Đoàn Viết Hoạt - Chuyển
hóa dân chủ tại Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, đã và đang xẩy ra trong
cả hai khu vực: ngoài xã hội và trong giới cầm quyền, cụ thể là ngay
trong ban lãnh đạo CS. Chuyển biến trong xã hội xẩy ra trong mọi tầng
lớp nhân dân, từ trí thức đến nông dân và công nhân, tại thành thị và
nông thôn.
Chuyển biến trong xã hội cũng toàn diện, xẩy ra trong mọi
ngành, từ kinh tế thương mại, đến văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật,
truyền thông báo chí, và chính trị. Điều cần nói đến là chuyển biến
cũng xẩy ra ngay trong đảng CS, và ngay ở giai đọan đầu tiên của tiến
trình chuyển hóa. Bài sau chúng ta sẽ nói đến chuyển hóa trong xã hội và
quần chúng. Bài này chúng ta xem xét sự chuyển hóa trong đảng CS, liên
quan đến điều mà chính họ gọi là “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.
Gần đây, trên báo chí “lề phải”, xuất hiện một loạt các bài viết chống
lại “nguy cơ” “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa”. Báo Quân Đội Nhân Dân
ngày 10.7, đăng bài với tựa đề “Đề phòng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có những đoạn như sau:
“Thời
gian qua, việc thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được các thế
lực thù địch đặc biệt quan tâm… Biểu hiện của “tự diễn biến” là sự suy
thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận
cán bộ, đảng viên; tình trạng tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái các quy
định của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân
dân…(các thế lực thù địch) Họ tận dụng triệt để “lực tương tác tự thân”
này để gia tăng các hoạt động tác động, chuyển hóa, làm cho chế độ “tự
mục ruỗng” từ bên trong, dẫn tới chệch hướng và sụp đổ.”
Trên tờ báo điện tử của đảng CSVN ngày 15.7 có bài “Cảnh giác trước những biểu hiện “tự diễn biến”, mở đầu với đọan: “Tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã cảnh báo: “Những biểu
hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hoá” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm
mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài
“dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”
Tiếp theo là hàng loạt các bài với nội dung tương tự xuất hiện trên
nhiều báo lề phải khác. Thực ra chiến dịch chống “tự diễn biến, tự
chuyển hóa” không phải mới có, mà đã được phát động từ trước và sau Đại
Hội XI, và là một biến thái mới của việc chống lại “âm mưu diễn biến hòa
bình”. Ngay từ 2009, trong khi chuẩn bị cho ĐH XI, ông Tô Huy Rứa,
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của đảng CSVN, đã viết trên tờ Nhân Dân
điện tử ngày 03/08/2009: “Cần chủ động phòng, chống “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các
luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn
biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ, hình thành lực lượng đối lập của
các thế lực thù địch.”
Trong
bài viết này ông Tô Huy Rứa đã nêu ra 2 vấn đề tách biệt mà ban lãnh đạo
CS hiện nay phải đối phó: một là “tự diễn biến hay tự chuyển hóa” và
hai là “diễn biến hòa bình”. Ban lãnh đạo CS cho rằng “tự diễn biến hay
tự chuyển hóa” là “thủ đoạn” của “đế quốc và phản động”, đã được sử dụng
để tạo điều kiện dẫn đến sự xụp đổ chế độ CS tại Liên Xô. Một bài báo
trên tờ QĐND ngày 10/01/2010, có tựa đề Trước hết kiên quyết không “tự
diễn biến” còn khẳng định rằng: “Nếu những người cộng sản không “tự diễn
biến” thì “diễn biến hòa bình” “có ba đầu, sáu tay” cũng không làm gì
nổi.”
Đúng như thế, nếu chính
những người CS không “tự chuyển hóa” thì tiến trình chuyển hóa hòa bình
sẽ gặp trở ngại, và đó là điều mà ban lãnh đạo CS tại Việt nam đã ý
thức được, và đã toan tính ngăn chặn. Nhưng trước hết, khi chống lại
“tự diễn biến, tự chuyển hóa” ban lãnh đạo CS đang chống lại chính mình,
hay đúng hơn, chống lại những bậc đàn anh đã từng lãnh đạo đảng của họ.
