Monday, May 16, 2011

Thời đã qua rồi …

Giao Chỉ - Theo tin thời sự của cộng đồng Việt hải ngoại, bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân mới qua đời tại Âu Châu. Ông Nguyễn Cao Kỳ, sau thời gian về Việt Nam tới lui làm duyên với chính quyền Hà Nội, nay lại trở về tạm cư tại Texas, Hoa Kỳ.


Bà Nhu ra đi hưởng thọ 86 tuổi. Ông Kỳ vẫn còn khỏe mạnh nhưng năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi. Một người là phụ nữ nổi tiếng của đệ nhất Cộng Hòa. Một người là nam tử mà vai trò hết sức ồn ào thời đệ nhị Cộng Hòa. Bây giờ viết về hai nhân vật danh tiếng nam và nữ, xem lại sự so sánh có phần khập khiễng. Kẻ mất người còn, tưởng rằng không cân xứng. Tuy nhiên chúng tôi không thể so sánh bà Lệ Xuân và bà Tuyết Mai. Cũng không thể so sánh ông Ngô Đình Nhu với ông Nguyễn Cao Kỳ.

Phải viết về bà Trần Lệ Xuân và ông Nguyễn Cao Kỳ mới ra chuyện. Cả hai người đã có những điểm rất gần gũi. Cả hai đều nói năng hành động khác thường thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa. Cả hai đều trải qua cuộc sống thật dài sau khi “Thời của họ đã qua rồi”. Nhưng cách sống cuả hai người sau chính trường mới khác nhau biết chừng nào.

Mùa Xuân diễm lệ.

Bà Trần Lệ Xuân (1924-2011)
Bà Trần Lệ Xuân sinh trưởng tại miền Bắc năm 1924. Năm cô 16 tuổi gia đình ông bà Trần Văn Chương quen biết chú Ngô Đình Nhu và năm 18 tuổi cô Xuân vốn đạo Phật đã lấy chồng theo công giáo. Lệ Xuân theo chồng về định cư tại Đà lạt sinh được 3 trai và 2 gái.

Số mệnh thay đổi khi ông Ngô Đình Diệm trở thành vị tổng thống độc thân. Ông em Ngô Đình Nhu trong vai trò cố vấn chính trị toàn quyền đã đưa hình ảnh bà Nhu thành người thay thế đệ nhất phu nhân. Từ một phụ nữ nội trợ cô Lệ Xuân trở thành dân biểu, chủ tịch phong trào Phụ nữ Liên Đới, sáng lập Thanh nữ Cộng Hòa, tác giả đạo luật gia đình và sau cùng “Mùa Xuân Diễm Lệ” trở thành biểu tượng của một phụ nữ Việt Nam tranh đấu cho nữ quyền với chiếc áo dài hở cổ. Bà đón tiếp phái đoàn quốc tế, bà chủ tọa quốc lễ Trưng Vương. Vinh quang lên cao nhất khi Saigon xây dựng tượng Hai bà Trưng đã lấy hình ảnh của bà Nhu làm khuôn mẫu. Người ta còn nhớ vai trò của bà nổi bật vào những ngày tháng cuối của đệ nhất Cộng Hòa. Trong dinh Độc Lập bà luôn luôn là người thuộc phe chủ chiến. Những lời phát biểu hết sức thiếu văn hóa và thiếu chính trị của bà đã làm cho quần chúng tức giận. Đặc biệt là dư luận Hoa kỳ ảnh hưởng quan trọng tại Việt Nam. Báo chí Việt và ngoại quốc rất thích thú đăng tải. Khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, thi sĩ Vũ Hoàng Chương làm thơ ca ngợi ngọn lửa từ bi soi sang cuộc đấu tranh thì bà Nhu lên tiếng nói lời tai hại nhất. Bà tuyên bố sẵn sàng tiếp thêm xăng viện trợ cho phe Phật giáo đấu tranh để nướng các nhà sư tự thiêu. Báo chí Hoa Kỳ đăng hình ảnh nhà sư tự thiêu cùng lời bình luận của bà cố vấn. Tướng lãnh Mỹ bên phái bộ quân sự vẫn hết lòng yểm trợ Việt Nam đã lắc đầu than rằng: “Sẽ tận thế vì tấm hình này.” Cho đến ngày nay, đoạn phim đáng tiếc của bà Nhu vẫn còn phổ biến tràn đầy trên Utube.

