Song Chi - Có một thời,
những người cộng sản Việt Nam quả là bậc thầy trong nghệ thuật tuyên
truyền. Họ đã khiến cho người dân miền Bắc và cả thế giới lúc bấy giờ
tin rằng họ có chính nghĩa. Rằng cuộc chiến tranh của họ là nhằm chống
đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, giành lại độc lập cho đất
nước.
Hàng triệu thanh niên miền Bắc
đã hăng hái lên đường lao vào chiến trường, lao vào cái chết với một
tinh thần phơi phới “đường ra trận mùa này đẹp lắm” (lời bài hát “Trường
Sơn Ðông Trường Sơn Tây”). Hàng chục triệu người dân miền Bắc sống
trong cảnh đạm bạc, nghèo khó nhưng vẫn lạc quan, sẵn sàng hy sinh hơn
nữa vì một miền Nam “đang bị kìm kẹp rên xiết dưới ách Mỹ Ngụy.” Và vì
một tương lai tươi đẹp sau này, nếu chiến tranh chấm dứt “Thắng giặc Mỹ,
ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” (theo di chúc Hồ Chí Minh 1969).
Thế
giới lúc bấy giờ hầu như đều nghĩ rằng những người cộng sản Bắc Việt
mới là những người yêu nước, có tinh thần dân tộc, còn chế độ miền Nam
Cộng Hòa là “bán nước,” là tay sai, bù nhìn. Ngay trong sách lịch sử của
nhiều nước phương Tây đến tận bây giờ, khi đề cập về cuộc chiến tranh
VN thì hoặc là cái nhìn nghiêng về phía Mỹ hoặc về phía những người cộng
sản Bắc Việt. Hầu như không có cái nhìn từ góc độ của những người miền
Nam.
Những tấm hình như Tướng Nguyễn
Ngọc Loan bắn việt cộng Bảy Lốp, cô bé Kim Phúc bị bom napan, vụ thảm
sát Mỹ Lai… đi khắp thế giới. Trong khi sự thật phía sau những tấm hình,
vụ thảm sát Tết Mậu Thân, sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc cho Hà
Nội, sự có mặt của hàng ngàn “cố vấn” Liên Xô, hàng trăm ngàn lính Trung
Quốc hỗ trợ cho người lính Bắc Việt… Và nhiều điều khác nữa… Thì mãi về
sau này nhiều người mới được biết.
Rồi
những nhân vật mà thật ra chỉ là những huyền thoại được dàn dựng hoặc
những câu chuyện được thổi phồng quá sự thật. Như anh hùng Lê Văn Tám,
anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, liệt sĩ Võ Thị Sáu, liệt sĩ Nguyễn Văn Bé… Bao
nhiêu thế hệ tuổi trẻ VN đã thuộc nằm lòng những huyền thoại, những câu
chuyện này, cũng như huyền thoại về cuộc đời của vị cha già dân tộc,
“Bác Hồ của chúng em.”
Người cộng sản hồi đó quả là giỏi tuyên truyền thật.
Một
tấm bảng tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN tại một địa điểm ở tỉnh
Quảng Ninh. Nói một đàng, làm một nẻo, lừa gạt là đặc tính tuyên truyền
chính trị của chế độ Hà Nội.
Bây
giờ, sau 66 năm xây dựng chính quyền ở miền Bắc và 36 năm độc quyền
lãnh đạo trên toàn quốc, đảng vẫn nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, vẫn
có sự hỗ trợ của toàn bộ báo chí truyền thông quốc doanh hùng hậu: Cả
nước có hơn 700 tờ báo và tạp chí in, 67 đài phát thanh-truyền hình,
hàng trăm trang điện tử của các cơ quan báo in và hàng ngàn trang tin
điện tử, khoảng trên 17,000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề… Vậy mà “đảng
ta” lại không làm được cái điều đã từng thành công trước kia!
