GS Nguyễn Văn bông (1929-1971) |
LTS: Nhân ngày
30/4/2011, báo chí Việt Nam có đăng lại thành tích ám sát Giáo sư (GS)
Nguyễn Văn Bông 40 năm trước của 2 biệt động Sài Gòn là Vũ Quang Hùng và
Lê Văn Châu. Ông Hùng sau này trở thành nhà báo, từng giữ chức phó Tổng
biên tập báo Công an Tp. HCM chính là tác giả của bài viết “Tôi ám sát người sắp là thủ tướng Sài Gòn“.
Trong bối cảnh chống khủng bố, Mỹ mở chiến dịch tiêu diệt Bin Laden bài
báo bị một số diễn đàn “lề trái” cho là “phản cảm”, “khó nuốt”.
Đàn
Chim Việt đã có cuộc phỏng vấn với bà Lê Thị Thu Vân, vợ góa GS Bông.
Sau năm 1975 bà tái giá với một nhà ngoại giao Hoa Kỳ là Lacy Wright và
lấy tên là Jackie Bong- Wright.
Mạc Việt Hồng (MVH): Thưa
bà, vừa rồi, nhân kỉ niệm 36 năm ngày “giải phóng miền Nam”, thống nhất
đất nước, một vài tờ báo đã đăng lại vụ ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông,
bà có đọc những bài báo này không và các chi tiết trong đó có gì khác
so với những điều bà đã biết từ trước tới nay?
Bà Jackie Bong- Wright (JBW):
Đây là lần thứ nhì ông Vũ Quang Hùng viết bài báo kể lại những chi tiết
hào hùng do ông dàn dựng và chủ mưu để ám sát GS Nguyễn Văn Bông. Lần
đầu tiên ông kể lại trên một tờ báo Sài Gòn cách đây 12 năm. Việc làm có
kế hoạch chặt chẽ của một tổ chức chuyên môn thực hiện ám sát theo lệnh
Hà Nội cho thấy đây là một âm mưu có tính toán tinh vi. Cách đây hơn 2
năm tôi có dịp gặp và phỏng vấn luật sư Phạm Văn Hùng ở San Jose, người
đã bênh vực cho anh Vũ Quang Hùng. Luật sư kể lại cho tôi biết những lời
biện hộ nào mà ông đã xin Tóa án tha cho những kẻ sát nhân, nhưng cảnh
sát VNCH có bằng cớ nên 2 anh Hùng, Châu và đồng bọn phải đi tù.
MVH: Cũng
có một số phản ứng, nhất là trên các trang ‘lề trái’ cho rằng việc đăng
tải theo kiểu ca ngợi chiến công của những kẻ đánh bom này thật là phản
cảm và khó nuốt trong bối cảnh chống khủng bố hiện nay, ý kiến của bà
như thế nào?
JBW:
Ở một số quốc gia hải ngoại và cộng đồng người Việt tại Mỹ, Tây Âu… họ
đau buồn tưởng niệm tháng Tư đen vì CS không tôn trọng những khế ước
quốc tế đã ký kết trong hiệp định Paris năm 1973. Họ còn lường gạt tất
cả để chiếm đánh miền Nam và nhuộm đỏ cả 2 miền Nam bắc theo chủ nghĩa
CS. Họ cũng trả thù và giam giữ hàng trăm ngàn người trong các trại học
tập cải tạo, giết chết không biết bao nhiêu mạng người. Nay họ lại tuyên
dương công trạng những kẻ sát nhân, khủng bố giết hại dân lành. Họ còn
nhân đó khen tặng những kẻ khủng bố, thật là một việc làm thất nhân tâm.
Tôi đau buồn trước chính sách vô luân lý, vô đạo đức này.
MVH: Có
thể nói quan niệm về khủng bố đã thay đổi theo thời gian. Ở vào thời
điểm Giáo sư Bông bị ám sát, trên thế giới cũng xảy ra nhiều vụ tương
tự, như vụ ám sát Tổng thống Kennedy hay vụ ám sát gia đình Tổng thống
Ngô Đình Diệm v.v. và Việt Nam khi đó đang trong tình trạng chiến tranh,
vậy có nên có cái nhìn thích hợp hơn trong bối cảnh như vậy?
