Wednesday, June 29, 2011

Thi Lang thang

Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngỡ rằng đồ thật hoá đồ chơi!…

Một tháng sau khi biểu diễn khả năng cô hồn cao độ với việc uy hiếp Đông hải, Bắc Kinh quay ra hăm he Hoa Kỳ.

Chẳng là cuối tuần qua, sau khi họp với Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách Á châu Thái bình dương của Hoa Kỳ tại Hawaii, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lên lớp côn đồ: “có những quốc gia đang đùa với lửa” – xin phiên dịch rằng đó là Phi Luật Tân và Việt Nam. Sau đấy, Thứ trưởng họ Trương liếc qua phía Mỹ: “và tôi mong rằng Hoa Kỳ không bị phỏng tay vì chuyện đó”. Ngon!

Đã đành là ngon rồi, vì tuần tới Bắc Kinh sẽ cho hạ thủy “tầu sân bay” đầu tiên của mình. Gọi là chơi nổi để góp mặt với đời trên biển Đông.

Nhưng chưa ai biết là hàng không mẫu hạm này có… nổi không và việc thử nghiệm là gì. Thử máy xem có chạy không, hay là còn thử cho máy bay cất cánh và hạ cánh?

Trong khi chờ đợi thì hãy nghĩ đến truyện… “hồn Trương Ba, da hàng thịt” với màu sắc Trung Hoa. Rất khôi hài ảm đạm!


Con tầu đồng nát Varyag trước khi thành "tầu sân bay Thi Lang" của Trung Quốc

***

Năm 1985, Liên Xô cho thiết kế một hàng không mẫu hạm, hạng Admiral Kuznetsov.
Năm 1988, chiến hạm đó được khởi công và sau này đặt tên là Varyag. Đến năm 1992 thì mọi việc bỗng ngưng – vì Liên Xô sụp đổ. Chiến hạm có xác mà không hồn: trông thì rõ là hàng không mẫu hạm mà bên trong chưa có hệ thống điện tử!

Khi Liên Xô tan rã, Cộng hòa Liên bang chia của cho các nước Cộng hoà tách khỏi liên bang, chiếc Varyag được gán cho Cộng hoà Ukraine – như một của nợ. Và được Ukraine kéo lên ụ làm thịt bên bờ Hắc hải! Ruột gan tanh bành, không có máy, chẳng có cánh quạt, chân vịt, hay hệ thống điều dụng vì bị tháo gỡ đem bán lẻ. Nó trở thành khối thép vô dụng, được cho bán đấu giá năm 1998.

Đấy là lúc các đấng con trời đỏ xuất hiện. Dưới dạng con buôn Hong Kong, của một hãng lữ hành.
Họ nhảy vào cò kè mặc cả và đấu giá rồi chi ra 20 triệu đô la để mua về cái vỏ tầu mà xứ Ukraine cho là đồ phế thải. Chẳng sao, năm đó Thiên triều đang chuẩn bị việc Macao “hồi quy cố quốc”. Cho nên lý do chính thức là kéo chiếc Varyag vô hồn này về làm sòng bạc nổi trên mặt nước!

Mà nội một chuyện kéo cái vỏ tầu này qua mấy đại dương và eo biển về Hoa lục cũng mất gần hai năm.

Họ phải thuê một hãng Hoà Lan với thủy thủ đoàn Phi Luật Tân chạy lòng vòng 16 tháng trong Hắc hải qua vịnh Bosphorus rồi xuyên kênh đào Suez không được – không ai cho một con tầu chết đi qua hải lộ hiểm yếu này – nên phải trở qua eo biển Gibraltar, xuống tận mũi Hảo Vọng của Phi Châu mới về đến Châu Á… Một cuộc hành trình lịch sử chỉ kết thúc vào cuối năm 2001, gây tốn kém hơn 30 triệu đô la và rất nhiều giấy mực của báo chí.

Về đến nơi thì chiếc Varyag không ghé Macao mà lên thẳng Liêu Ninh, nằm ụ trong quân cảng Đại Liên.

Nơi đây, chiến hạm Varyag – sản phẩm thuộc diện đồng nát của Liên Xô thời tàn lụi, thuộc diện phế thài của xứ Ukraine thời khủng hoảng – bắt đầu thoát xác. Nó trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc với tên mới là Thi Lang, tên của viên Đô đốc đã “giải phóng” Đài Loan vào thời Mãn Thanh. Mất 10 năm tròn cho việc đỏ da thắm thịt này!

Bây giờ, Trung Quốc có đồ chơi mới, nên hăm Mỹ là coi chừng phỏng tay!

***

Nói về việc thành hình một hàng không mẫu hạm, người ta nhớ trước tiên đến chữ “mẫu hạm”.
Một chiến hạm đầu đàn, chung quanh trên dưới còn rất nhiều võ khí quái dị khác để bảo vệ và khai trển sức mạnh. Khi ra khơi thì đó là một đội quân hoàn chỉnh ngoài đại dương. Sau đấy mới là một sân bay ngoài biển, để phóng ra và thu vào các chiến đấu cơ có cánh cố định – không phải cánh xoay như trực thăng.

Một tập hợp như vậy đòi hỏi nhiều điều kiện phối hợp về tổ chức, kỹ thuật, liên lạc, kiểm soát rất phức tạp. Phải mất nhiều thế hệ thiết kế và huấn luyện mới xong.

Cho tới nay, những hình ảnh đầu tiên được tiết lộ về chiếc Thi Lang uy dũng này vẫn cho thấy nhiều của nợ ngổn ngang trên sàn bay. Còn việc máy bay lên xuống ra sao thì chưa ai biết… Dù sao, nếu cứ có động cơ để chạy ra chạy vào được vài cây số thì cũng đã là một thắng lợi vĩ đại.