Những người CS hàng đầu như Võ Văn Kiệt, Hoàng Minh Chính, Trần Độ…đã
kêu gọi, thậm chí đấu tranh đòi ban lãnh đạo đảng của họ phải đổi mới về
chính trị, chấp nhận dân chủ, kể cả bỏ điều 4 HP, chấp nhận đa đảng.
Một số đã trực tiếp vận động cho ra đời các chính đảng đối lập, kể cả
một đảng đối lập vẫn theo đường lối xã hội cộng sản nhưng họ cho rằng
trong sáng hơn, dân chủ hơn. Chính danh từ “tự diễn biến” cùng với chiến
lược “tự diễn biến” đã được một người cộng sản lão thành là Lê Hồng Hà,
cựu Chánh văn phòng chính phủ, cổ vũ. Ông còn sử dụng một danh từ dứt
khóat hơn, đó là”tự vỡ” và có thể vì thế mà ông đã bị bắt giam một thời
gian. Trong những năm trước và sau ĐH XI của đảng CS ông vẫn tiếp tục cổ
vũ cho “tự diễn biến”.
Liệu ban lãnh đạo CS hiện nay có ngăn chặn được “tự diễn biến” hay không? Những nhà quan sát và nghiên cứu quá trình dân chủ hóa tại những nước CS trong thời kỳ hậu Liên Xô đều tin rằng, trong thời đại toàn cầu, ban lãnh đạo đảng CS không thể không “tự chuyển hóa”. Chính ban lãnh đạo CS đã thấy rõ điều này khi đưa ra chủ trương “đổi mới”. “Tự diễn biến hay tự chuyển hóa” chỉ là một cách nói khác của “tự đổi mới”, đổi mới do chính ban lãnh đạo cộng sản đề ra và thực hiện. Tuy nhiên cái khác căn bản của đối mới với chuyển hóa là: ban lãnh đạo CS chỉ “đổi mới” về kinh tế, chấp nhận tự do cạnh tranh trong kinh tế thương mại, nhưng vẫn muốn duy trì độc quyền trong văn hóa tư tưởng và chính trị. Trong khi đó “chuyển hóa” luôn mang nội hàm toàn diện, cả kinh tế, văn hóa và chính trị, dù trong tiến trình thực hiện, kinh tế có thể xẩy ra trước một bước để tạo điều kiện cho chuyển hóa trong văn hóa và chính trị. Do đó, họ cố tìm cách trì hoãn, hoặc “cải biên” các cách ‘tự chuyển hóa” để vừa giữ được vai trò lãnh đạo chính trị, vừa tạo điều kiện để kinh tế tiếp tục phát triển. Con đường thoát hiểm của họ chính là tìm ra và phát huy các sáng kiến “tự chuyển hóa” mà không tự tiêu diệt, như cựu TBT Đỗ Mười đã đề ra: “đổi mới nhưng không đổi mầu”. Và như thế họ không chống lại “diễn biến hòa bình” và “tự chuyển hóa, tự diễn biến”, mà là chống lại chuyển hóa chính trị, trong đó có tự chuyển hóa của chính đảng CS.
Tiến trình chuyển hóa, trong xã hội và trong đảng CS, thực ra đã bắt
đầu từ ngay sau khi LX xụp đổ, vào cuối thập niên 1980. Tình thế lúc đó
bắt buộc như thế, nếu không, cả xã hội đã xụp đổ, trước hết là sự xụp đổ
kinh tế. Thực ra, nếu nói cho xát với thực tế hơn, thì nhu cầu đổi mới
kinh tế đã nung nấu ngấm ngầm trong xã hội ngay trong những thập niên
cuối cùng trước khi chính thức có “đổi mới” kinh tế, vì sự sống còn của
chinh người dân. Sự tồn tại dai dẳng của “thị trường đen”, hiện tượng
buôn bán hay trao đổi tem phiếu, việc sản xuất “tự phát”, vượt qua rào
cản hợp tác xã của nông dân để tự cứu đói tại một số vùng nông thôn…Đó
là những cố gắng tự phát, luồn lách cơ chế của chính người dân để tồn
tại. Những họat động tự phát “ngoài luồng” này chính là nền tảng cho
“đổi mới” kinh tế sau này, theo đúng “truyền thống” quản lý XHCN tại
Việt nam: “dân đi trước, nhà nước theo sau”. “Đổi mới” do đó, trong thực
chất, chỉ là một danh từ để chỉ một chủ trương được đảng sử dụng để
công nhận và hợp pháp hóa những họat động luồn lách “tự cứu” của người
dân, và qui củ hóa những họat động này cho thành nền kinh tế thị trường
“định hướng xã hội chủ nghĩa”, một cái đuôi mà thực chất chỉ có nghĩa là
“dưới sự lãnh đạo của đảng”.