JBW: Từ
cổ đến kim, việc sát hại, ám sát các nhân vật khác tư tưởng, khác đường
lối, khác nếp sống với mình đã được áp dụng từ thời đóng đinh chúa Giê-
su, hay đâm dao vào nhà lãnh đạo Caesar… rồi tới việc giết hại TT Ngô
Đình Diệm, Kennedy. Cho tới nay cái vòng luẩn quẩn đó vẫn tiếp tục, có
điều các cuộc ám sát khủng bố được thực hiện một cách tinh vi hơn. Không
phải trong bối cảnh chiến tranh mới có việc ám sát lãnh tụ của một đảng
hay một chính quyền nào đó. Lòng hận thù, ganh tị, gian ác là nguyên
nhân cơ bản. Trong bối cảnh nào, đây cũng là việc dùng bạo lực giết hại
người khác.
MVH: Khi vụ ám sát xảy ra bà và các con đang ở đâu và cuộc sống tiếp theo sau đó diễn ra như thế nào?
JBW: Khi
vụ ám sát GS Bông xảy ra cách đây 40 năm thì tôi 30 tuổi và có 3 con, 2
cháu 6 tuổi (sinh đôi) và 1 cháu 4 tuổi. Tôi dọn ra khỏi ngôi nhà mà
chính phủ cấp cho rồi về ở với mẹ tôi. Tôi cũng đưa mẹ GS Bông và 2 em
cùng mẹ khác cha của GS Bông về sống chung với chúng tôi. Tôi không còn
đi dậy Pháp văn như 4 năm trước đó mà chuyển sang làm Giám đốc Văn hóa
hội Việt- Mỹ để tổ chức các cuộc hội thảo, các buổi thuyết trình, các
cuộc triển lãm tranh và ảnh, các buổi trình diễn văn hóa nghệ thuật.
Từ
đó tôi bắt đầu tranh đấu cho các quyền của nữ lao động như tiền lương,
quyền nghỉ nhiều hơn sau khi sanh con. Tôi cũng tranh đấu với quốc hội
của VNCH để thay đổi một đạo luật có từ thời Pháp thuộc. Vì thế mà năm
1974 đạo luật được thông qua cho phép phụ nữ được áp dụng các biện pháp
ngừa thai và có quyền quyết định thời gian cũng như số lần sinh nở.
Nhưng tôi chống lại việc phá thai.
MVH:
Trong bài báo kể trên, phía cộng sản đưa ra lý do ám sát Giáo sư Bông
vì ông là một trí thức có uy tín và có thể trở thành thủ tướng dân sự
của VNCH và điều này gây khó khăn cho ‘cách mạng’ nên họ loại bỏ ông? Bà
có biết chuyện ông sắp thành thủ tướng và có cảm nhận thấy những nguy
hiểm với gia đình mình không?
JBW: Sau
khi Ngoại trưởng Henry Kissinger thăm viếng Việt Nam lần đầu tiên và
gặp GS Bông thì báo chí cũng như chánh trị gia đều ủng hộ GS Bông, một
nhà trí thức trong sạch, chống tham nhũng, bất công, một người yêu nước
chống cộng lên làm thủ tướng để thay đổi guồng máy, làm quốc gia dân chủ
và nhân quyền hơn.
Vì thế mà CS phải
thủ tiêu bằng được nếu không thì “cách mạng” của họ không thành công
được vì GS Bông sẽ được lòng của dân chúng. Một ngày sau khi SG Bông
chấp nhận làm thủ tướng thì nhóm T4 của Vũ Quang Hùng ra tay ám sát để
loại đi một đối thủ mà họ khó có khả năng chống lại nổi. Trước đó, tôi
cũng nhận được những cú điện thoại hăm dọa và bản thân GS cũng đã một
lần bị ám sát hụt tại trường Hành Chánh Quốc Gia năm 1968.
MVH: Trong bài viết của ông Nguyễn Văn Tuấn
liên quan tới sự việc này, ông Tuấn nói, bà đã tố cáo ông Trần Thiện
Khiêm, người sau này làm thủ tướng là thủ phạm giết hại ông nhà, vậy
điều này có đúng không, thưa bà?
JBW: Trong
lúc đang tang gia bối rối thì có 2 nhà báo đến phỏng vấn tôi. Tôi có
nói rằng, tôi không biết ai đã giết hại chồng tôi vì không có bằng chứng
gì cả. Sau đó thì có vài tờ báo ở Sài Gòn cho là tôi tố cáo phe quốc
gia và thủ tướng Trần Thiện Khiêm giết hại chồng tôi. Tôi đã xin quý vị
đó đưa ra bằng cớ hay là CS muốn gieo vào đầu những người miền Nam tư
tưởng lệch lạc để tiếp tục chia rẽ.
MVH:
Bà có viết một cuốn hồi ký, “Autumn Cloud, From Vietnamese War Widow to
American Activist”, rất tiếc tôi chưa hân hạnh được đọc cuốn sách này,
nên xin hỏi, vụ ám sát chiếm vị trí ra sao trong cuốn hồi ký của bà?
JBW: Trong cuốn hồi ký “Mây Mùa Thu” được xuất bản năm 2001, có chương IV là “Ám sát và cảnh góa bụa“.
Ở chương này, tôi có kể từ năm 1963, sau khi tôi đi du học ở Pháp về và
bắt đầu cuộc sống chung với GS Bông (tr 121) và sau đó là vụ ám sát (tr
148-156). Tôi có kể về những cương lĩnh và hoạt động của GS Bông để đi
tới việc thành lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến đối lập với chính phủ
của TT Nguyễn Văn Thiệu mà vẫn giữ vững lập trường chống cộng và chống
tham nhũng. Sau đó tôi có kể những ai có thể đã giết GS Bông và kết luận
rằng đó là việc làm của CS.
MVH:
Vụ ám sát chắc chắn đã tác động lớn tới cuộc đời của bà và các con
nhưng có phải vì nó mà bà trở thành người hoạt động xã hội và tranh đấu
cho nhân quyền ở Việt Nam?
JBW: Chắc
chắn vụ ám sát đã tác động mạnh tới cuộc đời của tôi. Mất chồng, miền
Nam bị cưỡng chiếm, mất tất cả sự nghiệp và phải làm lại cuộc đời ở tuổi
35 trên mảnh đất Hoa Kỳ. Điều đó làm tôi thấy phải tranh đấu gấp bội
hơn khi còn ở Việt Nam. Có những người bị bệnh tới đứt mạch máu hay tâm
thần nhưng tôi không trốn được cuộc đời vì còn các con nhỏ dại nên phải
sống vì tương lai của các cháu.
Vì
thế tôi phải vượt qua tất cả khó khăn và tìm giải pháp tranh đấu không
những cho tôi và gia đình mà còn cho xã hội tôi đang sinh sống. Tôi tiếp
tục con đường GS Bông đã vạch ra, tôi giúp định cư những thuyền nhân tỵ
nạn, giúp họ có công ăn việc làm ổn định. Sau đó, tôi muốn họ có tiếng
nói và sức mạnh với chánh quyền và quốc hội Hoa Kỳ để họ bênh vực cho
những người dân thấp cổ bé họng ở Việt Nam.
Tôi
cũng bênh vực cho những nữ công nhân xuất khẩu lao động của VN để họ
không bị bóc lột và tham gia những chương trình giúp trẻ em được giáo
dục tối thiểu để tránh bị buôn bán ra nước ngoài làm nô lệ. Tôi chỉ là
giọt nước trong mênh mông mà thôi. Nhưng nếu có cả trăm triệu giọt nước
cùng hợp sức thì sẽ thành một biển cả bao la để thay đổi chế độ hiện nay
ở Việt Nam.
MVH: Kể từ năm 1975 bà và các con có về thăm Việt Nam không? Ai là người hương khói và chăm sóc mộ phần cho cố Giáo sư Bông?
JBW: Các
con tôi có về thăm mồ mả và quê hương. Còn tôi chỉ về Việt Nam khi nào
tôi bỏ được một lá phiếu tự do, có tính dân chủ để chọn người tài giỏi
lãnh đạo đất nước.
