Blog Nguyễn Văn Tuấn - Đó là tôi muốn nói đến những từ như
tuyên truyền, giáo dục, và mới đây nhất là định hướng dư luận. Có thể
nhiều người đã quá quen với những danh / động từ này nên chẳng ai đặt
vấn đề, nhưng tôi vẫn thấy lấn cấn khi nghe đến một trong ba cụm từ trên
đây. Lí do lấn cấn là như thế này …
Viết về những cam kết gì đó giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây, một bản tin của Tân Hoa Xã viết (Ba Sàm dịch):
“Cả
hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp
giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và
ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu
nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, ông Hồng Lỗi nói.”
Hôm
nay, một ông tướng Tàu lại lên tiếng khuyên Việt Nam nên hướng dẫn dư
luận. Bằng một “giọng điệu truyền thống” của kẻ vừa ăn cướp vừa la làng,
Mã Hiểu Thiên cũng nói rằng Việt Nam “không nên để cho các diễn
biến leo thang và tránh làm phức tạp thêm tình hình, khiến các vấn đề bị
trầm trọng hóa, dẫn tới đa phương hóa và quốc tế hóa chúng”. Cần
phải đặt câu nói này trong bối cảnh phía Trung Quốc tuần nào cũng lên
tiếng đe dọa Việt Nam mới thấy giọng lưỡi của tên này nó lưu manh như
thế nào.
Quay lại cái đàm phán trên,
hình như hai bên đồng ý sẽ định hướng dư luận. Chẳng biết trong tiếng
Anh định hướng dư luận là gì; chắc là directed publicity chăng? Dù là gì
đi nữa thì nghe đến khái niệm định hướng dư luận là tôi nhớ đến chuyện
xưa, và đó chính là một lấn cấn của tôi.
Câu
chuyện xưa đó xảy ra ở Úc, cũng gần 10 năm rồi. Thời đó, VTV4 thương
lượng với đài truyền hình SBS của Úc để phát sóng chương trình VTV4 cho
người Việt ở Úc. Đài SBS (Special Broadcasting Services) là đài của
chính phủ, dành cho các sắc tộc đang định cư ở Úc. Hình như hai bên đồng
thuận với nhau, và trong thực tế SBS đã phát sóng một số chương trình.
Thế là người Việt bên này phản đối kịch liệt. Biểu tình xảy ra nhiều
nơi, có lúc lên đến cả 5 ngàn người. Đài SBS ngạc nhiên không hiểu tại
sao biểu tình, trong khi họ nghĩ họ làm một việc có ích cho cộng đồng
người Việt! Nhưng một số người chống cộng bên này chỉ ra rằng đó là
những chương trình tuyên truyền – propaganda. Tuyên truyền có định
hướng. Chính phủ Úc không tin, SBS cũng không tin là có chuyện tuyên
truyền. Đối với họ tuyên truyền là cái gì đó rất xấu xa, ghê gớm, đâu có
ai lại đi nói rằng mình tuyên truyền. Thế là có người ta chỉ ra rằng
ngay trên website của VTV và trong các bản tin, VTV4 vẫn dùng chữ tuyên
truyền. VTV4 vô tư nói rằng họ tuyên truyền đến cộng đồng người Việt ở
Úc! Đến lúc này thì chính phủ Úc và ban giám đốc SBS mới tin là có chữ
này. Thế là họ đi đến quyết định chấm dứt chương trình VTV4 trên SBS.
Câu chuyện dài dòng và phức tạp hơn nhiều, nhưng tôi chỉ nói trên khía
cạnh ngôn ngữ mà thôi, để cho thấy rằng cách nói cũng ảnh hưởng đến
chính sách.
"Tuyên truyền"- một từ xấu theo cách hiểu của phương Tây
Ở
Úc hay các nước phương Tây, họ xem tuyên truyền hay propaganda là một
cái gì xấu xa. Nói đến propaganda họ nghĩ ngay đến Nazi, đến Liên Xô.
Còn ở Việt Nam ta hay Trung Quốc thì người ta vô tư dùng chữ tuyên
truyền, như chẳng có vấn đề gì phải bàn. Mà, nói đúng lí ra, tuyên
truyền chẳng có gì đáng nói là xấu xa, vì nói cho cùng nước nào và chính
quyền nào mà không tuyên truyền? Nhưng cái khác là ở cách nói và cách
làm. Một bên thì vô tư nói ra tôi tuyên truyền, tôi định hướng dư luận,
còn một bên thì làm mà không nói!
Chữ
propaganda có lẽ xuất phát từ truyền thống hoạt động của phong trào
cộng sản quốc tế. Các tổ chức cộng sản rất coi trọng công tác
“Agit’Prop” (tuyên truyền vận động). Và, cũng như nhiều từ ngữ của phong
trào cộng sản, chữ propaganda xuất phát từ truyền thống của giáo hội
Công giáo. Propaganda khởi thuỷ là tuyên truyền, rao giảng niềm tin vào
Chúa. Sau đó, propaganda/tuyên truyền mới trở thành “hoạt động nhằm dư
luận tán thành, ủng hộ đường lối, chính sách của một đoàn thể, chính
quyền” (định nghĩa của từ điển Robert).
