả, hô rát họng chống xâm lược mà còn bị
công an làm rầy!”. Tôi bảo: “Cụ bán cho mười chai nước nữa, tôi đem cho
người biểu tình!”. Bà cụ bảo “Quý hóa quá!”
…
Cây vĩ cầm quen thuộc trong các cuộc biểu tình. Ảnh Anhbasam
Tôi
xách túi nước uống đi xe vội ra chỗ những người biểu tình đang dừng
trước đền Ngọc Sơn, đến bên ông già kéo violon, vẫy chào và đưa túi nước
cho mấy thanh niên. Họ vui cười, đón nhận. Tôi vội vòng xe ra ngoài, để
xe gốc cây, chụp mấy tấm hình. Lúc này mới để ý khách nước ngoài háo
hức thi nhau quay phim, chụp ảnh. Dân ta cũng không kém, các thứ máy
ảnh, điện thoại di động giơ lên.
Đoàn
dừng một lúc quay các biểu ngữ ra đường, hô khẩu hiệu, như cùng bày tỏ,
sẻ chia tình cảm với tất cả mọi người. Nhiều người đứng bên này đường
vẫy ta, hô khẩu hiệu theo đoàn biểu tình để hưởng ứng. Có người bảo sao
không đến trước sứ quán Trung Quốc mà hô? Tôi nghĩ không cần thiết. Biểu
tình này nói với dân mình là chính. Thì đúng như đoàn biểu tình đang
hát “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!”… Có lẽ đây là lúc cao điểm, các lực
lượng “chức năng” ào ra rất đông dẹp người đứng xem biểu tình!
Tôi
lại chạy xe vòng vào trong phố rồi ra lối Lò Sũ đến dưới chân tượng đài
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để đợi đoàn biểu tình tập kết tại
đây. Đoàn biểu tình bắt đầu từ vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ và kết thúc
dưới chân tượng đài này, thật ý nghĩa. Đoàn người biểu tình từ phía đền
Ngọc Sơn, trật tự qua đường, tụ hội dưới chân tượng đài “Quyết tử cho
Tổ quốc quyết sinh” và tiếp tục “màn trình diễn” thật ấn tượng. Họ đứng
thành vòng bán nguyệt, trưng các biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu một hồi rồi
hát “Cùng nhau xông pha lên đàng…” và hát Tiến quân ca hùng tráng vang
vọng, làm xôn xa bao cõi lòng người Việt. Bao du khách nước ngoài và các
tầng lớp dân ta cũng cứ tự phát vây quanh họ, quay phim, chụp hình
không biết chán.
Tôi cứ nghĩ lan man…
Giữa những ngày này, nhờ có những cuộc biểu tình tự phát yêu nước phản
đối Trung Quốc xâm lược mà Hà Nội trở nên thu hút sự quan tâm của nhân
cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cũng như dư luận quốc tế. Những
cuộc biểu tình này càng chứng tỏ “Hà Nội – trái tim của cả nước” và cả
nước hướng về Hà Nội. Thử hình dung những ngày này không có những cuộc
biểu tình như thế, xã hội sẽ âm u biết nhường nào!
Những
cuộc biểu tình này đã góp phần hình thành văn hóa biểu tình của người
Hà Nội. Rất trật tự một cách tự nhiên, đi dứng đàng hoàng, không giẫm
lên cỏ cây, không có thái độ, hành vi thô tục, hung hãn, đập phá hò hét,
chen lấn, xô đẩy… Họ ăn mặc lịch sự, diễu hành một cách hòa bình, thân
thiện, trưng lên các biểu ngữ và hô các khẩu hiệu yêu nước, chống ngoại
xâm, không bắt bẻ vào đâu được. Họ chẳng phải tập dượt mà hô khẩu hiệu
rất hay, hát những bài ca cách mạng khá đều, có cả người kéo violon và
đánh đàn ghi ta… Tự phát tập hợp mà biểu hiện như thế, rõ ràng những
người biểu tình có ý thức chính trị, trách nhiệm xã hội cao, và trên hết
họ là những nhân cách công dân đã trưởng thành, thật đáng kính trọng.
Nguồn: Bauxite
No comments:
Post a Comment