Ở Việt Nam tôi có
nhờ một người cháu họ nhang đèn trong chùa cho di cốt của GS Bông cho
tới năm 2005. Sau đó tôi nhờ bà chị thứ tám của tôi về VN đưa di cốt của
GS Bông sang Hoa Kỳ. Gia đình chúng tôi cùng hội Cựu sinh viên trường
Hành Chánh Quốc Gia miền Đông Hoa Kỳ đã mời hơn 200 người đại diện cho
các hội đoàn và bạn bè tham dự lễ An vị của GS Bông tại nghĩa trang Phật
Giáo ở Falls Church, Virginia. Từ đó tôi và các con chăm sóc hương khói
vì chúng tôi sống gần đó.
MVH:
Khi bà tái giá với tên Mỹ là “Jackie” và họ chồng là “Wright”, bà đã bỏ
hết họ tên của mình “Lê Thị Thu Vân” nhưng vì sao bà lại lấy thêm chữ
“Bông”? Vừa rồi trên mạng có một cuộc tranh cãi và có người cho rằng, bà
làm vậy để gắn tên tuổi của mình với người chồng nổi tiếng một thời, bà
nghĩ sao?
JBW: Trước
hết, việc tôi còn giữ tên Bông ghép vào với tên của chồng tôi hiện nay
là quyền cá nhân của tôi, xin tất cả mọi người hãy tôn trọng. Đó là
quyền tối thiểu của một người trong xã hội dân chủ.
Hai
nữa, trong cuốn hồi ký “Mây Mùa Thu” tôi có viết rõ tại sao những người
bạn Mỹ ở Việt Nam từ thập niên 1960 tới 1975 thường gọi tôi là Jackie
Bông. Vì họ không muốn khách sáo phải xưng hô là “Mrs. Nguyen Van Bong”
hay “Mrs. Bong”.
Ba nữa là sau khi
qua định cư tại Hoa Kỳ năm 1975, thì ông bà Sandy McDonnell, Chủ Tịch
McDonnell Douglas Aircraft, người bảo trợ đầu tiên của tôi chọn tên Mỹ
cho các con của tôi để chúng đi học. Tên Mỹ dễ kêu hơn tên Việt dài và
khó đọc cho người Mỹ. Chính ông Đại sứ Ellsworth Bunker, người bảo trợ
của chúng tôi tại Hoa Thịnh Đốn đưa ra ý kiến đổi tên luôn cho tất cả 4
mẹ con tại Tòa án ở Virginia. Vì thế, tên tôi lúc đó được đổi thành
Jackie (first name) va Bong (family name).
Thứ
tư, sau này khi tôi tái giá với ông xã tôi là Lacy Wright, người vẫn
quen gọi tôi là Jackie Bong từ ngày còn ở Việt Nam đã cho phép tôi giữ
lại chữ “Bông” và ghép vào tên “Wright”. Nếu ông xã không chịu thì tôi
cũng đâu có làm được. Vậy là tôi dùng tên Jackie Bong-Wright từ khi
chúng tôi cưới nhau đã 36 năm qua. Người Việt thường gọi tôi là “Jackie
Bong”, còn người ngoại quốc thì biết tôi “Jackie Bong-Wright”. Nếu có ai
khó chịu với cái tên này thì xin quý vị đó vui lòng “tha” cho tôi để
tôi được dùng cái tên quen thuộc đã trở thành “bản sắc” của mình.
MVH: Xin
được hỏi một câu mang tính giả định, nếu bà gặp lại 2 người đã ám sát
chồng bà là Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu thì bà sẽ nói gì với họ, liệu
bà có tha thứ cho họ không?
JBW: Nếu
tôi gặp lại anh Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu, 2 người đã ám sát GS Bông
thì tôi cũng vẫn giữ lập trường như xưa, khi còn ở Việt Nam là tôi sẽ
tha thứ và cầu nguyện cho 2 người này cũng như “bề trên” của họ là đảng
CSVN. Những cuộc ám sát đã làm nhiều người phía VNCH chết oan. Tôi chỉ
mong sao những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia sớm mở mắt, mở đầu
óc, mở tấm lòng vị tha, thay đổi như thế nào để dân chúng được những
quyền sống tối thiểu của con người và quốc gia được thực sự phát triển,
87 triệu người dân được yên lành.
© Jackie Bong- Wright
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment