Saturday, June 18, 2011

Toàn dân nghe chăng?

“Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến!” và những câu hỏi cần lời đáp cho mọi người Việt Nam.
“Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến!”

Lời kêu gọi đó vang rền đất nước cách đây hơn 7 thế kỷ khi vó ngựa quân Nguyên-Mông bắt đầu vượt biên giới dày xéo lên đất nước Việt Nam.
Thời đó Nguyên-Mông là một đế quốc rộng lớn, hùng mạnh nhất thế giới, xâm chiếm nhiều quốc gia từ Á sang Âu. Chúng tự hào là dưới vó ngựa viễn chinh của chúng cỏ không mọc được. Ấy thế mà ba lần xâm lược, ba lần chúng đại bại trước dân tộc Việt Nam và vua tôi nhà Trần.

Ngoài sự sáng suốt của các vua nhà Trần, tài thao lược của Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh, sự dũng cảm của ba quân, yếu tố quan trọng hàng đầu là lòng dân. Hội Nghị Diên Hồng do Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu tập năm 1284 thề quyết chiến, thể hiện sự quyết tâm và đoàn kết toàn dân để đánh thắng kẻ thù, mà người học sử Việt không ai không biết.

Ngày hôm nay, sau hơn 700 năm, lời kêu gọi đó lại vang lên khẩn thiết, trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác, người Việt Nam sẽ làm gì để không thẹn với tiền nhân và không trở thành nô lệ cho ngoại bang?

Trước hết là các trí thức, văn nghệ sĩ chân chính, những người thường tự hào về kiến thức uyên bác, có điều kiện hiểu rõ tình hình, là lương tri của dân tộc và thời đại. Một số trí thức, văn nghệ sĩ đã có nhiều kiến nghị, phản biện nhưng Đảng Cộng Sản và Chính Phủ Việt Nam không nghe, không quan tâm, vậy có nên tiếp tục mãi những hình thức cũ? Lại có những hội bao gồm nhiều trí thức, văn nghệ sĩ như Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam hay “sang trọng” như Hội Nhà Văn Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng về tình hình Trung Quốc xâm lược đất nước, ngay cả khi có hội viên yêu cầu, có đáng hổ thẹn không?

Trí thức và văn nghệ sĩ có thể nào tự mình ra tuyên ngôn, tuyên cáo với quốc dân đồng bào và thế giới, kể cả với chính quyền và nhân dân, trí thức Trung Quốc để biểu thị rõ lập trường của mình, tôn trọng hòa hiếu với láng giềng nhưng tố cáo âm mưu xâm lược, quyết tâm chống xâm lược? Đây là việc chính đáng tối thiểu mà nếu không làm được, trí thức đã mất vai trò chỉ đường cho dân tộc.

Những người trẻ tuổi Việt Nam, những thanh niên-sinh viên-học sinh, những người luôn tiếp nối bầu máu nóng của Thánh Gióng, Trần Quốc Toản… có thể làm gì hơn ngoài các cuộc biểu tình ngày 5/6 và 12/6/2011 ở Sài Gòn và Hà Nội? Có thể tổ chức biểu tình để biểu lộ lòng yêu nước ở khắp tất cả các trường đại học và trung học, diễu hành khuấy động toàn dân trên khắp các đường phố ở tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trong cả nước? Biểu tình bày tỏ lòng yêu nước cần gì phải xin phép ai? Những người thầy đã cấm, đuổi học khi sinh viên đi biểu tình yêu nước có còn xứng đáng là thầy, là người quản lý giáo dục? Sinh viên có thể bất tín nhiệm những người không có tư cách như thế trong vai trò quản lý giáo dục? Nếu không làm được những điều đó, làm sao khi tổ quốc cần, thanh niên-sinh viên-học sinh có thể sẵn sàng cầm lấy vũ khí lên đường bảo vệ tổ quốc?

(Những cựu thanh niên-sinh viên-học sinh tranh đấu ở Miền Nam trước 1975 đã từng xuống đường “chống Mỹ xâm lược” nay ở độ tuổi 60 – 70 có thể làm gì? Những người đã từng hát: Dậy mà đi… Xuống đường, xuống đường, đập tan mọi xích xiềng… Ôi tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi… Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng, nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương… Những người đã làm đường phố dậy sóng, đã đốt xe Mỹ, đã chịu tù đày tra tấn vì yêu nước… Những người đó có thể làm gì? Ngoài những Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Cao Lập, André Menras Hồ Cương quyết tham gia cuộc biểu tình ngày 5/6/2011 ở Sài Gòn, kể cả Hạ Đình Nguyên “chậm thông tin” cũng đã lên tiếng, có thể làm được gì hơn? Không phải chỉ Sài Gòn, mà còn Huế vốn là một “lò tranh đấu”, Đà Lạt “ngọn lửa cao nguyên”, Cần Thơ “trung tâm văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long cuộn sóng”, Đà Nẵng kiên cường, Quy Nhơn bất khuất, và nhiều thành phố khác, những con người “rực lửa phản kháng” ngày xưa nay có thể làm gì?

