Nguyễn Hưng Quốc “...nếu
tiếp tục có thêm một sự kiện Bình Minh 2 nữa xảy ra thì đây rõ ràng là
một hành động leo thang”. Ông mới nói xong, ba ngày sau, Trung Quốc lại
ngang nhiên ‘leo thang’...”
Liên quan đến tình hình vùng biển Việt Nam, trong mấy tuần qua, có ba sự kiện đáng chú ý:
Thứ
nhất, Trung Quốc càng lúc càng tỏ ra hung hăng và ngược ngạo. Trước, họ
uy hiếp, tấn công, bắt bớ, thậm chí giết chết ngư dân Việt Nam. Bây
giờ, họ ngang nhiên tiến sâu hơn vào hải phận Việt Nam, cắt dây cáp thăm
dò của tàu Bình Minh 02 của công ty dầu khí trước những cặp mắt bất lực
của hải quân Việt Nam (được ngụy trang dưới hình thức tàu bảo vệ) vào
ngày 26/5. Việt Nam lên tiếng phản đối. Trung Quốc không những không
ngưng mà còn tiếp tục thách thức bằng cách cắt dây cáp của tàu Viking II
vào ngày 9/6.
Nhiều người Việt biểu tình chống Trung Quốc
trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 12/6/2011
trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 12/6/2011
Thứ
hai, Việt Nam đã bắt đầu lên tiếng công khai về các vụ vi phạm và uy
hiếp ngang ngược của Trung Quốc. Trước, chính phủ Việt Nam áp dụng chính
sách chịu đựng và nhường nhịn đến mức, dưới mắt đông đảo dân chúng Việt
Nam, không thể chấp nhận được. Tàu Trung Quốc tấn công các thuyền đánh
cá Việt Nam, họ không dám nêu đích danh, chỉ nói bâng quơ là tàu "lạ":
Tàu "lạ" xua đuổi ngư dân Việt Nam; tàu "lạ" đâm chìm thuyền đánh cá
Việt Nam; tàu "lạ" bắt cóc ngư dân Việt Nam chở về nước "lạ" rồi đòi
tiền chuộc, v.v... Với đông đảo người Việt Nam, chữ "lạ" ấy đi vào kho
từ vựng chính trị Việt Nam như một từ đồng nghĩa mới của chữ "hèn": hèn
nhát và hèn hạ. Còn bây giờ, mở các trang báo mạng ở Việt Nam những ngày
gần đây, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhan nhản các bài viết tường thuật về
các sự vi phạm của Trung Quốc. Người ta nêu đích danh Trung Quốc. Một
số lãnh đạo chính phủ cũng bắt đầu công khai lên tiếng tố cáo Trung
Quốc. Một số tính từ mạnh mẽ như “ngang ngược”, “trắng trợn” và “thô
bạo” được sử dụng để mô tả các hành động xâm lấn và quấy phá của Trung
Quốc. Có thể nói, kể từ sau cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1979
cho đến nay, chưa bao giờ Việt Nam dám nặng lời với Trung Quốc đến như
vậy.
Thứ ba, chính phủ Việt Nam bắt
đầu tuyên bố một số chính sách chung trong việc đương đầu với Trung
Quốc. Trước, họ hoàn toàn né tránh. Dân chúng phản đối, họ trấn an: Đó
là việc của đảng và chính phủ; và công việc ấy sẽ được tiến hành một
cách bí mật, trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước mà thôi. Bây giờ,
từng bước, từng bước, họ nói về một chính sách chung. Chính sách ấy được
Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn
Chí Vịnh phát biểu công khai tại diễn đàn an ninh châu Á được tổ chức
trọng thể ở Singapore vào đầu tháng 6. Chính sách ấy cũng được sự ủng hộ
của cựu Đại tướng và cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng như nhiều tướng
lãnh khác.
Có thể tóm tắt chính sách
ấy vào mấy điểm chính: Một, nhịn đến tối đa; hai, đấu tranh thông qua
đàm phán và đối thoại hòa bình với Trung Quốc; và ba, tìm cách tranh thủ
sự ủng hộ của quốc tế.
