Sức
nóng từ Bình Minh 2 chưa nguội thì sáng 9-6-2011, tàu Trung Quốc có máy
bay yểm trợ lại xông vào cắt cáp tàu Viking 2 đang khảo sát địa chấn ở
thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta
lại phản đối mạnh mẽ hành động có tính toán, có chuẩn bị kỹ lưỡng của
Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Trước đó một ngày, 8-6-2011, tại thành phố Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu với tiêu đề Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển.
Tôi rất tâm đắc nhận định này của ông: “CHÚNG TA ĐANG ĐỨNG TRƯỚC NHIỀU
THÁCH THỨC GAY GẮT VỀ BẢO VỆ BIỂN ĐẢO, VỀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN MÔI
TRƯỜNG BIỂN”. Thủ tướng đề ra 6 biện pháp quan trọng để khắc phục các
thách thức gay gắt nói trên mà việc số 1 là “Tiếp tục khẳng định manh mẽ
và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của
Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc”. Thông cảm với Thủ
tướng và Chính phủ trong cuộc đấu tranh để vượt qua thách thức gay gắt
hôm nay, tôi lại bỗng nhớ đến thách thức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân
tộc ta phải đương đầu năm 1945-1946. Có lẽ thách thức ngày ấy lớn hơn,
phức tạp hơn, thù trong giặc ngoài hùng hổ hơn, thế và lực của chúng ta
yếu hơn hôm nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kiên định nguyên tắc vừa uyển
chuyển sách lược, nhằm xây dựng nên mối quan hệ CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN
CÙNG MỘT Ý CHÍ BẢO VỆ NỀN ĐỘC LẬP.
Chúng
ta đều nhớ lá thư Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường
sang Pháp đàm phán hòa bình có câu: “Hồ Chí Minh không phải là người bán
nước”. Một người bao năm bôn ba vì nước, vào tù ra tội, mang án tử hình
vắng mặt, vậy mà đã phải nói những lời thanh minh với đồng bào mình như
vậy đấy! Khi đoàn Việt Nam tới Paris, Tổng thư ký Công đoàn lính thợ
Việt Nam ở Pháp là anh Hoàng Nghinh đã tổ chức một cuộc biểu tình với
nhiều khẩu hiệu phản đối việc thương lượng với Pháp. Hồ Chủ tịch đã có
nhiều cuộc tiếp xúc với Việt kiều để nói cho đồng bào hiểu rõ quan điểm,
sách lược của Chính phủ. Hội nghị Fontainebleau thất bại, Hồ Chủ tịch
về nước. Tổng thư ký Hoàng Nghinh nói với đoàn viên Công đoàn lính thợ:
“Chúng mình đã hiểu nhầm Hồ Chí Minh. Tất cả hãy tìm đường về nước đi
theo ông Cụ kháng chiến giành độc lập”. Do có lý lịch tổ chức phản đối
Cụ Hồ ở Pháp mà anh Hoàng Nghinh đã bị những người sắp xếp tổ chức đố
kỵ, con đường “hoạn lộ” của anh luôn luôn đi xuống: Từ chỗ là Trưởng Ban
Quốc tế của Tổng Liên đoàn Lao động VN, bị hạ xuống Trưởng ban Quốc tế
của báo Lao Động, rồi sau cùng xuống làm phóng viên thường trú ở vùng
“túi bom” Quảng Bình, Vĩnh Linh. Dù vậy, anh luôn lạc quan dũng cảm hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ. Có lần tôi hỏi anh Hoàng Nghinh: “Vì sao từ
chỗ nghi ngờ, phản đối quyết liệt, anh đã tin theo Cụ Hồ?”. Anh Hoàng
Nghinh nói: “Khi mình nhận được tín hiệu quyết tâm bảo vệ độc lập của
ông Cụ thì mình tin theo.”
Tôi
mong các nhà lãnh đạo hiện nay học tập Hồ Chí Minh đức khiêm tốn và
tỉnh táo soát xét lại xem vì sao đường lối xử lý mối quan hệ Việt Trung
của mình gây cho nhân dân sự nghi ngờ ngày càng nghiêm trọng? Nếu liệt
kê ra những điều diễn ra nhiều năm qua thì dài lắm. Chỉ xin đơn cử
chuyện mới nhất là cơ quan truyền thông chính thức phát ngôn của Chính
phủ – Thông tấn xã Việt Nam – tường thuật cuộc biểu tình ngày 5-6-2011
bị phản ứng mạnh mẽ để từ đó có thể rút ra nhiều điều:
Lẽ
ra chỉ cần rút tít “Biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa
Viêt Nam” là rõ, TTX VN lại cắt bỏ 7 từ nói rõ lý do cuộc biểu tình (mà
tất cả cơ quan truyền thông trên thế giới đều đưa đầy đủ như thế) để có
lý do hùng hồn bác bỏ: “Đó là thông tin sai sự thật”! Thật là tự mình
dựng đứng ra để có cớ mà bác bỏ nhằm vừa lòng ai vậy? Điều quan trọng
nhất là bản tin TTX VN cố tình thu nhỏ cuộc biểu tình: “có một số ít
người” và tìm cách chứng minh rằng vốn có một khoảng cách giữa Nhà nước
với nhân dân Việt Nam trong thái độ với nhà cầm quyền Trung Quốc như:
“tự phát tụ tập”, “đi ngang qua”, rồi “Sau khi được các đoàn thể, các cơ
quan chức năng của Việt Nam giải thích, họ đã tự giải tán ra về”. Hiểu
thế nào đây về cái ”ý tại ngôn ngoại”, nội dung sự giải thích sáng ngời
chân lý của các cơ quan chức năng Việt Nam đã khiến những người biểu
tình thấy ra sai lầm “tự giải tán, ra về”!