Không xa lắm, những thanh niên-sinh viên- học sinh năm 1979, khi nghe lời kêu gọi chống Trung Quốc xâm lược, đã từng lấy máu viết đơn xin ra tiền tuyến nay có thể làm gì? Xa hơn nữa, những người trẻ tuổi đã từng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” ở Hà Nội năm 1945 để giữ thủ đô, chống giặc Pháp xâm lăng nay có thể làm gì?)

Biểu tình biểu lộ lòng yêu nước chính là bước đầu xây dựng thành lũy chống xâm lăng. Khi đất nước bị xâm lược thật sự, mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố, mỗi trường học, mỗi bản làng đều trở thành công sự chiến đấu. Nếu không có tuổi trẻ yêu nước thì ai đứng ra cầm vũ khí chống xâm lăng trên toàn trận tuyến của quê hương. Đảng Cộng Sản và Chính Phủ Việt Nam không nên sợ những cuộc biểu tình này, nói trắng ra là sợ những cuộc biểu tình yêu nước chống xâm lược biến thành biểu tình chống chính quyền. Nếu ĐCS và CPVN thực sự đứng về phía nhân dân, nhất định nhân dân sẽ ủng hộ. Đảng không dựa vào nhân dân thì dựa vào ai? Nếu dựa vào kẻ thù, nhất định sẽ trở thành kẻ thù của nhân dân. Chân lý ấy quá rõ ràng. ĐCSVN phải lựa chọn dứt khoát chứ không thể còn lập lờ trước phép thử khắc nghiệt này của tình thế.

Rồi công nhân “giai cấp tiên tiến”, nông dân “chủ lực quân” của cách mạng, doanh nhân “anh hùng mới của thời đại” nghĩ gì, có thể làm gì trước họa xâm lược? Ngay cả những người dân thường vô danh nhất, những kẻ “thất phu”, những chị em buôn thúng bán bưng, tất cả đều  hiểu rằng khi “nước mất thì nhà tan” và “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” là truyền thống của dân tộc này luôn bị ngoại xâm đe dọa. Mọi người, không trừ ai, có thể làm gì?

Đâu rồi Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và các “đoàn thể cách mạng”? Dù bây giờ chỉ còn là hư danh và làm một số “việc vặt” cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, mà quan trọng nhất là hiệp thương bầu cử – một trò cực kỳ phi dân chủ – MTTQ dù sao cũng được mang danh là “tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn nhất quy tụ các tầng lớp nhân dân” sao lại im lặng khi lòng dân đang sục sôi lòng yêu nước? Đoàn Thanh Niên “ba sẵn sàng”, Hội Phụ Nữ “ba đảm đang”, Công Đoàn, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh và bao nhiêu đoàn, hội khác, các tổ chức đầy đủ ban bệ từ trung ương đến địa phương, ngốn một ngân sách khổng lồ do dân đóng thuế, lâu nay đã làm được gì cho đoàn viên, hội viên và hiện nay có thể làm gì trước tình hình đất nước dầu sôi lửa bỏng?

Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” mà các vị đại biểu vừa trúng cử trong cuộc bỏ phiếu “đảng cử dân bầu” với số cử tri đi bầu đến 99,9%, tỷ lệ luôn cao nhất thế giới, “dân chủ gấp triệu lần tư bản”, các vị làm gì để xứng đáng là “đại biểu cho nguyện vọng và ý chí của toàn dân” khi toàn dân đang nêu cao tinh thần chống xâm lược?

Và những người Việt tỵ nạn cộng sản ở nước ngoài, có thể làm được gì có hiệu quả thực sự trong việc góp phần chống Trung Quốc xâm lược, ngoài những cuộc biểu tình chống Trung Quốc và vận động dư luận quốc tế? Những người chỉ “chửi rủa” chính quyền cộng sản trong nước, kể cả những người được coi là cựu thù và luôn cả những người khác quan điểm trong việc “chống cộng”, có thể đóng góp được gì?

Quan trọng nhất là Đảng Cộng Sản và Chính Phủ Việt Nam, những người đang thực sự cai trị, nắm vận mệnh đất nước này đang làm gì và phải làm gì trước yêu cầu cấp thiết của tình hình liên quan đến an nguy của tổ quốc?