Ngẫu nhiên sao, năm nay Hoa Kỳ lại kỷ niệm 100 năm ngày hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình! Và các hàng không mẫu hạm thời nay của Mỹ đều sử dụng năng lượng siêu hạng: hai chục năm mới phải một lần… xạc bình điện!

Phần mình, sau 90 năm của đảng Cộng sản, từ thời “lập quốc” cách nay một vòng hoa giáp 60 năm, quân đội Trung Quốc chủ yếu là một lực lượng lục quân. Chiến pháp xứ này là lấy lượng làm phẩm, lấy quân số làm ưu thế – để trấn áp bên trong! Lục quân Trung Quốc ngày nay vẫn có chừng một triệu 600 ngàn lính, có trang bị áo quần súng ống đầy đủ. Đông lắm, nuôi không xuể, nhưng vẫn hát khúc quân hành cho vui vì là một đội quân cổ điển với võ khí lỗi thời. Mà vẫn vô dụng, vì khi hữu sự bên trong, xứ này vẫn cần tới công an võ trang, cảnh sát đặc biệt, v.v…

Hơn 700 ngàn nhân mạng chứ không ít.

Năm qua, việc ngân sách “nội an” cũng cao bằng ngân sách quốc phòng cho thấy ưu tiên của lãnh đạo: dẹp loạn bên trong hơn là bành trướng ra ngoài!

Không quân và Hải quân là những quân chủng mới chỉ được Bắc Kinh cho hiện đại hoá từ vài chục năm trở lại. Và hiện đại hóa với võ khí thụ đắc của Liên Xô trên đỉnh cao Xô viết, tức là khi xứ này bắt đầu tan rã hơn hai chục năm về trước! Binh đội của hai quân chủng này chưa tới 600 ngàn lính, còn thua lực lượng nội an. Siêu cường đại bá chưa có khả năng “giải phóng” – một định nghĩa khác của chữ “chiếm đóng” – bất cứ xứ nào nằm ngoài lãnh thổ cố hữu của họ. Muốn tái diễn một cuộc chiến tranh Triều Tiên với chiến thuật biển người thì chỉ can tội… sát sinh: Bắc Kinh rất hiểu điều ấy từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 khi Hoa Kỳ không tập và diệt gọn các sư đoàn ưu binh của Saddam Hussein.

Năm đó, Tư lệnh Quân đội Giải phóng là Đô đốc Lưu Hoa Thanh vào tâu với Đặng Tiểu Bình: “Thưa lão đồng chí, Trung Quốc từ nay không còn hệ thống phòng thủ nữa!” Chứng cớ ông trình lên là những hình ảnh về trận “Bão Sa Mạc” của Hoa Kỳ tại Iraq, do hệ thống truyền hình CNN phổ biến!…

Nhưng sức mạnh nào chỉ có quân số, vì còn phải nói đến võ khí và kỹ thuật chiến tranh nữa chứ?
Thưa vâng: ngày nay, hơn 70% võ khí Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào đồ nghề cổ lỗ của Nga sản xuất từ thời Xô viết, phần còn lại là học lóm, là ăn cắp và đôi khi còn bị cấy sinh tử phù khi đi ăn cắp mà không biết! Cho đến nay, giấc mơ đại cường hải dương của xứ này mới chỉ thành hình với hai chiến hạm duy nhất có khả năng viễn duyên và quả nhiên là năm ngoái đã… dám đi tuần tra ngoài khơi Somalia để cùng thế giới tham gia tiễu trừ hải tặc.

Bây giờ ta lại có Thi Lang!

Việt Nam chúng ta sẽ rất lầm khi dựa vào Hoa Kỳ để khiêu khích Trung Quốc, như Bắc Kinh ám chỉ. Nhưng Trung Quốc sẽ rất lầm nếu đòi dằn mặt nước Mỹ để thu gọn Đông Nam Á vào trong túi.

Hãy nói về tương quan hai xứ đó: Hoa Kỳ và Trung Quốc có lãnh thổ tương tự, gần 10 triệu cây số vuông. Nhưng, Trung Quốc hơn Mỹ nhờ dân số nên… phải nuôi nhiều hơn Mỹ khoảng một tỷ người trên cùng một diện tích. Chỉ nội khái niệm “phải nuôi” ấy cũng là điều đáng kể. Hoa Kỳ có dân số hơn 300 triệu mà không bao giờ có chữ “nuôi dân”: người dân tự nuôi lấy mình và còn sản xuất dư thừa nông sản lương thực để nuôi xứ khác. Trung Quốc có một tỷ 350 triệu dân trên một diện tích tương đương mà đất khả canh thì hẹp và chưa bằng một phần ba của trung bình toàn cầu. Vặt mũi bỏ mồm là động tác truyền thống.

Làm sao đòi dọa nạt một quốc gia có truyền thống hải dương từ thời lập quốc và nay vẫn là siêu cường quân sự toàn cầu?

Bây giờ, chuyện dẹp êm nội loạn chưa xong, Trung Quốc còn đòi chinh phục thiên hạ! Bắc Kinh chỉ có thể uy hiếp Hà Nội và mua chuộc đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Vì sao không kín đáo thi hành việc đó như họ đã từng làm từ hai chục năm nay? Vì sao lại hung hăng dọa nạt và còn muốn cho Hoa Kỳ phỏng tay? Vì ta sắp có tầu sân bay?

Đúng là dịp may hy hữu cho Việt Nam tỉnh ngộ.
© Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguồn: dainamax.org

No comments:

Post a Comment