Cùng
với sự ra đời của Internet, mạng lưới báo chí “lề trái,” cộng thêm đội
ngũ bloggers – những nhà dân báo thuộc đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã
hội, là những “tai,” “mắt” ở khắp mọi nơi thì đảng thua thấy rõ trên mặt
trận truyền thông. Rất nhiều sự việc xảy ra nhưng từ chỗ đứng phải bảo
vệ đảng và chế độ chứ không phải bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự thật, báo
chí quốc doanh buộc phải im lặng bỏ trống trận địa. Hoặc chỉ nói một nửa
sự thật. Hoặc bóp méo sự thật. Trong khi báo chí “lề trái” tha hồ đưa
thông tin đầy đủ, khách quan, cập nhật… đến với mọi người
.
Vẫn
cố tình nhắm mắt bịt tai trước mọi biến đổi của thời đại, đảng tiếp tục
những giọng điệu, bài ca cũ, những mánh lới tuyên truyền đã từng sử
dụng thành thạo thời chống Pháp chống Mỹ. Ðó là nói không thành có, nói
có thành không, bôi nhọ, xuyên tạc sự thật, là cứ nói hoài riết rồi
thiên hạ cũng tin. Nhưng kết quả thì thế nào?
Ví dụ thì có hàng trăm hàng ngàn, chỉ xin điểm lại mấy sự kiện gần nhất.
Vụ
thứ nhất gây xôn xao dư luận từ hơn nửa tháng nay là cái chết của anh
Nguyễn Công Nhựt, quản lý kho của công ty Kumho (khu công nghiệp Mỹ
Phước III, huyện Bến Cát). Ðọc hàng loạt bài báo chung quanh sự việc
này, ai cũng thấy cái chết của anh Nhựt có quá nhiều uẩn khúc.
Thế
nhưng sau nhiều ngày điều tra, ngày 8 tháng 5, phía công an vẫn đưa ra
kết luận anh Nhựt chết là do tự tử, thư tuyệt mệnh do chính anh Nhựt
viết. Thậm chí công an tỉnh Bình Dương còn cung cấp thêm thông tin anh
Nhựt “viết bản cam kết tự nguyện ở lại trụ sở công an huyện Bến Cát chứ
không phải bị bắt giữ.” Một số bloggers đã có bài viết mỉa mai về sự
việc phi lý“tự” đến khi còn sống, “tự” chết sau khi chết này!
Trong
khi đó, sau khi nghiên cứu hồ sơ do cơ quan CSÐT công an tỉnh Bình
Dương cung cấp, Luật Sư Trần Ðình Triển khẳng định với báo chí: có dấu
hiện anh Nhựt chết không phải do tự tử. Nhưng cho dù sự việc đã rõ mười
mươi như vậy, cộng với sự hỗ trợ của luật sư, ai cũng thừa hiểu rằng con
đường đi tìm lại công lý cho chồng của vợ anh Nhựt, sẽ vô cùng gian
nan. Bởi công lý làm gì có trên đất nước này?
Rồi
cũng sẽ như nhiều vụ án công an đánh chết người khác, sự việc sẽ bị trì
hoãn, kéo dài làm cho gia đình nạn nhân cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc.
Ðến khi dư luận quên đi thì vụ việc lại bị chìm xuồng, hoặc cùng lắm,
kẻ thủ ác sẽ bị vài năm tù. Như trường hợp tay Thiếu Úy Nguyễn Thế
Nghiệp đánh chết anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang bị 7 năm tù, là một
trong số hiếm hoi vụ án loại này được đưa ra xử!
Sự
việc khôi hài thứ hai là bài báo “Về sự ngộ nhận của Giáo Sư Ngô Bảo
Châu” đăng trên báo An Ninh Thế Giới và trên trang Công An Nhân Dân, của
tác giả Quý Thanh, nhằm chỉ trích bài viết “Về sự sợ hãi” của giáo sư.
Người
ta không hiểu vì sao sau một thời gian dài báo chí quốc doanh im lìm
trước bài viết của Giáo Sư Ngô Bảo Châu cũng như những cuộc tranh cãi
lùm sùm trên mạng xung quanh đó, nay lại lên tiếng muộn màng. Khiến cho
sự việc trở thành “bới… ra mà ngửi” như nhận xét của blogger Người Buôn
Gió?