 Dưới thời đệ nhất Cộng Hòa, bà Nhu đã đóng góp nhiều công sức về việc xây dựng chế độ, đấu tranh cho nữ quyền, nhưng đồng thời cũng đã làm nhiều điều tai hại cho chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm. Cho đến khi cả tổng thống và ông cố vấn phu quân cũng phải đồng ý đưa bà ra ngoại quốc gọi là để thuyết phục dư luận, nhưng thực sự là để tránh cho bà làm Saigon thêm rối rắm. Thêm vào đó, lại còn chuyện cha mẹ bà Trần Lệ Xuân là ông bà Trần Văn Chương. Năm cuối cùng của triều đại nhà Ngô thuộc đệ nhất Cộng Hòa, ông đại sứ họ Trần ở Hoa Thịnh Đốn đã lên tiếng chống lại chính quyền Saigon vì đàn áp Phật giáo

Bà Trần Lệ Xuân ra đi với sứ mạng vận động dư luận Âu Châu và Mỹ Châu cùng với cô con gái Ngô Đình Lệ Thủy. Báo chí Hoa Kỳ viết rằng mẹ con bà Rồng cái và Rồng con đi tuyên truyền cho chế độ. Nhưng bà không ngờ đây là lần vĩnh biệt gia đình, vĩnh biệt chế độ và vĩnh biệt quê hương.

Lệ  Xuân của “Mùa Xuân Diễm Lệ” trở thành “Nước Mắt Mùa Xuân”.

Số phận cay nghiệt.

Bà là người phụ nữ một thời hết sức quyền uy và danh tiếng. Chồng là cố vấn tối cao của triều đại nhà Ngô. Các anh em nhà chồng là tổng thống, là tổng giám mục, là đại sứ bên Âu Châu, là cố vấn chỉ đạo chính trị miền Trung.Thân phụ của bà là đại sứ tại Hoa Thịnh Đốn. Chỉ một sớm một chiều cả đại gia đình tan nát. Ông tổng thống và bào đệ bị giết trong cách mạng. Em chồng bị cách mạng xử tử. Tổng giám mục mất chức. Cha mẹ bà bị thảm sát tại Hoa Thịnh Đốn. Sau cùng con gái yêu của bà là Ngô Đình Lệ Thủy bị tai nạn chết. Quả thật Lệ Xuân chỉ đơn thuần là nước mắt mùa Xuân. Mùa Xuân Diễm Lệ của một thời Đà Lạt và một thủa Saigon sẽ không bao giờ trở lại.

Những ngày tháng cũ.

Suốt từ sau chuyến đi 1963, người ta không hề thấy tin tức về bà Ngô Đình Nhu. Trừ một lần NBC phỏng vấn. Sau đó bà không hề lên tiếng. Cho đến năm 2002, một luật sư Việt Nam tại Seattle, ông Trương Phú Thứ có dịp gặp lại và viết bút ký về chuyến thăm viếng đặc biệt với bà Trần Lệ Xuân tại Paris. Một số tin tức về hoàn cảnh gia đình được phơi bày. Đơn giản và trung thực. Tác giả kín đáo đề cao cuộc sống đạm bạc và nhân bản của người phụ nữ đã một thời hết sức danh tiếng tại Việt Nam. Bà không nói về chuyện chính trị, chuyện oán thù. Chỉ là những lời hỏi thăm về gia cảnh và cuộc sống thường nhật. Những đứa con, những đứa cháu. Không một lời nói về tiếng khen chê và lời đồn đãi. Không nói đến đau thương tang tóc. Tuyệt đối không tuyên bố hay nhận định.

Xem ra, ngoài những hành động và lời nói của bà Nhu gặp báo chí Việt Mỹ trong thời kỳ đệ nhất Cộng Hòa. Từ đó đến nay không có gì để viết thêm về người phụ nữ một thời đã nổi danh là Newsmaker của Saigon. Ngay khi được tin tổng thống và chồng bà bị giết lúc bà đang ở Hoa Kỳ năm 1963, bà lập tức bay qua Âu châu, tấm lòng tan nát chờ đón đám con vừa mồ côi cha. Sau này bà chỉ trở lại Mỹ một lần cho cháu út thăm ông bà ngoại. Từ đó đến nay bà không về Việt Nam, cũng không trở lại Mỹ. Đối với bà Việt Nam cộng sản vốn thù nghịch đã đành, nhưng Hoa Kỳ cũng chẳng phải là đồng minh.
Khi cụ bà Trần Lệ Xuân bước vào thế kỷ 21 đã ngoài 80 tuổi.
Bà nói rằng : Thời của tôi đã qua rồi.
Câu nói đáng được khắc trên bia đá.