Người
dân Việt Nam có nên coi bản tin TTX VN nói trên chính là thể hiện trung
thực quan điểm của Chính phủ Việt Nam? Nếu bản tin đó trái với quan
điểm chính thống thì cần có ít nhất là sự đính chính, đúng ra là Chính
phủ phải có kỷ luật đối với Tổng Giám đốc TTX VN để tìm lại sự yên dân
mà ông đã làm hỏng do đưa ra bản tin tệ hại đó!
Có
ý kiến cho rằng, những người biểu tình phải tự hiểu rằng, dù có bị ngăn
chặn, cản trở, nhưng đã không bị đàn áp như hồi năm 2007 là do đã có sự
thay đổi theo hướng cởi mở, mở cửa ngầm của Chính phủ, nếu không thấy
như vậy là chỉ biết phần mình, cá nhân mình. Liệu lập luận này có thích
hợp để xây dựng mối quan hệ “Chính phủ và nhân dân cùng một ý chí” hay
không? Những người chủ trương “mở cửa ngầm”nếu chịu khó đọc báo chí và
phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ thấy họ không hề vì thế mà
khen lãnh đạo Việt Nam, họ vẫn lớn tiếng chê trách Chính phủ Việt Nam đã
không tiếp tục đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược như hồi
2007. Vậy Chính phủ Việt Nam chỉ có một lựa chọn duy nhất mà mọi Chính
phủ của dân, do dân, vì dân trên thế giới đều phải lựa chọn, là công
khai minh bạch chủ trương đúng đắn của mình, tôn trọng nhân dân có quyền
thể hiện lòng yêu nước của mình trước ngoại bang gây hấn xâm phạm Tổ
quốc. Nếu làm trái lại thì mối nghi ngờ vốn đã có, sẽ ngày càng nảy nở
vô cùng nguy hiểm trong tình thế hôm nay.
Vừa
qua, đại diện Ban biên tập báo Thanh Niên có thư gửi giáo sư Trần Hữu
Dũng thanh minh rằng “về sự kiện 26-5, do vậy, ý tướng Vịnh là Việt Nam
sẵn sàng giải quyết song phương vụ va chạm đó với Trung Quốc thôi, chứ
không phải toàn bộ vấn đề Biển Đông”. Giáo sư Trần Hữu Dũng đã công bố
lá thư thanh minh này “để rộng đường dư luận”. Tôi muốn nêu câu hỏi: Vì
sao giáo sư Trần Hữu Dũng có thể “hiểu nhầm”chuyện quan trọng này?
Theo
tôi nghĩ, những người có trách nhiệm của Chính phủ ta chưa thực hiện
công khai minh bạch nhiều vấn đề cốt lõi của sự việc. Nhà báo Mặc Lâm
hỏi tôi nhận định thế nào về cuộc đối thoại Shangri-La, tôi đáp, vì tôi
không được đọc nguyên văn đối thoại giữa tướng Phùng Quang Thanh và
Lương Quang Liệt nên không dám có nhận định. Bởi vì, báo chí Trung Quốc
bảo ở Đối thoại Shangri-La Việt Nam ông Phùng Quang Thanh “tỏ ra biết
điều hơn”, “đã tán thành Trung, Việt song phương giải quyết bất đồng”.
Báo chí Việt Nam không hề bác bỏ phát ngôn trịch thượng và xuyên tạc ý
kiến của Bộ trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Do đó giáo sư Trần
Hữu Dũng và người dân Việt Nam phải hiểu sao đây?
Khi
cố gắng tìm đọc những phát ngôn của lãnh đạo Việt Nam nơi này nơi khác
để hiểu sự thật thì cảm thấy nhiều nghi vấn lại phình to ra! Ví dụ, bài
trả lời của Thứ trưởng Vịnh với VTCNews có nhiều điểm làm cho người đọc
không thể xác định rõ lập trường của Việt Nam về chủ quyền biển đảo. Xin
nêu vài ví dụ trong rất nhiều điều mù mờ:
-
“không ai có quyền tài phán ở các khu vực tranh chấp”: Người đọc Việt
Nam cho rằng nói câu này là mắc bẫy Trung Quốc, bởi vì quần đảo Hoàng
Sa, Trường Sa họ đều tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, cả nơi hoạt động
của tàu Bình Minh 2 và tàu Viking 2 cũng đều nằm trong “lưỡi bò” thuộc
chủ quyền không thể chối cãi của họ. Sao Việt Nam dám tuyên bố quyền tài
phán ở vùng xảy ra Bình Minh 2 và Viking 2?