Hỡi các vị trong Bộ Chính Trị và Chính Phủ! Các vị có thương dân, sáng suốt như các vua nhà Trần? Các vị có yêu quân đội, tài thao lược như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải? Các vị có thấy nhục khi tàu Trung Quốc ngang nhiên xông vào cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của ta ngay trong vùng lãnh hải thẩm quyền của Việt Nam, lại còn xấc xược cảnh cáo Nhà Nước Việt Nam không được cho dân biểu tình phản đối, có khác gì ngày xưa vua tôi thời Trần “chính mắt ngó thấy sứ ngụy đi lại, đường xá nghẽn ngang, chúng múa cái lưỡi cú quạ làm nhục chốn triều đình, chúng giơ cái thân chó dê, kiêu ngạo với quan tể phụ.”?

Sao các vị không triệu tập Hội Nghị Diên Hồng như Thượng Hoàng Trần Thánh Tôn đã làm mà ngược lại, chỉ thị đàn áp khi dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước? Các vị muốn làm Trần Nhân Tôn được “lưu danh muôn thuở” hay làm Trần Ích Tắc “lưu xú vạn niên”?

Ngày xưa triều đại nhà Trần quyết giữ gìn biên cương của tổ quốc vẫn có Trần Ích Tắc vì quyền lợi riêng sẵn sàng bán nước, ngày nay hậu duệ, bè lũ của Trần Ích Tắc còn nhiều hơn, sao không phân tuyến ra, chỉ mặt nêu tên phường bán nước để giữ gìn sự trong sáng của một đảng luôn cho rằng “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân”?

Khi quân thù xâm lấn, những người đối mặt, hi sinh đầu tiên, ngoài ngư dân trên biển cả và nhân dân vùng biên giới, chính là  bộ đội, công an biên phòng, hải đảo. Các chiến sĩ bộ đội, công an là lực lượng quan trọng nhất cầm súng bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh cho nhân dân, những người đã không tiếc máu xương “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh” bây giờ làm gì khi nghe vang lên tiếng gọi của núi sông? Trong tình thế mới, những khẩu hiệu “trung với đảng hiếu với dân”, “chỉ biết còn đảng còn mình” có còn là khẩu hiệu xứng đáng với lực lượng vũ trang đã từng “đánh thắng hai đế quốc to” và đổ không ít máu xương trong cuộc xâm lăng của kẻ thù phương bắc năm 1979? Tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đặc biệt là những tướng lĩnh đã từng vào sinh ra tử,  là những con người có tim óc, có lý tưởng, có suy xét chứ đâu phải là những cỗ máy chỉ biết làm theo mệnh lệnh khi mệnh lệnh đó là đàn áp chính nhân dân mình, trừ một số ít “kiêu binh ngu dốt và cuồng tín”.

Đảng Cộng Sản và Chính Phủ có thể nhận thức khác về tình hình? Tình hình như thế nào?

Cần phải nhấn mạnh rằng từ lâu nhà cầm quyền Trung Quốc đã dùng mọi biện pháp vừa tinh vi vừa trắng trợn kể cả những thủ đoạn nhỏ nhen, đê tiện nhất để lấn chiếm từng mét vuông đất đai của ta ở biên giới.

Suốt thời kỳ từ năm 1955 đến năm 1966, giới cầm quyền Bắc Kinh sốt sắng nhận in giúp ta bản đồ Việt Nam tỉ lệ 1/100.000. Chúng đã xảo quyệt vẽ lại đường biên giới trên một số đoạn dịch về phía bên trong lãnh thổ Việt Nam, nhằm biến những vùng đất này thành lãnh thổ của chúng. Cũng từ năm 1955, các chuyên gia Trung Quốc sang giúp ta khôi phục đường sắt, phát triển đường bộ, thăm dò địa chất… đều nhận được lệnh của Bắc Kinh phải dò xét tài nguyên của Việt Nam.

Như Bị vong lục ngày 15 tháng 3 năm 1979 của Bộ Ngoại giao ta đã vạch trần trước dư luận thế giới, năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đường sắt từ biên giới Việt– Trung đến Yên Viên, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt – Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 300 mét so với đường biên giới lịch sử, rồi coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới hai nước đi qua. Cũng tại khu vực này, chúng đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Hữu Nghị 100 mét trên quốc lộ, để xóa vết tích đường biên giới lịch sử rồi đặt cột ki-lô-mét số 0 đường bộ sâu vào trong lãnh thổ Việt Nam trên 100 mét, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này. Ở nhiều nơi khác, chúng hành động lén lút như những tên ăn trộm, bí mật đào mốc biên giới bê sang chôn sâu vào trong lãnh thổ nước ta để lấn đất. Khi xây dựng các công trình cầu cống trên sông, suối dọc biên giới, bọn phản động Trung Quốc lợi dụng việc thiết kế kỹ thuật, làm thay đổi dòng chảy của sông, suối về phía Việt Nam để tìm cách lấn từng cồn cát, bãi bồi. Chúng còn lợi dụng lòng tốt của ta, xin đi nhờ đường, mắc nhờ dây điện thoại qua đất Việt Nam, để rồi sau đó trở mặt nhận bừa rằng những vùng có đường của chúng đi qua là đất đai của chúng. Trắng trợn hơn, chúng cho tay sai sang thâm nhập và lũng đoạn một số làng bản của Việt Nam rồi nghiễm nhiên dựng cờ “năm sao”, biến thành đất của Trung Quốc. Có những nơi chúng cũng chẳng cần dùng đến những thủ đoạn quanh co, dối trá mà ngang ngược cho bọn côn đồ dùng dao, kiếm, gậy gộc rồi cả súng đạn sang hành hung nhân dân ta và cướp đất.

Như Bị vong lục ngày 15 tháng 3 năm 1979 của Bộ Ngoại giao ta vạch rõ, từ năm 1974, những vụ xung đột lấn chiếm biên giới nước ta do bọn phản động Trung Quốc gây ra ngày càng nhiều: năm 1974: 179 vụ; năm 1975: 294 vụ; năm 1976: 812 vụ; năm 1977: 873 vụ. Năm 1978 chúng leo một nấc thang mới với 2.175 vụ, trong đó có 583 vụ đột nhập có vũ trang vào lãnh thổ nước ta, có vụ dùng tới hàng ngàn tên lính chính quy, công an và dân binh như vụ đánh chiếm đồn Chông Mu của ta ở tỉnh Cao Bằng ngày 1-11-1978.

… Nếu bọn Trung Quốc xâm lược đạt được một cái gì trong cuộc chiến tranh này thì đó là những tội ác ghê tởm nhất, man rợ nhất. Báo cáo của chính phủ ta trước Quốc Hội khóa VI, kỳ họp thứ V, đã vạch rõ: “Chúng đã kết hợp những cái gì là tàn bạo nhất của thời trung cổ với những cái gì là dã man nhất của bọn đồ tể phát-xít ngày nay. Chúng dùng dao, dùng búa để chặt đầu, mổ bụng, moi gan, dùng cuốc xẻng, gậy gộc để đập vỡ sọ người bị thương, băm nát xác người đã chết. Chúng xé xác trẻ em rồi quăng vào lửa, giết người rồi vứt xuống giếng. Chúng đã dùng chất nổ và súng phun lửa để giết hại hàng loạt đồng bào ta lánh giặc dưới hầm, trong hang. Chúng sử dụng các đội công binh kỹ thuật được huấn luyện sẵn trách nhiệm phá hoại. Chúng đã triệt phá có chủ tâm, có hệ thống các thị xã, thị trấn, bản làng, các cơ sở kinh tế, văn hóa – xã hội, các nhà thờ, đền chùa, trường học, bệnh viện, nhà trẻ. Chúng đã gây ra nhiều vụ giết người tập thể, rùng rợn hơn cả vụ Sơn Mỹ năm xưa. Từ đứa trẻ sơ sinh đến cành cây ngọn cỏ, nơi nào lũ giặc cỏ tràn đến là mọi biểu hiện của sự sống đều không còn. Chúng giết sạch, cướp sạch, đốt sạch. Chúng triệt phá mọi nguồn sống, điều kiện sống, môi trường sống. Chúng đã phá hủy khu bảo tàng lịch sử Pắc Bó, xúc phạm nghiêm trọng tình cảm thiêng liêng của nhân dân cả nước ta và bạn bè khắp năm châu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.”

Gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân ta, bọn phản động Bắc Kinh tưởng có thể uy hiếp được tinh thần chiến đấu của quân và dân Việt Nam. Nhưng chúng chỉ chuốc lấy lòng căm thù, sự khinh bỉ của nhân dân ta, sự phẫn nộ lên án của nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới. Chúng đã lộ nguyên hình là những tên kẻ cướp, những tên đồ tể không còn chút tính người.