Vì
vậy tuyên truyền mang sắc thái tích cực hay tiêu cực còn tùy theo bản
chất của các chính sách mà nó phục vụ. Đối với những thanh niên Việt Nam
thời thập niên 30-50 được “tuyên truyền giác ngộ” (từ ấy trong tim bừng
nắng hạ), tuyên truyền chắc chắn mang ý nghĩa tốt đẹp. Trong thế kỉ 20,
sau những tai hoạ do chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa Stalin-Mao gây ra,
tuyên truyền chỉ còn nghĩa xấu. Công việc tuyên truyền, quảng cáo thì
vẫn còn đó, và càng trở thành quan trọng trong thế giới thông tin, nên
người ta tạo ra một từ mới là “truyền thông” (communication) để làm công
việc xưa cũ đó. Riêng phía Việt Nam thì vẫn trung thành với ngôn ngữ
cũ, nên vẫn giữ nguyên xi hay chữ tuyên truyền, vẫn còn công tác tuyên
huấn (tuyên truyền, huấn luyện).
Tuyên
truyền dĩ nhiên phải có thông tin. Phổ biến thông tin, nhưng không chỉ
có thông tin, và khi thông tin thì bao giờ cũng “có định hướng”, đơn
giản là thông tin “một chiều”, theo một chiều hướng có lợi cho tổ chức /
chính quyền. Người làm việc tuyên truyền khi xử lí một thông tin, cũng
có thể (hay không) làm như người làm thông tin là kiểm tra độ xác thực
của nó, nhưng anh ta có một quan tâm hàng đầu, khác hẳn người làm thông
tin, là: đưa tin này có lợi cho ta không, làm thế nào có lợi nhất, lúc
nào có lợi nhất cho ta, nếu thông tin này có hại, nhưng đằng nào đối
tượng quần chúng cũng sẽ biết, ta không đưa không được, thì ta phải đưa
thế nào cho ít có hại nhất. Đưa tin hay không, đưa thế nào, tùy thuộc
vào quan tâm lợi ích của đoàn thể hay chính quyền. Và do tâm lí chán
ngán tuyên truyền của quần chúng, công tác tuyên truyền / truyền thông
phải nguỵ trang tối đa thông điệp của mình dưới dạng thông tin. Do đó,
tôi nghĩ những gì chúng ta tiếp nhận qua TV hay báo chí, kể cả báo chí
Tây phương, cũng là tiếp nhận tuyên truyền.
Ông
Chomsky (giáo sư ngôn ngữ học), một thần tượng của tôi, là người bỏ ra
nhiều thời gian để nghiên cứu về tuyên truyền của phương Tây. Ông chỉ ra
rằng truyền thông đại chúng đều có mục đích định hướng. Mục đích của họ
là làm cho đám đông không làm phiền đến họ. “Họ” ở đây là chính quyền,
là các đại gia kĩ nghệ, quân sự, v.v. Ông chứng minh thực tế rằng họ
muốn làm sao đám đông kia chạy theo những game show vớ vẩn, say mê với
thể thao như football, với những bản tin cướp giết hiếp, mở to mắt với
những xì căng đan sex, v.v. Còn những chuyện nghiêm trọng, chuyện lớn
thì để cho họ lo — We take care of that. Đó là truyền thông định hướng,
hay nói theo Việt Nam và Trung Quốc là tuyên truyền có định hướng. Mĩ,
Úc, Việt Nam, Trung Quốc hay bất cứ nước nào đều không ít thì nhiều làm
như thế. Nhưng như tôi nói trên, người ta dấu không nói ra, còn Việt
Nam thì làm theo Trung Quốc, tức là nói huỵch tẹt ra: chúng tôi tuyên
truyền!
Nhưng đối với những ai có
tinh thần tự do tư tưởng như Chomsky, cái cụm từ định hướng dư luận nghe
rất xa lạ. Người trí thức có ý kiến riêng từ thông tin họ có, và không
để ai định hướng mình. Đã để cho người khác định hướng tức là mình thiếu
độc lập, chẳng khác gì như những con cừu. Mà, nếu thiếu độc lập thì nói
gì đến việc có ý kiến riêng? Do đó, người trí thức left wing như
Chomsky không bao giờ chấp nhận chuyện tuyên truyền hay định hướng dư
luận.
Tuyên truyền định hướng dư luận
có nghĩa là xem thường dư luận. Sở dĩ xem thường là vì nó bắt đầu bằng
một giả định rất ngạo mạn. Giả định của định hướng dư luận là công chúng
chỉ là một đám đông ngu dốt, không có lập trường và chính kiến, không
biết suy nghĩ. Từ giả định đó, người ta tự cho mình cái quyền giáo dục
công chúng cho bớt ngu dốt, nhào nặn thành những người có lập trường, và
dạy cho họ biết suy nghĩ. Dĩ nhiên là suy nghĩ theo họ. Chính vì thế mà
chúng ta hay nghe những cụm từ như giáo dục quần chúng. Người ta phải
hỏi ai cho anh quyền và anh có tư cách gì để giáo dục tôi? Đó là một suy
nghĩ ngạo mạn, tự cho mình ngồi trên đám đông.
Cụm
từ giáo dục quần chúng nghe rất nặng nề. Nó chẳng khác gì cha mẹ nói
với con cái. Những người làm tuyên truyền đâu phải là cha mẹ của công
chúng. Cách nói của Tân Hoa Xã chẳng khác gì nói: “Anh về dạy con cháu
anh đừng có làm gì tổn hại đến tình hữu nghị giữa chúng ta”. Dạy cho
chúng đừng đi biểu tình nữa. Dạy cho chúng tôn trọng 16 chữ vàng gì đó.
Anh dạy dân anh, tôi dạy dân tôi. Đằng sau câu nói đó là giả định rằng
người đại diện Việt Nam trong cuộc đàm phán là cha mẹ của người Việt
Nam. Cố nhiên, giả định đó sai. Giả định sai thì tất cả theo sau nó
cũng đều sai.
Định hướng dư luận cũng
có nghĩa cung cấp thông tin một cách chọn lọc. Một sự kiện lúc nào cũng
có nhiều khía cạnh. Truyền thông định hướng có nghĩa là người ta chỉ
cung cấp khía cạnh nào phục vụ cho quyền lợi của người ta. Cung cấp
thông tin như vậy là không đúng với sự thật, và dễ làm cho đám đông hiểu
lầm. Câu chuyện về trích dẫn không đầy đủ câu nói của Giám mục Ngô
Quang Kiệt là một ví dụ tiêu biểu của việc cung cấp thông tin có chọn
lọc.
Định hướng có nghĩa là phản khoa
học. Trong khoa học, bất cứ một dữ liệu hay bất cứ phát hiện nào cũng
được soi rọi bằng nhiều lăng kính. Nhà khoa học lúc nào cũng đặt câu hỏi
tại sao. Tại sao có dữ liệu này? Nguyên nhân xảy ra là gì? Cơ chế xảy
ra như thế nào? Có thể diễn giải kết quả này theo cách hiểu khác không?
Có bao nhiêu cách diễn giải kết quả? Trong khi đó đối với định hướng dư
luận, người ta chỉ có một cách diễn giải, làm như chỉ có một chân lí.
Đó cũng chính là cách diễn giải của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 đoạn.
Họ không cho (hay không cung cấp thông tin để) người Trung Quốc diễn
giải khác. Do đó, tuyên truyền định hướng là rất phản khoa học.
Vì
phản khoa học, nên tuyên truyền định hướng rất nguy hiểm. Người Trung
Quốc nói chung là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Cứ xem văn học của họ thì
thấy họ cũng như ta, cũng chẳng muốn chiến tranh. Thật ra, chẳng có dân
tộc nào trên thế giới thích chiến tranh. Nhưng để biến một dân tộc yêu
chuộng hòa bình thành một dân tộc hiếu chiến như hiện nay, tuyên truyền
định hướng của Trung Quốc cố tình vẽ ra một dân tộc Việt Nam hung hãn,
đã và đang chiếm lãnh hải của họ. Suốt ngày này sang tháng nọ, họ nhào
nặn ra một thế hệ ghét Việt Nam. Họ biến những con người bình thường
thành những con dã thú giết người (như chúng ta thấy trong trận chiến
1979); họ biến những con người thành những cỗ máy chỉ biết chém giết.
Những gì tờ Hoàn Cầu Thời Báo làm chính là một cách định hướng dư luận
chuẩn bị chiến tranh chống Việt Nam, nên họ cho những ông tướng mặt mũi
bặm trợn (nhưng đầu óc thì bị chứng cretinism) lải nhải phát biểu những
điều mà người có bộ óc bình thường (không bị schizophrenia) cũng biết là
vô lí. Họ cũng biết là vô lí, nhưng vì mục đích tuyên truyền định hướng
chống Việt Nam nên họ vẫn nói, và đó là một trò chơi cực kì nguy hiểm.
Tóm
lại, tuyên truyền – propaganda là một từ hàm ý tiêu cực. Giáo dục quần
chúng là những từ ngạo mạn và xúc phạm. Định hướng dư luận là một kiểu
tuyên truyền phi khoa học và nguy hiểm. Nếu Việt Nam muốn hội nhập quốc
tế, tôi nghĩ các nhà truyền thông – à quên “tuyên truyền” – cần phải xem
xét lại những từ đó. Tốt hơn hết là xóa bỏ những từ ngữ đó khỏi kho
tàng ngữ vựng ngoại giao.
Theo Blog Nguyễn Văn Tuấn.net
No comments:
Post a Comment