Ðã vậy, bài báo nhằm mục đích hạ
thấp tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bằng cách bới móc đời tư và nhân thể,
“dạy đời” vị giáo sư nhưng lại sai lầm cả về lý luận lẫn phương pháp
tranh luận này đã bị phản tác dụng. Ngay lập tức, hàng loạt bài viết
trên các diễn đàn, blog cá nhân… đã đập lại lập luận cũng như giọng điệu
của tác giả Quý Thanh.
Sự việc càng
khiến cho những người hiểu chuyện cười ruồi, bởi nó đã chứng tỏ bộ mặt
thật của nhà nước VN. Ai có thành tích, thành tựu, nhân thân, hoặc bất
cứ điều gì… có thể làm đẹp mặt hoặc có lợi cho đảng thì đảng vơ vào như
là của mình, nhưng khi trái ý đảng thì đảng quật lại ngay. Giáo Sư Châu
như vậy chỉ mới là bị cảnh cáo nhẹ. Về chuyện này thì thiền sư Thích
Nhất Hạnh đã có bài học cay đắng hơn nhiều.
Nói
tóm lại, bài viết của tác giả Quý Thanh, tưởng là lập công cho đảng,
nhưng lại có tác dụng ngược. Rõ là hết khôn dồn đến dại.
Có
những sự việc, khi không thể đưa tin, như vụ bạo động Mường Nhé, thì
nhà nước VN bèn chơi trò phong tỏa thông tin. Nào cô lập khu vực Mường
Nhé, nào không cho phóng viên nước ngoài đến khu vực này… Ðến lúc cần
phải đưa tin, thì… cũng không phải là sự thật. Trang anh Ba Sàm có những
nhận xét rất hóm hỉnh về chuyện này:
“Người
phát ngôn: ‘Tình hình an ninh trật tự tại Mường Nhé ổn định.’ Hoan hô
TTXVN, dùng hình ảnh đồng bào ‘dân tộc Hà Nhì’ béo phì như vầy, đang
‘tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên tại địa điểm bỏ phiếu,’ để vạch trần
luận điệu dối trá của tụi ‘cực đoan’ cứ xuyên tạc là đồng bào Mông cực
khổ lắm, đang biểu tình, bỏ trốn… Và hoan hô cả trang điện tử của chính
phủ trong bài ‘Việt Nam luôn ưu tiên cao đảm bảo quyền của các dân tộc
thiểu số’ đã đưa hình ảnh ‘Bộ đội giúp làm nhà, định canh, định cư cho
đồng bào Mường Tè’ để chứng minh là tình hình Mường Nhé ‘đã ổn định’…”
Thế
giới có tin không? Không, bằng chứng là báo chí nước ngoài từ AP, AFP,
BBC, RFA, VOA, RFI… cho tới Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Công (Center
for Public Policy Analysis) tại thủ đô Washington, tiếp tục lên tiếng,
cung cấp những thông tin mới nhất về vụ biểu tình này. Và chính phủ Hoa
Kỳ thì tiếp tục điều tra.
Có nghĩa
là, từ nhân dân – trừ những người vừa quá mê muội vừa không biết đến
Internet là gì, đến cả thế giới chả ai nghe, chả ai tin vào nhà nước
CHXHCN VN nữa!
Thế nhưng vì sao “đảng ta” vẫn cứ nói lấy được, làm lấy được?
Lý giải những sự việc tương tự như trên, người ta chỉ có thể kết luận:
Hoặc
là đảng đã đáng giá quá thấp quần chúng nhân dân cũng như dư luận thế
giới, tưởng đâu từ trong ra ngoài cũng dễ tin như… thời “đảng ta” đánh
Mỹ. Hoặc chính “đảng ta” từ trên xuống dưới cũng chả còn tin vào lý
tưởng mình đang theo đuổi, tính chính danh, lập luận cũng như con đường
mình đang đi. Nên mới có lối làm càn, lý luận cùn, bất chấp logic, bất
chấp người nghe như thế! Mà thế thì nguy to rồi.
No comments:
Post a Comment