-
“Nhưng trước hết và sau cùng vẫn là giải quyết với Trung Quốc. Và vì
vậy sự lựa chọn của Đảng và Nhà nước ta là sẽ giải quyết được vấn đề, dù
là rất lâu dài”. Người đọc Việt Nam thực sự lo âu với cái sách lược đặt
tương lai ở cuối đường hầm mờ mịt của cái sự “rất lâu dài”!
Quần
đảo Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa ta và Trung Quốc, thế thì chỉ
tính từ khi ta và họ thiết lập quan hệ trên cơ sở “!6 chữ vàng” cũng đã
hơn 20 năm, chúng ta đã bao giờ bàn bạc song phương để tháo gỡ mắc míu
lớn ngăn cản sự phát triển lòng tin cậy giữa hai dân tộc? Ta có đủ căn
cứ lịch sử ít lắm là từ triều Nguyễn và tại Hội nghị đi tới Hòa ước San
Francisco năm 1951, khi ông Trần Văn Hữu thay mặt Việt Nam tuyên bố chủ
quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, thì hơn 50 đại diện của
các quốc gia tham dự, kể cả người đại diện của Bắc Kinh đã không hề phản
đối. Vậy lẽ ra nếu theo thông lệ quốc tế thì khi bị chiếm bằng vũ lực
lãnh thổ của nước mình, người ta đã có thể phản ứng bằng việc công bố
Sách đen về hành động xâm lược. Thế mà cho đến nay vì sao chúng ta không
thể công bố một Sách trắng về chủ quyền Hoàng Sa của mình?
Tóm
lại bài học thứ nhất của Cụ Hồ cho những người lãnh đạo hôm nay là muốn
nhân dân tin theo, tạo nên nguồn sức mạnh vô địch trước kẻ thù thì phải
có đường lối yêu nước rõ ràng và phải tôn trọng nhân dân. Đối ngoại
cũng như đối nội phải minh bạch thì mới có thể dựa vững chắc vào sự hậu
thuẫn của nhân dân.
Bài
học thứ hai của Cụ Hồ là nếu tôn trọng nhân dân thì phải thể hiện ở
việc thực hiện dân chủ. Mấy năm nay, nhiều người nhắc đến Hiến pháp 1946
cho rằng đó là bản Hiến pháp tuy còn một số hạn chế, nhưng đã là bản
Hiến pháp dân chủ so với các bản Hiến pháp sửa đổi về sau. Cần biết rằng
Ban soạn thảo Hiến pháp 1946 gồm có 11 người, phần lớn là nhân sĩ, có
người thuộc đảng phái khác như Phạm Gia Đỗ, đảng viên Quốc dân đảng.
Trong buổi họp Quốc hội công bố Dự thảo Hiến pháp đã có sự phản biện rất
sôi nổi thẳng thắn của đại điện các đảng phái như: Hồ Đức Thành đại
diện Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, Trần Trung Dung, Quốc dân đảng…
Khi biểu quyết có hai phiếu chống là Nguyễn Sơn Hà cho rằng Hiến pháp
thiếu sự ghi nhận quyền tự do kinh doanh; Phạm Gia Đỗ thì cho rằng cần
phải thực hiện chế độ hai Viện. Dù vậy Hiến pháp đã được thông qua với
số phiếu cao thể hiện trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân buổi “lập
quyền dân” năm thứ nhất. Nhiều nhân sĩ trong Quốc hội khóa 1 đã dũng cảm
đi vào cuộc kháng chiến, có người như cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban
Thường vụ Quốc hội đầu tiên bị giặc Pháp bắt, đã anh dũng hi sinh năm
1947. Trưởng ban Thường vụ Quốc hội thứ 2 là cụ Bùi Bằng Đoàn, nổi tiếng
với những bài thơ xướng họa với Cụ Hồ làm nức lòng nhân sĩ yêu nước
thời chống Pháp.
Hiện
nay, có một lập luận rất sai nhưng được phổ biến rộng rãi và dai dẳng
là: Nếu Đảng Cộng sản thực hiện dân chủ thì không bị mất nước, nhưng sẽ
mất Đảng; Còn nếu ngược lại thì không mất Đảng, nhưng sẽ mất nước. Vế
thứ hai này đúng, nhưng phải nói thêm là “còn, nhưng mang nỗi nhục”. Ôn
lại bài học lịch sử từ Hồ Chí Minh sẽ hoàn toàn bác bỏ lập luận thiển
cận nói trên. Thực hiện dân chủ, tôn trọng quyền dân, xây dựng một Chính
phủ thực sự của dân, do dân, vì dân, chấp nhận phản biện, sẽ khơi dậy
mạnh mẽ trí và lực Việt Nam, gắn bó chặt chẽ Chính phủ với nhân dân
trong cùng một ý chí chống ngoại xâm. Đó là kế sách trường tồn cho Đảng
và dân tộc. Ngược lại là sự tự hủy diệt trước quân thù!
Ngày 10-6-2011
T. V. C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment