Người tỵ nạn Hmong
ở vùng biên giới giáp Lào (AFP)Vào ngày 10/05, Phó thủ tướng Việt Nam
Trương Vĩnh Trọng tuyên bố với báo chí là tình hình Mường Nhé đã ổn
định. Tuy nhiên, 10 ngày sau, Trung tâm Phân tích Chính sách Công CPPA
tại Mỹ cho biết Việt Nam đã huy động thêm trực thăng để tấn công người
Tin Lành Hmong trốn vào rừng sau đợt đàn áp hồi đầu tháng.
Các
tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng tố cáo hành động đàn áp
tôn giáo và kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt phong tỏa Mường Nhé,
để cho quan sát viên độc lập lên tận nơi điều tra sự việc. RFI Việt ngữ
đặt câu hỏi với Hiệp hội Nhân Quyền Quốc Tế (HHNQQT), trụ sở tại Đức về
căn nguyên nguồn cội của vụ trấn áp này.
RFI : Các tổ chức phi chính phủ nhận được thông tin ( hưa kiểm chứng) như thế nào, chuyện gì xảy ra ở Mường Nhé?
Hiện
nay Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được nhiều
thông tin khác nhau và chưa thể kiểm chứng chúng được vì chính quyền
Việt Nam vẫn tiếp tục phong tỏa khu vực quanh huyện Mường Nhé ở tỉnh
Điện Biên. Hiện nay chúng tôi chỉ ghi nhận rằng bắt đầu từ ngày 30/4 đến
ngày 4/5 hàng ngàn người thuộc sắc tộc Hmong đã tụ tập về một khu rừng
thuộc thôn Huổi Khôn, huyện Mường Nhé để chờ đón đấng Cứu Thế. Nhưng
phía chính quyền lại lẫn lộn đấng Cứu thế của một số hội thánh Tin Lành
với Vua Hmông của đạo Vàng Chứ nên cho rằng những người Tin Lành này có ý
định thành lập Vương quốc Hmông.
Cần
biết rằng một tháng trước cuộc tụ hội nói trên xảy ra, chính cơ quan
ngôn luận của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Biên phòng là báo Biên phòng đã cho
đăng một loạt 4 bài đả kích đạo Vàng Chứ. Họ xem đây là một thứ đạo do
tướng lưu vong Vàng Pao lập ra để chống cộng sản. Sự nhầm lẫn này đã dẫn
đến cuộc đàn áp dã man cuộc tụ hội nói trên. Sự ngộ nhận này vô cùng
tai hại vì đã đẩy một tôn giáo – dù là một tôn giáo không chính thống –
trở thành một tổ chức chính trị ly khai với âm mưu thách thức quyền lực
của đảng Cộng sản Việt Nam.
RFI : Chính quyền đã đối phó ra sao?
Ngày
4 và 5 tháng 5 chính quyền Việt Nam đã cho quân đội và công an đến đàn
áp và giải tán buổi nhóm ôn hòa mà họ xem là của đạo Vàng Chứ này. Hậu
quả của cuộc đàn áp này rất thảm khốc. Chúng tôi nghe rằng số người chết
có thể lên đến vài chục người, số bị thương lên đến trên 100 người, số
người bị tạm giữ lên đến trên 1.000 người. Một số lớn các tín đổ Hmong
dù sau đó đã được thả ra nhưng sợ không dám về nhà nữa. Có tin cho chúng
tôi biết có thể có vài trăm người hiện đang phải lẩn trốn trong rừng.
Theo HHNQQT vụ đàn áp tôn giáo lớn nhất trong những năm qua này là kết
quả của một chính sách tôn giáo sai lầm lâu dài đối với người Hmong theo
đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
RFI : Nguồn tin riêng của Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế xác nhận nguyên nhân và diễn biến vụ việc đến đâu?
Nguyên
nhân là chính sách tôn giáo hà khắc đối với đạo Tin Lành ở các tỉnh
miền núi phía Bắc nói chung và đặc biệt hà khắc ở tỉnh Điện Biên nói
riêng. Trong khi chính quyền Việt Nam chấp nhận nới lỏng cho các hội
thánh Tin Lành miền xuôi hoạt động trở lại trong những năm qua thì họ
lại xiết chặt chủ trương đối phó với đạo Tin Lành ở các tỉnh biên giới
phía Bắc và phía miền Trung. Các tài liệu tập huấn của Ban Tôn giáo
Chính phủ từ năm 2006 đến nay vẫn không chấp nhận cho những người mới
theo đạo Tin Lành ở các tỉnh Tây Bắc được hoạt động bình thường.
Người
Hmong vì bị đàn áp tôn giáo mà phải di cư từ địa phương này đến địa
phương khác nên bị xem là người mới theo đạo. Các chính quyền địa phương
đã vi phạm đến nhân quyền căn bản nhất của họ là quyền được có và được
giữ tôn giáo cho riêng mình bằng cách bắt họ phải bỏ đạo. Còn nếu muốn
sinh hoạt đạo chung với nhau thì họ phải làm chui và bị xem là bất hợp
pháp. Ngay cả Tổng Hội Tin Lành miền Bắc, là một tổ chức có tư cách pháp
nhân từ năm 1958, cũng không có quyền công nhận và đào tạo các trưởng
nhóm trong các sắc tộc nữa.
Trong tay
chúng tôi có rất nhiều tài liệu mật, tài liệu nội bộ của đảng và chính
quyền Cộng sản tố cáo chính sách tôn giáo 2 mặt của Việt Nam. Về mặt
công khai và ra phía quốc tế Việt Nam đã đưa ra một bộ mặt hòa hoãn và
chấp nhận đối thoại để sửa đổi. Nhưng HHNQQT chúng tôi vẫn bắt được
những văn bản chỉ đạo đàn áp tôn giáo – trong đó có cả văn bản của thủ
tướng chính phủ – được lưu hành trong nội bộ có nội dung đi ngược với
chính Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo của năm 2004. Do đó biến cố Mường
Nhé là một chuyện đương nhiên phải xảy ra.
RFI : Cần phải điều tra thêm về những sự kiện nào chưa rõ ràng ?
Nguyên
nhân và hậu quả của biến cố Mường Nhé hiện vẫn là một bí ẩn. HHNQQT kêu
gọi chính quyền Việt Nam phải công bố danh sách những người bị chết, bị
thương và bị giam giữ. Chính quyền Việt Nam phải mở cuộc điều tra sâu
rộng về nguyên nhân trực tiếp lẫn gián tiếp dẫn đến cuộc đàn áp này và
minh bạch hóa kết quả cuộc điều tra này. Chính quyền Việt Nam cần rút
lại mọi chỉ thị phong tỏa Mường Nhé để cho các quan sát viên độc lập
quốc tế có thể đến đó và đến các địa phương lận cận để tiếp xúc với
người địa phương. Đó là những biện pháp cần thực hiện ngay. Sau đó Việt
Nam phải rà soát lại chính sách tôn giáo hai mặt và hủy bỏ tất cả những
văn bản mật về đàn áp tôn giáo được lưu hành trong nội bộ đảng và chính
quyền.
Tú Anh
[Nguồn:RFI]
[Nguồn:RFI]
Hàng trăm người Hmong đang lẩn trốn sau cuộc biểu tình ở Điện Biên
Hàng
trăm người sắc tộc Hmong ở Mường Nhé, Điện Biên, đang lẩn trốn trong
rừng sâu sau khi lực lượng công quyền giải tán hàng ngàn người tụ tập
chờ xem điều mà người ta tin là sự xuất hiện của Ðức Chúa trời.Hãng
thông tấn AFP trích thuật lời một cư dân không nêu tên vì lý do an ninh
nói rằng bắt đầu từ cuối tháng tư có khoảng 10.000 người Hmong từ khắp
nơi kéo về Mường Nhé, trong số này có những người ở tận Tây Nguyên, vì
có tin nói rằng ngày 21/5 Ðức Chúa trời sẽ tái hiện.
