Trùng Quang - Kế hoạch chuyển dòng nước từ phía nam lên cứu khát ở phía bắc đang gây ra những lo ngại không nhỏ về dân sinh và môi trường.
Miền
bắc Trung Quốc đang ở “cửa tử”. Hạn hán kinh niên tàn phá đất trồng
trọt. Sa mạc Gobi bành trướng xuống phía nam. Sông Hoàng Hà, cái nôi của
nền văn minh Trung Hoa, ô nhiễm đến mức mất khả năng cung cấp nước sinh
hoạt.
Sự phát triển nhanh chóng của các siêu đô thị như Bắc Kinh với 22
triệu dân và Thiên Tân với 12 triệu dân cũng làm cạn kiệt các tầng nước
ngầm.
Theo báo The New York Times,
Chính phủ Trung Quốc đã đề ra một giải pháp tốn kém và “nghịch thiên”
để đối phó tình hình trên: chuyển dòng khoảng 23 tỉ mét khối nước mỗi
năm qua hàng trăm cây số từ sông Dương Tử nhằm giải quyết cơn khát của
miền bắc với 440 triệu người.
Tham vọng
Công
trình nói trên, có tên dự án Chuyển dòng nước Nam-Bắc, là kế hoạch tham
vọng nhất của Bắc Kinh nhằm chinh phục thiên nhiên. Chi phí 62 tỉ USD
của dự án cao gấp đôi chi phí xây dựng đập Tam Hiệp – đập thủy điện lớn
nhất thế giới. Tương tự đập Tam Hiệp, vốn đang có nhiều “vấn đề nghiêm
trọng” như thừa nhận của giới chức Bắc Kinh, dự án Chuyển dòng nước
Nam-Bắc ngày càng gây lo ngại về chi phí, tác động đến môi trường và
những sự hy sinh mà người nghèo ở những vùng bị ảnh hưởng.
Dự
án chuyển dòng được nghiên cứu lần đầu tiên vào thập niên 1950 sau khi
Chủ tịch Mao Trạch Đông nhận định: “Nước ở miền nam dư dả, nước ở miền
bắc hiếm hoi. Nếu có thể, mượn một ít sẽ rất tốt”. Ở một đất nước bị tác
động bởi những chu kỳ hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng, việc kiểm soát
nguồn nước luôn rất quan trọng đối với những người cầm quyền. Các đời
hoàng đế Trung Hoa đã cố gắng duy trì sự cai trị bằng những dự án lớn về
nước, chẳng hạn như Đại Vận Hà, sông nhân tạo dài nhất thế giới được
tạo ra vào thế kỷ thứ 5-6 và nối Bắc Kinh với Hàng Châu.
Năm
2002, Quốc vụ viện Trung Quốc bật đèn xanh cho việc khởi công xây dựng
hai trong ba con kênh nằm trong khuôn khổ dự án Chuyển dòng nước
Nam-Bắc, bao gồm tuyến giữa và tuyến phía đông lãnh thổ. Ngoài ra, còn
có tuyến thứ ba ở phía tây. Tuyến này được thiết kế băng qua cao nguyên
Tây Tạng trên độ cao trung bình 3.000-4.000 mét để tưới tiêu cho lưu vực
sông Hoàng Hà nhưng chưa được khởi công. The New York Times dẫn lời ông
Vương Kiến, một cựu quan chức quản lý nước và môi trường của Chính phủ
Trung Quốc, thừa nhận dự án “có nhiều rủi ro lớn”, nhưng Trung Quốc
không còn sự lựa chọn nào khác do tình trạng thiếu nước nghiêm trọng
hiện tại ở nước này.
3 tuyến kênh dẫn ngược dòng nước sông Dương Tử từ nam lên bắc Trung Quốc - Ảnh: New York Times, Đồ họa: Hạ Huy
Thực tế
Kênh
phía đông đang được xây dựng dọc Đại Vận Hà và băng qua Thiên Tân. Tuy
nhiên, các nhà quản lý dự án phát hiện nước sinh hoạt được chuyển từ
sông Dương Tử đến Thiên Tân lại ô nhiễm đến mức cần xây dựng 426 nhà máy
xử lý chất thải. Theo Tân Hoa xã, việc kiểm soát ô nhiễm nước trên
tuyến kênh này chiếm đến 44% chi phí đầu tư 5 tỉ USD.
Với
tình hình trên, các nhà hoạch định dự án hy vọng nhiều hơn đối với
tuyến kênh giữa, dù sẽ phải đối mặt với những thách thức kỹ thuật lớn
hơn. Nguồn nước từ sông Hán, một nhánh của Dương Tử, trên tuyến giữa có
sạch hơn nhưng tuyến này sẽ phải băng qua 205 con sông, suối ở khu vực
công nghiệp miền trung Trung Quốc trước khi đến Bắc Kinh. Ngoài ra, phải
xây thêm 1.774 cấu trúc dọc theo chiều dài của con kênh do không có sẵn
một tuyến đường thủy có sẵn như Đại Vận Hà để cặp theo.
Theo
kế hoạch, vào thời điểm khởi công tuyến kênh giữa, mực nước hồ chứa Đan
Giang Khẩu trên sông Hán được nâng thêm 170 mét để nước có thể chảy về
Bắc Kinh. Chính quyền cho biết mức nước tăng cùng nhu cầu chống xói mòn
đất khiến 130.000 nông dân xung quanh hồ chứa phải di dời hồi năm ngoái.