Ngược đường lịch sử.

Ông Nguyễn Cao Kỳ trên bìa tạp chí Time 2/1966

Nhưng đối với Nguyễn Cao Kỳ, ông luôn luôn hành động như thời của ông không bao giờ qua đi. Ông là con người nổi nang ồn ào nhất thời đệ nhị Cộng Hòa. Giai đoạn chuyển tiếp từ thời kỳ đảo chánh, binh biến giữa hai nền Cộng Hòa, Nguyễn Cao Kỳ cũng luôn luôn là Newsmaker. Ông làm cách mạng, ông làm tư lệnh không quân, ông bỏ vợ, ông lấy vợ, ông làm thủ tướng chính phủ Saigon, ông làm phó tổng thống trong cánh trái dinh Độc lập, ông về làm vườn ở Khánh Dương, ông ra cứu Saigon vào giờ thứ 25, ông di tản vào Pendleton, ông bán rượu ở Orange County, ông đánh tôm ở Lousiana, rồi ông lại bỏ vợ và lấy vợ. Một chuỗi dài thất bại. Sau cùng, ông làm môi giới cho tư bản về làm ăn ở Saigon. Ông ra Hà Nội nói là để chỉ dẫn cho chính quyền cộng sản cách giao thiệp với Hoa Kỳ. Ông ca ngợi lãnh đạo cộng sản. Bây giờ ông lại trở về Texas, chưa biết sẽ làm gì. Nhưng ông nghĩ rằng, dường như thời của ông vẫn còn mãi mãi.

Thời của ông Kỳ thực sự chỉ ngắn ngủi có 2 năm cầm quyền với danh hiệu chủ tịch ủy ban hành pháp, một kiểu gọi mới của chức vụ thủ tướng giữa thời kỳ trái độn của 2 nền Cộng Hòa. Trong giai đoạn này, chính quyền của ông đã để lại cho chiến tranh Việt Nam tấm hình tướng Loan  bắn tên đặc công Việt Cộng. Với nhận định của đồng minh Hoa Kỳ, sự nghiệp chính trị lâu dài của ông Kỳ không có tương lai, khi mà tấm hình tai hại này còn được phổ biến. Sau đó ông chỉ là phó tổng thống 1 nhiệm kỳ như một bóng mờ cạnh ông Nguyễn Văn Thiệu. Rồi ông chẳng còn chức vụ gì cho đến 1975 mất nước và cho đến ngày nay 2011, ba mươi sáu năm sau.

Vào tháng 4-1975 với sự nhận định tình thế sai lầm, với tánh nết bồng bột ồn ào, ông đã có những hành động tai hại chết người khi lên tiếng hô hào ở lại chiến đấu. Ông hô hào ở lại trên trường chỉ huy tham mưu tại Long Bình, ông hô hào quyết chiến tại họ đạo bên Gia định. Nhưng rồi ông lại ra đi. Bà Tuyết Mai nói rằng không ai có thể trách anh Kỳ được. Anh chỉ có 2 khẩu súng lục thì làm cái gì. Đúng như vậy, lúc đó ông không còn trách nhiệm ngoài chức vụ chủ trại cây Khánh Dương đã tan hàng. Không trách nhiệm, ông có thể ra đi như hàng ngàn người di tản, và đừng tuyên bố nhố nhăng. Nhưng ông đã nói lời tâm huyết tại Long Bình, cử tọa là các sĩ quan cao cấp lòng dạ đang tan nát vì gia đình còn kẹt tại miền Trung. Ông thề quyết tâm với họ đạo Saigon, những người di cư đã từng biết thế nào là cộng sản. Niềm tin nhỏ bé cuối cùng đặt tất cả vào ông. Như vậy, vào giờ phút cuối thì người tự vẫn phải là Nguyễn Cao Kỳ chứ không phải Nguyễn Khoa Nam.

Con chim khi chết.

Năm 1983 khi phê bình cuốn sách 20 năm của tác giả Nguyễn Cao Kỳ, tôi có dịp viết rằng. Con chim trước khi chết, tiếng hót bi ai, con người về già, trước khi chết, lời nói linh thiêng và ứng nghiệm. Vậy thì, niên trưởng của tôi, người đã một thời lãnh đạo, mỗi năm vào 30 tháng 4 báo chí Hoa Kỳ có hỏi bậy bạ, tôi xin niên trưởng lựa lời mà nói cho anh em khỏi tủi nhục. Ông đã từng hô hào anh em ở lại, biết bao nhiêu đứa chết, bao nhiêu đứa đi tù. Đau thương nhường đó, biết lấy gì đền bù cho hết! Tiếc thay, niên trưởng của tôi, suốt 36 năm di tản, chứng nào tật ấy, chỉ chuyên làm nhục anh em.