Báo
cáo hiếm hoi về tình hình ở tỉnh Điện Biên này trái ngược với các loan
báo của chính quyền Việt Nam nói rằng tình hình đã trở lại bình thường,
và những người tụ tập đã trở về nhà, đồng thời tuyệt đối cấm ký giả nước
ngoài tiếp cận tới khu vực.
Trả lời
VOA Việt Ngữ, 2 cư dân địa phương xác nhận rằng cuộc biểu tình đã bị
giải tán, nhưng từ chối không cho biết chi tiết nào thêm:
“Mọi
người đã về nhà, về quê hết rồi, hiện giờ không còn gì nữa. Có một số
người thiệt mạng trong đó có trẻ em vì đói khát, không ăn uống gì, nhưng
không rõ số thiệt mạng là bao nhiêu.”
“Em
là một người dân tộc tại Mường Nhé, Điện Biên. Không biết họ làm gì
nhưng thấy rất nhiều, rất nhiều người dân tộc đi vào trong đó, nhưng
hiện nay mọi người đã về hết rồi.”
Chính
phủ Việt Nam tố cáo các phần tử cực đoan đã lợi dụng cuộc tụ tập này để
cổ xúy một vương quốc Hmong tự trị nhưng nguồn tin được AFP trích dẫn
cho biết không nghe nói tới chuyện đó.
Theo
nguồn tin của AFP, có hơn 100 người bị tố cáo là lãnh đạo người biểu
tình đã bị bắt và chừng 500 đến 600 người khác hiện đã trốn vào rừng
trong khi nhiều người khác vẫn chờ đợi và hy vọng Chúa trời xuất hiện.
Tổ
chức bảo vệ quyền tự do tôn giáo có trụ sở ở Anh mang tên Tổ chức Đoàn
kết Kitô giáo Thế giới (CSW) nói họ tin rằng nhiều người Hmong đến từ
các nơi khác vẫn chưa về nhà, còn lưu lại ở Điện Biên. Vẫn theo nguồn
tin của AFP, lực lượng an ninh thông báo sẽ tiếp tục hiện diện trong khu
vực cho tới cuối tháng này.
Tuần
trước, chính quyền Hà Nội tố cáo Human Rights Watch xuyên tạc tình hình ở
Việt Nam bằng những nhận xét thiếu khách quan và thù địch, đồng thời đề
nghị báo chí không nên tin vào Human Rights Watch sau khi tổ chức bảo
vệ nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ này yêu cầu Việt Nam điều tra đầy đủ và
công khai sự việc ở Mường Nhé.
Phát biểu với Ban Việt Ngữ đài VOA, ông Brad Adams, đại diện Human Rights Watch, phản hồi trước tố cáo của Việt Nam.
Ông Brad Adams nói: “Chính
quyền Việt Nam hầu như lúc nào cũng phản hồi trứơc các báo cáo được thu
thập tài liệu cẩn thận và nghiên cứu kỹ lưỡng của chúng tôi bằng cách
nói rằng chúng tôi một chiều, chống lại Việt Nam. Chúng tôi không lạ gì
nữa. Điều chúng tôi luôn mong đợi là chính quyền Việt Nam nói họ sẽ điều
tra các cáo giác. Thật buồn cười khi chính quyền Việt Nam kêu gọi giới
truyền thông nên hay không nên tin vào một nguồn tin nào. Giới hoạt động
báo chí là những người chuyên nghiệp, họ sẽ đánh giá các bằng chứng,
các nguồn tin, và các cáo giác, rồi tự quyết định loan tin như thế nào.
Sự kêu gọi đó là sai lầm vì báo chí phải hoạt động độc lập, không theo
chỉ thị của ai cả.”
Theo Trung
tâm Phân tích Chính sách Công (CPPA) trụ sở tại Hoa Kỳ, có hàng chục
người chết và hàng trăm người bị thương khi lực lượng chính quyền tới
đàn áp cuộc biểu tình.
Hà Nội khẳng
định không dùng võ lực giải tán cuộc tụ tập của người Hmong và cho biết
một số người phản ứng quá đáng đã bị bắt và sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Nguồn: AFP, Scoop Independent News, VOA
No comments:
Post a Comment