Những vụ di dời tương tự cũng đang diễn ra dọc theo dòng kênh, vốn chảy
ngang qua 4 tỉnh. Đương nhiên, quá trình di dời cưỡng bức sẽ còn tiếp
tục, do dự án “đã bước vào giai đoạn then chốt”, theo tờ Nhân Dân Nhật
Báo.
Tuyến kênh phía đông dự kiến sẽ
bắt đầu hoạt động vào năm 2013 còn tuyến giữa là vào năm 2014. Các tuyến
kênh này ban đầu dự kiến đưa vào sử dụng vào dịp Thế vận hội 2008 nhưng
bị trì hoãn vì nhiều sự cố khác nhau. Tuyến kênh thứ ba còn nằm trên
giấy cũng vì lý do tương tự.
Lo ngại
Mục
tiêu của dự án Chuyển dòng nước Nam-Bắc là mang nước từ dòng Dương Tử
lên cứu miền bắc. Điều trớ trêu là bản thân khu vực này cũng đang điêu
đứng vì thiên tai và những hệ lụy của đập Tam Hiệp.
Theo
Tân Hoa xã, từ tháng 4 đến đầu tháng 6.2011, gần 35 triệu người tại 5
tỉnh Giang Tô, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc và Hồ Nam bị ảnh hưởng bởi đợt
hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1961. Đến ngày 3.6, mưa lớn liên tục bắt
đầu trút xuống nhiều tỉnh như Giang Tây, Hồ Nam, An Huy, Quý Châu, Hồ
Nam, Hồ Bắc và Chiết Giang. Đợt lũ lụt này khiến hơn 170 người thiệt
mạng và hàng triệu người phải sơ tán, theo Tân Hoa xã. Nhiều chuyên gia
nhận định với việc mực nước và lưu lượng của sông Dương Tử liên tục
không ổn định, việc can thiệp vào dòng sông này một cách trái tự nhiên
như bơm nước từ miền nam ngược lên miền bắc sẽ càng làm trầm trọng thêm
các vấn đề lâu nay.
Từ lâu, đã có
nhiều ý kiến về tác hại đối với môi trường và xã hội của đập Tam Hiệp.
Theo AFP, Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 8.2010 nói cần hàng tỉ USD để
khắc phục hậu quả về môi trường từ đập này. Đập Tam Hiệp được khởi công
từ năm 1993 tại đoạn sông Dương Tử chảy qua vùng Tam Đẩu Bình, tỉnh Hồ
Bắc và chính thức hoàn thành năm 2008 với chi phí khoảng 26 tỉ USD.
Khoảng 1,4 triệu người đã phải di dời vì công trình này.
Ngay
từ điểm khởi đầu của dự án Chuyển dòng nước Nam-Bắc là sông Dương Tử
còn đang đối mặt những vấn đề vô cùng nan giải như vậy. Báo The New York
Times dẫn lời một số nhà khoa học Trung Quốc nhận định rằng việc chuyển
dòng nước còn có thể phá hủy hệ sinh thái của các con sông ở phía nam
và biến chúng trở nên vô dụng như Hoàng Hà. Theo giới chuyên gia, chính
phủ không nghiên cứu đầy đủ về tác động của dự án và nếu dự án gây tổn
hại cho sông Hán, hơn 14 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc sẽ bị ảnh hưởng.
Đỗ
Vân, chuyên gia địa lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán,
cho hay các nhà hoạch định dự án đã quyết định lượng nước sẽ được
chuyển dòng dựa trên các tính toán lưu lượng trên sông Hán được thực
hiện từ thập niên 1950 đến thập niên 1990. Kể từ đó, lưu lượng giảm dần
do hạn hán, nhưng giới hữu trách đã không có những điều chỉnh cần thiết.
Trong khi đó, sông Hán cũng đang gặp những thách thức lớn: các nhà máy
thải nhiều chất gây ô nhiễm, các doanh nghiệp khai thác cát vô tội vạ để
đáp ứng nhu cầu xây dựng ở các thành phố kế cận, và “giặc” tảo không
ngừng tấn công. Sự chuyển dòng nước đến miền bắc sẽ chỉ làm gia tăng áp
lực lên con sông này.
Ngoài ra, còn
phải kể đến những bức xúc của dân chúng và chính quyền các tỉnh phía nam
Bắc Kinh và Thiên Tân về chuyện đền bù không thỏa đáng, áp lực dân số
gia tăng ở các siêu đô thị do làn sóng người nhập cư từ các khu vực nông
thôn… Tất cả những vấn đề này đang diễn biến theo chiều hướng ngày một
nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc.
Bài học đập Tam Hiệp
Ngày
18.5, lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc thừa nhận đập Tam Hiệp đã và
đang gây ra một loạt vấn đề nghiêm trọng. AFP dẫn thông cáo của Quốc vụ
viện Trung Quốc viết: “Dự án đập Tam Hiệp mang lại lợi ích to lớn nhưng
lại có những vấn đề phải được khẩn trương giải quyết như ổn định và cải
thiện điều kiện sống cho người dân phải di dời, bảo vệ môi trường sinh
thái và ngăn ngừa các tai biến địa chất”. Bắc Kinh cũng nhìn nhận hồ
chứa khổng lồ cho con đập này đã ảnh hưởng đến giao thông hàng hải, thủy
lợi và nguồn nước.
Trùng Quang
vietthuc.org
No comments:
Post a Comment