Thật ra,
trong ba điểm trên, Việt Nam chỉ thống nhất với nhau ở hai điểm đầu. Còn
điểm thứ ba thì mỗi người một ý. Một số người thì kêu gọi mang sự kiện
ra trước tòa án quốc tế, hoặc nếu không, cũng đa phương hóa vấn đề biển
Đông để lôi kéo sự tham gia, nếu không phải của thế giới thì ít nhất của
các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhìn theo chiều hướng ấy, họ cho
việc khối Đông Nam Á không có một bản tuyên bố chung nào trong kỳ họp
tại Singapore vào đầu tháng 6 vừa qua là một thất bại cho Việt Nam. Tuy
nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 6/6, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn chủ trương
giới hạn việc tranh chấp ở mức độ song phương “theo tôi, để xác định về
chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý... thì Công ước LHQ về
Luật Biển (UNCLOS) đã nói rõ. Không cần tòa án nào cả. Theo tôi, trước
hết và sau cùng vẫn là VN và TQ giải quyết với nhau”.
Điểm hầu như tất cả giới lãnh đạo Việt Nam thống nhất với nhau
trong chính sách đối phó với Trung Quốc là: nhịn. Trung tướng Nguyễn
Chí Vịnh nhấn mạnh "tránh những hành động đơn phương, đặc biệt tuyệt đối
không được sử dụng bạo lực, sử dụng các biện pháp mạnh để hành xử với
nhau." Đại tướng Lê Hồng Anh cũng nhấn mạnh: “Phải cố gắng tối đa để không xảy ra xung đột vũ trang.”
Tiến sĩ Trần Công Trực, nguyên Trưởng ban Biên giới của chính phủ cũng nhấn mạnh như thế: "phải tuyệt đối không dùng vũ lực."
Người
nào cũng nói như vậy cả. Chúng ta dễ hiểu tại sao. Và cũng dễ đồng
tình. Chiến tranh là điều không ai muốn. Chiến tranh chống lại một quốc
gia láng giềng giàu và mạnh hơn hẳn mình lại càng là điều không ai muốn.
Càng không ai muốn trong thời đại ngày nay khi chúng ta rất cần hòa
bình để phát triển.
Thế nhưng, ở đây vẫn có vấn đề: Nhịn tới chừng nào? Đại tướng Lê Hồng Anh cho biết giới hạn đó là: “Trường hợp mất chủ quyền, phải bảo vệ.”
Nhưng câu trả lời vẫn không rõ. Mất chủ quyền đến giới hạn nào? Tàu
Trung Quốc nhiều lần ngang nhiên vào sâu trong hải phận Việt Nam cắt dây
cáp thăm dò của Việt Nam, bắt bớ hay thậm chí, giết chết ngư dân Việt
Nam, đã có thể gọi là “mất chủ quyền” chưa? Hay là đợi đến lúc Trung
Quốc tấn công và chiếm Trường Sa hoặc đất liền mới gọi là “mất chủ
quyền”? Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh,
ngày 6 tháng 6, phát biểu: “nếu tiếp tục có thêm một sự kiện Bình Minh 2
nữa xảy ra thì đây rõ ràng là một hành động leo thang”. Ông mới nói
xong, ba ngày sau, Trung Quốc lại ngang nhiên “leo thang” việc uy hiếp
và xâm lấn Việt Nam bằng cách cắt cáp của tàu Viking II của Việt Nam.
Vẫn chưa nghe Trung tướng Vịnh lên tiếng gì cả. Nghĩa là vẫn tiếp tục
nhịn.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp
tục thăm dò mức độ nhịn nhục của Việt Nam. Thăm dò bằng cách cứ tiếp tục
leo thang và lấn tới. Họ lấn tới chừng nào chúng ta dám thẳng thắn,
bằng lời nói và bằng hành động, tuyên bố dứt khoát: “Chấm dứt!”
Dân
chúng Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, cũng hồi hộp và căng thẳng
chờ đợi cái giới hạn cuối cùng của sự nhịn nhục ấy. Ở đây, không phải
chỉ là vấn đề chọn lựa giữa chiến tranh hay không chiến tranh mà còn là
vấn đề lựa chọn giữa chủ quyền và mất chủ quyền (ít nhất một phần) kèm
theo với việc mất mát rất nhiều quyền lợi của quốc gia; hơn nữa, còn là
vấn đề danh dự của tổ quốc.
Đó chính
là thử thách lớn nhất của đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam hiện nay:
làm cách nào để vừa tránh được chiến tranh vừa không làm mất, dù một
phần của lãnh thổ và lãnh hải, đồng thời, không được làm nhục quốc thể.
Nguyễn Hưng Quốc
Nguồn : Nguyễn Hưng Quốc Blog VOA
No comments:
Post a Comment