Bút Lông - Cuộc
họp giao ban về triển khai 25 nghị quyết của Chính phủ về kiểm soát thủ
tục hành chính (TTHC) cuối tuần trước đã bộc lộ những cản ngại đích
thực.
Cụ thể, tiến độ thực thi 25 nghị quyết
Chính phủ nêu rõ phải hoàn thành trước ngày 30-6-2011 nhưng đến nay mới
chỉ đạt 34%. Đáng nói là ngoài một số bộ, ngành thực hiện tốt 25 nghị
quyết còn khá nhiều bộ, ngành “ì ạch” đi sau.
Ví dụ, quy định đề ra là phải thành lập Phòng Kiểm soát TTHC trực thuộc
văn phòng bộ, song đến nay Bộ Tài chính và Bộ VH-TT&DL lại không đưa
phòng này vào đúng cơ cấu quy định. Hoặc ở hai bộ khác là Công an và
Quốc phòng còn chưa thành lập đơn vị như đúng tên gọi… Còn tại một số
bộ, ngành đã thành lập bộ phận này thì lại bố trí một lượng nhân sự
“tượng trưng”, thậm chí có nơi chỉ có một người dù khối lượng công việc
đồ sộ!
Mặt khác, việc cập nhật kịp thời TTHC lên
hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dù là yêu cầu bắt buộc nhưng vẫn còn 20
bộ, ngành “nợ”. Theo đánh giá của ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm
soát TTHC, chỉ khi nào việc công khai được thực hiện nghiêm túc, người
dân, doanh nghiệp mới thực sự được hưởng lợi từ kết quả này.
Còn nhớ ở giai đoạn một và hai của Đề án
30, đa số các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng rầm rộ. Nhiều nơi còn tổ
chức các lễ công bố TTHC với nghi thức trang trọng, kèm những con số ấn
tượng như “đơn giản hóa 80%-90% thủ tục; tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng”.
Hóa ra có được “thành tựu” đó là vì giai đoạn ấy là “ngon ăn” nhất: Giao
quyền cho bộ, ngành tự công bố và tự đề xuất cắt giảm TTHC. Còn ở giai
đoạn ba, giai đoạn Chính phủ “xẻo” các TTHC gây phiền hà thông qua đề
xuất của Tổ công tác 30, khối luật sư, hiệp hội DN… thì lợi ích bắt đầu
thò ra, mà như đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, cắt giảm là
“một cuộc cách mạng”!
Quả là một cuộc cách mạng khi chỉ trong
thời gian ngắn, Chính phủ ban hành tới 25 nghị quyết nhằm giải tỏa “điểm
nghẽn” TTHC đang cản trở sự phát triển, song kết quả đến nay mới đi
được 1/3 chặng đường dù “đích ngắm” ngày 30-6 đã cận kề.
Từ nay đến ngày 30-6, “con tàu” TTHC có
thể tiến thêm vài mét nữa, song những người đang quan sát cuộc “cách
mạng” này tự hỏi: Tại sao một chủ trương đồng thuận rất cao như thế, ích
lợi nhiều như thế, lại được luật hóa bằng nghị quyết Chính phủ, mà
chính các bộ, ngành lại chậm gương mẫu thực hiện và trước thách thức này
Chính phủ sẽ tỏ thái độ ra sao?
No comments:
Post a Comment