Nói theo ông Lê Hồng Hà, nhà lý luận “tự vỡ”, trong tiến trình chuyển
hóa toàn diện bắt buộc phải xẩy ra tại Việt Nam kể từ sau sự kiện LX đến
nay thì ban lãnh đạo đảng CSVN đã thua trong kinh tế và văn hóa-tư
tưởng, nhưng chưa thua trong chính trị. Ông Lê Hồng Hà cũng thấy rằng
con đường giải thể chế độ cộng sản tại Việt Nam phải đi theo một lộ
trình nhiều giai đoạn: “…từ đổi mới thì chủ nghĩa xã hội Nhà nước bắt
đầu ra đi khỏi Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội Nhà nước xâm nhập vào Việt Nam
là theo con đường chính trị đi trước, kinh tế tư tưởng đi sau, nhưng
khi bắt đầu ra đi khỏi Việt Nam thì chủ nghĩa xã hội Nhà nước lại ra đi
từ kinh tế trước, sau đến tư tưởng và chính trị là cuối cùng. Như vậy,
lộ trình xâm nhập và lộ trình ra đi là ngược nhau”. (*)
Đây là lộ trình chuyển hoá mà chúng tôi đã để ra trong Lộ Trình Dân Chủ
Toàn Diện, được chính thức phổ biến từ năm 2003 (**), theo đó thì dân
chủ hóa Việt Nam phải diễn ra qua 3 giai đoạn: từ chuyển hóa kinh tế đến
chuyển hoá văn hóa, giáo dục, tư tưởng, thông tin, để cuối cùng đến
chuyển hóa về chính trị, mở đường đưa đất nước bước hẳn sang chế độ dân
chủ pháp trị. Giai đọan cuối cùng này hiện đã bắt đầu. Việc chuyển đổi
từ cơ chế độc tài đảng trị sang dân chủ pháp trị là bước tiến “bắt buộc”
trong tiến trình chuyển hóa Việt Nam từ lạc hậu sang phát triển. Trong
tiến trình không thể đảo ngược này, “tự chuyển hóa” trong đảng cộng sản,
mà trước hết là trong cơ chế lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản,
cũng là một quá trình bắt buộc. Nó đã diễn ra trong kinh tế, ngay sau sự
xụp đổ của LX, và chính nhờ đó mà đảng CSVN còn tồn tại đến hôm nay. Nó
đang tiếp tục diễn ra trong văn hóa tư tưởng qua các sinh hoạt do nhân
dân ngày càng chủ động tạo ra trong các lãnh vực văn học nghệ thuật, báo
chí (cả lề phải và lề trái), giáo dục, tư tưởng, ngoài xã hội và trên
cộng đồng mạng, một “xã hội dân sự mạng”. Nó tất yếu đang dẫn đến một
đột biến chính trị, vì trong chính trị, chỉ qua đột biến nền dân chủ
pháp trị mới thoát ra khỏi sự kìm hãm của cơ chế độc tài đảng trị, như
gà con phải mổ vỏ trứng mới ra khỏi trứng để thành gà được.
Đột biến chính trị sẽ xẩy ra như thế nào, ôn hòa hay bạo động, nhanh
chóng hay kéo dài, tùy thuộc nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố quan
trọng là sự “tự chuyển hóa” của chính đảng CS. Nếu chúng ta không muốn
có bạo động, vì bất lợi cho sự phát triển và ổn định của đất nước, nhất
là trước nguy cơ bành trướng của Trung quốc, thì cần cùng nhau thúc đẩy
và hỗ trợ mọi cơ hội và khả năng “tự diễn biến” trong đảng CS, như một
trong những nhân tố quyết định đưa đất nước thoát ra khỏi bế tắc hiện
nay và mạnh tiến về phía trước.
(25.7.2011)
Đoàn Viết Hoạt
(25.7.2011)
Đoàn Viết Hoạt
baotoquoc.com
No comments:
Post a Comment