Đoạn văn trên đây (từ “Cần phải nhấn mạnh rằng từ lâu… không còn chút tính người”) là một đoạn trích dẫn mà tôi cố tình không để trong ngoặc kép để làm quý vị ngạc nhiên. Đó không phải là nhận định của người viết bài mà chính là nhận định của Đảng Cộng Sản, Chính Phủ và Quân Đội sau cuộc xâm lăng của Trung Quốc năm 1979 qua cuốn sách “Lộ nguyên hình bành trướng” của Lê Kim (Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân 1979, các trang 28, 29, 48, 49) và qua hàng loạt sách báo khác (mà tôi vẫn còn giữ được), chứng tỏ những người cầm quyền Việt Nam không hề mơ hồ về kẻ thù phương bắc. Những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản và Chính Phủ hiện nay có biết, có còn nhớ những điều trên không?

Tình hình hiện nay như thế nào? Không hề khác trước đây mà ý đồ và hành động của bá quyền Trung Quốc ngày càng rõ rệt, táo bạo, trắng trợn và nguy hiểm hơn, thể hiện qua các vụ xâm phạm lãnh hải gần đây và những yêu cầu xấc xược đối với Chính Phủ Việt Nam. Vậy thì chống Trung Quốc xâm lược chính là mệnh lệnh của lịch sử, không có gì khác.


Trung Quốc đang kích động tinh thần bá quyền Đại Hán của dân tộc họ để đem Việt Nam làm “con dê tế thần” trong cuộc chiến ở Biển Đông, sao Việt Nam lại không kích động lòng yêu nước của toàn dân để bảo vệ tổ quốc. Dân tộc Việt Nam không bao giờ chủ trương gây chiến nhưng sẵn sàng đáp trả bất cứ kẻ thù nào. Đối với Trung Quốc, Việt Nam có đầy đủ các bài học thắng – bại và cho đến nay, qua hàng ngàn năm lịch sử đối đầu, bọn bá quyền nước lớn không thể thôn tính nổi đất nước ta. Bây giờ, cách tốt nhất để bảo vệ hòa bình là chuẩn bị chiến tranh, trước tiên là khơi dậy, khởi động lòng yêu nước của toàn dân sau một thời gian chìm lắng vì những nghiệt ngã của lịch sử.

Nhà Nước làm việc của Nhà Nước, Nhân Dân làm việc của Nhân Dân, Nhà Nước không thể làm thay cho Nhân Dân, cấm cản Nhân Dân hành động, nhất là khi những việc làm của Nhà Nước không phản ánh ý nguyện của toàn dân. Nhân Dân chưa hiểu Chính Phủ có đường lối ngoại giao khôn ngoan mềm dẻo nào, vì Nhân Dân không được thông tin rõ ràng, nhưng Nhân Dân cảm nhận trước mắt, Chính Phủ đã tỏ ra khiếp nhược trước kẻ thù. Làm sao chính sách của Chính Phủ có thể thành công khi không được Nhân Dân đồng thuận, ủng hộ, đặc biệt trong tình thế sinh tử này?

Đối Đảng Cộng Sản, mới đây trong bài viết “Trước họa xâm lăng, LÀM GÌ ĐỂ CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN CÙNG MỘT Ý CHÍ?” đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam, Tống Văn Công – một đảng viên cộng sản kỳ cựu, đã phân tích:  “Hiện nay, có một lập luận rất sai nhưng được phổ biến rộng rãi và dai dẳng là: Nếu Đảng Cộng sản thực hiện dân chủ thì không bị mất nước, nhưng sẽ mất Đảng; Còn nếu ngược lại thì không mất Đảng, nhưng sẽ mất nước. Vế thứ hai này đúng, nhưng phải nói thêm là “còn, nhưng mang nỗi nhục”. Ôn lại bài học lịch sử từ Hồ Chí Minh sẽ hoàn toàn bác bỏ lập luận thiển cận nói trên. Thực hiện dân chủ, tôn trọng quyền dân, xây dựng một Chính phủ thực sự của dân, do dân, vì dân, chấp nhận phản biện, sẽ khơi dậy mạnh mẽ trí và lực Việt Nam, gắn bó chặt chẽ Chính phủ với nhân dân trong cùng một ý chí chống ngoại xâm. Đó là kế sách trường tồn cho Đảng và dân tộc. Ngược lại là sự tự hủy diệt trước quân thù!”

Nhận định này rất đáng cho Đảng Cộng sản và đảng viên nghiền ngẫm, suy xét, lựa chọn.

Toàn dân nghe chăng??? Sơn hà nguy biến!!! Những câu hỏi khẩn thiết đang được đặt ra cần lời giải đáp cụ thể cho mọi người Việt Nam, không trừ một ai.

Tiêu Dao Bảo Cự
Đà Lạt giữa tháng 6/2011


vietthuc.org

No comments:

Post a Comment