Cho đến mấy năm gần đây, ông muối mặt cam tâm đóng vai hàng thần lơ láo về nước nịnh bợ đám lãnh đạo cộng sản.Tôi chẳng còn biết dùng chữ nghĩa gì để phê phán ông, vốn một thời là thượng cấp của tôi. Có người nói rằng vì ông có tấm lòng yêu nước như trời biển nên về chỉ vẽ cho Việt cộng con đường theo Mỹ đánh Tầu. Có người lại nói rằng ông có mưu thần chước quỷ sẽ lèo lái cộng sản xây dựng đất nước. Sự thực anh em biết rõ, ông chỉ bố lếu bố láo để làm xấu mặt Việt Nam Cộng Hòa. Sau cuộc chiến, cộng sản giam giữ hàng trăm ngàn chiến binh nhưng không cải tạo được người nào. Tất cả đều bỏ nước ra đi. Không ai ngờ, chúng lại cải tạo được một anh tư lệnh trở về. Thật chán biết chừng nào.

Ông già thì tôi cũng già. Ông cao niên thì anh em cũng cao niên. Suốt cuộc đời, trải qua cái nhục mất nước, bây giờ lại thêm cái nhục là đã một thời được lãnh đạo bởi những người như niên trưởng.

Thôi thì những sai lầm thời cầm quyền ta tạm bỏ qua. Nhưng cái thời hết quyền lực trong tay, sao ông không học được gương sáng của bà Trần Lệ Xuân. Kể từ 1963 cho đến 2011 gần nửa thế kỷ, đúng ra là 48 năm. Người phụ nữ đó ở vậy nuôi con thành đạt. Sau 6 cái tang của chồng con cha mẹ và anh em. Bà đã hành xử đúng vai trò của một chính khách mà thời thế đã qua đi. Bà nói rằng:“Thời của tôi đã qua rồi”. Câu nói đáng được khắc trên bia đá.

Còn phần ông Kỳ, thời của ông thực sự đã qua ngay sau nhiệm kỳ thủ tướng. Nhưng ông cố lội ngược dòng lịch sử, không biết chấp nhận hoàn cảnh. Ông là người đất Sơn Tây nhưng không bao giờ xứng đáng với quê hương Sơn Tây của tướng quân Lê Nguyên Vỹ tư lệnh Sư đoàn 5 Lai Khê, người đã ở lại tự vẫn sáng ngày 30 Tháng 4-1975.

Bây giờ quí vị đã hiểu vì sao mà chúng tôi lại so sánh hoàn cảnh của bà Trần Lệ Xuân và ông Nguyễn Cao Kỳ.

Ngày 30 tháng tư lần thứ 36 đã qua rồi, lại sắp đến ngày quân lực tháng 6-2011. Nhiều năm qua, trên lưng đồi nón sắt phế thải, đàn em thấy chúng tôi nghênh ngang giữa đường nên thường chửi bậy. Mình biết mình tội lỗi cũng nhiều nên đành phải nhắc nhở: Chửi nữa đi em. Bây giờ, tất cả đều gần đất xa trời, xin phê bình niên trưởng Kỳ một lần cho rõ ràng. Xin phép dùng ngôn ngữ ông xếp cũ của tôi là trung tướng Dương Văn Đức khi phê bình Việt Cộng trong trại tù. Ai không biết thì hỏi anh em HO, nhiều người biết là ông Đức mắng mỏ cộng sản ra sao để rồi bị chúng dứt điểm.

Ngày xưa, thời kỳ 50, có anh trung úy Bắc Kỳ ngồi hầu chuyện đại tá Nam Kỳ, Dương văn Đức tại phân khu Sóc Trang. Trong câu chuyện đời, nghe ông dùng toàn ngôn ngữ với hàng họ dưới thắt lưng. Mở đầu chấm dứt bằng tiếng Đan Mạch. Ông chết trong tù vì phê bình cộng sản bằng ngôn ngữ của ông. Đ M, chơi ngon như vậy, ông mới đích thực là niên trưởng của tôi.

 © Giao Chỉ
© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment